Dụ ngôn ngọn đèn hải đăng hay làm thế nào để phân định con đường riêng của mình? – Phanxicô

2

Dụ ngôn ngọn đèn hải đăng hay làm thế nào để phân định con đường riêng của mình?

Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon

Tôi phải làm gì với đời tôi? Đâu là tương lai của tôi? Nghề nào là nghề tốt nhất cho tôi? Ai là chồng tương lai, vợ tương lai của tôi? Người mà tôi sẽ sống suốt đời với họ không phải là chuyện không quan trọng! Phải chọn cho đúng. Chúa có một chương trình đặc biệt nào cho tôi không? Ngài có tin tưởng tôi để tôi phục vụ Ngài một cách đặc biệt không?

Những câu hỏi về tương lai đặc biệt quan trọng khi chúng ta còn trẻ. Nhưng nó sẽ không biến mất với thời gian, ngược lại chúng ta phải luôn chọn đi chọn lại trong suốt đời mình: định hướng nghề nghiệp mới, dự tính cho hoàn cảnh gia đình mới, tiếng gọi mới trong tiếng đã gọi.

Còn trẻ, trước hết tôi muốn làm tổng thống Pháp. Tôi tự nhủ: “Như vậy ít nhất mẹ tôi sẽ không còn bận tâm về tôi nữa!” Nhưng khi tôi nhận ra mình không thể làm tổng thống suốt đời thì tôi bỏ ý định này. Khoảng 8, 9 tuổi tôi đổi ý: tôi làm mục đồng. Vào thời đó, chúng tôi đi thăm người bạn chăn một đàn cừu lớn ở Camargue, tôi thấy cuộc sống của anh an bình và đẹp. Và rồi sau này trong thời gian ở với cha ghẻ Martial, một găng-xtơ sống với mẹ tôi bốn năm. Đôi khi có luật sư của ông đến nhà. Và tôi quyết định mình sẽ làm luật sư, như thế một cách nào đó mình có thể ở bên cạnh cả người tốt và người xấu, ít nhất lúc đó tôi nghĩ như vậy. Dự tính này vẫn còn ở trong đầu tôi cho đến ngày tôi trở lại.

Sau khi trở lại, vấn đề nghề nghiệp không còn là vấn đề chính yếu của tôi nữa. Lúc đó điều quan trọng với tôi, mình phải là tín hữu kitô tốt. Một cách căn bản, tôi học các kinh mà tôi chưa biết: Kinh Tinh Kính, Kinh Xưng Tội…

Vài tháng sau, tháng 4, tháng 5 năm 1981, tôi xin các bạn trong nhóm cầu nguyện để họ cầu nguyện cho tôi vì tôi đang ở trong một giai đoạn khó khăn, nhất là liên quan đến vấn đề khiết tịnh. Tôi xin “lời cầu nguyện của anh em”. Hình thức cầu nguyện này rất phổ biến trong phong trào Canh tân Đặc sủng. Khi người nào có một ý chỉ cầu nguyện đặc biệt thì họ quỳ xuống, và những người chung quanh đặt tay lên vai họ. Truyền thống này đến từ Lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19).

Nhiều lần trong khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã đặt tay lên người bệnh và Ngài truyền cho các môn đệ cũng làm như Ngài: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16,17-18). Cách thực hành này phổ biến trong thời Giáo hội sơ khởi như sách Tông đồ Công vụ đã viết: “Có ông thân sinh ông Púp-li-ô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phao-lô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi” (Cv 28,7).

Ngày hôm đó, chúng tôi đến một nhà nguyện nhỏ, tôi quỳ trước Nhà Tạm. Các bạn ở chung quanh tôi. Một vài bạn đặt tay lên vai tôi. Họ hết sức hết lòng cầu nguyện. Một trong các bạn cầm quyển Thánh Kinh, anh mở một trang tình cờ. Anh đọc đoạn đó. Đó là đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan khi Chúa Giêsu sống lại và hỏi Thánh Phêrô ba lần, ông có yêu Ngài hơn các anh em này không. Thánh Phêrô buồn vì ông vừa chối Chúa ba lần. Dù vậy, ông cũng trả lời Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Và cả ba lần Chúa đều giao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên của mình.

Đoạn này trong chương 21 của Phúc Âm Thánh Gioan thường được đọc trong lễ chịu chức nhưng lúc đó tôi không biết. Trong buổi cầu nguyện hôm đó có một linh mục. Vào cuối buổi cầu nguyện, khi đi ra khỏi nhà nguyện, cha kéo tôi ra riêng:

– René-Luc, con có nghĩ đến việc con làm linh mục không?

– Có, con cũng đặt câu hỏi này, nhưng con không biết… Với quá khứ của con, con không biết Chúa có gọi một người như con không. Vì sao cha hỏi con như vậy?

– Con à, trong khi cầu nguyện, cha cảm nhận trong lòng Chúa Giêsu muốn gọi con làm linh mục. Và khi cha nghe đoạn Tin Mừng bạn con mở ra đọc, cha thấy đây là lời xác nhận. Đoạn này là lời kêu gọi chính thức xem Phêrô như một linh mục. Cha chỉ đơn giản chia sẻ với con, dĩ nhiên chuyện này không phải là một cam kết đối với con.

Tôi xin cha cầu nguyện vì tôi cảm thấy không xứng đáng, và khi đi về, tôi xem đây như tiếng Chúa Giêsu gọi tôi làm linh mục! Đối với tôi, đây là chuyện hiển nhiên, Ngài gọi và tôi trả lời: con đây!

Từ lúc đó, bốn năm cuối trung học, khi phải trả lời lựa chọn của mình cho tương lai, tôi đơn giản viết “linh mục”. Thường thường các giáo sư đều ngạc nhiên, họ hỏi lại: “Con chắc chứ?”

Sau khi đậu tú tài tôi muốn vào chủng viện ngay, nhưng người đồng hành thiêng liêng của tôi yêu cầu tôi chờ một năm để kiểm lại tiếng gọi này, vì tôi nghe tiếng gọi này khi còn quá trẻ. Vì vậy trong năm này, tôi làm việc trong một công ty nhỏ sản xuất băng cát-xét về tôn giáo. Sau năm suy nghĩ chín muồi này, tiếng gọi của Chúa vẫn còn đó, nó còn mạnh hơn bao giờ hết. Tháng 9 năm 1986, tôi vào chủng viện khi tôi 20 tuổi, năm tôi 27 tuổi, ngày 26 tháng 6 năm 1994 tôi được chịu chức linh mục.

Tôi thích thú nhận ra ơn gọi chức thánh của tôi phù với ba nghề tôi thích khi còn nhỏ: “tổng thống” vì linh mục làm chủ lễ, “mục đồng” chăm sóc đàn chiên Chúa giao, “luật sư” của Chúa nhân lành mà công việc thì bị đưa ra tòa án thế gian liên tục.

Dụ ngôn ngọn hải đăng

Trong các năm làm linh mục, tôi luôn đối diện với lo lắng về tương lai của các bạn trẻ. Bởi vì không bao giờ dễ dàng để đồng hành với một người trẻ trong giai đoạn đặc biệt này. Điều quan trọng nhất, đó là luôn chuyển động, không chờ các câu trả lời rơi từ trên trời xuống! Vì thế tôi nghĩ đến dụ ngôn ngọn hải đăng, hay làm sao phân định con đường riêng cho đời sống của mình.

Trong sương mù

Khi chúng ta đi tìm câu trả lời cho tương lai của mình, chúng ta như ở trên chiếc tàu đi trong sương mù hay trong đêm tối. Để định hướng, chúng ta mơ gặp ngọn hải đăng trên bờ biển để chúng ta có hướng đi: tôi sẽ biết đường về đến cảng an toàn! Tôi chỉ việc đi theo ánh đèn, tất cả đều rõ ràng!

Đạp

Nhưng Chúa không bao giờ làm như vậy, nếu có thì rất hiếm. Ngài cho chúng ta ngọn đèn pha, có, nhưng đèn pha của… chiếc xe đạp! Ngài không cho chúng ta ánh sáng từ đàng xa để chúng ta hướng tới, nhưng ánh sáng nhỏ của chiếc xe đạp, chỉ sáng vài mét trước mặt mình, với điều kiện mình phải đạp. Đúng vậy, ngày xưa đèn pha chiếc xe đạp sáng nhờ đinamô cọ sát vào bánh xe! Bây giờ có đèn pha chạy bằng pin điện tử, tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ hình dung ra hình ảnh. Nếu mình ngừng đạp, đinamô không cọ vào bánh xe thì đèn sẽ không sáng.

Điều này đúng cho tất cả các việc trên đời. Nếu các bạn trẻ chờ để biết nghề nghiệp tương lai của mình như thế nào rồi mới quyết định học, thì biết khi nào mới khởi sự học.

Nếu điều này đúng với mọi sự trên cuộc đời thì nó cũng đúng cho cuộc đời của chúng ta với Chúa. Ngài cho chúng ta ánh sáng từng ngày, như Chúa đã nói qua câu: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

Chúng ta đừng chờ ngày mai những gì có thể làm hôm nay. Chúng ta chưa biết những gì Chúa dự trù cho mình trong tương lai, nhưng chúng ta đã biết những gì Ngài chờ chúng ta hôm nay: trung thành với đời sống cầu nguyện, đọc Lời Chúa, thường xuyên đi lễ, chia sẻ các giây phút cảm thông với anh em, chăm sóc những người nghèo nhất… Chúng ta đừng chờ các mạc khải lớn để lên đường hôm nay! Chỉ khi tiến tới từng ngày một mà các định hướng lớn cho đời chúng ta được rõ ra.

Con đường sáng tỏ

Tôi là người gốc Camargue. Ở Camargue có bãi Beauduc, một bãi cát mênh mông rất cứng, người dân có thể đi xe buồm hay xe đạp, tại đây có vết bánh xe đủ mọi hướng.

Khởi đầu cuộc sống của chúng ta với Chúa, chúng ta đạp xe mà không biết đâu là con đường chính xác. Chung quanh chúng ta, có những dấu vết ở mọi phía.  Bao nhiêu là đề nghị xem ra cũng có thể làm được. Chúng ta không biết theo con đường nào. Không sao! Phải tiếp tục đi tới, phải tiếp tục đạp!

Bãi Camargue có những con đường băng qua các cồn cát đưa đến một con đường nhỏ có tên “con đê ra biển”. Và con đê này lách qua các đường mòn nhỏ trong vùng đầm lầy.

Cũng vậy đối với ơn gọi, chúng ta phải trung thành tiến tới, vì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ thấy trên con đường của mình có một cái gì đó không còn tốt. Trong trường hợp này, chỉ cần quay lại và tìm một con đường khác. Như thế từ đường này qua đường kia, chúng ta sẽ khám phá một con đường hẹp hơn. Và nếu chúng ta cảm thấy tốt ở đây là chúng ta đã tìm được con đường tốt cho đời mình, là ơn gọi của chúng ta! 

Ý Chúa 

Sau khi dò dẫm nhiều lần, chúng ta trải nghiệm được bây giờ phải điều chỉnh đời mình theo ý Chúa, thấy ở đây một niềm vui đặc biệt. Niềm vui trở nên thật sự là thành viên đích thực của gia đình Chúa Giêsu: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!” (Mc 3,35).

Và trong cuộc đời, chúng ta phải thường xuyên điều chỉnh theo ý Chúa, đôi khi cho đến giây phút cuối cùng. Chúng ta nghĩ đến những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu. Ở vườn Giếtsêmani, Ngài đã cầu nguyện, “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý  Cha…” (Lc 22,42).

Cá nhân tôi, tôi thường đọc lời cầu nguyện: “Xin đừng làm theo ý con, nhưng làm theo ý Cha.” 

Đó là câu chúng ta đọc hàng ngày khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha: “Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10).

Vậy chúng ta hãy can đảm đạp xe trên con đường đời của mình!

Marta An Nguyễn dịch

Dụ ngôn ngọn đèn hải đăng hay làm thế nào để phân định con đường riêng của mình?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *