Gửi con yêu của mẹ ngày vào lớp một

Mẹ sẽ không đứng đợi con ở cổng trường mỗi ngày với câu hỏi: “Con được bao nhiêu điểm?” mà sẽ hỏi “Hôm nay đi học con có vui không?”.

Little Mom

Thế là con vào lớp một. Mẹ lo con đến lớp có biết chào cô không? Đi vệ sinh có biết chỗ không? Ở lớp có bạn nào bắt nạt con không? Có bạn nào làm con buồn không? Cô giáo có phạt con không?

Khi con vào lớp một, mẹ thấy sao mà yêu cái thuở đi học đến thế. Nào là đồng phục, là vở ô li, là phấn, là bút chì, là cục tẩy… Con để mất đồ thường xuyên, sách mỗi nơi một quyển. Đó là chưa kể con vẫn có những đòi hỏi rất… mẫu giáo, như mua bim bim mỗi khi mẹ đón về.

Khi con vào lớp một, mẹ bỗng thấy mình như chuyện gì cũng không biết. Bởi con luôn có những câu hỏi rất khó tin. Như kiểu: “Đánh vần “bờ a bờ a ba” hay là “bờ a ba” hả mẹ?”.  Làm thế nào để dạy con rằng có 5 cái kẹo, cho đi một thì còn 4? Con sẽ tư duy theo kiểu của con, 6 tuổi hồn nhiên hỏi: “Tại sao phải cho đi một hả mẹ?”.

lop1-1369-1408612664.jpg

“Mẹ muốn mỗi ngày con đến trường là một ngày vui”. Ảnh minh họa

Cũng nhờ giai đoạn này mà mẹ biết cách dạy con hợp lý hơn. Cả chuyện đòi ăn vặt của con nữa. Hai tháng sau khi con học thêm để vào lớp một, con lợn của con đã lớn lắm rồi đấy. Nó là tích cóp của con những ngày không bim bim, không kẹo mút, không ăn kem. Con bây giờ thậm chí còn biết gói bim bim nào 4.000 đồng, gói nào 2.000 đồng và gói nào 1.000 đồng để chọn mua và học cách tiết kiệm.

Mẹ có quá không khi mà luôn bắt con phải học cách biết tiết kiệm? Mẹ đã nghĩ tới ngày con lấy vợ, sinh con. Mẹ không cổ súy cho những thanh niên sống trong sung sướng, chỉ biết đi làm mà không biết xách làn ra chợ, không biết nấu nướng giúp vợ hay thay tã cho con. Mẹ muốn con hiểu kiếm được bao nhiêu tiền cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không biết tiết kiệm, không biết chia sẻ với người thân.

Bạn của mẹ, có những người cho con đi du học từ cấp hai nhưng nếu mẹ có nhiều tiền, điều mẹ thích nhất là giảm tải công việc để được chăm sóc con nhiều hơn và nhìn con lớn lên từng ngày.

Mẹ muốn con được yêu thương nhiều hơn và yêu thương những người xung quanh nhiều hơn. Mẹ muốn con mỗi ngày đến trường là một niềm vui, là môi trường phát triển không sức ép. Mẹ sẽ không đứng đợi con ở cổng trường mỗi ngày với câu hỏi: “Con được bao nhiêu điểm?” mà sẽ hỏi: “Hôm nay đi học con có vui không?”.

Mẹ mong con sau này lớn lên thành đạt sẽ là chỗ dựa tinh thần cho mẹ, cho em nhưng mẹ cũng muốn con được sống vui vẻ trước khi phải gánh trên vai một đống trách nhiệm hay kỳ vọng. Mẹ rất vui lòng nếu con được điểm 10 và mẹ sẽ vui hơn khi con chỉ được 6, 7 thôi nhưng biết đá bóng, bơi lội, biết hôm nay mẹ mệt không đùa nghịch nhiều, biết cần bớt thời gian cuối tuần về thăm ông bà nội ngoại. Nghĩa là như một người đàn ông thực thụ, được vui chơi và biết quan tâm.

Bởi mẹ nghĩ, những điều ấy giá trị hơn tất cả những bằng khen, các kết quả thi quốc tế. Thiên tài có rất ít nhưng những người biết sống vì người khác thì có nhiều và mới thực sự cần, phải không con?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *