Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa tâm linh người Việt

Việt Nam là một đất nước đa dân tộc và tồn tại nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng. Chính vì vậy, để nhận diện, phân biệt những hình thức tín ngưỡng bản địa với nhiều dấu vết nguyên thủy của cư dân nông nghiệp như Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu là điều không dễ dàng. Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ thời kỳ nguyên thủy, lấy Mẫu (Mẹ) là đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ và con người, là nơi con người ký thác những mong muốn, khát vọng về đời sống sung túc, mạnh khỏe, may mắn và tài lộc của mình. Đây không phải là hình thức tín ngưỡng tôn giáo đồng nhất.

Nó là một hệ thống các tín ngưỡng với ít nhất ba lớp khác nhau nhưng có mối quan hệ hữu cơ và chi phối lẫn nhau. Đó là lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Thần và lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Lớp thờ Nữ thần mang tính phổ quát, rộng rãi, phù hợp với xã hội nông nghiệp, nơi đặc biệt chú trọng tới vai trò của người phụ nữ. Lớp thờ Mẫu thần phát triển trên nền tảng của lớp thờ Nữ thần, thường có gắn với yếu tố quốc gia, thờ các Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu như Nguyên phi Ỷ Lan, Mẫu Tây Thiên, Mẹ Gióng hay Linh Sơn Thánh Mẫu…Lớp thờ Nữ thần và Mẫu thần mang tính chất bản địa, nội sinh thuần túy.

Lớp thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ lại được hình thành trên cơ sở hai lớp thờ trên kết hợp với sự tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa. Tuy nhiên, trải qua thời gian, lớp tín ngưỡng này đã quay trở lại với những đặc điểm điển hình của một tín ngưỡng đậm nét bản địa hơn. Tín ngưỡng thờ Mẫu được hiểu theo một nghĩa hẹp hơn chính là hình thức tín ngưỡng với tên gọi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ, một hình thức thờ cúng những vị Thánh Mẫu cai quản vũ trụ. Phần lớn đều cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian với một số đặc điểm: Thờ Mẫu được hình thành trong chế độ Mẫu hệ, khi con người còn thờ các Nữ thần Thờ Mẫu thiếu những tiêu chí cơ bản để cấu thành một tôn giáo chính thống như sáng thế luận, giáo luật, giáo lý, giáo hội và hệ thống tổ chức.

Trong thờ Mẫu, yếu tố niềm tin còn dựa vào sự cảm nhận của chủ thể, nghĩa là mỗi người lại có một niềm tin khác nhau, chưa mang tính hệ thống. Cho tới ngày nay thì không ai biết chính xác tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa tâm linh của người Việt hình thành từ khi nào. Một số người cho rằng tục thờ Mẫu có từ khi mà người Việt còn thờ các thần linh thiên nhiên như trời, đất, sông, nước và núi rừng. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tôn vinh các thần với quyền lực siêu nhiên, điều khiển thiên nhiên, là những yếu tố vốn mang tính quy luật. Trong quá trình sinh tồn, con người phải dựa vào thiên nhiên vì thế họ tôn thờ các hiện tượng tự nhiên quanh mình như một đấng tối cao với hình tượng là Mẫu – người mẹ.

Họ thờ Mẫu với mong muốn được che chở, bảo vệ và ban phước lành trong cuộc sống. Điện thờ Mẫu có ở khắp nơi trên đất nước ta từ đồng bằng tới miền núi, từ trong nước tới cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Có nơi là đền đài nguy nga với những nét đặc trưng điển hình, có nơi hình dáng bên ngoài không khác một ngồi chùa, ngôi đình, đền hay miếu bất kỳ, lại có chỗ chỉ là những điện thờ nho nhỏ. Gần như người ta chỉ nhận diện được nơi thờ Mẫu khi quan sát các nét riêng trong kiến trúc tổng thể hay sự bài trí ở điện thờ cùng những đặc điểm riêng trong nghi thức thờ cúng. Chính những nét đặc trưng ấy đã góp phần tạo nên một hình thức tín ngưỡng thuần phác, đặc biệt, đậm chất Việt Nam.

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (khoảng 70 vị thần), trong đó có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí…). Khi sống họ là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước. Với tính cởi mở của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nên mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.

Người Việt tôn thờ các vị Thánh Mẫu và các vị thánh bản địa, đồng thời tôn trọng và tiếp nhận các vị thần, các yếu tố văn hóa của một số các dân tộc thiểu số. Trong thần điện có các vị thánh (Mẫu Thượng ngàn, các vị Quan, các Chầu, các Cô) thuộc miền rừng núi, nơi cư trú tập trung của các dân tộc thiểu số như người Mường, Tày, Nùng, Dao, v.v… Các trang phục dân tộc, các điệu xá thượng trong hát văn mang sắc thái văn hóa dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Thực hành và tham dự vào nghi lễ lên đồng và các hoạt động lễ hội để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng trong cuộc sống thường ngày, hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người. Thờ cúng Thánh Mẫu, biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa… được thể hiện một cách nghệ thuật gắn với Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, đó cũng là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ Lên đồng – được hiểu là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kế hợp một cách hài hòa, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng. Những người thực hành tin rằng, bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thầy đồng – người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh. Đây là hình thức shaman giáo – diễn xướng xuất nhập thần tương đối phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Mông Cổ, Uzbekistan, Braxin, Zimbabwe…).

Nguồn: viettheatre.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *