Hãy “thủ thỉ” những câu nói này để con trở nên tự tin và phát triển tính cách lành mạnh

Những câu nói của mẹ có sức mạnh vô cùng to lớn đối với sự phát triển tâm lí và ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành tính cách của bé sau này. Những câu nói tích cực sẽ giúp con tự tin và phát triển nhân cách lành mạnh.

1. Hôm nay con cảm thấy thế nào?

Bà Brandi Russell, bác sĩ trị liệu nhi khoa, Thành viên Hiệp hội quốc tế về tư vấn chăm sóc và nuôi dạy trẻ Mỹ hướng dẫn cha mẹ khi nói chuyện với con nên đặt câu chuyện dưới dạng câu hỏi vì “Câu hỏi mở ra cánh cửa để trò chuyện cùng con”. Những câu hỏi đơn giản như “Con cảm thấy thế nào?” giúp bé xác định sở thích riêng của mình và chia sẻ cảm xúc với cha mẹ dễ hơn.

2. Con là cậu bé/cô bé tốt bụng!

Melissa Divaris Thompson, chuyên viên tâm lý trị liệu đến từ Manhattan – Mỹ chỉ ra rằng đôi khi chỉ cần nói “Con là cậu bé/cô bé tốt bụng” cũng có tác động tích cực đến tâm lí của trẻ. Khi được cha mẹ ghi nhận việc làm tốt của mình, trẻ sẽ hào hứng và tiếp tục phát huy những hành động tử tế, mang tính nhân văn hơn nữa.

3. Cảm ơn con yêu!

Tiến sĩ John DeGarmo, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực làm cha mẹ và nuôi dạy trẻ em tại Mỹ cho biết cha mẹ muốn được tôn trọng thì phải cho đi sự tôn trọng, kể cả với chính con của mình. Tiến sĩ nói thêm “Với tư cách là một người cha và đã từng là giáo viên, tôi khuyên cha mẹ nên thường xuyên nói lời cảm ơn với các con của mình”.

4. Bố/mẹ xin lỗi con!

Khi cha mẹ nói lời xin lỗi, trẻ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Điều này cũng sẽ giúp xây dựng lòng tin ở bé, vì không ai là ngoại lệ khi làm sai 1 việc gì đó mà lại không nói lời xin lỗi.

5. Con làm tốt lắm!

Khi bé làm tốt việc gì đó, bố mẹ đừng tiếc gì mà không khen bé “Con làm tốt lắm!”. Những lời khen ngợi, động viên đúng lúc sẽ giúp khích lệ tinh thần bé tiếp tục phát huy và cố gắng làm nhiều việc tốt và giỏi hơn nữa.

6. Mẹ thấy vui khi con…

Nhà trị liệu tâm lý đến từ New York – Mỹ, Kimberly Hershenson cho biết cha mẹ nên chỉ ra những ví dụ cụ thể về hành vi, tài năng và tính cách của trẻ mỗi ngày. “Mẹ thấy vui khi con biết giúp mẹ lau dọn nhà”, “Mẹ rất vui vì con biết tự giác đánh răng mà mẹ không cần nhắc nữa”… Đây coi như là liều thuốc bổ tinh thần cho bé, mang lại ý nghĩa tích cực và tạo tâm trạng phấn khích cho trẻ.

7. Hãy kể cho mẹ nghe ngày hôm nay ở trường của con ra sao?

Đôi khi cha mẹ không nhận ra việc mình đã nói quá nhiều mà không để cho trẻ có cơ hội được giãi bày. Thay vào đó, cha mẹ hãy hỏi bé, đề nghị chia sẻ 1 ngày của bé diễn ra như thế nào, bé đã làm gì và thu được kết quả gì. Chắc chắn bé sẽ cởi mở và sẵn sàng nói chuyện cùng mẹ. Nhưng mẹ cũng phải tắt máy tính hoặc điện thoại để tập trung chú ý vào bé kẻo bé sẽ nghĩ mẹ không thực sự muốn nghe bé nói.

8. Mẹ biết con sẽ làm được

Cho phép trẻ có cơ hội được thất bại là một trong những kinh nghiệm cha mẹ nên chú ý. Dạy trẻ cách giải quyết với các vấn đề khi còn nhỏ sẽ là tiền đề để trẻ biết cách xử lý vấn đề khi trưởng thành. Để làm được điều này, mẹ có thể nói với bé “mẹ biết con sẽ làm được”, đây được xem như thông điệp nhắn đến bé rằng con hoàn toàn có khả năng giải quyết khó khăn con đang gặp phải và mẹ biết con làm được.

9. Con không cần phải làm bạn với tất cả mọi người nhưng hãy lịch sự

Theo thạc sĩ tâm lý Jennifer Soos đến từ bang Taxas, Mỹ, cha mẹ nên nói cho trẻ biết việc kết bạn và làm bạn với tất cả mọi người là không cần thiết. Tuy nhiên, dạy con có tấm lòng nhân hậu, cư xử văn minh và tôn trọng người khác luôn là tiêu chí hàng đầu mà gia đình bà chọn để nuôi dạy các con. “Con có thể không cần phải làm bạn với tất cả mọi người nhưng con phải tôn trọng và ứng xử văn minh, đó là điều quan trọng”.

10. Mọi chuyện sẽ ổn thôi!

Đây là câu nói cha mẹ dùng để động viên khi bé thất bại hoặc không đạt được điều bé mong muốn. Theo ông Tesha Dames Smith, người sáng lập chương trình Tư vấn Klass (Mỹ), cha mẹ nên dạy trẻ về sự thất bại và nói cho trẻ biết “Thất bại không phải là cái kết cuối cùng, con hãy thử lại lần nữa. Mọi chuyện sẽ tốt thôi”. Điều này sẽ theo trẻ suốt cuộc đời về ý nghĩa của sự thất bại cũng như cố gắng vượt qua khó khăn.

11. Con thích làm/chơi gì?

Jennifer McCarville, chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển trẻ em người Mỹ cho hay cha mẹ có thể biết được sở thích của con bằng cách hỏi hoặc quan sát bé. Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh chỉ tìm cách làm sao để con đạt được mốc điểm cao trên lớp, làm thế nào để con hoàn thành bài tập nhanh gọn mà không cần biết các con đang nghĩ gì, muốn được làm gì đúng với lứa tuổi của con. Biết được điều này, cha mẹ hãy thay đổi và thường xuyên hỏi con muốn được làm gì, con thích chơi trò gì hoặc con thích ăn cái gì.

12. Con có vui/hài lòng không?

McCarville cũng có quan điểm khi trẻ hỏi “Cô thấy con vẽ đẹp không” thì câu trả lời cũng là 1 câu hỏi ngược “Thế con có thấy hài lòng với bản vẽ của mình không?”. Trước khi đưa nhận xét, hãy để trẻ tự nhận xét trước rồi trả lời theo cách đánh vào trọng tâm và chỉ rõ vấn đề cho trẻ hiểu “Cô thấy con đã rất cố gắng vẽ bức tranh này, cô thích cách con phối màu”.

13. Mẹ yêu con!

Cuối cùng và quan trọng nhất, điều này nghe vẻ hiển nhiên nhưng có chắc bé được nghe cha mẹ nói hàng ngày? Cha mẹ có thể thể hiện tình yêu thương bé bằng hành động nhưng đôi khi thể hiện tình yêu bằng lời nói trực diện sẽ giúp bé hiểu được chính xác nhất tình yêu ấy. Tư duy của trẻ còn đơn giản, nói với bé lời yêu thương sẽ khiến trẻ biết được giá trị và vị trí quan trọng ý nghĩa của bé trong lòng cha mẹ.

(Theo afamily)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *