Bên cạnh các hợp đồng dân sự có đối tượng là tài sản, các hợp đồng dân sự có đối tượng là công việc hay còn gọi là hợp đồng dịch vụ cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các cá nhân, tổ chức trong xã hội, bởi lẽ thương mại dịch vụ đã và đang phát triển phù hợp với những nhu cầu thực tế trong đời sống. Bộ luật Dân sự năm 2015 là văn bản mới nhất điều chỉnh chung về hợp đồng dịch vụ.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ về Hợp đồng dịch vụ là gì 2022? Đặc điểm hợp đồng dịch vụ? theo quy định pháp luật, từ đó giúp Quý vị vững vàng hơn trong việc xác lập, thực hiện hợp đồng dịch vụ.
Hợp đồng dịch vụ là gì?
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ, khai niệm hợp đồng dịch vụ được quy định cụ thể tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015.
Ví dụ về hợp đồng dịch vụ
A là chủ sở hữu tòa nhà Anpha, sau 1 thời gian hoạt động tòa nhà cần phải được vệ sinh lại cho sạch sẽ, do đó, Anh có ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh để thuê B dọn dẹp toàn bộ tòa nhà cho A và A sẽ trả phí dịch vụ dọn dẹp cho B.
Đặc điểm hợp đồng dịch vụ theo Bộ luật dân sự
Thứ nhất
: Khái niệm hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Thứ hai: Đặc điểm hợp đồng dịch vụ
– Có thể là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.
Thông thường, bên thuê dịch vụ là người hưởng lợi khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện công việc dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người thứ ba là người được hưởng lợi từ việc bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc.
– Có thể là dịch vụ đơn giản, có thể là dịch vụ phức tạp.
+ Trong hợp đồng dịch vụ giản đơn thì chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ.
+ Trong hợp đồng dịch vụ phức tạp sẽ có hai quan hệ: quan hệ giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ (gọi là quan hệ bên trong) và quan hệ giữa người làm dịch vụ và người thứ ba (gọi là quan hệ bên ngoài). Trong quan hệ bên trong, các bên phải thỏa thuận cụ thể về nội dung làm dịch vụ theo đó bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện những hành vi nhất định vì lợi ích của bên thuê dịch vụ. Trong quan hệ bên ngoài, bên cung ứng dịch vụ phải nhân danh mình để tham gia các giao dịch dân sự, mà không được nhân danh bên thuê dịch vụ để giao dịch với người thứ ba. Bên cung ứng dịch vụ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước người thứ ba, nếu pháp luật không quy định khác hoặc các bên không có thỏa thuận khác.
Thứ ba: Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ
Quyền và nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ:
– Bên thuê dịch vụ có quyền yêu cầu bên làm dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các nội dung khác mà hai bên đã thỏa thuận.
– Có quyền nhận kết quả công việc mà bên làm dịch vụ đã thực hiện.
– Có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên làm dịch vụ vi phạm nghĩa vụ. Khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bên thuê dịch vụ phải báo trước cho bên làm dịch vụ trong một khoảng thời gian hợp lý và phải trả tiền công theo số lượng, chất lượng mà bên làm dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại (nếu có).
– Trong trường hợp chất lượng, số lượng dịch vụ không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn do lỗi của bên làm dịch vụ, thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền công và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Bên thuê dịch vụ có nghĩa vụ cung cấp cho bên làm dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc nếu các bên có thỏa thuận hoặc việc thực hiện dịch vụ có yêu cầu.
– Bên thuê làm dịch vụ phải trả tiền công (thường gọi là tiền thù lao) cho bên làm dịch vụ theo thỏa thuận khi xác lập hợp đồng. Tiền công được trả tại địa điểm thực hiện dịch vụ khi hoàn thành dịch vụ, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ:
– Bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu bên thuê dịch vụ phải cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện dịch vụ vì lợi ích của bên thuê dịch vụ.
– Được phép thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên thuê dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên thuê dịch vụ nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên thuê dịch vụ biết.
– Bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu bên thuê dịch vụ phải trả tiền công theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng các bên không thỏa thuận cụ thể, thì tiền công được xác định theo mức trung bình đối với công việc cùng loại tại thời điểm và địa điểm hoàn thành công việc.
– Bên cung ứng dịch vụ cũng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng như nghĩa vụ mà các bên đã cam kết.
– Bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện công việc đúng chất lượng, khối lượng, thời hạn và các điều khoản khác mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
– Không được giao cho người khác làm thay công việc, nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ.
– Phải bảo quản và giao lại cho bên thuê dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện dịch vụ sau khi hoàn thành công việc. Khi nhận tài liệu, phương tiện, thông tin nếu thấy không đầy đủ, không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc thì phải báo ngay cho bên thuê dịch vụ biết.
– Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian làm dịch vụ, nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng hoặc pháp luật có quy định. Bên cung ứng dịch vụ phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu được giao để làm dịch vụ hoặc trong quá trình làm dịch vụ đã tiết lộ bí mật thông tin.
>>> Tham khảo: Hợp đồng thương mại
Hợp đồng dịch vụ có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định như sau:
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Theo đó, người thực hiện công việc, hay thực hiện dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Song cũng cần lưu ý, khi Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ 2021 có hiệu lực, một số hợp đồng với tên gọi khác nhưng có tính chất của hợp đồng lao động được coi là hợp đồng lao động, theo đó, các bên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội đúng quy định.
Ngoài ra, nếu cá nhân cung ứng dịch vụ muốn tham gia bảo hiểm xã hội có thể nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú để có thể hưởng các chế độ của bảo hiểm này.
Hợp đồng dịch vụ có thời hạn bao lâu?
Pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể về thời hạn của hợp đồng dịch vụ, theo đó, thời hạn của hợp đồng dịch vụ sẽ theo thỏa thuận của các bên (bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ). Thông thường, hợp đồng dịch vụ chấm dứt khi dịch vụ được thực hiện xong, hay công việc được hoàn thành theo thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, trong trường hợp cụ thể, hợp đồng dịch vụ có thể chấm dứt do các sự kiện không phụ thuộc vào ý chí của các bên như: một trong các bên chết, hoàn cảnh thay đổi cơ bản không còn thực hiện được hợp đồng, một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng,…
Mẫu hợp đồng dịch vụ mới nhất 2022
Tải (Download) mẫu Hợp đồng dịch vụ
Tư vấn hợp đồng dịch vụ qua Tổng đài tư vấn 19006557
Thực tế, trong quá trình chuẩn bị, xác lập và thực hiện hợp đồng dịch vụ, Quý vị thường gặp phải không ít những băn khoăn, thắc mắc như:
– Để giao kết hợp đồng dịch vụ cần những điều kiện gì?
– Thời hạn thực hiện hợp đồng dịch vụ bao lâu?
– Hợp đồng dịch vụ có phải công chứng, chứng thực?
– Hợp đồng dịch vụ chấm dứt trước thời hạn được không?
– Vi phạm hợp đồng dịch vụ xử lý như thế nào?
– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng dịch vụ?
Nếu không có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, những vấn đề trên khó được tháo gỡ, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích khi soạn thảo, thực hiện hợp đồng. Để nhanh chóng tháo gỡ những thắc mắc của mình, Quý vị có thể liên hệ đến Công ty Hoàng Phi qua Tổng đài tư vấn 19006557.
Với nhiều năm kinh nghiệm cùng đội ngũ chuyên viên giàu kinh nghiệm, chắc chắc Quý vị sẽ có được câu trả lời chính xác trong khoảng thời gian ngắn.
Trên đây là nội dung bài viết về hợp đồng dịch vụ theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 LuatHoangPhi.Vn gửi tới Quý độc giả, trường hợp cần tư vấn thêm, Quý vị có thể liên hệ với TỔNG ĐÀI TƯ VẤN 19006557 để được tư vấn.