Gấm rách: Bi thương bắt nguồn từ thù hận – Revelogue

Gấm rách là một trong những tiểu thuyết nổi bật của nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn, được phát hành vào năm 2013, câu chuyện xoay quanh mối tình bi thương cùng vòng xoáy hận thù đầy cay nghiệt giữa Phó Thánh Hâm và Dịch Chí Duy.

Đôi nét về nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn

Phỉ Ngã Tư Tồn tên thật là Ngải Tinh Tinh, cô là một trong những nhà văn nữ thuộc dòng văn hiện đại Trung Quốc.

Phong cách tiểu thuyết đặc trưng của cô là xây dựng cốt truyện dựa trên những éo le đầy tính bi kịch trong tình yêu và có kết thúc buồn, qua đó để lại sự bùi ngùi, xót thương trong lòng độc giả.

Tính đến thời điểm hiện tại, nữ nhà văn đã cho ra đời hơn hai mươi tác phẩm, hầu hết đều đã được chuyển thể thành các dự án phim truyền hình và điện ảnh. Tuy là một nhà văn tài hoa nhưng cô rất hiếm khi chia sẽ về chuyện đời tư.

Ảnh của tác giả

Một số tiểu thuyết làm nên tên tuổi của Phỉ Ngã Tư Tồn có thể kể đến như Đông cung, Sương mù vây thành, Không kịp nói yêu em và Gấm rách.

Trong đó Gấm rách là một trong những tác phẩm thành công được phát hành vào đầu năm 2013. Đến với tác phẩm, nữ nhà văn đã vạch rõ ranh giới bi kịch giữa tình yêu, lòng thù hận và những toan tính lợi ích. Đây không chỉ là một câu chuyện đơn thuần, trong nó còn chứa đựng những góc nhìn đầy thấm thía về nhân sinh.

Bằng những nét riêng trong phong cách sáng tác, Phỉ Ngã Tư Tồn luôn mang những câu chuyện tình yêu của mình đến với độc giả một cách vô cùng gần gũi và sâu lắng.

Gấm rách và mối tình đầy ngang trái

Câu chuyện xoay quanh cuộc tình nhuốm màu bi kịch giữa Dịch Chí Duy và Phó Thánh Hâm, hai con người mang trong mình mối thù truyền kiếp.

Phó Thánh Hâm vốn là tiểu thư nhà họ Phó và có vị hôn phu thanh mai trúc mã tên Giản Tử Tuấn. Cuộc đời Thánh Hâm rơi vào bi kịch khi ba của mình là Phó Lương Đông tự tử, đồng thời để lại cho cô món nợ lớn cùng công ty tâm huyết đang trên bờ vực phá sản.

“Sinh mệnh là một chiếc gấm hoa lệ, hoá ra em chỉ là một bông hoa trên chiếc áo gấm đó, nở rộ rực rỡ, sau khi xé rách lặng lẽ tàn lụi.”

– Gấm rách

Người đã gây nên sự tang thương này lại chính là Giản Tử Tuấn, không chỉ thế anh ta còn nhẫn tâm từ chối lời cầu cứu của Thánh Hâm khi cô đang bất lực nhìn công ty dần sụp đổ trước mắt.

Bìa sách Gấm rách

Đứng trước sóng gió quá lớn, bất đắc dĩ cô phải nhờ đến sự trợ giúp của đối thủ Giản gia là Dịch Chí Duy. Chí Duy là chủ tịch của tập đoàn Đông Cù và có sức ảnh hưởng rất lớn trên thương trường, trong giới làm ăn ai ai cũng biết anh tuổi trẻ tài cao nên vô cùng nể trọng.

Tuy nhiên Chí Duy lại có mối thù sâu đậm với nhà họ Phó khi Phó Lương Đông chính là người đã hại chết ba anh, đồng thời khiến Dịch gia tan cửa nát nhà. Vì không muốn Hoa Vũ rơi vào tay Tử Tuấn mà cô đã liều lĩnh đặt cược, bất chấp cả mối thù giữa hai nhà.

Nhờ sức ảnh hưởng cùng sự dạy bảo của Dịch Chí Duy mà Thánh Hâm đã từng bước vực dậy Hoa Vũ, dù mang danh nghĩa bạn gái anh nhưng cô vẫn không thể nào nắm bắt được tâm tư của người đàn ông bên cạnh mình.

“Bài học đầu tiên cô phải học chính là mỉm cười. Bất cứ trong tình huống nào, trước mặt bất cứ ai, cô đều phải cười thật tươi, cho dù cô hận đối phương đến chết, cô cũng phải cười và nói chuyện với anh ta Đợi đến lúc anh ta cho rằng cô vô hại, rồi đâm cho anh ta một nhát cũng chưa muộn.”

– Gấm rách

Bên cạnh Chí Duy, Thánh Hâm dần cảm nhận được những ấm áp mà anh dành cho mình và bắt đầu rung động, tình cảm của cô xuất phát từ trái tim thuần khiết và mong muốn có thể dùng sự chân thành để cảm hoá trái tim Chí Duy.

Phỉ Ngã Tư Tồn đã khéo léo tạo nên bi kịch khiến cốt truyện thêm phần kịch tính và thú vị, mối tình giữa hai người tuy ngắn ngủi nhưng vẫn để lại sự day dứt trong tâm trí độc giả.

Mọi thứ đều là ván cờ được sắp đặt sẵn

Dịch Chí Duy là một nhân vật có lòng dạ thâm sâu khó lường, từ đầu anh đã thể hiện mặt lý trí của mình trước mối tình với Thánh Hâm.

Tuy nhiên khi phát hiện em của mình là Dịch Truyền Đông giữ ảnh của Thánh Hâm anh đã vô cùng nóng giận và thẳng tay đuổi cô ra khỏi nhà.

Bi kịch lại một lần nữa ập đến, không có sự giúp đỡ của anh cô không tài nào chống đỡ nổi tập đoàn Hoa Vũ. Thời điểm đó cô còn phát hiện mình có thai với Chí Duy nhưng trớ trêu thay anh lại chối bỏ đứa con của mình.

Gấm rách tiếng Trung

Đứng trước sự cay nghiệt của người mình yêu và nhiều bi kịch nối tiếp nhau khiến cô yếu lòng ngã vào vòng tay Giản Tử Tuấn.

Từ lâu trái tim Thánh Hâm đã yêu Chí Duy sâu đậm, sau nhiều thăng trầm cô nhận ra anh cũng dành tình cảm cho mình nhưng giữa cả hai luôn có một ranh giới không thể vượt qua. Tháng ngày bên nhau tuy ngắn ngủi nhưng những dư vị ngọt ngào sẽ mãi là vùng ký ức đẹp trong trái tim họ suốt quãng đời còn lại.

Lấy hết can đảm để một lần nữa chạy đến bên Chí Duy, trái tim của Thánh Hâm chỉ còn lại một tình yêu thuần khiết và mong muốn được sống bên người mình yêu, cô nguyện bỏ lại tất cả để rồi phải nhận một kết thúc đau thương.

“Cô giống như là một đóa hoa dâm bụt, nở rộ một cách kiên trì mà nhẫn nhịn. Vướng mắc giữa hai người đàn ông có hận thù với cô, cùng nhau diễn một vở kịch bi thương xuyên qua ba đời.Sinh mệnh là một chiếc áo gấm hoa lệ, hóa ra em chỉ là một bông hoa trên chiếc áo gấm đó, nở rộ rực rỡ, sau khi xé rách lặng lẽ tàn lụi.”

– Gấm rách

Hoá ra tình yêu không đủ lớn để xoá đi lòng thù hận, từ đầu đến cuối Thánh Hâm chỉ là một con cờ bé nhỏ trong trò chơi của những người mà cô tưởng rằng yêu thương mình nhất.

Thật đúng với cái tên “mẹ ghẻ của những mối tình”, Phỉ Ngã Tư Tồn luôn tạo nên số phận đầy bi thương cho những nhân vật do mình chấp bút.

Gấm rách được viết bởi Phỉ Ngã Tư Tồn

Nhân vật Dịch Chí Duy là một người quá lý trí và nhẫn tâm, đứng giữa tình yêu và lòng thù hận anh đã đưa ra sự lựa chọn vô cùng tàn nhẫn để rồi khi đạt được mong muốn, thứ anh còn lại chỉ là sự đơn độc.

Ngược lại, Thánh Hâm là một cô gái đáng thương, chỉ vì mang họ Phó mà nếm trải nhiều trái ngang và chịu số phận bi đát. Cô đã nguyện lòng dâng trọn trái tim chân thành cho Chí Duy nhưng vẫn không thể xoá bỏ hận thù trong anh.

“Rốt cuộc tôi yêu em bao nhiêu chỉ bản thân tôi mới biết. Nhưng, tình yêu trên thế giới này, không có cách nào, lợi ích của bản thân và gia đình luôn phải đặt ở phía trước.”

– Gấm rách

Mỗi một nhân vật do Phỉ Ngã Tư Tồn xây dựng đều mang trong mình nét tính cách đặc trưng, không lặp lại, chính điều đó đã tạo nên sức hút cho các tác phẩm của cô dù hầu hết đều vô cùng bi thương.

Gấm rách và những dư vị đọng lại

Những rung cảm trong tình yêu của cả hai được Phỉ Ngã Tư Tồn miêu tả vô cùng tự nhiên và đầy chân thật. Nếu ở những tiểu thuyết ngôn tình trước đây, các nhân vật đều dùng tình yêu để cảm hoá và vùi chôn lòng thù hận thì với tác phẩm này lại hoàn toàn ngược lại.

Ở Gấm rách những góc khuất của xã hội đã được phơi bày đầy chân thật, các nhân vật trong truyện có thể vì tiền tài, lợi ích mà bán rẻ đi người mình thương yêu, đồng thời một tình yêu đơn thuần cũng không thể xoá đi lòng thù hận.

Bên cạnh đó độc giả còn cho rằng Phỉ Ngã Tư Tồn đã xây dựng hình tượng quá tàn nhẫn và không phù hợp với một tiểu thuyết ngôn tình. Cách tác giả xây dựng tình huống truyện quá bi kịch và thiếu tôn trọng quyền bình đẳng của con người.

“Ngày nay, người ta hướng đến bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực nhưng rõ ràng là không triệt để. Ngay trong Gấm rách của Phỉ Ngã Tư Tồn cũng tồn tại một sự bất bình đẳng, mà dùng từ đơn giản thì đó là ỷ mạnh hiếp yếu. Hai chọi một. Dịch Chí Duy cùng Giản Tử Tuấn, hai gã đàn ông cùng đối đầu một người phụ nữ – Phó Thánh Hâm.”

– Goodreads

Tuy nhiên bằng tài hoa trong ngòi bút của mình, Phỉ Ngã Tư Tồn vẫn xoa dịu độc giả bằng những giây phút bình yên nhưng cũng không kém phần ấm áp khi hai nhân vật bên cạnh nhau, dù đó chỉ là khoảng thời gian cùng ngắn ngủi.

Thiên Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *