e-News – Tình làng nghĩa xóm

Ông bà ta ngày xưa có câu: “bà con xa không bằng láng giềng gần” nhưng mấy khi những con người trong chúng ta được trải qua một cách thấm đẫm câu nói ấy. Láng giềng thì cũng chỉ là người dưng với nhau thôi, có máu mủ ruột thịt gì đâu mà ơn nghĩa hay nhờ vả nhau, nhưng mấy ai ngờ những ngày ở quê chống dịch, tôi lại may mắn và hạnh phúc tột cùng khi đã thấu hiểu được bốn chữ “tình làng nghĩa xóm”.

Tôi sinh ra ở một vùng mà được trộn lẫn cả “mùi vị mùa quê” của nông thôn và “sự tấp nập” của thành thị cho nên được cảm nhận cả tình cảm mộc mạc làng quê và sự phát triển của công nghệ hiện đại. Bà con lối xóm thì thân nhau từ đời ông, đời cha nên tình chặt keo sơn lắm, miễn có nhà nào có khó khăn, là bà con trong xóm lại họp nhau người góp chút ít để giúp đỡ.

Độ khoảng 4 năm trước, trong xóm tôi có chú Bảy là lao động chân tay. Chẳng may trong lúc tan ca về thì bị tai nạn giao thông, tay phải và chân của chú đều phải bó bột và tịnh dưỡng thời gian dài. Chú sống một mình, hoà nhã với mọi người, nên khi hay tin chú bị tai nạn thì cả xóm tôi lại một phen nháo nhào. Nhìn chú rồi mọi người nhìn nhau, một hồi sau mọi người thống nhất đưa ra quyết định: “Dì Hai đảm nhận lo cơm trưa, chú Sáu thì lo cơm chiều, con Mén và cu Tí cạnh nhà thì qua chăm ông Bảy lúc rảnh ban ngày, ban đêm thì chú Ba ngủ cùng. Ai muốn tiếp, muốn cho bó rau bỏ cải, muốn thăm chú Bảy thì thoải mái. Chăm đến khi nào ổng khoẻ trở lại! Mọi người ưng không ?” – “Ưng” – Cái từ chan chứa cả hồn miền Tây trong đó – cả xóm mấy chục con người đồng thanh trả lời. Chưa bao giờ tôi thấy cuộc họp nào nhanh đến như vậy và ấm áp tình người đến như vậy.

Ảnh minh họa

Bốn năm sau, lại quay về hiện tại, tôi phải ở nhà và làm mọi công việc tại nhà. Chỉ là cái bà “cô Vy” cứ ngao du thập phương, làm ai ai cũng phải khổ sở. Chỉ thị nối tiếp chỉ thị, 16 nối tiếp 15, khiến cho việc ra đường đi chợ thoải mái như ngày xưa trở thành “một cảnh tượng đắt giá”. Những ngày đầu giãn cách, mọi thứ đều đội giá khiến ai cũng ngao ngán vì thức ăn không còn là một danh từ mà muốn là có được. Nhưng rồi cái sức mạnh của “tình xóm nghĩa làng” đã vực dậy trong lòng của mỗi người dân xóm tôi. Người có vài công rau cải sẵn sàng thu hoạch rồi đem lại khóm ấp, nhờ họ phát đều cho mỗi nhà. Có nhà nuôi vịt, họ cũng sẵn sàng tặng 1000 trứng để chia cho xóm. Người có gà, vịt, heo mà số lượng có dư cũng hưởng ứng quyên góp để chia cho mọi người có miếng thịt để ăn. Những cô chú có điều kiện hơn thì mua mấy trăm thùng mì gói, mấy trăm kí gạo để chia cho những hộ dân nghèo hơn. Những “phiên chợ 0 đồng”, “gian hàng 0 đồng” cũng xuất hiện nhiều hơn. Vừa được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, bà con lối xóm cũng đồng lòng quyên góp sức nhỏ của mình vào cộng đồng chung nên những ngày qua, dịch không làm khó bà con một xíu nào cả.

Thực hiện nhiều hoạt động san sẻ nhưng mọi người vẫn tuân thủ 5K rất tốt. Có một lần, có đối tượng trốn cách ly về nhà và trốn không khai báo. Làm sao mà qua mặt được các “camera chạy bằng cơm” của xóm tôi, họ báo ngay cho chính quyền và đối tượng đó đã phải đi cách ly theo quy định. Lần ấy, bác trưởng khóm đã khen và động viên bà con nên làm nhiều hành động như thế này nữa.

Không những giàu tình nghĩa mà còn rất trách nhiệm, luôn thực hiện tốt những yêu cầu của Chính phủ, tôi nghĩ không chỉ riêng xóm tôi đâu, mà cả những tỉnh thành, quận huyện, mỗi người con của dân tộc Việt Nam, từ Bắc tới Nam, trọn vẹn một Việt Nam mang trong mình dòng máu lạc hồng, luôn đề cao “tình nghĩa” hơn bất cứ thứ gì. Chỉ cần đúng thời điểm, nó sẽ được phát huy. Chỉ cần bạn dạo một vòng trên các trang mạng, bạn sẽ thấy được rất rất nhiều việc làm ý nghĩa của những người con đất Việt. Có người ở quê thì tặng rau cải, người ở thành phố thì tặng cơm từ thiện cho những người vô gia cư. Xóm tôi chỉ là một hạt cát ví dụ giữa mênh mông đại dương những hành động tốt đẹp và đầy tình nghĩa với nhau.

Khi ai nói “tiền có thể mua được tất cả” thì vào những ngày dịch bệnh thế này càng chứng minh cho câu nói đó hoàn toàn sai, tiền không thể mua được tình cảm, nhất là tình cảm giữa con người với nhau. Tiền quan trọng, nhưng đôi khi nó sẽ không còn quan trọng khi nó không còn giá trị nữa. Nếu bạn ở những thành phố xa hoa thì việc mua được một bó rau còn khó hơn mua một cây vàng. Láng giềng bà con với nhau tình nghĩa sẽ là nền tảng cho một xã hội tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Dịch đến và chắc chắn sẽ qua đi nhưng tình nghĩa xóm làng vẫn còn mãi và trường tồn mãi đến muôn ngàn đời sau. Và tôi, thật tự hào khi cất vang câu nói “Tôi là người Việt Nam và đất nước rất giàu tình cảm!”.

Yến Linh – DH20AV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *