Hầu đồng là gì? Có phải mê tín dị đoan không?

Hiện nay, cụm từ hầu đồng cũng được nhắc đến khá nhiều, đặc biệt là trên mạng xã hội. Vậy hầu đồng là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến hầu đồng và hầu đồng dưới góc nhìn pháp lý.

4.2 Hầu đồng phải làm những việc gì?

3. Hầu đồng có phải là nghi lễ của Phật giáo không?

2. Ai có thể hầu đồng? Phải có căn mới hầu đồng được?

1. Hầu đồng là gì? Tại sao phải hầu đồng?

1. Hầu đồng là gì? Tại sao phải hầu đồng?

Theo Wiki, định nghĩa hầu đồng là gì được đề cập đến như sau:

Hầu đồng, hay còn gọi là hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và tôn giáo thờ nữ thần mẹ Đạo Mẫu dòng Shaman giáo của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Theo Ban tôn giáo Chính phủ, hầu đồng là một hoạt động tín ngưỡng có tính thiêng rất cao. Theo quan niệm và thực tế, bản chất của việc hầu đồng là các vị thánh thần nhập vào người hầu đồng để phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc… Lúc này, các ông/bà đồng là hiện thân của vị thần đã nhập vào họ.

Cũng theo Ban Tôn giáo Chính phủ, hầu đồng là nghi lễ trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ (Thiên, Địa, Thoải và phủ Thượng Ngàn hay còn gọi là Nhạc Phủ). Đặc biệt, nghi lễ này thường mang đặc điểm cũng như các sắc thái khác nhau và được thể hiện trong việc thờ các vị thành trong đền.

Có thể thấy, hiện không có định nghĩ cụ thể về hầu đồng mà đây chỉ là khái niệm để chỉ chung trạng thái tâm linh khi thần thánh “nhập” vào người ông/bà đồng và thông qua thân xác của ông/bà đồng nhằm thể hiện lời nói, hành động, ý muốn truyền đạt.

hau dong la gi

2. Ai có thể hầu đồng? Phải có căn mới hầu đồng được?

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về những người có thể hầu đồng cũng như có câu trả lời chính xác cho câu hỏi ai có thể hầu đồng nhưng đa số người hầu đồng sẽ có căn đồng hoặc do di truyền của gia tộc hoặc do hệ thần kính yếu.

Những người có hệ thần kinh yếu khi đi đến đền, phủ cũng thường sẽ bị “nhập” và người ta gọi đây là ốp đồng. Người ta gọi những người này là người cao số, số nặng, người hữu duyên với các vị Thánh trong Tứ phủ.

Thông thường, nếu người có căn mà chưa trình Thánh, ra đồng thì sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ, làm ăn như hay bị bệnh tật, ốm đau mà uống thuốc, chạy chữa không khỏi, làm ăn thất bát…

Chỉ khi đi hầu đồng, sức khoẻ những người này mới khôi phục, công việc làm ăn mới thông thuận. Đặc biệt, khi đã đi hầu đồng, tuỳ vào lịch nhưng thường vào dịp tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ, các ông/bà đồng sẽ tổ chức làm lễ lên đồng.

3. Hầu đồng có phải là nghi lễ của Phật giáo không?

Hầu đồng là một nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, thời Đức Thánh Trần… mà không phải nghi lễ của Phật giáo. Trong đó, phủ là đền thờ của Mẫu Thượng Thiện, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải.

Mẫu Thượng Thiện: Hay còn gọi là Mẫu Đề Nhất. Đây là một vị Mẫu cai quản Thiên Phủ và các nhân vật được coi là Mẫu Thượng Thiên gồm:

– Thanh Vân Công Chúa (Mẫu Cửu Trùng Thiên).

– Tây Thiên Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu (Mẫu Tây Thiên, Chúa Tây Thiên).

– Liễu Hạnh Công chúa (Mẫu Liễu Hạnh, Bà Chúa Liễu).

– Mẫu Thiên Y A Na (Thiên Hậu Thánh Mẫu, bà Chúa Ngọc).

Trong đền, phủ, Mẫu Thượng Thiên thường được khắc với tông màu đỏ, được đặt chính giữa, hai bên là tượng Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Hiện nay, có các ngôi đền, miếu đang thờ Mẫu này: Đền Mẫu Cửu Trùng Thiên tại Hà Nội; Phủ Nấp ở Nam Định; Đền Thánh Mẫu Thượng Thiên ở Hà Tĩnh…

Mẫu Thượng Ngàn: Hay còn gọi là Mẫu Đệ Nhị hoặc bà chúa Thượng Ngàn, được giao nhiệm vụ cai quản vùng núi rừng hoang vu. Hiện nay có nhiều truyền thuyết về Mẫu Thượng Ngàn nhưng đều được người dân ngưỡng mộ, khâm phục, tôn thờ.

Mẫu Thượng Ngàn thường được đúc tượng có màu xanh và có ba nơi hiện nay được xem là nơi thờ chính của bà gồm:

– Đền Đông Cuông, Yên Bái.

– Đền Bắc Lệ, Lạng Sơn.

– Đền Suối Mỡ, Bắc Giang.

Mẫu Thoải: Hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Thuỷ cung Thánh Mẫu. Trong quan niệm dân gian, Mẫu Thoải cai quản các vùng sông nước, chăm sóc cây cối tươi tốt, giúp đỡ mọi người khi đi qua sông nước; khi bão lụt, Mẫu làm phép để gió yên, mưa tạnh…

Mẫu Thoải được thờ ở hầu hết các đền chùa có bàn thờ Mẫu, thường được đúc có trang phục màu trắng và trong điện thờ Mẫu, vị trí bên phải thường là Mẫu Thượng Ngàn, vị trí bên trái là Mẫu Thoải và vị trí chính giữa là Thượng Thiện.

hau dong la gi

4. Nghi thức hầu đồng thực hiện thế nào?

Theo quan niệm và thực tế, một khi hầu đồng thì ông/bà đồng đã không còn là chính mình mà sẽ do Thánh nhập vào người điều khiển. Do đó, để chuẩn bị một buổi lễ hầu đồng, nghi thức hầu đồng là gì? Các ông đồng, bà đồng phải chuẩn bị những gì?

4.1 Hầu đồng phải chuẩn bị lễ vật gì?

Lễ vật cho một buổi hầu đồng thường khá đơn giản chỉ gồm đồ cúng bình thường như xôi, thịt, hoa quả, trầu cau, rượu, thuốc, vàng mã… Tuy nhiên, hiện nay, càng ngày lễ vật càng trở nên phong phú, đa dạng.

Lễ vật trình đồng được trình bày trên một kỷ tháp hình chữ nhật, kê chính giữa và gồm chén, đũa bạc, đĩa và cốc pha lê. Ở chính giữa sẽ có một cái gương được phủ khăn thêu. Trước kỷ sẽ bày bốn mâm lễ Tứ Phủ và mỗi mâm có: 09 quả trứng, 01 lược, 01 quạt, 01 guốc; 09 miếng vải vuông phủ lên trên.

Bên cạnh mâm lễ phải có một chung nhỏ, một thau nhỏ, một mâm hài sơn trang có mũi hài thuê hình chim phương; một trăm vàng thoi. Ngoài ra, trước bàn thờ sẽ bày các loại mã và 02 chiếc thuyền rộng hình cánh phương có 12 hình nhân đang chèo thuyền, 01 đôi ngựa, 01 đôi voi đã đủ yên cương, hàm thiếc.

Không chỉ chuẩn bị những đồ lễ như vậy, để chuẩn bị một buổi hầu đồng, các cô đồng, cậu đồng cần phải chuẩn bị thêm các yếu tố sau đây:

– Dàn nhạc: Thường đi kèm với một buổi hầu đồng sẽ có một dàn nhạc gồm: 01 đàn nguyệt, 01 đàn nhị, 01 sáo, 01 trống lớn, 01 trống nhỏ, 01 cảnh đôi, 01 phách. Trong đó, tuỳ vào buổi hầu ở các địa phương khác nhau có thể thêm hoặc bớt nhạc cụ nhưng chắc chắc phải có đàn nguyệt, trống nhỏ, đảnh đôi.

– Trang phục: Theo dân gian, thường hầu đồng sẽ có 36 giá đồng tương ứng với 36 vị thánh. Và tương đương với bao nhiêu giá đồng thì sẽ có bấy nhiêu bộ trang phục. Do đó, cô đồng, cậu đồng phải chuẩn bị đủ 36 bộ quần áo tương ứng với các giá đồng để nếu hầu mấy giá thì phải có đủ trang phục của bấy nhiêu giá:

– Khăn đỏ che mặt.

– 05 chiếc áo dài màu sắc khác nhau, 01 quần dài trắng.

– Khăn tấu hương cùng các loại khăn khác.

– Thắt lưng màu.

– Thẻ ngà, kiềng bạc, vòng, hoa tai, chuỗi hạt, quạt, son phấn…

Đặc biệt, màu sắc của trang phục phải phù hợp với màu sắc của từng Phủ: Phủ Thiên thì phải có màu đỏ; Phủ Địa thì có màu vàng; Phủ Thoải có màu trắng; Phủ Nhạc có màu xanh.

4.2 Hầu đồng phải làm những việc gì?

Trong mỗi buổi hầu đồng, các bà đồng, ông đồng sẽ được Thánh “nhập” vào người và thực hiện theo chỉ thị của các Thánh. Do đó, các ông/bà đồng thường nhảy múa, ban lộc, phán truyền thông qua tiếng hát văn và nhạc cung đình.

4.3 Một giá đồng thực hiện theo trình tự nào?

Khi hầu một giá đồng, ông đồng, bà đồng phải thực hiện theo trình tự sau đây:

– Thay lễ phục: Do mỗi giá đồng lại có một bộ trang phục riêng phù hợp với màu sắc của từng giá. Do đó, bước đầu tiên khi hầu đồng là phải thay lễ phục phù hợp với giá đồng mà mình sẽ hầu.

Trong một buổi hầu có thể hầu nhiều giá khác nhau. Do đó, trước khi bắt đầu hầu một giá đồng mới, ông đồng, bà đồng đều phải thay trang phục phù hợp với từng giá.

– Dâng hương hành lễ: Hành động này nhằm mục đích xua đuổi tà ma. Người hầu đồng sẽ thực hiện các động tác: Tay trái cầm bó nhang đốt sẵn, bọc trong khăn tẩm hương; tay phải rút một nén nhang rồi làm động tác phù phép.

– Lễ Thánh giáng: Khi thánh nhập thì người hầu đồng buông nén hương đang cầm trên tay, không còn là bản thân nữa nên họ sẽ nhảy múa một cách uyển chuyển, nhịp nhàng.

– Múa đồng: Đây là một trong những cách để khẳng định thánh đã nhập vào ông/bà đồng chưa. Có người sẽ múa cờ, múa kiếm, long đao, kích, cũng có thể múa quạt, múa tay không…

Tuỳ vào giá hầu đồng mà có các động tác múa khác nhau nhưng thường có ảnh hưởng của chèo, vũ điệu dân gian. Thứ tự Thánh giáng từ cao xuống thấp: Thánh Mẫu, Quan lớn, Chầu bà, Cậu…

– Ban lộc và nghe văn chầu: Sau khi đã múa thì để biểu hiện sự hài lòng của mình, các Thánh thường thưởng tiền cho những người đánh đàn. Đồng thời, Thánh cũng thưởng rượu, thuốc lá, tiền, hoa quả, bánh trái… để thưởng cho những người ngồi dự chung quanh khi được cầu xin hoặc nghe thánh phán truyền.

– Thánh thăng: Khi người hầu đồng ngồi yên, hai tay bắt chéo trước trán, khẽ rung mình thì Thánh thăng và một giá đồng đã kết thúc.

hau dong la gi

4.4 Giá hầu đồng gồm bao nhiêu loại?

Hiện nay, có nhiều Thánh nhưng chỉ có tối đa 36 giá hầu đồng. Có thể kể đến:

– Tam Toà Quốc Mẫu: Đệ nhất thiên tiên Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Thượng Ngàn Quế Hoa Mỵ Nương công chúa, Đệ Tam Thoả Cung Xích Lân Long nữ.

– Hội đồng Thánh Chúa: Chúa Đệ Nhất Tây Thiên; Đệ nhị Nguyệt Hồ; Đệ Tam Lâm Thao; Thác Bờ, Long Giao…

– Tứ Phủ Chầu bà: Chầu đệ nhất Thượng Thiên, Đệ nhị Thượng Ngàn, Đệ Tam Thoải Cung, Đệ Tứ Khâm sai…

– Tứ phủ Thánh Cậu: Cậu Hoàng cả Phủ giày, cậu hoàng đôi, cậu hoàng bơ, cậu hoàng tư, cậu hoàng năm…

4.5 Hầu đồng hết bao nhiêu tiền?

Ngoài quan tâm hầu đồng là gì, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là tốn bao nhiêu tiền để hầu đồng. Trong một buổi hầu, thường phải bỏ ra các chi phí gồm tiền chuẩn bị cỗ, tiền chuẩn bị các giá đồng và tiền ban thánh.

Ngoài ra còn phải quan tâm đến tiền đi lại, ăn ở… nếu hầu đồng ở các địa phương khác.

– Tiền cỗ: Tiền nhang, vàng, hương, hoa quả, rượu chè, bánh trái… và các đồ được bày trên các mâm cỗ của buổi hầu đồng.

– Tiền chuẩn bị các giá đồng: Gồm tiền chuẩn bị quần áo, trang sức đi kèm…

– Tiền ban thánh: Ngoài trả cho những người đi theo hầu, người đánh đàn, kéo sáo thì khi Thánh ban lộc, trước kia thường sẽ thưởng hoa quả, bánh kẹo… và tiền lẻ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người quan niệm, giá đồng càng nhiều tiền thì công việc, việc cần cầu sẽ càng trôi chảy… Do đó, số tiền bỏ ra có thể là rất nhiều.

 

5. Hầu đồng có phải mê tín dị đoan không?

Ngoài hiểu rõ về hầu đồng là gì để biết hầu đồng có phải mê tín dị đoan không, cần phải căn cứ vào các quy định sau đây:

5.1 Mê tín dị đoan là gì?

Hiện nay, các văn bản pháp luật đều không có định nghĩa cụ thể về mê tín dị đoan. Tuy nhiên, hành vi mê tín dị đoan là hoạt động văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá bị cấm theo điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP.

Trước đây, theo điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư 15/2015/TT-BVHTTDL (đã hết hiệu lực), mê tín dị đoan là hành vi:

Mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm:

– Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép.

– Lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa.

– Các hình thức mê tín dị đoan khác.

Và đến khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL cũng nêu rõ, các hành vi bị cấm:

Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.

Theo quy định này, có thể thấy, những hành vi được coi là mê tín dị đoan phải là hành vi làm mê hoặc người khác, gây tác động xấu đến người khác và trái với tự nhiên như xem bói, phù chú, yểm bùa…

hau dong la gi

5.2 Hầu đồng có phải mê tín dị đoan không?

Theo phân tích ở trên, lên đồng phán truyền là hành vi mê tín dị đoan. Tuy nhiên, lên đồng phán truyền và hầu đồng là hai hoạt động riêng biệt và khác biệt hoàn toàn về bản chất.

– Hầu đồng: Đây là một trong những hoạt động tín ngưỡng có từ xa xưa, là nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam. Hiện nay, hầu đồng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và đang được chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại.

– Lên đồng: Là hoạt động giả thần, giả thánh nhập vào người để phán truyền những thông tin không đúng sự thật nhằm mê hoặc người khác, cầu lợi cho mình và hại người khác.

Có thể thấy, lên đồng là một trong những hành vi lợi dụng nghi lễ hầu đồng để “lừa đảo” vì lợi ích của cá nhân và là hành vi mê tín dị đoan. Trái ngược hoàn toàn với hầu đồng là nghi thức tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc, thực hiện để xin sự an lành cho bản thân.

6.3 Hầu đồng có bị phạt không?

Từ những phân tích trên có thể thấy, chỉ có lên đồng – hành vi lợi dụng hầu đồng để trục lợi mới bị coi là mê tín dị đoan và bị cấm cũng như sẽ bị phạt còn hầu đồng thì không.

Theo đó, hành vi lên đồng (mê tín dị đoan) có thể sẽ bị phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

– Phạt hành chính: Căn cứ Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền:

  • 03 – 05 triệu đồng: Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội (điểm b khoản 4 Điều 14).
  • 15 – 20 triệu đồng: Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan (điểm đ khoản 7 Điều 14).
  • 30 – 40 triệu đồng: Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan (điểm c khoản 6 Điều 20).

– Chịu trách nhiệm hình sự: Căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào bói toán, đồng bóng hoặc hình thức mê tín dị đoan khác có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan:

  • Phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm/phạt tù từ 06 tháng – 03 năm: Đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích nhưng lại vi phạm.
  • Phạt tu từ 03 – 10 năm: Làm chết người/thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên/gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng.

Trên đây là giải đáp: Hầu đồng là gì? Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến các vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *