Hiểu về Tứ Phủ – TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU – ĐẠO MẪU VIỆT NAM

Tứ phủ là một tín ngưỡng lâu đời của người Việt, là cầu nối đời sống tinh thần và sự hưởng thụ tâm linh thiêng liêng của con người với các vị thần thánh.

Tứ phủ là một khái niệm có quan hệ mật thiết với tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam, và cũng là nhánh tín ngưỡng phổ biến nhất của Đạo Mẫu.

Trong quá trình phát triển của Đạo Mẫu nói chung và Tứ phủ nói riêng thì đôi khi cũng có những vị Thần thuộc các văn hóa khác cũng được kết nạp vào hệ thống điện thần của Tứ phủ. Ví dụ như nữ thần Thiên Y A Na của người Chăm được nhập vào hệ thống Tứ phủ và thờ làm Mẫu Thiên. Trong khi đó, nhiều tài liệu cho rằng ở miền Bắc, Mẫu Thiên lại là Liễu Hạnh Công chúa. Bà cũng được coi là Mẫu Địa phủ, vị Mẫu thứ tư. Tứ phủ là khái niệm liên quan mật thiết với Tam phủ – hệ thống ba vị mẫu đệ nhất, đệ nhị, và đệ tam.

Có tài liệu cho rằng hệ thống Tứ phủ được xây dựng từ Tam phủ cộng thêm mẫu Liễu. Tuy nhiên, do các tín ngưỡng Việt Nam hầu như chỉ được gìn giữ từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền khẩu mà không có tài liệu rõ ràng và ít được nghiên cứu. Do đó từng vùng, từng miền đều có những đa dạng khác nhau, và được giải thích theo nhiều hướng khác nhau.

Tuy nhiên dù ở đâu thì Tứ phủ cũng mang những yếu tố cơ bản như sau:

– “Phủ” trong Tứ Phủ mang nghĩa rộng và bao quát, tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ:

–  Thiên phủ: miền trời, ứng với màu đỏ

–  Địa phủ: miền đất, tương ứng với màu vàng

–  Thoải phủ: (thủy phủ) miền sông biển, tượng trưng bởi màu trắng

– Nhạc phủ: miền rừng núi, ứng với màu xanh (giống với màu xanh lá cây)

Vị Thánh đứng đầu mỗi Phủ như vậy là một vị Thánh Mẫu:

–  Mẫu Thượng Thiên cai quàn Thiên phủ

–  Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản Địa phủ

– Mẫu Thoải cai quản Thoải phủ

– Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ.

Hầu cận cho bốn vị Thánh Mẫu còn có nhiều vị Thánh thuộc các hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, Cô, Cậu… cũng phân theo 4 phủ cùng những màu tương ứng như các vị Thánh Mẫu kể trên.

Theo sắp xếp thứ tự của các cụ ngày xưa là: thiên, địa, thoải, nhạc (do nhạc xuất hiện sau)

Ngày nay thì trong các khoa cúng và bản chầu văn sắp xếp theo thứ tự cao nhất là tầng trời, tiếp đến cao nguyên rừng núi, sau đó là vùng sông nước, cuối cùng là vùng địa phủ, như sau:

1. Đệ nhất thượng thiên

2. Đệ nhị thường ngàn

3. Đệ tam thoải phủ

4. Đệ tứ khâm sai (Đệ tứ địa phủ)

II. Các vị Thánh Mẫu

1. Mẫu Thượng Thiên

Mẫu Thượng Tiên là người cai quản Thiên phủ, sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp liên quan tới thời tiết và vụ mùa. Chính vì thế, cầu mưa là nhu cầu đầu tiên của cầu Mẫu Thượng Thiên. Bởi vì trong xã hội Việt cổ trồng cây lúa nước miền nhiệt đới thì mưa là mối quan tâm bậc nhất của của nông dân.

Mẫu Thượng Thiên đôi khi chỉ được gọi bằng cái tên chung chung như Mẫu Đệ Nhất. Mẫu hay được khắc hoạ với tông màu đỏ, màu của Thiên Phủ. Tượng Mẫu Đệ Nhất thông thường được đặt chính giữa, hai bên là tượng Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải.

Mở rộng:

Về mối quan hệ giữa Mẫu Thiên Tiên và Mẫu Liễu Hạnh, ta có thể hiểu như sau:

Có thuyết cho rằng, vì cai quản Thiên phủ vốn tách biệt với đời sống dương gian, Mẫu Thượng Thiên đã ủy quyền đại diện trên nhân thế cho Mẫu Địa (tức Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu Thần Chủ).

Vì thế nên ở một số đền điện, Mẫu Liễu Hạnh được thờ ở ngôi Mẫu Thượng Thiên, mặc áo đỏ. Ở những đền điện như vậy thì ban thờ chỉ có Tam Tòa Thánh Mẫu thay vì đầy đủ Tứ Phủ Thánh Mẫu. Mẫu Thượng Thiên hay được thờ ngoài trời.

2. Mẫu Địa

Mẫu Địa là vị Thánh Mẫu cai quản miền đất đai và đời sống của con người và muôn vật. Quan niệm phổ biến cho rằng Mẫu Liễu Hạnh chính là Mẫu Địa, đồng thời là Thánh Mẫu Thần Chủ của Đạo Mẫu Tứ Phủ.

Mẫu Liễu Hạnh và hai nàng hầu Quỳnh Hoa, Quế Hoa. (Ảnh: dao-mau.fandom.com)

Trong thần điện, nếu có ba vị Thánh Mẫu (Tam phủ) thì vị trí chính giữa sẽ là Mẫu Địa (đồng thời đại diện cho Mẫu Thiên Tiên), mặc đồ màu đỏ. Nếu có bốn vị Thánh Mẫu (Tứ phủ) thì Mẫu Địa sẽ ngồi kế bên tay trái Mẫu Thiên Tiên, mặc đồ màu vàng.

Lưu ý: Tránh nhầm lẫn giữa Mẫu Địa (tức Mẫu Liễu Hạnh) với Địa Mẫu (tức Diêu Trì Kim Mẫu, thường được thờ trong miền Nam).

3. Mẫu Thoải

Mẫu Thoải – Tranh Hàng Trống. (Ảnh: nghệ nhân Lê Đình Nghiên và Nhà Hát Việt)

Huyền thoại và thần tích của Mẫu Thoải tùy theo từng nơi có nhiều khác biệt, tuy nhiên, cũng có những nét chung cơ bản. Đó là vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên quan trực tiếp với thủy tổ dân tộc Việt buổi đâu dựng nước. Trong thần điện Tứ Phủ, Mẫu mặc trang phục trắng, ngồi bên tay trái Mẫu Thiên Tiên.

4. Mẫu Thượng Ngàn

Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn chính sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Trong thần điện Tứ Phủ, Mẫu mặc trang phục xanh lá, thường ngồi bên tay phải của Mẫu Thiên Tiên.

Mở rộng thêm về mẫu Liễu Hạnh trong Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ:

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một vị Thánh quan trọng của cuộc sống tâm linh của người dân Việt Nam. Bà còn có các danh xưng khác như: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Mẫu Liễu.

Theo truyền thuyết dân gian , Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân”, “Chế Thắng Hòa Diệu đại vương” và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ Tát. Đây cũng là lí do vì sao đạo Phật và đạo Mẫu có một mối quan hệ vô vùng mật thiết và tại các nơi thờ Mẫu đều có thờ Phật.

Trong điện thần Tam phủ, Tứ phủ, Thánh Mâu Liêu Hạnh bao giờ cũng đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, mặc mũ áo đỏ, ngồi chính giữa, hai bên là Mẫu Thoải (bên trái) và Mẫu Thượng Ngàn (bên phải). Cũng có khi Bà đồng nhất với Địa Tiên Thánh Mẫu (Mẹ Đất). Dù ở đâu có điện thần thờ Mẫu, dù vị thần ở đó được thờ là ai, nam thần hay nũ thần, thì đều có linh tượng Bà. Chính vì vậy bà có thể được coi là vị Thần chủ của Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Nơi thờ chính của Bà là Phủ Dây (Vụ Bản, Nam Định), cũng là nơi quê hương của cha mẹ, chồng con của Bà. Phủ Sòng Sơn (Thanh hóa), nơi Bà hiến Thánh, Phủ Tây Hồ (Hà Nội), nơi Bà từng gặp gỡ, đàm đạo thơ văn cùng nhà thơ Phùng Khắc Khoan và các thư sinh họ Ngô, họ Lý. Ngoài những nơi chính đó ra, bà còn được thờ vọng ở khắp mọi nơi, trong Nam, ngoài Bắc, miền xuôi cũng như vùng núi.

III. Hệ thống điện thần

Nếu như gạt bỏ những sai biệt có tính địa phương, chắt lọc lấy những cái chung thì chúng ta có thể đưa ra một hệ thống điện thần của Đạo Mẫu như sau:

– Phật Bà Quan Âm

– Ngọc Hoàng

– Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu)

– Ngũ Vị Quan lớn (từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ)

– Tứ Vị Chầu bà (hay Tứ Vị Thánh Bà) là hóa thân trực tiếp của Tứ Vị Thánh Mẫu

– Ngũ Vị Hoàng Tử (gọi theo thứ tự từ Đệ Nhất tới Đệ Ngũ)

– Thập Nhị Vương Cô (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12)

– Thập Vị Vương Cậu (gọi theo thứ tự từ 1 đến 10)

– Ngũ Hổ

Ngũ hổ – Tranh Hàng Trống. (Ảnh: hatvan.vn)

– Ông Lốt (rắn)

Lý giải:

Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dung hòa nhiều yếu tố của Phật giáo và Đạo giáo. Vì vậy nên có một số Thần, Phật được đưa vào thờ cúng trong thần điện Tứ Phủ, chẳng hạn như Phật Thích Ca, Quán Thế Âm, Ngọc Hoàng Thượng Đế,.. Những vị Thần, Phật này thường được thờ ở ngôi cao hơn Thánh Mẫu. Tuy nhiên, về cơ bản tín đồ thường chỉ tập trung thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng xoay quanh hàng Thánh Mẫu trở xuống. Còn về các vị Quan lớn và các Ông Hoàng, họ đều có hóa thân là các nhân vật lững lẫy, mở mang bờ cõi, bảo vệ xã tắc an bình. Thêm nữa, sự xuất hiện của các vị thần nam thể hiện sự hài hòa âm dương, sự đa dạng, phi cực đoan trong quan điểm của người Việt. Cũng như thể hiện sự phát triển của một tín ngưỡng từ chỗ liên quan đến các yếu tố tự nhiên đến các sự kiện và nhân vật lịch sử.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *