Tiếp theo bài viết kì trước: ‘SNEAKERHEADZ’ – BỨC THƯ TÌNH DÀNH CHO NHỮNG TÍN ĐỒ GIÀY THỂ THAO (KỲ I)
Tại sao phải cần 1 tủ giày riêng cho 100 đôi sneaker trong khi bạn chỉ có thể đi một đôi một lúc? Hãy dành câu hỏi này cho David Friendly, đạo diễn bộ phim tài liệu đặc biệt về giày sneaker, “Sneakerheadz”. Với quan điểm “một bộ vest chỉ là vest, một cái áo sơ-mi chỉ là một cái áo, nhưng với một đôi giày, bạn có thể kể cả một câu chuyện về bản thân”, nhà làm phim người Mỹ đã chia sẻ những góc nhìn đặc biệt về sự khác biệt của văn hóa giày.
Ở kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu với bạn bộ phim tài liệu đặc biệt về giày sneaker, ‘Sneakerheadz’. Hãy cùng Saigonsneaker khám phá những điều đặc biệt bên lề bộ phim này cùng đạo diễn David Friendly. Hãy thử xem bạn có tìm thấy mình trong bài phỏng vấn độc quyền này không nhé.
Niềm đam mê của ông với giày thể thao có từ khi nào?
Khi còn trẻ, tôi rất hâm mộ cầu thủ bóng rổ Pete Maravich. Ông nổi tiếng khi chơi bóng cùng đôi giày Adidas Superstars với đôi tất to mềm được xắn gọn xuống. Bố mẹ tôi đã không mua cho tôi đôi Superstars vì nó có giá 25 USD. Tôi đã ấm ức cả tuổi thơ vì không được sở hữu đôi giày mơ ước.
Từ khi nào ông nảy sinh ý định làm một bộ phim tài liệu về văn hóa giày thể thao?
Vài năm trước, khi đang sản xuất một bộ phim ở New York và có lần lang thang vào một cửa hàng Adidas Originals ở khu West Village, tôi tìm thấy một đôi Adidas Superstars, ước mơ thuở bé của mình. Nó khơi lại sự quan tâm và niềm đam mê của tôi đối với giày thể thao. Khi ấy tôi lập tức cho rằng, tôi luôn muốn làm một bộ phim tài liệu, phải nói là rất thú vị khi làm phim về chủ đề giày thể thao.
Tại sao ông không phỏng vấn nhiều người nổi tiếng trong bộ phim?
Chúng tôi muốn những người có uy tín trong lĩnh vực này – các nhà thiết kế, những người sưu tầm hay những người định hướng xu thế nói về sneaker, không nhất thiết phải là người nổi tiếng. Chúng tôi có muốn phỏng vấn siêu sao Kanye West không ư? Dĩ nhiên là có! Nhưng ở một khía cạnh nào đó, anh ấy không quan trọng như Jeff Staple, người có mẫu giày Nike Dunk khiến những người đam mê sưu tầm giày thể thao phải xôn xao.
Jeff Staple bên đôi giày độc Nike Dunk nổi tiếng
Điều quan trọng trong bộ phim là cần có những người có thể làm cầu nối giữa hai thế giới – đó là những chuyên gia có uy tín với người hâm mộ, và cũng có thể liên hệ với những người không quan tâm tới giày thể thao để biết cảm nghĩ của họ.
Điều gì khiến một số người sưu tầm giày thể thao đến mức ám ảnh như vậy?
Khá khó để lý giải! Đôi khi đó là cách để họ thể hiện bản thân một cách khác người. Một số người lại cho rằng đó là cách để hồi tưởng lại thời trẻ.
Ngoài ra, tôi thấy giày thể thao có tác dụng kết nối cộng đồng rất lớn, giúp hợp nhất những nhóm người đa dạng khác nhau. Chẳng hạn tôi không biết tiếng Nhật, nhưng vẫn có thể vào một cửa hàng giày thể thao ở Tokyo và so sánh các mẫu giày Nike với một tín đồ giày thể thao tại đây. Văn hóa sneaker là một thứ ngôn ngữ kỳ diệu!
Văn hóa giày thể thao có khác biệt gì ở các nước?
Tôi sẽ nói về hai thị trường giày sneaker lớn nhất. Quả thực có đôi chút khác biệt về văn hóa giày ở Mỹ so với Nhật Bản.
Ở Mỹ, giới trẻ thường mua giày theo xu hướng, chẳng hạn như bắt chước các siêu sao thể thao, bóng rổ. Còn ở Nhật, các tín đồ giày luôn kháo nhau về khu Harajuku, nơi tập trung tất cả các cửa hàng giày thể thao ở Tokyo. Họ quan tâm đến thiết kế, những chi tiết, độ tỉ mỉ. Tôi không nói ai đúng ai sai, chỉ là họ có khác biệt.
Một khu trưng bày giày ở khu Harajuku, Tokyo
Đã bao giờ ông thấy những mảng tối trong văn hóa giày thể thao? Có trường hợp nào yêu giày tới mức mê muội hay chưa?
Bạn không bao giờ muốn thấy ai đó tiêu toàn bộ tiền thuê nhà vào các đôi sneaker, nhưng tin tôi đi, chuyện đó có xảy ra. Tôi thấy đây là một nét văn hóa, khi những người đó thực sự bị ám ảnh và một số người còn phát cuồng.
Chúng tôi đã phỏng vấn một chuyên gia về chứng nghiện, Tiến sĩ Caroline Rodriguez đến từ Columbia. Nhưng tôi cho rằng không phải những người thích sưu tầm giày sneaker mắc phải chứng bệnh nào đó. Nó giống như việc họ đã quá đam mê thứ gì đó mà thôi.
Ông có câu chuyện nào truyền cảm hứng tới cộng đồng sneakerhead thông qua bộ phim hay không?
DJ nổi tiếng Skee kể với tôi câu chuyện rất đáng nhớ: Khi anh ấy còn trẻ, gia đình không có nhiều tiền. Mẹ anh đến Walmart, mua một đôi giày thể thao bình thường giá rẻ và đưa cho anh một cái bút màu để anh có thể vẽ ký hiệu phẩy Nike vào phía sau đôi giày. Và quá trình từ đó cho tới khi anh ấy có vị thế hiện tại trong văn hóa giày thể thao đã thực sự tác động đến tôi.
Tôi cũng bị hấp dẫn bởi câu chuyện về cậu bé Preston Truman, người đã được Michael Jordan tặng đôi giày anh dùng sau trận đấu nổi tiếng “Flu Game” trong loạt đấu Playoffs năm 1997. Preston đã cất đôi giày thể thao đó vào két và sau đấy nhiều năm bán lại với giá 104.000 USD.
Preston Truman bên thần tượng Michael Jordan cùng đôi giày huyền thoại
Từ bao giờ những đôi giày thể thao không chỉ là giày thi đấu của các vận động viên?
Ở thế hệ bố tôi, không thể có chuyện các thanh niên đi giày thể thao ra khỏi nhà. Mọi thứ đều phải chỉn chu với những đôi giày tây, áo sơ mi. Ngày nay, trẻ con đi giày thể thao ở khắp nơi. Chúng còn đi giày thể thao tới dự lễ tốt nghiệp nữa. Bạn cũng không khó bắt gặp một anh chàng bảnh bao với bộ comple và… đôi New Balance da lộn.
Nguồn: tạp chí Mensjournal
Tiếp theo bài viết kì trước: ‘SNEAKERHEADZ’ – BỨC THƯ TÌNH DÀNH CHO NHỮNG TÍN ĐỒ GIÀY THỂ THAO (KỲ I)