Đền Mẫu Âu Cơ là nơi thờ phụng của Quốc mẫu của dòng máu Lạc Hồng. Bất kể ai đặt chân tới Đền Hùng đều sẽ không quên ghé qua nơi đây đặt một nén hương tưởng nhớ tới vị tổ mẫu của đất Việt này.
Đền Mẫu Âu Cơ ở đâu?
Đền Mẫu Âu Cơ nằm trên địa bản xã Hiền Lương, huyện Hà Hòa tỉnh Phú Thọ. Đền cách thành phố Hà Nội khoảng 150 km, cách khu di tích đền Hùng khoảng 65 km.
Hướng dẫn đi Đền Mẫu Âu Cơ
Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn chỉ cần đi qua cầu Nhật Tân theo hướng cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Sau khi vòng qua quốc lộ 32C đi một đoạn là sẽ thấy biển chỉ dẫn vào đền. Đền nằm ngay gần mặt đường quốc lộ nên nếu di chuyển bằng ô tô bạn có thể dừng ở ven đường sau đó đi bộ vào.
Lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ
Truyền thuyết kể lại, có lần Âu Cơ đã đến trang Hiền Lương trấn Sơn Tây để giúp nhân dân khai hoang và trồng trọt. Sau khi ổn định sinh sống và phát triển nơi đây, bà lại tiếp tục dẫn mọi người đi khai phá các vùng lân cận.
Sau khi hoàn thành việc khai khẩn đất đai, Âu Cơ đã quay về định cư tại Hiền Lương. Đến ngày 25/12 năm Nhâm Thìn, bà rời bỏ nhân gian cùng với các tiên nữ bay về trời, chỉ lưu lạ một dải yếm lụa dưới gốc đa. Sau này nhân dân đã lập nên một ngôi miếu thờ phụng bà tại gốc đa để tưởng nhớ công ơn.
Năm 1465, vua Lê Thánh Tông ban chiếu chỉ cho người xây dựng, biến ngôi miếu nhỏ thành Đền Mẫu Âu Cơ như ngày này. Người dân xã Hiền Lương được giao trọng trách chăm lo và thờ phụng tại đền.
Sau lần phong sắc vào thế kỷ XV dưới triều đình nhà Hậu Lê, đền còn được sắc phong một lần nữa vào thế kỉ XIX dưới thời nhà Nguyễn.
Ngày 3/8/1991, Đền Mẫu Âu Cơ được công nhận trở thành di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Kiến trúc Đền Mẫu Âu Cơ
Đền Mẫu Âu Cơ được công nhận là một công trình mang tính nghệ thuật cao và có giá trị lịch sử to lớn. Đây là nơi lưu giữa nhiều pho tượng và bức chạm quý có niên đại lâu đời như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông cùng vô số các cổ vật vô giá khác.
Đền Mẫu Âu Cơ sở hữu lối kiến trúc đặc trưng của đền chùa cổ miền Bắc với kết cấu hình chữ nhật có chiều dài 200 m và chiều rộng khoảng 150 m cùng tường cao vững chắc bao quanh.
Ngôi đền nép mình dưới gốc đa cổ thụ, tương truyền là nơi mà Âu Cơ đã lưu lại dải lụa đào trước khi bay về trời cùng đoàn tiên nữ. Bên hông đền có hai chiếc giếng mang tên Loan – Phượng. Đối diện đền là dãy núi Giác uốn lượn, phía sau là dòng đông Hồng quanh co. Tất cả tạo nên một thế phong thủy vô cùng đẹp mắt.
Đền Mẫu Âu Cơ bao gồm 5 gian nhà hình chữ nhất với cột gỗ lim và mái lợp vảy rồng. Trong đền đặt một bức tượng Âu Cơ cao 0.93 m trong tư thế trang nghiệm.
Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ
Chính hội của Đền Mẫu Âu Cơ được gọi là lễ Tiên Giáng tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Đây là một lễ hội lớn trong năm, tới mức mà nó đã được lưu truyền trong câu ca dao:
“Mùng bảy trong tiết tháng Giêng, dân Hiền lễ tế trống chiêng vang trời”
Trước khi diễn ra lễ, người dân Hiền Lương thường tổ chức những buổi tập dượt tế lễ và rước kiệu thu hút rất nhiều du khách đến chiêm ngưỡng.
Lễ Tiên Giáng bao gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra đầu tiên, mở đầu cho lễ hội được diễn ra tại đình. Lễ tế Thành Hoàng này được thực hiện bởi đội tế gồm toàn nam giới sau đó là màn dâng cỗ và cống phẩm được rước bởi 8 cô gái. Dẫn đầu đám rước sẽ là những là cờ thần nhiều màu sắc và sau đó là những bô lão có cấp bậc, chức sắc cao trong làng mặc áo dài khăn xếp.
Sau khi khai hội là tới lễ tế nữ do 12 thiếu nữ xinh đẹp và có học vấn thực hiện. Họ khoác lên mình bộ áo dài thướt tha, đầu đội khăn vấn đính kim tuyến, … và dâng những lễ vật lên Mẫu Âu Cơ. Lễ vật khá đơn giản với cỗ chay, tiền giấy, mâm ngũ quả, … va không thể thiếu được món bánh truyền thống nổi tiếng của người Hiền Lương được làm từ bột nếp chọn lọc và mật ong loại 1.
Sau khi kết thúc phần lễ, bạn sẽ được tham gia vào phần hội với những trò chơi dân gian như đu tiên, cướp cờ, … và các hoạt động sinh hoạt văn hóa cổ truyền như hát ghẹo, hát xoan, …
Cuối ngày thứ 3, lễ rước kiệu lại một lần nữa được tổ chức nhưng lần này là đưa kiệu Mẫu từ đền về đình để đánh dấu sự kết thúc của lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ.
Ngoài lễ Tiên Giáng vào đầu năm, Đền Mẫu Âu Cơ còn tổ chức lễ “Tiên thăng” vào ngày 25 tháng chạp, ngày 10 – 11 tháng 2, … với những hoạt động đặc sắc mang đậm tính truyền thống.
© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!