Người ta vẫn thường ví von: ‘Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng’, để mô tả cái sự ghê gớm, đáo để, xét nét từ những cô em gái/chị gái với người yêu/hoặc vợ của anh trai/em trai mình (trong bài viết này chỉ đề cập mối quan hệ chị dâu – em chồng).
Giặc Ngô hung hãn, hiếu chiến là thế, vậy mà em chồng còn hung hãn hơn thì chắc chắn các bà chị dâu không thể dễ sống được rồi.
Một cô em chồng đã có những chia sẻ về chị dâu của mình như sau:
“Ngày anh tôi mới dẫn bạn gái về chơi, tôi thấy trong mắt chị ấy có chút gì đó ngại ngùng, chút gì đó dè dặt trước cô em của người yêu. Chị ấy có thể thoải mái trò chuyện cùng mẹ tôi, nhưng hễ cứ tôi mở miệng ra hỏi điều gì là chị ấy cũng phải mất một lúc suy nghĩ rồi mới trả lời, cẩn thận như thể tôi sẽ tìm cách bắt lỗi chị ấy cho bằng được.
Khi ấy tôi mới học lớp 11, lớn thì cũng chả lớn hẳn, mà trẻ con thì cũng chỉ còn chút chút, tóm lại là dở dở ương ương đến ngay bố mẹ tôi cũng không chiều nổi. Chắc chị ấy biết thế nên rất ngại động chạm đến tôi chăng? Sợ nếu làm gì khiến tôi không vừa ý thì lại mang tiếng là không biết điều.
Thế nhưng, rõ ràng là chị ấy không biết điều thật!
Nói ra lại bảo tôi soi mói, xét nét, nhưng ai đời, lần đầu tiên đến nhà người yêu đã đến muộn, báo hại tôi chỉ ăn được có nhúm cơm rồi phải vội vàng đi học buổi chiều.
Ngay từ ấn tượng đầu tiên về nhau đã không tốt, nên khi anh tôi lấy vợ,tôi vẫn chả thích nổi vợ của anh mình.
Một người phụ nữ xa lạ ở đẩu ở đâu về làm chị mình, đem cái lối sống khác về sống trong nhà mình, tất nhiên ai mà chẳng cảm thấy có chút không quen, có chút bị đe doạ trượt khỏi vị trí được quan tâm, yêu chiều nhất trong nhà. Thế nên chị dâu phải hiểu được tâm lý ấy của tôi mà cư xử sao cho khéo léo hơn chứ!
Này nhé, về làm dâu được 2 tuần mà chị ấy vẫn không biết cái hộp đựng thức ăn thừa để ở đâu, cất dao phải xoay cùng một chiều như thế nào, đi chợ mua bao nhiêu đồ là vừa đủ.
Đã thế mẹ tôi nấu đồ ăn sáng cho còn không chịu ăn, suốt ngày lấy lý do muộn đi làm ra để trốn. Có những buổi tối chị không ăn cơm nhà, đi chơi với bạn mà chẳng nói với mẹ tôi một tiếng, làm mẹ mất công nấu bao nhiêu thứ lại cất đi.
Có lần chị tặng tôi một cái áo chả nhân dịp gì cả, nhưng không hiểu chị nghĩ gì mà mua cái áo màu đỏ chót, trông rõ nóng nực như trêu tức tôi vậy.
Cứ như thế, bảo sao tôi phải hoá thân thành cô em chồng hay xét nét, khó tính với chị dâu của mình. Ai chẳng muốn được sống yên ổn, hoà bình với nhau vì mình có yêu thương chị dâu, thì chị ấy cũng mới chăm lo chu đáo cho anh mình. Nhưng tôi lại chả chịu được bà chị dâu như thế.
Để thể hiện thái độ không bằng lòng với chị dâu, tôi nói cho anh trai và mẹ biết những việc làm của chị là không được. Mỉa mai chị dâu chưa đã, tôi còn thêm mắm dặm muối, biến chị dâu thành kẻ ác, thành nhân vật phản diện trong bộ phim gia đình dài tập nữa mới chịu. Thế mà nhé, tôi còn biết nhiều cô em còn tai quái hơn tôi nữa cơ: đem hết thức ăn chị đã cất đi đổ vào thùng rác, quần áo đã phơi lại nhét ngược vào máy giặt, cơm đã nấu gần chín còn rút điện ra cho thành cơm sống, cửa nhà đã khóa những lại bị mở ra… Tìm mọi cách hãm hại chị dâu chẳng khác nào thâm cung nội chiến. Thế mới thấy, tôi vẫn còn hiền chán!
Nhưng mà rõ ràng, chị ở nhà chị như nào tôi không cần biết, khi chị về nhà tôi thì phải theo nếp sống của nhà tôi! Mấy lần đầu mẹ và anh tôi đều gạt đi vì nghĩ tôi hay soi mói kiểu trẻ con. Nhưng mưa dầm thấm lâu, đã mấy lần tôi nghe thấy anh chị cãi nhau vì vài việc cỏn con trong gia đình. Tôi lấy làm hả hê lắm. Tôi sung sướng kể cho bọn bạn nghe về quyền lực của cô em chồng, tôi cho rằng thế là mình đang giúp anh “dạy” vợ, người ta vẫn bảo dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về còn gì.
Tôi cũng để ý, cứ cuối tuần ra ngoài chơi là chị lại ăn diện, trang điểm cầu kỳ hơn mọi khi, còn xức cả nước hoa thơm nức mũi thế là tôi đặt điều, nói xấu chị với anh trai. Nào là chị đi chơi với người đàn ông khác, chị không còn yêu anh nữa. Tôi biết mình rất vô lý khi cứ đặt điều cho chị dâu như vậy, nhưng thực sự tôi rất hả hê khi thấy chị không còn được mọi người yêu thương nữa. Cũng giống như khi có một đứa con gái mới vào lớp bạn, bạn sẽ muốn xét nét, soi mói người ta cho bằng được, đặc biệt phải lôi kéo đồng minh cô lập, tẩy chay người ta.
Thế nhưng ai mà ngờ được những lời nói thêm thắt của tôi lại khiến anh chị cãi vã, giận dỗi cả tháng trời. Đỉnh điểm, có lần chị còn bỏ về nhà mẹ đẻ vì không chịu nổi việc mình không được tôn trọng ở gia đình nhà chồng.
Rồi tôi cũng nhận ra, sau vài lần anh chị to tiếng với nhau, tôi lại thấy anh ngồi một mình buồn bã, vẻ mặt đau khổ lắm. Còn bố mẹ tôi cũng chẳng vui vẻ gì, không khí trong gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn. Chị dâu tôi cũng không cười nói nhiều như trước nữa, sáng đi làm, tối lại về lầm lầm lũi lũi. Tôi chợt giật mình nhận ra, tôi đã làm gì để khiến gia đình mất đi niềm vui thế này. Phải chăng do tôi đã quá khó tính với chị dâu của mình?
Tôi chưa từng tâm sự với chị tôi không thích màu đỏ. Chỉ là chị thấy cái áo đấy hợp với tôi nên mua.
Tôi chưa từng cùng chị nấu một bữa cơm, chưa từng phụ chị rửa một cái bát.
Tôi chưa từng nhẹ nhàng nói cho chị biết bố mẹ thích ăn gì, tôi ghét nhất món gì.
Tôi cũng không chịu hiểu công việc của chị phải làm đêm làm hôm, sáng dậy muộn một chút cũng là lẽ thường tình.
Tôi càng ích kỷ hơn khi luôn tìm cớ nói xấu chị với anh trai, khiến hai anh chị xích mích.
Tôi chưa từng nghĩ đến những hành động của mình lại khiến gia đình không còn vui vẻ, không còn hạnh phúc. Đúng là tôi phải trách mình trước khi trách chị dâu không hoà nhập được với nếp sống của nhà tôi.
Rồi tôi nghĩ đến phận mình đến lúc đi lấy chồng, mà gặp phải cô em chồng tác oai tác quái giống như tôi bây giờ, chắc không sớm thì muộn tôi cũng phải giơ tay đầu hàng, xin về nhà mẹ đẻ sớm. Nếu thực sự trên đời có luật nhân quả, thì hẳn cuộc sống hôn nhân của tôi sẽ phải kinh khủng lắm. Thế nên tôi chẳng còn muốn so đo gì với chị dâu của mình nữa, tôi cũng hiểu được rằng muốn người ta đối với mình như nào, thì trước hết mình phải biết cư xử đúng mực với người ta”.
Cần nhất là thấu hiểu, thông cảm
Lời tâm sự trên khiến chúng ta rút ra được bài học rằng để giải quyết mâu thuẫn của bất cứ mối quan hệ nào cũng cần thấu hiểu va cảm thông với nhau. Nếu em chồng mãi ghê gớm và chị dâu chẳng chịu học hỏi thì mối quan hệ sẽ mãi lâm vào bế tắc không thể cứu vãn. Dù là chị dâu hay em chồng thì cũng nên nhớ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, muốn đối phương yêu thương mình thì hãy học cách mở lòng, yêu thương đối phương trước đã.
Nếu mẹ chồng – nàng dâu thường có khoảng cách thế hệ khó hòa giải thì chị dâu – em chồng lại có lợi thế về mặt này. Cùng là phụ nữ, lại sàn sàn tuổi nhau, rất dễ để có chung sở thích hay cơ hội để gần gũi và thấu hiểu lẫn nhau.
Cư xử tốt với đối phương, người hưởng lợi là chính mình
Em chồng mà ghê gớm với chị dâu thì thật là điều dại dột. Nếu em chồng đối xử tốt với chị dâu, người hưởng lợi đầu tiên chính là anh trai mình. Vì chị dâu có thoải mái, vui vẻ thì mới hết lòng chăm lo cho anh mình, cháu mình. Sau khi mình đi lấy chồng, chị dâu cũng chính là người chăm sóc cha mẹ mình. Thế nên. em chồng mà ghê gớm với chị dâu, chắc chắn chỉ có thiệt thòi!
Ngược lại, nếu chị dâu chịu khó hòa hợp, yêu quý em chồng, sẽ kéo thêm được một đồng minh mỗi khi xích mích với chồng hay lúc trót thất lễ với mẹ chồng. Chỉ vài lời tỉ tê, nói khéo của cô em với mẹ chồng cũng khiến chị dâu ghi điểm rất nhiều, gia đình lại được êm ấm, hạnh phúc.