Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Nguyễn Văn Thái – Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Thái đã có hơn 17 năm kinh nghiệm điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực Phẫu thuật Đầu cổ.
Bệnh viêm họng khá phổ biến và dễ gặp trong thời điểm giao mùa với bất cứ ai. Đối với những biểu hiện ban đầu bệnh nhẹ, người bệnh thường chọn phương pháp không dùng kháng sinh như: sử dụng trà mật ong, nước muối, gừng…
1. Bệnh viêm họng
Viêm họng là một dạng bệnh viêm nhiễm trùng phổ biến gây đau cổ họng. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu khi cổ họng của mình đau hoặc rát, đặc biệt là khi nuốt. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần mà không để lại tổn thương, di chứng về sau.
Đau họng là triệu chứng phổ biến của viêm họng. Đau họng sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái vì cổ họng sẽ đau hoặc nóng, khiến bạn khó ăn.
Tuy nhiên, đau họng cũng là triệu chứng phổ biến của một số bệnh khác hoặc xảy ra do các tình trạng sức khỏe khác, ví dụ như cảm cúm, sốt, viêm thanh quản, …
2. Biểu hiện viêm họng
Viêm họng là một bệnh lý hô hấp rất phổ biến ở vùng họng. Khi bị viêm họng, người bệnh sẽ thường thấy có các triệu chứng cơ bản sau:
- Cảm giác khó chịu vùng họng, họng ngứa và khô, sưng vướng víu, ho.
- Người bệnh nuốt khó, ăn không ngon, thậm chí uống nước hay nuốt nước bọt đều bị đau vùng họng.
- Tiết dịch trong vùng họng. Dịch tiết ban đầu mày trong và ít, sau càng để lâu dịch tiết càng nhiều và đặc, tối màu. Người bệnh viêm họng vì thế cũng thường bị khàn tiếng thậm chí mất tiếng, hay hắng giọng hoặc khạc để làm sạch dịch tiết này.
- Họng mẫn cảm, người bệnh dễ dẫn đến buồn nôn.
- Viêm họng thường kèm theo tình trạng sốt nhẹ, đau đầu. Khi bệnh để lâu cũng gây nên hiện tượng ù tai, nhức tai, và các biểu hiện tương tự như cảm cúm nên dễ gây nhầm lẫn cho người bệnh.
- Soi họng có thể thấy niêm mạc vách họng xung huyết, đỏ thẫm, vùng vách họng sau có nhiều mụn nhỏ, xung quanh mạch máu nổi rõ, bề mặt niêm mạc họng có khi có chất nhầy hoặc mủ tiết.
3. Viêm họng nguyên nhân do đâu?
Bệnh có thể xảy ra ở mọi thời tiết do nhiều yếu tố gây nên, nhưng thông thường, mùa lạnh là thời điểm mà viêm họng có tỉ lệ hình thành nhiều nhất.
3.1. Do thời tiết, ngoại cảnh hoặc do biến chứng của bệnh khác tác động
- Dị ứng
Các chứng dị ứng với các gia vị, nấm, bụi và phấn hoa có thể khiến bạn đau họng.
- Không khí
Không khí bí và nóng trong phòng có thể làm cho cổ họng của bạn cảm thấy khó chịu và ngứa, đặc biệt là vào buổi sáng khi thức dậy. Hít thở không khí này thường xuyên qua miệng khi bạn nghẹt mũi cũng có thể gây đau họng.
- Chất kích thích
Ô nhiễm không khí có thể gây kích ứng cổ họng trong thời gian dài. Ô nhiễm không khí trong nhà do thuốc lá hoặc hóa chất cũng có thể gây ra viêm họng. Hút thuốc lá, uống rượu và ăn thức ăn cay cũng có thể làm đau cổ họng của bạn.
- Căng cơ trong cổ họng
Các cơ trong cổ họng của bạn có thể căng thẳng do bạn luôn hét lên, chẳng hạn như tại các sự kiện thể thao, nói chuyện ầm ĩ hoặc nói chuyện trong một thời gian dài mà không nghỉ ngơi.
Các cơ trong cổ họng của bạn có thể căng thẳng, bởi vì bạn luôn hét lên, chẳng hạn như tại các sự kiện thể thao, nói chuyện ầm ĩ, hoặc nói chuyện trong một thời gian dài mà không được nghỉ ngơi.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh đặc trưng bởi cảm giác nóng ở ngực do axit dạ dày tràn vào thực quản. Thực quản là một phần của đường tiêu hóa kết nối miệng và dạ dày, vì vậy trào ngược axit sẽ gây khó chịu ở cổ họng.
- Nhiễm HIV
Đau họng và các triệu chứng cúm khác đôi khi xảy ra sớm hơn ở những người bị nhiễm HIV. Một người bị nhiễm HIV, có thể bị viêm họng mãn tính hoặc tái phát do nhiễm trùng. Nhiễm trùng cổ họng này phổ biến hơn ở người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Nhiễm trùng cổ họng
Nguyên nhân này phổ biến hơn ở người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Khối u
Các khối u cổ họng, lưỡi và thanh quản có thể gây viêm họng. Các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác có thể bao gồm khàn giọng, khó nuốt, thở dốc, cục u ở cổ và máu trong nước bọt.
3.2. Do virus, vi khuẩn
Nguyên nhân gây đau họng đặc biệt thường do virus và vi khuẩn gây nên:
- Virus cảm lạnh
- Virus cảm cúm
- Mononucleosis
- Sởi
- Đậu mùa
- Nhiễm trùng hoặc viêm đường hô hấp (thường xảy ra ở trẻ em)
- Vi khuẩn có thể gây viêm họng là streptococcus pyogenes và streptococcus nhóm A.
4. Khi bị viêm họng nên làm gì?
Khi bị viêm họng, người bệnh có thể nhận biết bằng các biểu hiện ban đầu và tự điều tiết chế độ ăn uống bệnh sẽ thuyên giảm. Bạn có thể áp dụng phương pháp điều trị viêm họng không cần kháng sinh, bởi việc lạm dụng kháng sinh sẽ khiến cơ thể cơ thể bị kháng kháng sinh.
4.1. Điều trị viêm họng không cần dùng kháng sinh?
- Súc miệng với nước muối ấm
Việc súc miệng với nước muối ấm sẽ giúp bạn nhanh chóng “xua tan” được cảm giác đau rát cổ họng. Khi bị đau rát họng ít nhất mỗi giờ bạn hãy súc miệng một lần với 1 thìa muối (khoảng 5 gam muối) pha với 237 ml nước lọc.
- Uống trà và mật ong
Trà và mật ong được xem như những loại “thảo dược” thần kỳ giúp bạn nhanh chóng trị dứt cảm giác đau họng. Chỉ đơn giản bạn hãy cho 1 thìa mật ong khuấy đều trong chén trà và thêm 1 nửa quả chanh vắt.
- Uống đồ uống nóng
Sử dụng đồ uống nóng cũng là cách chữa trị chứng viêm họng hữu hiệu. Nước nóng có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh. Những đồ uống nóng hữu ích như nước, trà, cà phê, nước chanh nóng.
- Vỏ xoài và nước lọc
Bạn hãy pha lẫn 10ml nước vỏ xoài với 125ml nước lọc đun sôi để nguội và dùng để súc miệng thường ngày.
- Dấm trắng, nước và muối
Pha một cốc nước ấm với 2 thìa mật ong và 1 thìa nước chanh, dùng dung dịch này để nhấp từng hớp nhỏ.
- Bột quế, hạt tiêu và mật ong
Dùng một thìa bột quế đun với 1 cốc nước, có thêm một chút hạt tiêu và 2 thìa mật ong sẽ giúp bạn nhanh chóng khắc phục được tình hình.
- Nghệ
Nghệ cũng dùng để chữa ho. Lấy một nửa cốc nước nóng cho một ít muối vào sau đó cho nửa thìa bột nghệ. Khuấy đều và uống ngày một lần, uống khoảng 3 ngày. Cách này rất hiệu quả để bảo vệ họng khỏi bị viêm nhiễm.
- Gừng
Chữa viêm họng không thể không kể đến tác dụng của gừng. Lấy một thìa nước gừng và một thìa mật ong trộn với nhau. Ăn hỗn hợp gừng và mật ong sau đó uống một cốc sữa nóng để giảm ho và các vấn đề về họng.
- Tắm nước nóng
Có thể xoa dịu chứng đau cổ họng bằng cách hít nhiều hơi nước trong lúc tắm nước nóng hoặc nghiêng đầu trên một chậu nước bốc hơi và há miệng ra hít hơi ẩm bay lên từ chậu nước. Làm như vậy mỗi lần khoảng 5 phút, có thể làm mỗi giờ một lần đến khi nào cảm giác đau họng thuyên giảm.
4.2. Điều trị viêm họng bằng kháng sinh
Nếu bệnh có tiến triển nặng nên sử dụng kháng sinh. Tốt nhất nên dùng kháng sinh theo kê đơn của bác sĩ.
Kháng sinh thường được chỉ định để điều trị đau họng do nhiễm vi khuẩn gây ra. Mỗi kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ nên được sử dụng theo đúng lịch trì mặc dù các triệu chứng của đau họng đã được cải thiện. Điều này giúp ngăn ngừa lây lan vi khuẩn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Nếu tình trạng lây nhiễm xảy ra ở trẻ có viêm họng do streptococcus, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị sốt thấp khớp và viêm thận.
5. Khi nào viêm họng cần đến gặp bác sĩ?
Bệnh viêm họng khá phổ biến và dễ gặp trong thời điểm giao mùa, người bệnh thường chọn phương pháp không dùng kháng sinh đối với những biểu hiện ban đầu bệnh nhẹ. Tuy nhiên, khi thấy có dấu hiệu bệnh nặng ngoài tầm kiểm soát bạn nên tới gặp bác sĩ, cụ thể:
- Đau họng và khàn tiếng kéo dài trong nhiều ngày không có dấu hiệu thuyên giảm
- Đau họng khiến bạn cảm thấy rất đau đớn và khó thở
- Xuất hiện máu trong nước bọt, đờm
- Sốt cao trên 39 độ C.
6. Chăm sóc và phòng ngừa cơ thể sau khi bị viêm họng
6.1. Chăm sóc cơ thể sau điều trị bệnh
- Súc miệng bằng nước muối ấm
- Uống nhiều nước ấm, tránh uống nước lạnh, có đá
- Ngừng uống rượu bia hoặc các chất có cồn
- Không hút thuốc lá, tránh xa các môi trường ô nhiễm hoặc có khói thuốc
- Rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân viêm họng
- Khi bị bệnh, tuyệt đối không nên dùng chung thức ăn hoặc các đồ dùng sinh hoạt khác để tránh lây bệnh cho người khác.
6.2. Phòng ngừa viêm họng tái diễn
- Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc đồ vật ở nơi công cộng
- Tránh dùng chung đồ ăn, nước uống và đồ dùng cá nhân
- Tránh hút thuốc và khói thuốc: Thuốc lá sẽ chính là thủ phạm khiến bạn bị đau họng và nó càng làm cho tình trạng càng trở nên xấu hơn. Chính vì thế, khi bị viêm đau họng, việc tránh xa khói thuốc lá càng là điều rất cần thiết.
- Tránh các nguồn gây dị ứng.
Viêm họng là bệnh thường gặp, ai cũng có thể mắc phải vài lần trong đời. Bạn có thể áp dụng những phương pháp điều trị viêm họng không kháng sinh ngay khi mới bệnh. Nếu bệnh có biểu hiện nặng, để tránh những biến chứng có thể gặp phải bạn nên đến gặp bác sĩ khám và nghe tư vấn.
Chuyên khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chuyên khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thông thường như: viêm đau họng, ù tai, viêm mũi không do dị ứng, ung thư cổ họng; các khối u vùng đầu mặt cổ, các dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp ngoại khoa phổ biến.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec
để được giảm ngay 20% phí khám khi đặt hẹn khám lần đầu trên toàn hệ thống Vinmec (áp dụng từ 1/8 – 31/12/2022).
Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn
tư vấn từ xa qua video
với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.