Điều trị và ngăn ngừa chấy ở đầu

Chấy thường thích “ngụ cư” ở trên da đầu của con người, đặc biệt là trẻ em. Khi đầu có chấy sẽ gây ra các triệu chứng vô cùng khó chịu, chẳng hạn như ngứa ngáy, da đầu bị kích ứng, xuất hiện những vết mẩn đỏ, thậm chí là vết loét. Do đó, việc điều trị và ngăn ngừa chấy ở đầu cho trẻ cũng như các thành viên khác trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng.

1. Chấy là loại côn trùng hút máu

Chấy là một loại côn trùng hút máu người, có kích thước bé bằng hạt vừng và thường có màu rám nắng đến trắng xám. Chúng thường bám sát vào da đầu và đẻ trứng (trứng chấy) trên tóc.

Chấy xuất hiện phổ biến nhất ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học và các thành viên trong gia đình có trẻ em có chấy. Theo chuyên gia da liễu tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết, mặc dù chấy là một vấn đề có thể xảy ra quanh năm, nhưng số ca bệnh dường như tăng cao nhất khi trẻ em đi học trở lại vào mùa thu hoặc tháng Giêng. Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, mỗi năm tại Hoa Kỳ có khoảng 6 – 12 triệu trường hợp trẻ em từ 3 – 11 tuổi bị nhiễm chấy trên đầu.

Trái với lầm tưởng ban đầu, chấy thực sự không phải do vấn đề vệ sinh kém. Chúng thường lây lan chủ yếu khi tiếp xúc trực tiếp với người đã có chấy. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể bị lây chấy từ vật nuôi của mình vì chấy chỉ hoạt động trên con người.

Chấy không bay hoặc nhảy mà chúng sẽ di chuyển bằng cách bò. Trẻ em thường chơi rất gần nhau và chơi thành nhóm lớn nên chấy có thể dễ dàng di chuyển từ đầu trẻ này sang đầu trẻ khác khi chúng chạm đầu nhau. Việc phòng ngừa chấy rận ở trẻ em rất khó khăn.

2. Làm thế nào để phát hiện ra chấy?

Mặc dù chấy và trứng của chúng có kích thước tương đối nhỏ, nhưng bạn vẫn có thể kiểm tra chấy bằng mắt thường. Bạn có thể sử dụng kính lúp và đèn sáng để dễ dàng phát hiện chúng. Trứng chấy thường dễ tìm thấy hơn bởi vì chấy có thể di chuyển rất nhanh.

Trứng chấy thường trông giống như gàu, nhưng bạn có thể xác định chúng bằng cách lấy một sợi tóc sát da đầu và kéo thử móng tay qua khu vực mà bạn nghi ngờ có trứng chấy. Gàu trên đầu có xu hướng dễ dàng bong ra, nhưng trứng chấy sẽ bám rất chặt vào tóc.

3. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm chấy

Nhiều người có chấy thậm chí không phát hiện ra rằng mình đang “nuôi” những côn trùng đáng ghét này. Theo các chuyên gia cho biết, khi bị đầu có chấy sẽ có triệu chứng sau:

  • Ngứa ở da dầu: Điều này là do da đầu bị kích ứng bởi nước bọt của loài chấy;
  • Có cảm giác dính dính trên da đầu hoặc ở gần cổ;
  • Xuất hiện những nốt mẩn đỏ ở da đầu, cổ hoặc vai;
  • Phát hiện có chấy và trứng chấy đang cư trú trên da đầu và tóc;
  • Cảm thấy khó ngủ do khó chịu và bức bối trong người.

Trong một số trường hợp cụ thể, chấy có thể tạo ra những vết loét ở trên da đầu của người mắc bệnh. Vùng da bị xước do người bệnh gãi khi ngứa có thể bị vi khuẩn gây hại xâm nhập và khiến chúng xước rộng ra, trở thành những vết loét khó chịu trên da đầu. Nếu không được xử lý kịp thời, vùng da bị loét có thể trở nên nhiễm trùng.

Tình trạng đầu có chấy thường không được coi là một mối nguy hại cho sức khoẻ của cộng đồng, do mọi người nghĩ rằng đây không phải là một căn bệnh truyền nhiễm. Và nhiều người có lầm tưởng rằng, chấy là do người bệnh không vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Tuy nhiên, nhiều cuộc nghiên cứu gần đây tại nhiều lãnh thổ khác nhau trên thế giới đã cho thấy rằng một số loài chấy có khả năng làm lây lan các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tới sức khoẻ. Điển hình là cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí Emerging Infectious Disease đã cho thấy loài chấy tại nước Cộng hoà Dân chủ Congo là tác nhân chính làm lây truyền bệnh dịch hạch cho con người.

chấy và trứng

4. Các phương pháp điều trị chấy

Hiện nay, các phương pháp điều trị chấy được FDA chấp thuận bao gồm việc sử dụng thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc kê đơn, chẳng hạn như Nix, Sklice và Rid dưới dạng dầu gội, kem hoặc nước thơm. Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm trị chấy không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi, vì vậy bạn cần đọc kỹ nhãn trước khi cho con dùng sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.

Mặc dù các loại thuốc OTC có sẵn để điều trị chấy rận, nhưng các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ có thể kê đơn cho trẻ một số loại thuốc đã được FDA chấp thuận, chẳng hạn như Natroba (đã được phê duyệt vào năm 2011) hoặc Xeglyze (đã được phê duyệt vào năm 2020).

Một lựa chọn điều trị khác là sử dụng bộ dụng cụ loại bỏ chấy, chẳng hạn như lược dày (lược mau) để tiêu diệt chấy và trứng chấy. Tuy nhiên, phương pháp này không thể giúp trẻ loại bỏ hoàn toàn chấy cũng như trứng chấy trên đầu.

Đối với phương pháp điều trị chấy rận bằng thuốc, chấy có thể đề kháng với thuốc, khiến việc điều trị kém hiệu quả. Tốt nhất, bạn hoặc con bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định được cách thức điều trị thích hợp nhất. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo rằng, trước tiên bạn nên sử dụng thuốc điều trị chấy không kê toa, nếu ko đạt được kết quả như mong đợi hoặc xuất hiện các phản ứng lạ, chẳng hạn như dị ứng, thì bạn cần chuyển sang dùng thuốc kê đơn.

Khi sử dụng các phương pháp điều trị chấy rận bằng hoá chất, bạn cần thực hiện đúng theo các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên đọc kỹ dán nhãn của sản phẩm trước khi sử dụng, bao gồm cách dùng thuốc, thời gian sử dụng, liều lượng, các thành phần trong thuốc, độ tuổi được khuyến cáo và bất kỳ tác dụng phụ nào nếu có.

5. Làm thế nào để ngăn ngừa đầu có chấy ở trẻ

Dưới đây là một số lưu ý giúp ngăn ngừa được tình trạng đầu có chấy ở trẻ, bao gồm:

  • Dạy trẻ tránh chạm đầu với những trẻ khác trong khi chơi tại trường học và một số nơi khác, chẳng hạn như sân chơi, tiệc tùng hoặc cắm trại.
  • Dạy trẻ không dùng chung quần áo và vật dụng với trẻ khác, chẳng hạn như khăn quàng cổ, mũ, mũ bảo hiểm, đồng phục thể dục, lược, khăn tắm, bàn chải, tai nghe và dây buộc tóc.
  • Khử trùng lược và bàn chải mà người có chấy sử dụng bằng cách ngâm chúng trong nước nóng ít nhất 130 ° F trong vòng từ 5 – 10 phút.
  • Không để trẻ nằm trên giường, gối, đi-văng, hoặc thú nhồi bông gần đây đã tiếp xúc với người có chấy.
  • Làm sạch các vật dụng đã tiếp xúc với đầu của người có chấy trong vòng 48 giờ. Bạn nên giặt máy và sấy khô quần áo, khăn trải giường và các vật dụng khác bằng nước nóng 130 ° F cùng với chu trình sấy khô ở nhiệt độ cao. Đối với các loại quần áo hay vật dụng không giặt được, bạn có thể giặt khô chúng hoặc đóng gói kín trong bao nhựa và bảo quản trong vòng 2 tuần.
  • Hút bụi sàn nhà và tất cả các đồ đạc có nguy cơ tạo “ổ” cho chấy trú ẩn, đặc biệt là nơi mà người có chấy hay nằm. Chấy chỉ có thể tồn tại được ít hơn 1 – 2 ngày sau khi chúng rời khỏi da đầu và không có nguồn thức ăn cung cấp.
  • Không nên sử dụng bình xịt hoặc sương mù diệt côn trùng vì chúng không thực sự hiệu quả trong việc kiểm soát chấy, thậm chí có thể gây độc nếu hít phải hoặc hấp thụ qua da.
  • Sau khi kết thúc quá trình điều trị bằng thuốc diệt chấy, bạn có thể kiểm tra chấy của mọi người trong gia đình sau một tuần. Nếu phát hiện vẫn còn chấy sống, hãy liên hệ ngay với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để tìm hướng khắc phục kịp thời trước khi chấy lây lan và sinh sôi trở lại.

đầu có chấy

6. Các bước sử dụng sản phẩm điều trị chấy an toàn

Một bộ dụng cụ loại bỏ chấy, chẳng hạn như lược mau hoặc lược bí có thể được sử dụng để tiêu diệt loài sinh vật đáng ghét này.

Nếu bạn sử dụng thuốc để điều trị chấy rận, hãy đảm bảo rằng:

  • Sau khi làm sạch các sản phẩm điều trị chấy ra khỏi tóc và da đầu, bạn có thể sử dụng một chiếc lược răng khít hoặc lược bí để loại bỏ toàn bộ chấy và trứng đã chết.
  • Chỉ thoa thuốc điều trị chấy lên trên da đầu và phần tóc dính liền với da đầu, tránh thoa vào các phần tóc khác.
  • Trước khi điều trị chấy cho trẻ nhỏ, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa hoặc dược sĩ để lựa chọn các phương pháp điều trị được khuyến nghị dựa theo độ tuổi cũng như cân nặng của trẻ.
  • Sử dụng thuốc trị chấy theo đúng chỉ dẫn trên nhãn và không sử dụng quá thường xuyên nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Chỉ sử dụng phương pháp điều trị chấy cho trẻ em dưới sự giám sát trực tiếp của người lớn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec
để được giảm ngay 20% phí khám khi đặt hẹn khám lần đầu trên toàn hệ thống Vinmec (áp dụng từ 1/8 – 31/12/2022).
Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn
tư vấn từ xa qua video
với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: fda.gov

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *