Hướng dẫn 4 bước làm bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí

08 Tháng 10, 2019

Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là một trong hai dạng bài chính của câu nghị luận xã hội trong các đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia.. Tổng điểm cho phần nghị luận xã hội thường từ khoảng 1,5 cho đến 2 điểm và rất dễ để đạt số điểm tuyệt đối cho bài văn nghị luận xã hội.

Bởi thế, nếu muốn giành được số điểm tốt môn Ngữ văn, học sinh không nên chỉ tập trung vào câu nghị luận văn học mà bỏ qua câu nghị luận xã hội. Cụ thể các bước đạt điểm cao phần nghị luận xã hội sẽ được giới thiệu dưới đây

1, 5 phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội

Đầu tiên chúng ta sẽ học về 5 phương pháp làm bài nghị luận xã hội bao gồm diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.

Phương pháp diễn dịch: Là cách trình bày đi từ ý khái quát đến ý cụ thể. Câu mang ý khái quát (câu chủ đề) đứng ở đầu đoạn văn. Những câu còn lại trong đoạn làm nhiệm vụ triển khai, làm sáng rõ ý của câu chủ đề

Phương pháp quy nạp: Là cách trình bày đi từ những ý cụ thể, ý nhỏ để rút ra ý tổng quát, ý lớn. Câu mang ý khái quát (câu chủ đề) đứng ở cuối đoạn văn, chốt lại nội dung chính của toàn đoạn. Những câu bên trên làm nhiệm vụ triển khai nội dung

Phương pháp tổng – phân – hợp: Là cách trình bày đi từ ý chung đến ý cụ thể và được kết lại bằng một câu mang tính khái quát cao. Câu mở đoạn làm nhiệm vụ dẫn dắt, giới thiệu nội dung, những câu tiếp sẽ triển khai cụ thể nội dung và câu kết đoạn là chốt lại vấn đề. Đây là cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 11, 12 thường gặp nhất trong các đề thi tuyển sinh.

Hướng dẫn 4 bước làm bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí-1

Phương pháp móc xích: Là cách trình bày ý nọ có sự móc nối ý nọ với ý kia, câu sau phát triển, giải thích ý của câu trước. Câu sau liên kết, móc nối với câu trước qua việc lặp lại một vài từ ngữ của câu trước

Phương pháp song hành: Là cách trình bày các câu ngang nhau, không có câu nào bao chứa câu nào. Các câu trong đoạn văn sẽ cùng phối hợp với nhau để làm sáng tỏ nội dung cần truyền đạt

2, Dạng bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí

Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là sử dụng các thao tác lập luận để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến đạo đức, tư tưởng, lối sống, cách sống,.. của con người trong xã hội

Ví dụ một số đề bài mẫu nghị luận về tư tưởng đạo lí như sau:

Suy nghĩ của anh chị về câu nói: “Học, học nữa, học mãi” Của Lê nin?

Trình bày những suy nghĩ của em về truyền thống “Lá lành đùm lá rách/ lá rách ist đùm lá rách nhiều” của dân tộc ta

Em nghĩ gì về sự vô cảm, thờ ơ trong xã hội hiện đại ngày nay?

Nhìn chung, một số vấn đề về tư tưởng đạo lí bao gồm: Lí tưởng – lẽ sống, Quan hệ xã hội, Đạo đức – tâm hồn, Quan hệ gia đình và Cách ứng xử

cách làm bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí theo công thức 4 bước

Bước 1: Giải thích từ ngữ trọng tâm: Khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có),… Giải thích ý nghĩa tổng quát có trong câu nói, nhận định, câu chuyện mà đề bài nêu lên

Bước 2: Lần lượt bàn luận, phân tích các mặt đúng của vấn đề cần nghị luận. Học sinh nên đi từ những biểu hiện, tác dụng hoặc hiệu quả, tầm quan trọng của tư tưởng, đạo lí, sau đó nêu lên những dẫn chứng minh họa xác đáng. Nếu là bài văn nghị luận bác bỏ thì học sinh cũng lần lượt bàn luận, phân tích, phê phán các mặt trái của vấn đề, sau đó chỉ ra những thực trạng, tác hại và hậu quả của vấn đề đó đến các mặt của đời sống hay con người,…

Hướng dẫn 4 bước làm bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí-2

Bước 3: Mở rộng vấn đề cần nghị luận bằng cách giải thích, chứng minh. Mở rộng bằng cách đào sâu vào vấn đề đang phân tích, những khía cạnh liên quan. Hoặc mở rộng bằng cách lật ngược lại vấn đề, đặt những giả thiết đối lập để đem lại một góc nhìn khác cho vấn đề cần nghị luận.

Bước 4: Bước cuối cùng, học sinh phải rút ra bài học cho bản thân. Đặc biệt, học sinh phải thể hiện rõ ràng quan điểm cá nhân của chính mình: nếu là những biểu hiện tốt thì nêu rõ sự ngợi ca, suy tôn. Còn nếu là những biểu hiện xấu thì phải cực lực lên ác, bác bỏ, phê phán.

3, Đề luyện tập bài văn nghị luận kèm lời giải mẫu

“Người ta bảo ở bên Palestine có hai biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống cũng bị bệnh. Không một ai muốn sống ở gần đó. Biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút khách du lịch nhiều nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng có thể sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây ở đây tốt tươi nhờ nguồn nước này.

Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó mà tràn qua các các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.”

(Hai biển hồ – Trích Bài học làm người – NXB Giáo dục)

Anh (chị) hãy viết 1 đoạn văn khoảng 200 từ về bài học cuộc sống mà mình rút ra qua câu chuyện “Hai biển hồ” ở trên

Đáp án tham khảo từ tuyển tập những bài văn nghị luận xã hội đạt giải quốc gia

Bước 1: Giải thích ý nghĩa câu chuyện

Nghĩa đen theo khoa học: Biển Chết là do vị trí hồ không thuận lợi, xung quanh không có kênh rạch hay lối thoát nước nên nước từ thượng nguồn đổ về đây bị ứ đọng, dần dần sẽ tích tụ lượng muối lớn, làm cho nồng độ muối trong nước quá cao. Nước quá mặn dẫn đến không có sinh vật nào tồn tại được nên mới gọi là biển Chết. Còn biển Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người

Nghĩa ẩn dụ: Biển Chết là ẩn dụ cho những người ích kỉ, thiếu lòng vị tha, chỉ biết sống cho riêng mình còn biển Galile biểu tượng cho mẫu người giàu lòng vị tha, biết sống vì người khác, luôn mở rộng vòng tay cho và nhận. Thông qua hai hình ảnh trên chúng ta rút ra được bài học cuộc sống: Trong cuộc sống con người biết cho đi thì sẽ nhận lại được.

Hướng dẫn 4 bước làm bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí-3

Bước 2: Phân tích cho bài văn nghị luận xã hội:

Cho đi là san sẻ yêu thương, giúp đỡ người khác từ tấm lòng khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn. Còn nhận là được sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ từ người khác. Sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ đó nhiều khi xuất phát từ những gì ta cho đi. Nhưng ta cho đi không phải mong nhận lại những thứ đó mà chủ yếu là sẽ mang lại niềm vui, sự thanh thản và hạnh phúc cho con người

Vì sao trong cuộc sống thì nên cho đi? Cuộc sống không phải bao giờ cũng bằng phẳng, nên con người cần đến sự giúp đỡ của người khác. Vì thế sự cho đi sẽ giúp những con người khó khăn, hoạn nạn, cần chia sẻ để vượt qua được giai đoạn khó khăn, thử thách, giúp họ vững tin và hạnh phúc hơn trong cuộc sống

Cuối cùng, con người sống trong một cộng đồng nên phải biết chia sẻ, gắn kết. Sự cho đi sẽ tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giúp con người tồn tại và phát triển tốt hơn

Bước 3: Mở rộng vấn đề cho bài văn nghị luận

Ta mở rộng vấn đề bằng cách đặt ra câu hỏi Làm thế nào để cho đi? Ta cho đi bằng cách biết quan tâm, yêu thương người khác, biết sống bao dung, rộng lượng. Ta rèn giũa bản thân cẩn thận để có thể sống cho đi nhiều hơn

Bước 4: Kết thúc

Cho đi là một lối sống đầy nhân ái, văn minh mà con người nên có trong cuộc sống. Để cuộc sống trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn, mỗi con người đều nên biết cách sống cho đi.

Trên đây là toàn bộ kiến thức về cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng – đạo lí. Chi cần nắm vững 5 phương pháp làm đề nghị luận, từ đó áp dụng linh hoạt theo đúng cấu trúc 4 bước là các em có thể tự tin đối mặt với bất cứ câu hỏi nghị luận xã hội nào trong đề thi tuyển sinh THPT Quốc gia. Chúc các em ôn tập và đạt kết quả cao!

  • Sách CCBook – Đọc là đỗ

  • Địa chỉ: Số 10 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội

  • Hotline: 024.3399.2266

  • Email: [email protected]

Nguồn: ccbook.vn

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *