Đền Đông Cuông – nơi cội nguồn của Tín ngưỡng thờ Mẫu
Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng. Ngôi đền là nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn, mẫu đệ nhị trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.
Du khách vào thăm Đền Đông Cuông đầu xuân 2022
Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mai Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn.
Đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia văn năm 2009. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Đông Cuông gồm có: Miếu Cô, Miếu Cậu, Đền Chính, Miếu Thần linh, Tòa Sơn Trang tại tả ngạn sông Hồng và Miếu Đức Ông bên hữu ngạn sông Hồng thuộc thôn Ghềnh Ngai, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên.
Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.
Hiện nay, Đền Đông Cuông đã được Nhà nước cho phép phục hồi, tu bổ, tôn tạo; đền chính được tu bổ, tôn tạo từ năm 2018 đến năm 2020 hoàn thành. Ngôi Đền ngày càng được khang trang hơn, phục vụ nhu cầu hành hương, chiêm bái của nhân dân và du khách.
Khánh Hương