Hạnh phúc của những đứa trẻ mồ côi

Dưới mái ấm của một ngôi chùa nhỏ giữa thị xã Sông Cầu (Phú Yên), những đứa trẻ mồ côi được cưu mang với thật nhiều hạnh phúc. Ở đó, chúng luôn có những nụ cười.

“Phép màu” có thật

Mái ấm chùa Hải Sơn được xây dựng từ năm 1998, tọa lạc tại một vùng quê hẻo lánh ở thôn Lệ Uyên (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Thời điểm hiện tại, ngôi chùa nhỏ là mái ấm đã tiếp nhận và nuôi dạy hơn 40 em mồ côi bị bỏ rơi.

Mỗi đứa trẻ là một hoàn cảnh, một số phận, mẹ bỏ rơi, bị cha chối từ… Hiện tại, 40 đứa trẻ được giáo dưỡng, được học hành tại ngôi chùa, nơi có nhiều niềm vui và tình thương yêu luôn đong đầy. Với tuổi đời còn thơ dại, phải đối diện với những bi kịch cuộc đời, những đứa trẻ vẫn biết mình cần một góc riêng để khóc, nhưng rồi với tình thương mà các cô ở đây mang đến, chúng có những nụ cười và niềm hân hoan sống cùng nhau, yêu thương nhau.

PY.JPG
Các sư cô ở chùa chăm sóc cho các bé mồ côi

Ở đó, có “phép màu” để khỏa lấp hết những buồn riêng, các em được vui chơi, được dạy dỗ và đi học như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Mỗi ngày, các em được chăm lo, tất bật với chuyện học hành và vui chơi thường ngày, cảm nhận cuộc sống này vốn có nhiều điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu ấy hiện hữu, bởi ở mái ấm chùa Hải Sơn này có sức mạnh từ những trái tim, những vòng tay yêu thương được truyền đi, lan tỏa đến với mỗi đứa trẻ thơ dại.

Vậy đó, ngày ngày những Sư cô, tình nguyện viên chăm chút cho từng đứa một, lo cho ăn, dạy học, đến trường, rồi về mái ấm… cái vòng quay ấy làm các cô luôn bận rộn. 40 đứa trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau, có đứa đã học lớp 11, có đứa mới chỉ vài tháng tuổi. Chúng sống chung dưới một mái nhà, yêu thương nhau trong tấm lòng từ bi nơi cửa Phật, sống trong niềm an lạc của tiếng kinh, và lớn lên trong niềm tin yêu của các Sư cô, dẫu có lúc chúng vẫn thoáng buồn, vì mặc cảm là trẻ mồ côi.

SC.Thích nữ Minh Chơn, Giám đốc Trung tâm và cũng là trụ trì chùa Hải Sơn chia sẻ, nơi đây luôn rộng cửa tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi. Chỉ cần có cơ hội để những đứa trẻ ấy được sống, được lớn lên, được đi học là các sư ở đây đều tiếp nhận hết.

Năm 2016, mái ấm chùa Hải Sơn này tiếp nhận 7 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngay trước cổng chùa. Năm 2017 thì có 6 trẻ, năm 2018 vừa qua thì có 2 trẻ mới được 3 tháng tuổi, có trẻ vừa sinh còn chưa cắt rốn.

SC.Thích nữ Minh Chơn kể, có những đêm đã rất khuya, Sư cô nghe văng vẳng tiếng trẻ con khóc, biết lại có thêm một đứa trẻ bé bỏng bị bỏ lại trước cổng chùa, Sư cô ra mở cổng và đúng là có trẻ bị bỏ rơi. Có những đứa trẻ bị bỏ lại trong thùng giấy, vài chiếc áo người lớn rách tả tơi quấn quanh người ủ ấm, một bình sữa đã cạn khô, cùng một lá thư đẫm nước mắt… đó thường là những vật dựng để lại cho đứa trẻ.  Không biết bao lần, SC.Thích nữ Minh Chơn vừa ôm đứa trẻ vào lòng vừa khóc như thế, vì thương chúng nó quá.

Điu đau đáu nht

Những ngày tháng vừa qua, chùa nghèo, chỗ ở chật chội, thấy cảnh lũ trẻ chen chúc nhau nằm ngủ trong cái nóng mùa hè của vùng đất ven biển này, thương quá, các mạnh thường quân đã cùng nhau đóng góp, xây dựng thêm mấy phòng ở cho các cháu sinh hoạt. Những ngày đầu năm 2019 này, khu sinh hoạt cho các cháu đã hoàn thành, các Sư  cô cũng đỡ vất vả hơn, và lũ trẻ cũng được sống trong không gian thoải mái hơn.

SC.Thích nữ Minh Chơn chia sẻ, ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng, mái ấm này luôn cố gắng tạo điều kiện để cho các em học tập văn hóa và các môn năng khiếu. Những bữa ăn của các em dù không có nhiều món ngon nhưng vẫn được các cô cố gắng không để thiếu thốn, vẫn chăm chút cẩn thận. Các em còn được trang bị sách, báo, tạp chí, tivi để đáp ứng nhu cầu giải trí và thông tin. Vào các dịp lễ lớn, trung tâm nuôi dạy trẻ thường tổ chức chương trình lễ hội, giao lưu văn nghệ…

Điều mừng nhất với các Sư cô và những tình nguyện viên ở đây là các em rất chăm ngoan, biết nghe lời người lớn, có ý chí vươn lên học hỏi, để sống tốt hơn trong điều kiện của một mái chùa. Đến nay, đã có 1 em đang học Đại học Sư phạm mầm non tại TP.Hồ Chí Minh, 4 em đang học hệ trung cấp và cao đẳng, các em khác đều được đi học từ mầm non đến các cấp học khác.

Trong nỗi niềm của mình, SC.Thích nữ Minh Chơn luôn đau đáu một điều, đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng chưa bao giờ biết đến cha mẹ chúng. Những đứa trẻ ở mái ấm chùa Hải Sơn này, trên giấy khai sinh mục tên cha, tên mẹ đều để trống. Sư cô cứ lo lắng không nguôi, sợ một đời không mẹ, không cha, dẫu có ở mái ấm nào, rồi chúng cũng thấy chông chênh lắm.

Một đời mang tờ khai sinh không cha, không mẹ, khi lớn lên chúng sẽ tủi lòng. Liệu sau này, cuộc đời có bằng phẳng, an nhiên để nỗi mặc cảm trong lòng chúng không bị khơi gợi lại… SC.Thích nữ Minh Chơn chỉ mong, những người cha người mẹ, vì một lầm lỗi hay nỗi niềm gì đó mà bỏ lại giọt máu của mình, nếu có thể hãy một lần ghé lại mái ấm, để biết con mình sống ra sao, nếu được hãy nhận chúng để chúng cảm nhận được tình yêu thương thật sự của cha mẹ một lần.

Chiều, bên mái ấm chùa Hải Sơn, tiếng tụng niệm xen lẫn tiếng học bài, tiếng cười nói của lũ trẻ cứ vang xa. Dưới mái chùa từ bi, những âm vang tỉnh thức, từ bi ấy đã nuôi lớn tâm hồn của những đứa trẻ và chúng lớn lên với niềm vui bên bạn bè, dẫu còn một nỗi trống vắng không thể bù đắp…

Theo giacngo.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *