Hãy cảm ơn nghịch cảnh trong cuộc đời

Trong quyển “Những bước thăng trầm”, ngài Narada có nói một câu “Dù chúng ta có sống một đời sống trong sạch như một Vị Phật nhưng chúng ta không thể tránh được sự thị phi và nguyền rủa”

Trái ý nghịch lòng là những điều luôn diễn ra trong cuộc đời này và khi đối diện trước những vấn đề ngoài ý muốn, chúng ta thường hay buồn phiền, chán nản, bỏ cuộc hay sân hận, than trách số phận, ông trời bất công bạc bẽo…

Tuy nhiên, mọi thứ trong cuộc đời đều không vận hành theo ý nghĩ của chúng ta, chúng có quy luật riêng và có lý do để đến. Một người có cách nhìn cởi mở và tích cực sẽ thấy dễ chịu, thoải mái hơn, xem đó là động lực mình chinh phục và bước gần hơn đến mục tiêu của mình. Như một công thức chung, đa phần những người dám đương đầu và vượt qua nghịch cảnh là những người thành công, bởi nghịch cảnh sẽ giúp cho con người đó trưởng thành, mạnh mẽ hơn rất nhiều.

1. Nghịch cảnh sản sinh ra sự thành công

Tuy rằng, không ai mong cầu nghịch cảnh xảy ra với mình, nhưng nghịch cảnh lại là bước đệm cho sự thay đổi một điều gì đó bên trong con người hay cuộc sống của họ. Cũng như khi cơn lũ đi qua sẽ để lại một khối lượng phù sa rất lớn để cây cối xanh tốt và phát triển.

Chúng ta thấy những vật quý giá không bao giờ xuất hiện ở giữa đường mà chúng thường ở trong rừng sâu núi thẩm. Ngày xưa, để có những viên ngọc trai, người ta phải lặn sâu dưới đại dương để tìm những con trai có hạt cát rơi vào trong vỏ. Khó khăn muôn trùng và xác suất có được những viên ngọc trai là không cao, nhưng họ có thể phải đánh đổi cả tính mạng.

Hay trong những bộ phim cổ trang mà chúng ta đã xem, những bí kíp võ lâm, những vật quý hiếm thường được cất giấu ở những nơi hiểm trở, khó tìm thấy. Vì sao? Bởi tạo hóa hay con người luôn muốn những thứ đó chỉ xứng đáng được sở hữu từ những ai có nghị lực phi thường. Còn những thứ tầm thường, quá dễ dàng có được thì không có giá trị cao.

Cho nên, những nơi khó khăn, gây cho ta nhiều cản trở đó lại là nơi có những cái gì đó đặc biệt.

Nhiều người thắc mắc “Vì sao Đức Phật lại sinh ra ở đất nước nghèo nàn như Ấn Độ mà không sinh ra ở một nơi giàu có, sung sướng?”

Cũng như anh hùng chỉ xuất hiện khi thời thế loạn lạc, không có loạn lạc thì không có anh hùng vì nếu có thì xã hội cũng không ai cần đến. Nên một bậc vĩ nhân như Đức Phật chỉ có mặt ở nơi mà con người đang rơi vào tận cùng của sự đau khổ, nhiều oan trái để giải quyết khổ đau ấy.

Cho nên trong Kinh đề cập là : Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời trong bối cảnh con người phải đến giai đoạn khổ đau cùng cực để cần có một người nào đó để thay đổi. Vì thế, sự cùng cực của khổ đau, cùng cực của một cái gì đó là lý do để bắt đầu thay đổi và nó lại là cơ hội cho chúng ta .

Tổ Huệ Năng cũng đã từng nói là: “Phật Pháp bất ly thế gian giác” là như thế ! Tức là sự giác ngộ được không phải rời thế gian này. Đó là lý do mà muốn đạt đến mục đích giác ngộ, Đức Phật đã phải thị hiện ở cõi Ta Bà và đánh đổi cả sinh mạng của mình khi phải chịu đựng rất nhiều gian khổ và đặc biệt nhất là Ngài đã từng Tu khổ hạnh nơi rừng già đầy nguy hiểm.

Không chỉ có Đức Phật mà hầu như những người thành công đều phải đối diện trước nghịch cảnh và vượt qua được nó. Có lẽ, bản lĩnh và ý chí là sự khác biệt rõ rệt giữa người thành công và người thất bại. Người càng chùn bước trước những khó khăn thì sẽ càng trở nên yếu đuối.

Đức Phật từng nói trong các Kinh là “Vô ma khảo bất thành Đại Đạo” – tức là không có những chướng duyên – nghịch cảnh thì không thể nào thành Đạo lớn! Sự khó khăn, gian khổ luôn luôn lúc nào cũng có một cái gì đó để nó tạo cho ta có một cơ hội để mình tự hào với những thành quả của mình và trưởng thành lên từ đó.

Vì vậy, người xưa cho chúng ta một câu: “Cảnh khó là nấc thang cho bậc anh tài – là kho tàng của người khôn khéo nhưng là vực thẳm của người yếu đuối” .

2. Phải làm gì khi đối diện với nghịch cảnh?

Hãy luôn nhớ một câu thần chú “Thử thách chỉ là thử lòng can đảm của chúng ta, chứ chúng ta không thể nào chết với thử thách”. Vì tâm lý sợ và tưởng tượng mức độ của thử thách mà chúng ta chùn bước với nó, để rồi chúng ta bị lùi lại phía sau.

Đừng cho việc thất bại là sự nhục nhã.  Trong cuộc đời mỗi người mỗi cảnh và tất cả mọi người không phải ai cũng giống nhau. Có người hoàn cảnh này, có người hoàn cảnh khác nhưng hãy dặn lòng dù có thất bại, dù có vấp ngã thì cũng phải cố gắng đứng lên làm lại cuộc đời như ông bà xưa từng dặn chúng ta “Thua keo này bày keo khác” ”Ngày mai dù có ra sao nữa cũng chẳng sao”

Với bất kỳ việc gì, hãy nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn nhất, tận cùng nhất để đưa ra giải pháp xử lý, để nếu nó thật sự xảy ra, chúng ta bình tĩnh và biết cách giải quyết hợp lý. Nhưng quan điểm nhiều người cho rằng, nghĩ đến cái xui thì sẽ xui nên khi sự việc không hay xảy đến họ dễ bị sốc, bất ngờ và phản ứng theo bản năng.

Sỡ dĩ những người lớn tuổi họ thường vững chải hơn tuổi trẻ nhờ gặp qua nhiều quá nghịch cảnh, được tôi luyện nhiều nên hình thành nên kinh nghiệm và vì vậy trong cuộc đời họ lại được vững vàng hơn.

Cho nên, khi gặp những điều làm trái ý nghịch lòng, những thử thách chúng ta hãy biến đau thương thành động lực để có những suy nghĩ tích cực rằng: Một điều đau khổ đến chúng ta có khổ đau nó cũng không thay đổi được gì. Nhưng mà đôi khi chúng ta tỉnh táo lạc quan, vững chãi để đối diện thì lại cải thiện được một vấn đề rất là tốt!

3. Mặt tích cực của nghịch cảnh

Cũng như đường đại diện cho thuận cảnh, ớt đại diện cho nghịch cảnh. Trong một món ăn, không phải đường là ngon và cay là dở. Vị ngọt và vị cay đều có những giá trị riêng của nó.

Nên những cảnh trái ý, nghịch lòng không hẳn sẽ nhấn chìm cuộc đời của chúng ta mà nó sẽ làm cho con người chúng ta bớt kiêu ngạo và háo thắng, sẽ nhìn nhận lại một vấn đề tốt hơn và hoàn thiện bản thân mình.

Chẳng hạn như một người sống khỏe mạnh hoài, họ sẽ chủ quan về sức khỏe, ăn uống không điều độ. Nhưng khi một cơn bệnh xảy đến, họ sẽ bừng tỉnh lại và chăm sóc cơ thể mình tốt hơn.

Hay như những người giàu có, họ ít khi làm từ thiện và thường cho rằng việc đi chùa, tu học là một điều gì đó mê tín, thiếu thực tế. Nhưng khi rơi vào đau khổ, bần cùng họ lại tích cực làm thiện, đến chùa để mong muốn cải thiện lại cuộc sống của mình.

Tóm lại, khi rơi vào những điều bất như ý hay bị sự ngăn cản của người khác, người học Phật cần phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề, tìm cơ hội trong nghịch cảnh để làm chủ tình huống và biết cách xoay chuyển tình thế. Cho nên, khi nhìn nhận lại những thành quả mà mình đã đạt được, nhiều người lại thầm cảm ơn nghịch cảnh, vì nhờ đó, chúng ta mới thức tỉnh, mới biết vùng dậy mà thay đổi bản thân mình phù hợp với hoàn cảnh xã hội.

Bài viết: “Hãy cảm ơn nghịch cảnh trong cuộc đời”
Thích Phước Tiến/ Vườn hoa Phật giáo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *