Thiên Hậu Thánh Mẫu, trong dân gian thường được gọi là “Má Tổ”, tức là “Bà”, là Hải Thần được tín ngưỡng nhất với cư dân duyên hải của người Trung Hoa thời xưa. Bà nguyên là người thuộc thôn Thượng Lâm ( nay là thôn Thạch Hậu) đảo My Châu, Huyện Phổ Điền, phủ Hưng Hóa, Tỉnh Phước Kiến. Cha tên là Lâm Nguyện, mẹ là Vương Thị, ông bà có với nhau 6 người con (5 gái và 1 trai). Bà là con út trong gia đình. Bà sanh vào năm đầu tiên đời vua Kiến Long thời Bắc Tống, tức năm 960 dương lịch, nhằm ngày 23 tháng 3 âm lịch năm Canh Thân. Khi sinh Bà, cả phòng đỏ hừng, có mùi hương thơm phức. Sau khi sinh ra đã một tháng, lúc nào Bà cũng trầm mặc, không tiếng, không khóc, nên cha Bà đặt tên là Lâm Mặc (im lặng). Dân gian Phước Kiến thích gọi người thiếu nữ bằng “nương”, do đó Bà cũng được gọi là “Lâm Mặc nương”
Bà thông minh, sáng suốt từ nhỏ. Năm tuổi, Bà đã đọc được “Quan Âm Kinh”. Tám tuổi, Bà theo thầy để học, đọc qua không quên, thâm hiểu văn nghĩa. Sinh tại miền duyên hải, thường tập bơi lội và chèo thuyền, Bà thông thuộc luồng nước. Mười ba tuổi, Bà được Huyền Thông Đạo Sĩ truyền thụ dịch lý, do đó Bà có khả năng xem xét thiên văn, tiên đoán khí tượng, thời tiết. Những ngư phủ và người đi buôn trên biển, thường gặp phải sóng to, biển động, bị nạn, nhờ sự chỉ dẫn của Lâm Mặc, mà được tai qua nạn khỏi. Lâm Mặc nương còn học y lý, biết dược tính, và lại thích bố thí, làm việc thiện. Bà quyết chí ở vậy, nguyện làm việc thiện giúp người khốn cùng hoạn nạn, bệnh tật, do đó Bà được người xa gần trong thôn kính nể. Có một lần, cha và anh ra biển gặp bảo tố, Bà đang dệt vải, biết chuyện không may, liền vận phép để cứu họ. Nhưng ngay lúc ấy có tiếng kêu của mẹ, Bà hốt hoảng tỉnh giấc, nên Bà chỉ cứu được cha, còn người anh bị chìm trong biển. Một lần khác,vì phải cứu thuyền ngư phủ bị thất lạc phương hướng trong sóng gió bảo tố, Bà đã đốt nhà mình để làm đèn “hải đăng” giúp họ thoát nguy, về nơi an toàn. Cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Bà cũng hy sinh ra khơi cứu người. Bà mất vào năm thứ tư đời vua Ung Hy, thời Tống, vào ngày mùng 9 tháng 9 năm 987, lúc 28 tuổi. Tinh thần hy sinh giúp nguời của Bà đã làm cảm động người dân trên đảo My Châu, họ không muốn tin rằng Bà đã chết, do đó truyền rằng Bà đã “mọc cánh thăng thiên” để ký thác sự hoài niệm đối với Bà. Sau này, tại My Châu người dân xây miếu, gọi là “Lâm Phu Nhân Miếu” để cúng bái. Sau khi mất, Bà vẫn thường hiển linh, cứu tàu thuyền bị nạn, nên nhiều người từ khắp nơi đều đến thắp hương, khấn vái Bà. Việc này truyền đến triều đình, nên nhiều đời vua đã ban sắc phong cho Bà. Bốn triều đại phong kiến Trung Quốc đã phong tất cả 36 sắc phong cho Bà: Triều đại nhà Tống phong 14 sắc phong; triều đại Nhà Nguyên phong 5 sắc phong; triều đại Nhà Minh phong 2 sắc phong; triều đại Nhà Thanh phong 15 sắc phong. Bà được phong tặng từ Phu Nhân, Quý Phi, Thiên Phi, Thiên Hậu cho đến Thiên Thượng Thánh Mẫu.
Thiên Hậu Thánh Mẫu không chỉ có tài cứu giúp người gặp nạn trên biển, mà quyền năng của Bà còn được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác, như chế ngự thiên tai, dịch bệnh, phù hộ xóm làng, trồng trọt, xây dựng, buôn bán… Cũng vì tinh thần hy sinh cứu khổ, cứu nạn của Bà, khi còn sống và sau khi mất, nên dân gian đã không ngừng sáng tạo những truyền thuyết để bồi đắp thêm quyền năng cho vị thần, vị Thánh Mẫu mà họ hết lòng tôn kính, tin tưởng và thờ phụng.
Ths: Võ Sơn Đông