Hiếu và tình trong ca dao dân ca người Việt

 (Nguyễn Thị Kim Phượng, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)

 

Khi đặt vấn đề Hiếu – Tình, chúng tôi muốn đề cập đến hai khái niệm thuộc về hai phạm trù khác nhau. Hiếu là một chuẩn mực đạo đức hằng thường được Nho giáo đặc biệt đề cao. Hiếu của Nho giáo được xây dựng trên nền tảng triết lý tôn ty, nhằm hướng đến sự trói buộc người dân vào bổn phận làm con. Còn Tình, ở đây là tình cảm lứa đôi, là biểu hiện của cảm xúc, xuất phát từ bản năng. Nó độc lập với lý trí, không bị chi phối bởi lý lẽ.

Trong một điều kiện xã hội quá xem trọng những đức hạnh có ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng và nâng chúng lên thành chuẩn mực đạo đức của xã hội như xã hội phong kiến Việt Nam thì Hiếu là một trong những phẩm chất được đề cao nhất. Ngược lại, những vấn đề về cá nhân như Tình yêu lứa đôi là vấn đề cấm kỵ, không được phép bàn tới. Nhưng tình cảm, tình yêu là một nhu cầu sinh lý tự nhiên, khi bộc phát mãnh liệt nó khó có thể chấp nhận sự gò ép theo một khuôn khổ được giới hạn bởi những quy định của đạo lý. Khi đó, sự “xung đột” giữa lý trí bổn phận và tình cảm cá nhân xảy ra, đẩy những người đang yêu rơi vào tâm trạng tiêu cực. Khi gặp gỡ nhau, họ mượn lời ca tiếng hát để tỏ bày và cũng là để giải thích cho những hành động có liên quan đến tình thế khó khăn mà họ đang phải đương đầu để người yêu hiểu được nỗi lòng. Mặc nhiên, ca dao dân ca phản ánh đời sống tình cảm đa dạng của người dân nói chung, ở đây là những diễn biến phức tạp của mối quan hệ Hiếu – Tình nói riêng. Nguyên nhân dẫn đến tính bi kịch và sự phức tạp của mối quan hệ Hiếu – Tình một phần là do sự cứng nhắc, thiên về lý trí của triết lý hiếu kính và sự vận dụng áp đặt dưới hình thức luật tục của các nhà cầm quyền phong kiến Việt Nam.

 

1. Chữ Hiếu trong kinh điển

Theo quan niệm của Nho giáo, Hiếu là một khái niệm đạo đức nền tảng, là cái gốc của mọi vấn đề về đạo đức, chính trị. Hiếu ảnh hưởng rất lớn đến sự thịnh suy của xã hội. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài viết tập trung vào mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình và đặt đối sánh với chữ Tình, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những nét nghĩa trong phạm vi luân lý.

Khổng Tử và Mạnh Tử giải thích nghĩa của Hiếu theo nhiều cách khác nhau, nhưng cơ bản vẫn thể hiện thống nhất hai nội dung. Một, dựa trên nền tảng tôn ty luận, Nho giáo xem cha mẹ là một bậc tôn trưởng, người con luôn phải chú tâm cư xử theo đúng những quy định của Lễ đối với bậc trên. Trong một lần trả lời Phàn Trì, Khổng Tử nêu một cách cụ thể cách thực thi đạo Hiếu: “Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ”(1). Khi cha mẹ còn sống, người con phải kính dưỡng cha mẹ theo Lễ một cách chu đáo; khi cha mẹ chết, con phải theo Lễ mà chôn cất, cúng tế; khi thờ phụng lấy lễ mà tế tự cho nghiêm cẩn. Trong cư xử hàng ngày phải lấy nết thuận tùng làm đầu, dù phải chịu thiệt thòi hay lao khổ cũng không một lời oán thán (Sự phụ mẫu cơ gián. Kiến chí bất tùng, hựu kính, bất vi. Lao nhi bất oán”)(2). Nội dung thứ hai là hệ quả của nội dung thứ nhất. Nội dung này nêu ra mục đích và chỉ rõ những việc người con phải làm theo đạo Hiếu. Người con luôn phải thờ kính và phụng dưỡng cha mẹ chu đáo là để báo đáp công lao dưỡng dục như trời biển của cha mẹ, nếu làm ngược lại, bị xem là bất hiếu. Mạnh Tử chỉ rõ năm điều bất hiếu: thứ nhất, lười biếng, không làm lụng để nuôi cha mẹ; thứ hai, cờ bạc, rượu chè quên đi việc phụng dưỡng cha mẹ; thứ ba, ham mê tiền tài, chú tâm vào vợ con không lo phụng dưỡng cha mẹ; thứ tư, chạy theo dục vọng cá nhân làm cha mẹ xấu hổ; ham vũ lực, gây sự đánh nhau làm cho cha mẹ nguy khốn là điều bất hiếu thứ năm. (Thế tục sở vị bất hiếu giả ngũ! Nọa kỳ tứ chi, bất cố phụ mẫu chi dưỡng; nhất bất hiếu giã. Bác, dịch, háo ẩm tửu, bất cố phụ mẫu chi dưỡng; nhị bất hiếu giã. Háo hóa tài, tư thê tử, bất cố phụ mẫu chi dưỡng; tam bất hiếu giã. Tùng nhĩ mục chi dục, dĩ vi phụ mẫu lục; tứ bất hiếu giã. Háo dũng, đấu ngận, dĩ nguy phụ mẫu; ngũ bất hiếu giã)(3).  Từ năm điều này, Trình Di, đời Tống, đã phát triển thành tám điều, trình bày trong Minh đạo gia huấn(4), một trong những quyển sách “giáo khoa” quan trọng được dùng giảng dạy trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến. Nó có vai trò không nhỏ trong việc truyền bá tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam.

Qua nội dung của năm điều bất hiếu, chúng ta thấy, mặc dù Mạnh Tử chỉ rõ năm điều cụ thể mà người con không nên làm để tránh phạm vào tội bất hiếu, nhưng thực chất ý nghĩa cốt lõi mà Mạnh Tử hướng đến là khuyên dạy người con kiềm nén mọi ham muốn cá nhân, tập trung trí, lực vào việc giữ gìn sự an vui cho cha mẹ, tránh cho cha mẹ mọi sự phiền luỵ, nhằm báo đáp công sinh dưỡng của cha mẹ. Đây là giá trị luân lý rất được Nho giáo nguyên thủy đề cao. Kinh thi có lần nhắc đến công lao cha mẹ một cách bi thiết: “Ai ai phụ mẫu. Sinh ngã cù lao”(5).  Với tinh thần đó, Nho giáo hướng mọi hành xử của người con vào mục đích bảo toàn chữ Hiếu, trọn đạo làm con. Xem lại năm điều bất hiếu, điều thứ ba đề cập đến hai giềng mối cơ bản phụ – tử và phu – phụ, muốn trọn chữ Hiếu người con phải xem nhẹ mối quan hệ phu – phụ, để toàn tâm, toàn ý phụng dưỡng và kính trọng cha mẹ. Thậm chí, theo quan niệm của Nho giáo mục đích cuối cùng của việc gây dựng mối quan hệ “phu – phụ” cũng nhằm vào sự bền chặt của mối quan hệ “phụ – tử”, đưa đến sự toàn vẹn của chữ Hiếu. Mạnh Tử bảo rằng: Sinh ra con trai muốn cho con lập gia thất. Sinh con gái, muốn cho con có gia đình. Đó là tâm nguyện của cha mẹ, tất cả các bậc cha mẹ đều ước muốn như vậy (Trượng phu sinh, nhi nguyện vị chi hữu thất; nữ tử sinh, nhi nguyện vị chi hữu gia. Phụ mẫu chi tâm; nhơn giai hữu chi)(6). Việc lập thành gia thất vừa thuận theo lẽ tự nhiên, bảo tồn giống nòi, vừa là tâm nguyện duy trì dòng tộc, giữ gìn sự thờ tự cho cha mẹ (bổn phận của người con trai). Đây là một trong những điều đại hiếu. Không làm được điều đó, người con phạm vào tội đại bất hiếu. Mạnh Tử, theo lời Kinh lễ tổng kết: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại.” (Bất hiếu có ba tội, trong đó, không có con nối dõi là tội lớn nhất)(7). Điều này quan trọng đến nỗi nó có thể được phép vượt qua cả Lễ như trường hợp của vua Thuấn. Vua chưa trình qua cha mẹ mà đã tự ý lập gia thất là vì vua đang ở trong tình thế bị hối thúc bởi nhiệm vụ duy trì dòng tộc. Hơn nữa, cha mẹ của vua không đảm đương được trách nhiệm làm chủ hôn sự của con (cha ngu đần, mẹ ác độc). Tuy nhiên, đây chỉ là một trường hợp mang tính cá biệt. Thực tế, tinh thần chung của Nho giáo, cơ sở triết lý hiếu kính vẫn dựa trên nền tảng của Lễ để giữ cho các giềng mối trong gia đình luôn bền chặt. Việc hôn sự của con cái phải để cho cha mẹ, là bậc trên quyết định. Việc này vừa có ý nghĩa con cái tỏ lòng tôn kính của mình với cha mẹ vừa giữ một nề nếp trật tự trên dưới từ trong gia đình. Đồng thời, qua phép hành xử này thể hiện nghĩa tri thâm ân dưỡng dục của cha mẹ mà người con luôn phải khắc ghi. Con cái không được tự ý cậy nhờ mai mối, hay lén lút khoét vách nhìn nhau, vượt tường dắt díu nhau tự tình. Vì làm như thế thì cả cha mẹ và người trong nước đều tỏ ý khinh miệt. (Bất đãi phụ mẫu chi mạng, môi chước chi ngôn, toàn huyệt khích tương khuy, du tường tương tùng, tắc phụ mẫu, quốc nhơn giai tiện chi).(8) Vượt quyền cha mẹ, làm cha mẹ buồn là hành động của những đứa con bất hiếu. Bất hiếu là một trong những hành vi bị xếp vào loại đại ác trong cổ luật Trung Quốc và Việt Nam. Giới hạn trong mối quan hệ với chữ Tình, chữ Hiếu được vận dụng để xây dựng nên những điều luật nhằm ngăn cấm sự kết giao vượt Lễ của đôi bên nam nữ.

 

2. Hiếu trong quan hệ với Tình biểu hiện qua cổ luật Việt Nam

Với quan niệm xem gia đình là gốc của xã hội, kết hợp với triết lý tôn ty của Nho giáo, nhà cầm quyền phong kiến Việt Nam cho rằng chuyện hôn sự của đôi lứa liên quan mật thiết đến những mối quan hệ khác và có ảnh hưởng đến sự vinh nhục của một gia đình, sinh ra tác hại cho xã hội. Vì thế, triết lý Hiếu thuận mà Nho giáo xuất xướng được vận dụng làm cơ sở lý thuyết để lập ra những điều luật về hôn nhân. Những người đứng đầu nhà nước cũng dựa vào đó để đưa ra những lời giáo huấn, kết hợp với những định lệ của các làng xã do các nhà nho lập ra nhằm vươn tới một mục đích chung là đôn đốc nhân luân, hướng phong tục theo chính đạo. Từ mục đích này, nhà cầm quyền với sự hỗ trợ tích cực của các nhà nho bảo thủ, khái niệm Hiếu kính của Nho giáo trở thành những giáo điều thấm dần vào đời sống tinh thần người dân Việt, giúp hình thành nên một phần nhân cách của người Việt.

Cổ luật có một số điều dành đặc quyền cho cha mẹ, tôn trưởng trong việc cưới gả như điều 314, Lê triều hình luật quy định: “Kẻ cưới vợ nhưng không đủ sính lễ để đưa đến nhà cha mẹ đàng gái, (nếu cha mẹ chết cả thì đến nhà người trưởng tộc hay trưởng làng) để xin cưới, còn thành thân cẩu thả thì bị biếm một tư, phải nộp tiền tạ (xin lỗi) xử theo luật sang hèn (nếu cha mẹ chết cả thì nộp cho trưởng tộc hay trưởng làng), người con gái bị đánh 50 roi”(9). Như vậy, điều luật đã gián tiếp khẳng định hai hành vi hợp pháp: cưới hỏi phải có đủ lễ nghi; hôn sự phải được trình qua bậc trên và phải được sự chấp thuận của họ. Nếu vi phạm, hai bên trai gái đều bị phạt tội. Còn Luật Gia Long, chương Hôn nhân khẳng định quyền chủ hôn là do cha mẹ, ông bà hay những người khác trong dòng họ, thuộc bậc trên, tuyệt nhiên con cái không được tự mình làm chủ: “Cưới gả đều do ông bà cha mẹ làm chủ hôn. Nếu không có ông bà cha mẹ thì do những người thân thuộc khác làm chủ hôn”(10).

 Qua các điều luật chúng ta thấy, những thủ tục lễ nghi được luật hóa lâu dần trở thành phong tục bắt buộc để hôn sự của đôi bạn trẻ được xã hội thừa nhận. Sự chặt chẽ và khắt khe của luật lệ đã gieo tâm trạng lo lắng và hạn chế sự tự do yêu đương, chọn bạn đời của các chàng trai, các cô gái. Bài ca dao sau phản ánh điều đó:

Gặp nhau giữa quãng đường này

Xóm làng thì ngái, mẹ thầy thì xa

Lấy ai định liệu cho ta?

Mặt lại nhìn mặt, tay đà cầm tay(11).

Đôi trai gái, khi trao gởi tình cảm cho nhau, sau những xúc cảm nhất thời, họ bừng tỉnh, rơi vào tâm trạng lo lắng. Họ lo lắng cho kết cục mối duyên này sẽ đi đến đâu khi mà họ không có đủ các điều kiện để hoàn tất thủ tục kết hôn theo yêu cầu của xã hội, cuộc hôn nhân của họ được xem là “hợp pháp”. Sự lo lắng của họ không hề thái quá vì những việc đó không đơn thuần chỉ là thủ tục mà đó là những chuẩn mực đạo đức. Cả hai mặt, với bổn phận làm con và trách nhiệm của một công dân họ phải biết giữ Lễ, sống chừng mực khuôn phép, không được buông thả theo cảm xúc. Sống khuôn phép theo những quy định của Lễ là đạo lý hằng thường, đây là cơ sở để xã hội đánh giá nhân cách của một người.

 Cùng với luật lệ, những lời giáo huấn của các vua luôn được rao giảng nhắc nhở mọi người hành xử theo lễ nghi, giữ gìn phong tục thuần hậu đã làm cho đạo lý Nho giáo trở thành những giáo điều ăn sâu vào tâm thức của người dân. Vua Lê Thánh Tông ban bố hai mươi bốn điều huấn dụ, trong đó điều thứ mười tám có nội dung ngăn cấm trai gái gần gũi theo quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân”. Vua nhắc nhở: “Các viên phủ huyện đều chiếu theo địa phận sở tại, cắm thẻ bài răn cấm trai gái không được tắm cùng một bến, để tỏ sự phân biệt về lễ phép”(12). Điều mười chín tiếp theo lại thúc đẩy việc truyền bá, giáo hóa nội dung của các điều huấn được ban, đảm bảo một sự thấm nhuần lễ giáo phong kiến đến mọi cá nhân. Vua dụ rằng: “Xã thôn nên chọn một, hai người tuổi cao, đạo đức học lực khá, phẩm hạnh tốt, làm người đứng đầu, cứ những ngày nhàn rỗi, đưa nhân dân đến đình quán, công sở hội họp, giảng giải lời cáo dụ, để cùng nhau trông vào đấy mà làm điều lành, cùng tiến tới phong tục tốt đẹp”(13). Sau này, vua Minh Mạng có mười điều huấn, trong đó có điều thứ tám với nội dung Răn giữ lòng dâm, tiểu mục thứ nhất có nhắc đến: “Trong sự giao tế giữa nam nữ, tình dục rất dễ mê hoặc, nếu không dùng lễ đề phòng, thì đầu mối của nó tuy rất nhỏ mà cái họa gây ra lại rất lớn…”(14) Vua Minh Mạng nhấn mạnh vào tác hại do sự quan hệ phóng túng của nam nữ gây ra. Cho thấy việc yêu đương, tự tình, lập thành gia thất không phải là những lề thói cho phép luông tuồng, cần thiết phải được điển hóa để nâng chúng lên thành chuẩn mực buộc mọi người phải phục tùng tuyệt đối. Insun Yu, khi nghiên cứu về pháp luật triều Lê đã nhận xét: “Quan niệm Nho giáo về mối quan hệ vợ chồng đã được đề cao đến tột bậc về phương diện pháp lý đối với người Việt Nam”(15).

Trở lại vấn đề về sự băn khoăn, lo lắng của đôi bạn trẻ, theo những quy định của luật tục thì họ đã “Mặt lại nhìn mặt, tay đà cầm tay” là một hành động phá cách, vượt Lễ, vi phạm những điều cấm răn. Vì thế, họ mang tâm trạng hoang mang, lo sợ. Tâm trạng này bàng bạc trong ca dao dân ca vì chính sự cứng ngắt thái quá của luật tục khó có thể dung hợp với sự bộc phát bản năng của tình cảm đã đưa tới những bi kịch mà người con phải mượn lời ca tiếng hát để giãi bày.

 

3. Chữ Hiếu trong ca dao dân ca

Khi khảo sát 12.487 bài ca dao trong Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính chủ biên, nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành năm 2001, chúng tôi nhận thấy về cơ bản chữ Hiếu trong ca dao dân ca vẫn dựa trên nền ý nghĩa của chữ Hiếu Nho giáo. Tri thâm ân dưỡng dục của cha mẹ để đáp đền, thuận ý cha mẹ để tỏ sự hiếu kính, làm cho cha mẹ vui lòng là bổn phận của người con hiếu thảo. Bài ca dao mà người Việt Nam nào cũng nằm lòng đã thâu tóm nội dung đó:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Bài ca dao giải thích rõ lý do của sự hiếu kính và chỉ ra cách hành xử theo Hiếu cho người con. Nội dung tập trung vào lý trí, nhắc nhở người con về bổn phận, về đạo làm người. Đây là nét nghĩa hiếu kính của Nho giáo được người dân vận dụng xuyên suốt để dạy dỗ con cái, nhắc nhở nhau trong cách cư xử với bậc sinh thành. Nội dung này đã giúp người dân lý giải, gọi tên chính xác những hành vi thờ cha kính mẹ mà trước nay họ đã làm nhưng chỉ theo tập quán, và xuất phát từ tình cảm. Chúng ta biết vốn trong truyền thống người Việt đã tồn tại một chữ Hiếu xuất phát từ tình yêu thương cha mẹ hòa lẫn với triết lý hiếu kính của Phật giáo:

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Không triết lý viễn vông, không hành xử vô bổ, người con chứng tỏ sự kính yêu cha mẹ bằng những việc làm cụ thể, thường nhật:

Tôm càng lột vỏ để đuôi

Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.

(Một bài khác ghi: Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi/ Gạo nhe giã trắng mà nuôi mẹ già.)

Hay

Mẹ già ở tấm lều tranh

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Những hành động trên đã cho thấy chữ Hiếu ở đây mang ý nghĩa của một sự quan tâm, một tình thương sâu sắc không phải chỉ là bổn phận. Người con chọn những món ăn ngon nhất cho mẹ, thăm nom chăm sóc mẹ già thường xuyên để cho mẹ không thấy cô quạnh không vì một lý lẽ nào cả mà vì Tình mẫu tử. Tình cảm đó trở nên thiêng liêng khi người con đã siêu hình hóa sự tồn tại của nó bằng hành động cầu xin Trời, Phật kéo dài tuổi thọ cho cha mẹ để người con có thêm thời gian được thương yêu và yêu thương cha mẹ. 

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Đối với người con, được sống với cha mẹ, được chăm sóc và nhìn thấy cha mẹ vui vẻ là mong ước vô bờ. Đây chính là gốc nghĩa sâu xa chữ Hiếu của người Việt. Nó có sự khác biệt so với chữ Hiếu của Nho giáo, vốn xuất phát từ bổn phận, bị chi phối bởi Lễ và mục đích cuối cùng là tạo dựng một uy tín cá nhân để làm những việc lớn hơn. Người Việt chỉ mượn vỏ ngôn ngữ chữ Hán là Hiếu và một phần nội dung phù hợp với tâm thức dân tộc để chuẩn hóa ý nghĩa Hiếu kính của riêng họ, để cùng nhắc nhở nhau và răn dạy thế hệ sau. Những thế hệ sau, tiếp thu triết lý Hiếu kính như một chuẩn mực đạo đức cao đẹp nhất mà họ luôn phải bảo toàn, dù đôi khi phải kiềm nén, thậm chí hy sinh những nhu cầu cá nhân trong đó có sự say đắm của tình yêu đôi lứa.

 

4. Chữ Hiếu trong mối quan hệ với chữ Tình

Khi người con đến tuổi yêu đương, sự rạo rực của con tim, sự thôi thúc của tình cảm đẩy người con đến những ham muốn vượt qua sự ràng buộc về mặt lý trí của đạo lý. Nhưng thực tế, những đạo lý ấy đã là những chuẩn mực hằng thường mang tính truyền thống, ý thức về trách nhiệm với những người xung quanh đã kiềm giữ người con trong trạng thái dao động giữa lý trí và tình cảm, tạo một sự giằng co giữa Hiếu và Tình. Chữ Hiếu chiếm lấy tâm trí người con và chữ Tình cũng là một mối vấn vương khó gỡ bỏ. Người con thổ lộ:

Bây giờ buôn bán theo ai

Nặng đầu chữ hiếu, nhẹ vai chữ tình

Hiếu tình buồn bực trong mình

Sợ thầy hãi mẹ làm thinh vui cười.

Lời bộc bạch đã cho thấy sự xuất hiện của chữ Tình đã làm lung lay vị trí độc tôn của chữ Hiếu, đặt sự Hiếu kính của người con trước một thử thách. Tuy nhiên, chữ Hiếu với sức mạnh của lý trí kết hợp với “tình thâm” như người con đã từng nói: “Phụ mẫu tình thâm, phu thê ngãi trọng”, vẫn có đủ khả năng để khống chế hành vi của người con “Sợ thầy hãi mẹ làm thinh vui cười.”

Thực ra, người con không cần quá lo lắng. Nếu đạo lý quy định cho người con bổn phận phải hiếu kính với cha mẹ, thì ngược lại đối với cha mẹ, ngoài trách nhiệm nuôi dạy con nên người, cha mẹ còn phải lo việc lập thành gia thất của con và đó cũng là sở nguyện của cha mẹ mà Mạnh Tử đã đề cập. Trong ca dao, các bậc sinh thành luôn tâm niệm:

Nuôi con những tưởng về sau

Trao duyên phải lứa, gieo cầu phải nơi.

Nếu con cái có thể chọn được nơi duyên vừa ý đẹp thì với những bậc sinh thành luôn sống vì con, không quá xem trọng những ràng buộc khắt khe của tục lệ sẽ có những cách giải quyết hợp tình hợp lý. Họ luôn hiểu và thông cảm cho con vì họ hiểu tình cảm là một thứ khó kiểm soát, không thể bức ép con phải kiềm nén:

Sinh con ai nỡ sinh lòng

Sinh con ai chẳng vun trồng cho con.

Về phía người con, trong chữ Hiếu bao hàm cả nội dung quy định bổn phận của họ là phải lập gia thất:

Thờ cha, kính mẹ đã đành

Theo đôi, theo lứa mới thành thất gia.

Về mặt đạo lý, để trọn đạo Hiếu thảo với cha mẹ, bên cạnh những việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ…hàng ngày, người con còn phải lo nghĩ đến việc lập gia đình. Lập gia thất chính là bổn phận duy trì nòi giống, tiếp nối sự thừa tự và để thỏa ý nguyện của cha mẹ. Một anh con trai không ngần ngại khi đưa ra mục đích của mình “Anh lấy em về thờ kính mẹ cha.” Chuyện hôn nhân lứa đôi không đơn giản là một thủ tục tác hợp tình duyên mà là một đạo lý gắn với tinh thần vì người khác, cha mẹ, gia đình, dòng họ… Ở đây có sự gặp gỡ, hòa hợp giữa hai bổn phận, bổn phận của cha mẹ là sinh, giáo, dưỡng dục và lập thành gia thất cho con và bổn phận làm tròn đạo Hiếu của người con. Cả hai, nếu ý thức đầy đủ về vị trí và bổn phận của mình sẽ mang đến một sự hòa mục trong gia đình, tạo nên sự ổn định, bền vững cho xã hội, theo quan niệm của Nho giáo. Như vậy, việc trai lớn lấy vợ, gái lớn theo chồng không chỉ là vấn đề tình cảm riêng tư mà còn là việc thực thi trách nhiệm của cá nhân với gia đình và xã hội. Chính vì tính hệ trọng này mà luật pháp và tục lệ phải can thiệp. Đồng thời, đối với những bậc sinh thành thì con trẻ chưa đủ trí khôn, kinh nghiệm để tự quyết chuyện hệ trọng này. Nếu mắc một sai lầm, sẽ gây ra một hậu quả nghiêm trọng, khó có thể khắc phục. Các bậc cha mẹ bảo rằng:

Mực văng vô giấy khó chùi

Vợ chồng, chồng vợ việc đời trăm năm.

Vì vậy, người con nên để cho cha mẹ định liệu dù đã thương nhau. Một cô gái bảo rằng:

Em thương anh không dám thị thiềng

Núp cây iếng (ẩn nấp) bóng chờ quyền mẹ cha.

Để cho cha mẹ định liệu chuyện “đời trăm năm” là một phần ý nghĩa của chữ Hiếu, vừa tuân thủ lễ giáo vừa tri thâm ân cúc dục. Trong hai ý nghĩa đó thì ý nghĩa thứ hai, báo đáp công sinh dưỡng như trời biển của cha mẹ là lý do xuyên suốt, thể hiện nhất quán trong những hành động mang tính chất hiếu thuận của người con. Họ luôn tự nhắc nhở:

Công sanh dục bằng công tạo hóa

Có cha mẹ sau mới có chồng

Em nhớ khi dìu dắt ẵm bồng

Cho nên ngày nay, dẫu thiên lao vạn khổ, em cũng vui lòng chẳng than.

Cô gái phân định rõ ràng sự trọng khinh giữa hai mối quan hệ, phụ (mẫu) – tử, phu – phụ. Cô xem trọng mối quan hệ phụ (mẫu) – tử hơn mối quan hệ phu – phụ vì một lý do cha mẹ là những người trước đây đã phải cực khổ nuôi dạy cô thành người thì ngày nay, cô phải đáp đền công lao đó. Đây là đạo lý làm người không chỉ giới hạn trong ý nghĩa của chữ Hiếu mà nó còn là hành động cụ thể của Nghĩa, nghĩa tri ân. Hiếu, Nghĩa lồng trong một hành vi càng cho thấy ý nghĩa nhân văn cao cả của những hành xử mang tính tri thâm ân cha mẹ của người con. Theo chúng tôi, lý do này giúp chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao người con luôn tự giác hy sinh những nhu cầu cá nhân, tình cảm riêng tư để giữ tròn đạo Hiếu.

Chúng tôi thống kê được có 69 trường hợp chữ Hiếu được đặt trọng hơn chữ Tình trong 336 bài có nội dung liên quan đến Hiếu – Tình. Người con trai kiên quyết bảo rằng:

Chỉ kim thương cha mẹ không thương

Dứt đạo cang thường, anh cam bụng chịu

Thôi thôi buông áo anh ra về, em bận bịu làm chi.

Người con trai chấp nhận rời bỏ tình riêng để giữ tròn đạo Hiếu vì anh tin chắc đó là một hành động đúng, đúng theo những gì anh được dạy bảo, đúng theo những gì xã hội quy định. Quan trọng hơn hết, trong người con trai ý thức vì người khác đã mách bảo anh xem nhẹ những ham muốn cá nhân. Nếu vì những ham muốn cá nhân mà chạy theo tình riêng thì không chắc anh đã cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Diễn biến tâm trạng của 20 trường hợp chàng trai, cô gái chọn theo Tình, tạm xa Hiếu đã chứng minh điều đó. Một cô gái đã thổ lộ nỗi lòng lo lắng và đầy vẻ hối hận:

Nhớ hồi mẹ đẻ thiếp ra

Nhai cơm sún nước, lớn mà chừng ni

Nghe lời chàng bỏ mẹ ra đi

Thất hiếu với phụ mẫu có hề chi không huơ (hở) chàng?

Tâm trạng ray rứt, hoang mang đeo bám cô gái vì cô hồ nghi mình đã phạm vào một tội rất lớn, tội bất hiếu. Trong một phút nông nổi, cô đã quên mất công lao dưỡng dục của cha mẹ để chạy theo tiếng gọi của con tim. Điều quan trọng hơn là cô đã bước qua những định lệ của xã hội, vượt qua lễ giáo, sự mạo hiểm này làm cô cảm thấy bất an. Bất an vì cô có thể bị mọi người khinh miệt bởi hành động chệch khỏi phạm vi đạo lý cho phép. Cô vốn biết rằng định kiến xã hội luôn xem hiếu kính là phẩm chất cao đẹp nhất trong nhân cách của một người.

Làm người trước liệu hiếu thân

Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con…

Ngay bản thân các cô khi chọn người bạn đời vẫn chỉ chú ý đến phẩm chất hiếu thảo của đối tượng. Một cô gái đã thẳng thừng bảo với một chàng trai rằng:

Thương chi mà khiến em thương

Trăm câu hiếu hạnh chưa vấn vương câu nào!

Cô đã chủ động từ chối tình cảm của chàng chỉ vì chàng không phải là người con hiếu thảo. Cô gái không quan tâm đến điều kiện vật chất, gia thế…, chỉ có mỗi nết Hiếu là tiêu chuẩn duy nhất mà cô gái yêu cầu người con trai phải có. Cô gái không ngần ngại nói với chàng trai:

Ở sao cho trọn đạo sinh thành

Thì em mới dám kết duyên lành với anh.

Việc một cô gái vi phạm đạo lý là cô tự đánh mất bản thân, tự hạ thấp mình trong con mắt của dư luận trong đó có cả chính cô thì sớm muộn sự thương yêu, quý trọng của người con trai dành cho cô cũng mai một. Cô thực sự rơi vào tình trạng chông vênh khi buông lỏng sợi dây đạo lý.

Qua diễn biến tâm trạng của những người đang yêu khi đứng trước sự chọn lựa Hiếu – Tình mà chúng tôi đã phân tích, chúng ta thấy được, theo truyền thống, chữ Hiếu đã có một vai trò quan trọng trong hệ tư tưởng của người dân Việt. Nó chiếm lĩnh ý thức hành xử và là thước đo phẩm hạnh của một người trong quan niệm của xã hội. Trong mối quan hệ với Tình, Hiếu là điểm quy chiếu cho mọi diễn biến về tình cảm, cũng như về hành vi của các chàng trai, cô gái khi vướng vào tình yêu. Muốn tròn chữ Hiếu phải lập gia thất, lập gia thất phải có sự thuận tình của cha mẹ. Đó là một tập tục mà người con hiếu thảo nào cũng phải tuân theo. Người con biết sống hiếu kính với cha mẹ luôn là chọn lựa hàng đầu để tiến đến mối quan hệ vợ chồng của các bạn trẻ. Chuyện tình duyên đôi lứa chịu sự chi phối và kiểm soát của Hiếu. Đối với chữ Tình, chữ Hiếu có một uy lực mãnh liệt nhiều lần nó xô ngã chữ Tình. Người con sẵn sàng từ bỏ tình riêng một cách cam chịu để bảo toàn chữ Hiếu như trên chúng tôi đã giới thiệu. Sự cam chịu của người con cùng với sự hỗ trợ của luật pháp và một số tục lệ của làng xã đã tạo điều kiện cho một số bậc sinh thành lạm dụng quyền hạn, tự cho phép mình khẳng định:

Áo mặc sao qua khỏi đầu

Làm sao mày cũng chẳng hầu khỏi ta.

Từ quan niệm độc đoán như vậy, họ đã tiến đến những hành động bất nhân, bất nhẫn như: ép duyên, gả bán con,… làm lỡ duyên con, mất đi ý nghĩa tốt đẹp của sự thảo cha hiếu mẹ. Trường hợp này khá phổ biến qua những lời than oán của “nạn nhân”. Chúng tôi tìm thấy có 35 bài chuyển tải nội dung liên quan. Một cô gái đã miêu tả tình trạng của mình:

Mẹ em tham gạo tham gà

Bắt em để bán cho nhà giàu sang

Chồng em thì thấp một gang

Vắt mũi chưa sạch ra đàng đánh nhau.

Lời của cô đã phản ánh một tệ nạn đau lòng diễn ra khá phổ biến trong xã hội phong kiến. Một số bậc sinh thành đã vì đồng tiền biến hôn nhân của con trẻ thành một cuộc gả bán, trao đổi, mặc cho cảnh tình của con ra sao. Lấy chồng mà chẳng đáng tấm chồng, phải chịu đựng cuộc sống vợ chồng không tình, không nghĩa và cũng không chắc đã đúng danh phận. Nhưng đau lòng hơn, xót xa hơn và cũng phẫn uất hơn khi người con phải về sống với một kẻ vũ phu, làm dâu một gia tộc bất lương vì một sự sai lầm của cha mẹ, họ hàng:

Bác mẹ em tham vội tham vàng

Hang hùm lại ngỡ hang vàng gả con.

Sống trong một gia đình như thế không biết thân phận của cô gái sẽ ra sao!

Trong khi đó, người con vì chữ Hiếu đã không dám cãi lời cha mẹ, không một mảy may suy tính cho bản thân. Người con gái ngậm ngùi cho thân phận bị động, phụ thuộc vào cha mẹ dù tình đã trao gởi cho người mình thương:

Chàng thương thiếp thì thiếp thương trả

Biết thầy mẹ ở nhà gả bán nơi nao.

Cứ như thế, họ cam phận sống trong tâm trạng đau buồn vì nhớ thương cố nhân, phẫn uất vì bị ép duyên nhưng không dám bộc lộ… Tệ hại nhất là đôi khi họ phải nổi loạn, vượt qua lễ giáo dù bản thân họ hoàn toàn không muốn. Ở những tình huống này nếu chúng ta nhìn về mặt hiện tượng, như là một sự chống đối lễ giáo. Nhưng nếu đi sâu vào bản chất thì vấn đề không hẳn như vậy. Theo thực tế khảo sát và những phân tích ở trên, chúng tôi xin phép được kết luận sự chống đối của người con phần lớn nhằm vào những trường hợp thái quá, thiếu nhân tính của những bậc cha mẹ không có từ tâm và những định lệ hủ bại của một số địa phương, như cách họ phản ánh:

Hai đứa ta chẳng quản giàu nghèo

Ngặt vì cha mẹ cứ theo cựu truyền.

Sự bức ép, tính chất phi nhân văn đã đẩy người con vào tình huống “phản kháng”. Một đôi lần người con bỏ ngoài tai những lời khuyên bảo của cha mẹ, tự cho phép mình nghe theo tiếng gọi của tình yêu:

Mẹ cha nói rứa mặc người

Đôi ta thương chắc lâu dài thì hơn.

Nhưng đó chỉ là những phản ứng nhất thời, số lượng không nhiều (6 bài), còn lại họ đều phải nghe theo cha mẹ. Hiếu với cha mẹ vẫn là một đạo lý cao nhất đối với những chuẩn mực luân lý của người Việt. Một cô gái đã tự nhận:

Lạy mẹ cha con đà lỗi đạo

Biết ngày nào trả thảo mẹ cha.

Vì ý nghĩa thiêng liêng của chữ Hiếu mà người con luôn tìm cách làm sao để dung hòa Hiếu – Tình, mang đến một sự hoàn hảo vừa trọn đạo Hiếu vừa thỏa Tình riêng. Giải pháp trước tiên được đưa ra là chờ sự đồng ý của cha mẹ trong chuyện tình duyên dù “tình trong như đã”, chắc chắn cha mẹ sẽ cảm thấy vui lòng và bản thân họ cũng thấy an tâm. Cô gái vừa tỏ ý mình vừa muốn nhắc nhở chàng trai:

Phụ mẫu sơ sanh, hãy để người định

Trong việc vợ chồng chờ lịnh mẹ cha.

Cô đã đưa ra sự trì hoãn một cách ý nhị, nhưng không thiếu sự thông minh, vừa dè dặt giữ ý vừa dứt khoát trong thái độ tuân thủ lễ giáo, trong hôn sự phải chờ cha mẹ quyết. Cô đã bảo toàn cả Hiếu, Hạnh và được cả sự tôn trọng, quý mến của người con trai vì anh cũng biết rõ:

                                    Đợi lịnh mẹ cha, anh đây cũng biết vậy

Nhưng em phải hứa chắc một lời anh sẽ cậy mai dong.

Cả người con trai lẫn người con gái đều hiểu rằng, họ phải chờ theo sự quyết định của cha mẹ trong chuyện tình duyên vì đó là một trong những hành động vừa theo đạo lý vừa chứng tỏ tình yêu thương tôn kính cha mẹ. Tuy nhiên, người con trai vẫn còn sự hoài nghi về mặt tình cảm. Anh cần một sự đảm bảo bằng lời hứa của người con gái thì mới an lòng. Lời hứa là biểu hiện cụ thể của tình cảm mà cô gái dành cho anh. Nó là một lợi thế trong những tình huống chữ Hiếu tạo áp lực, kéo người con gái rời xa chữ Tình. Điều này cho thấy trong chừng mực nào đó vị thế của chữ Tình phần nào cân bằng với chữ Hiếu. Nó là một điều kiện cần, quyết định của cha mẹ và những thủ tục hôn lễ là điều kiện đủ để đôi lứa tiến đến hôn nhân. Một cuộc hôn nhân được xem là hoàn hảo khi nó thỏa mãn cả hai điều kiện trên.

Ơn thầy bằng núi, nghĩa mẹ tày non

Hai ta là đạo làm con

Muốn duyên vừa ý đẹp phải cúi luồn mẹ cha.

Người con chọn một sự nhún nhường khôn ngoan, đảm bảo thỏa cái chung, đạt được cái riêng, đưa đến một kết quả trọn vẹn, mỹ mãn. Đây cũng chính là kết cục mà các cặp đôi đang yêu luôn mơ ước. Nó là một mơ ước bình thường nhưng không dễ trở thành hiện thực trong một xã hội mà mọi ham muốn, quyền lợi cá nhân đều bị gạt ra ngoài những ưu tiên của xã hội. Vì thế, đôi khi nhún nhường cũng chưa giải quyết được vấn đề, họ nài nỉ, kể cả van lạy: “Cha mẹ không thương thì miệng bẩm chân quỳ”. Nếu cần phải chịu đánh mắng họ cũng chấp nhận:

Cho dầu thầy mẹ không ưng

           Đèn chai nhỏ nhựa em cùng lăn vô.

Họ cố mọi cách để có thể được cha mẹ thừa nhận mối tình của họ. Bằng những cách đó họ có thể giữ trọn đạo Hiếu mà không phụ bỏ Tình riêng.

Từ những giải pháp mà người con tiến hành để dung hòa Hiếu – Tình giúp chúng ta hiểu rằng: Hiếu là một lý lẽ bất biến, Tình muốn dung hợp với Hiếu phải tự uốn mình cho khớp với cái khung mà Hiếu đã đặt ra. Chính cái khung Hiếu đã có tác dụng hai mặt. Một mặt, nó khống chế ham muốn cá nhân, không thừa nhận nhu cầu tự do yêu đương, chọn bạn đời của các chàng trai, cô gái. Mặt khác, nó là cái phanh hãm sự tuột dốc nguy hiểm của cỗ xe tình yêu đang quá say đắm, mất kiểm soát, như lời xác nhận của một cô gái:

Chỉ còn đương (đang) nối trong cuồn

Em còn phụ mẫu, luông tuồng sao nên.

Không phải vô cớ, hay quá phóng đại khi vua Minh Mạng nhấn mạnh tác hại của sự luông tuồng trong quan hệ nam nữ như vậy. Chúng ta thử suy gẫm về hành động của công chúa Mỵ Châu “Trái tim lầm chỗ để trên đầu” hay sự vượt Lễ của công chúa Tiên Dung đã làm vua cha tức giận.

Xét về mặt hành xử, chúng ta thấy lý lẽ hiếu kính dạy cho người con cách hành xử biết cân nhắc suy xét trên nền tảng đạo đức vì người khác, vì niềm vui của cha mẹ, vì danh dự của gia đình… Nó uốn nắn hành vi của người con theo một sự lễ phép, trên dưới nhất định tạo nên sự nề nếp của gia đình. Điều này hẳn có ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo văn hóa chung của một dân tộc.

Kết luận

Nho giáo được du nhập vào đất Việt từ hơn hai ngàn năm trước. Với khoảng một ngàn năm được chủ động tiếp nhận và hơn năm trăm năm được xem là chính đạo, được nhà nước phong kiến Việt Nam tích cực phổ biến khắp thôn xóm làng quê, trên mọi lĩnh vực: chính trị, luật pháp, giáo dục… đã đưa đến một kết quả như Phan Ngọc đúc kết: Nho giáo đã làm thành một thành tố trong tâm thức con người không thể thoát ly khỏi nó dễ dàng như cởi một cái áo khoác(16). Theo diễn tiến chung, chữ Hiếu của Nho giáo đã trở thành một đạo lý hằng thường chi phối phép tắc ứng xử của người con và là một trong những phẩm chất cơ bản hình thành nên nhân cách của một người. Nó trở thành thước đo phẩm hạnh của xã hội đối với một cá nhân. Có thể nói, ý thức về bổn phận với cha mẹ là nền tảng xây dựng ý thức vì người khác bắt đầu từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội của mỗi công dân. Vì thế, xã hội phong kiến quan niệm, nếu một người con biết sống hiếu thảo với cha mẹ, tất sẽ là một công dân có trách nhiệm với xã hội. Vả chăng, muốn xây dựng một xã hội phồn vinh, yên bình, mọi người đều phải quan tâm đến việc trau dồi nết Hiếu cho bản thân cũng như cả xã hội. Nhiều năm trước Phan Ngọc đã đưa ra vấn đề cho chúng ta suy ngẫm: “Nếu xã hội làm ngơ trước những đứa con bất hiếu, những học trò láo xược với thầy cô thì làm sao xây dựng được những con người sống có trách nhiệm?”(17)

Trong ca dao dân ca, ở thế đối sánh Hiếu – Tình, Hiếu đại diện cho cái chung, được đem cân nhắc với cái riêng là Tình, cái riêng tất yếu bị xem nhẹ hơn. Chữ Tình phải chấp nhận thế bị động để chữ Hiếu điều khiển, dẫn dắt. Chữ Tình thường phải nhận lấy sự thiệt thòi, hy sinh để bảo toàn chữ Hiếu. Trong những cuộc tình kết thúc có hậu luôn là sự dung hòa, đảm bảo thỏa Hiếu trước vẹn Tình sau. Ở những trường hợp khác, buộc phải chọn lựa giữa Hiếu và Tình, chữ Hiếu đã tạo nên những tâm trạng phức tạp cho người con. Khi thì họ cảm thấy vui vẻ, hãnh diện vì đã thực thi bổn phận người con, làm cho cha mẹ vui lòng bằng cách chọn Hiếu, quên Tình; khi thì oán trách chữ Hiếu vì nó đã đẩy họ vào tâm trạng day dứt cả đời bởi hành động chạy theo Tình quên đi bổn phận làm con, phạm vào tội bất hiếu; hay một tâm trạng hồi hộp lo sợ, khi phải lén lút trao duyên…Vấn đề dù ở tâm trạng nào thì chữ Hiếu Nho giáo vẫn là một chuẩn mực đạo lý làm người luôn được họ trân trọng vì gốc nghĩa vốn có của nó phù hợp với tình cảm và tâm thức người Việt, trong phạm vi luân lý. Nó chứa đựng ý nghĩa nhân văn của nhân loại, chỉ có những sự lạm dụng thái quá, giá trị ngoại biên mới đáng bị chỉ trích, cần tẩy bỏ.

NTKP.

________________

 

(1), (2) Đoàn Trung Còn (2006), Luận ngữ, Thuận Hóa. Huế, tr.16; 58.

(3), (7) Đoàn Trung Còn (2006), Mạnh Tử ­- Hạ, Thuận Hóa. Huế, tr.64; 34.

(4) Đoàn Trung Còn (dịch nghĩa), Minh đạo gia huấn, Thanh Niên, tr. 82.

(5) Khổng Tử (2004), Kinh thi, tập 2, Văn học, tr. 299.

(6), (8) Đoàn Trung Còn (2006), Mạnh Tử ­- Thượng, Thuận Hóa, Huế, tr. 188.

(9) Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Văn Tài (Phiên âm, dịch nghĩa), Lê triều hình luật, Văn hóa –Thông tin. H. Tr. 173.

(10) Nguyễn Văn Thành-Vũ Trinh-Trần Hựu(1998), Hoàng Việt luật lệ, tập III. Văn hóa- Thông tin, tr.319.

(11) Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), Phan Đăng Nhật, Phan Đăng Tài, Nguyễn Thúy Loan, Đặng Diệu Trang (2001), Kho tàng ca dao người Việt, tập I, II, Văn hóa – Thông tin, H.

Tất cả các bài ca dao trong bài viết được trích từ tài liệu này.

(12), (13), (14) Lê Hữu Mục (phiên âm, dịch nghĩa ) (1971), Huấn Địch thập điều, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, tr.82;124.

(15) Insun Yu (1994) Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, Khoa học xã hội, H. tr. 113.

(16), (17)

Phan Ngọc (2000), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Văn hoá – Thông tin, tr. 159; 74.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *