Dân văn phòng học nhảy, múa để nâng cao sức khỏe

Nhiều người trẻ đặc biệt là dân văn phòng tìm đến các lớp học nhảy, múa nhằm rèn luyện cơ thể dẻo dai, giảm áp lực cuộc sống cũng như nâng cao sức khỏe.

dan van phong hoc nhay anh 1

“Do làm công việc liên quan đến văn phòng, mình đã suy nghĩ sẽ phải tìm bộ môn gì đó vận động để cơ thể linh hoạt, nó không quá tốn sức như gym hay tĩnh như yoga. Khi đó, mình chọn học múa”, Hà Linh nói.

Hai năm trước, Hà Linh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) từng tham gia các lớp học về múa, chủ yếu là múa cổ trang. Cô trải nghiệm 4-5 lớp học từ các trung tâm khác nhau và không cố định địa điểm cụ thể.

Thời điểm đó, dịch Covid-19 khiến nhiều trung tâm đóng cửa. Trong quá trình học, Linh không có sự liên kết với giáo viên, bài múa và những trải nghiệm dịch vụ tại đó. Vì vậy, nữ nhân viên ngừng học và tìm hiểu thêm nhiều lớp học khác.

dan van phong hoc nhay anh 2

Hà Linh lựa chọn học múa để cơ thể được vận động linh hoạt, dẻo dai cũng như giảm áp lực trong công việc. Ảnh: NVCC.

Chi tiền triệu để học 3 bộ môn nghệ thuật cùng lúc

Sau 2 năm, dịch ổn, các hoạt động trở lại bình thường. Hà Linh bắt đầu tìm hiểu thông tin các lớp học mới và quay lại luyện tập các bộ môn nghệ thuật mà cô yêu thích.

Lần này, thay vì tập trung học múa như trước, cô gái trẻ tìm hiểu thêm về các lớp học như nhảy hiện đại, nhảy đương đại, múa dân gian và múa ballet.

Hà Linh cho biết mục đích ban đầu chọn nhảy hiện đại vì cảm thấy năng động, sôi nổi. Ngoài ra, cô kết hợp thêm học múa để tăng tính uyển chuyển, dẻo dai và linh hoạt. Thêm vào đó, thay vì thiên hướng múa cổ trang như trước, Linh muốn tìm hiểu các điệu múa dân gian của Việt Nam.

“Mình thiên về tập các bài nhạc nhảy và chú trọng hơn 3 môn còn lại. Khi được tư vấn, mình đến lớp học thử để trải nghiệm rồi quyết định học nhảy hiện đại trước tiên. Sau đó, mình đăng ký thêm lớp múa đương đại và múa dân gian”, Linh cho biết.

Trung bình một tháng, Hà Linh chi hơn 2 triệu đồng cho 3 lớp học. Một khóa học kéo dài 8 buổi, cô kết hợp học 3 bộ môn trong một tuần, thời gian học là 1 giờ 30 phút.

dan van phong hoc nhay anh 3

Hà Linh (ở giữa) quyết định học cả 3 bộ môn bao gồm nhảy hiện đại, múa đương đại và múa dân gian. Ảnh: NVCC.

Cũng lựa chọn đến với lớp học các bộ môn về nghệ thuật để rèn luyện thể chất, Minh Huyền (nhân viên ngân hàng ở Hà Nội) còn cho rằng đây cũng là cách để thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và tư duy.

Đam mê múa từ nhỏ, Huyền nhớ lại những ngày còn đi học, cô không có thời gian cho các bộ môn nghệ thuật, thể chất. Khi đó, các lớp dạy nhảy, múa cho người mới bắt đầu chưa có nhiều như bây giờ.

Việc theo học nhảy, múa với Huyền vừa là đam mê vừa là cách để cô hiểu bản thân. Vì vậy, dù lịch trình công việc bận rộn, cô gái trẻ vẫn dành thời gian cố định cho các lớp nhảy, múa.

“Mình từng đi học nhảy K-pop, nhảy hiện đại, múa cổ trang Trung Quốc, múa đương đại, múa ballet. Mỗi thể loại lại cho mình một trải nghiệm rất khác biệt, lúc năng động, nhiệt huyết, máu lửa, lúc lại thả trôi cơ thể cho âm nhạc, lúc da diết tình cảm, lúc phải tỏ ra kiêu kỳ”, Huyền nói.

Minh Huyền đăng ký tham gia 3 khóa gồm nhảy hiện đại, múa đương đại và múa ballet. Mỗi khóa học có chi phí khác nhau, dao động trong khoảng 100.000-130.000 đồng/buổi. Thời gian học kéo dài 8-10 buổi, tùy theo yêu cầu của giáo viên về bài tập.

Cô cho biết mỗi khóa học có nhiều khung giờ khác nhau. Các ca linh hoạt từ 18h15 đến 19h30 hoặc 19h30-21h để phù hợp cho các học viên đi làm, đi học. Còn các ngày cuối tuần, trung tâm có lịch tập từ 8h đến 21h. Giờ tập của mỗi khóa là cố định.

Giải phóng cơ thể

Tham gia các lớp học về nhảy, múa khiến Hà Linh và Minh Huyền như được giải phóng cơ thể thông qua các động tác, điệu múa.

Hà Linh đến lớp học nhảy hiện đại vào tối thứ ba và thứ sáu. Tại đây, Linh được học từ kiến thức cơ bản của nhảy từ việc khởi động, giãn cơ, nghe nhạc, tập nhịp điệu đến nhún nhảy theo nhịp.

Sau đó, dựa vào bài nhạc và vũ đạo của bài nhảy, giáo viên căn cứ vào trình độ học viên để chọn động tác vừa tầm với trình độ. Ngoài ra, lớp học không thiên hướng về sexy dance, quyến rũ hay nhảy theo vũ đạo Hàn Quốc có sẵn.

“Trước đây, mình khá sợ nhảy. Cơ thể mềm nhiều khi nhảy đòi hỏi cần động tác mạnh, cứng cơ để tạo dáng. Khi học nhảy, mình nghĩ đơn thuần là giúp cho cơ thể được vận động linh hoạt hơn, chứ không nghĩ đến việc phải nhảy đẹp, nhảy tốt, hoặc có thêm kiến thức về nó”, Hà Linh chia sẻ với Zing.

Đối với nhảy hiện đại, Linh cho rằng nền tảng căn bản nhất của bộ môn này là cảm nhận âm nhạc và động tác nhún. Ngoài ra, đây cũng là cách để khởi động cơ thể, khi cơ thể có sự khởi động nhất định sẽ bắt đầu hình thành thói quen và bắt được nhịp nhạc. Vì thế, động tác cơ thể sẽ uyển chuyển hơn.

Bên cạnh đó, nhảy hiện đại không những là phương pháp rèn luyện sức khỏe, giải tỏa tinh thần mà còn là cách thể hiện màu sắc cá tính riêng biệt, cái tôi cá nhân qua những chuyển động cơ thể.

dan van phong hoc nhay anh 4dan van phong hoc nhay anh 5

Hà Linh kết hợp học thêm 2 bộ môn múa để tăng tính uyển chuyển, dẻo dai và linh hoạt. Ảnh: NVCC.

Với học múa dân gian, ngoài việc luyện tập những điệu múa thế tay chân cơ bản, Hà Linh được học thêm kiến thức múa đặc trưng của các dân tộc. Linh lấy ví dụ về múa dân tộc Kinh với động tác “cuộn ngón tay”. Theo cô, đây là động tác mang tính đặc trưng.

Tối thứ năm và chủ nhật là thời gian Hà Linh dành cho lớp múa đương đại. Không giống với ballet cổ điển luôn đặt vào khuôn khổ, Linh cho biết múa đương đại luôn tự do, phóng khoáng tùy vào trí tưởng tượng của người biên đạo. Khi luyện tập, cô học được cách kiểm soát điều tiết hơi thở và phát triển biểu cảm không chỉ trong biểu diễn mà cả trong đời sống thường nhật.

“Mỗi bộ môn sẽ có điểm đặc biệt riêng. Nhảy thì trẻ trung năng động, phù hợp với những ai mạnh mẽ, cá tính. Múa dân gian thích hợp với những người thích tìm hiểu về chất liệu dân tộc, chất liệu múa dân gian với sự vui vẻ, khác lạ khi được học về nó”, Linh nói.

Với Minh Huyền, vì bắt đầu học nhảy, múa từ con số 0 nên cô đều cố gắng tham gia đủ số buổi, đến đúng giờ nhằm tránh tập thiếu các bài tập. Trước khi đến lớp, nữ nhân viên thường chuẩn bị tâm lý vui vẻ, thư giãn và thả lỏng cơ thể.

Huyền cho biết một buổi học thường có 3 phần cơ bản gồm khởi động – học kỹ thuật – khớp tổ hợp vào bài nhảy, múa.

Cô lấy ví dụ với lớp múa ballet, học viên cần khởi động kỹ các khớp, cơ lưng, cơ liên sườn, tập thể lực, các kỹ thuật cơ bản trong gióng, các thế tay, chân.

Hay như lớp múa đương đại, bài khởi động tập trung vào cảm nhận của từng bộ phận cơ thể (từ các ngón tay, ngón chân), bài kỹ thuật có thể là floorwork (các động tác trên mặt sàn), hoặc tương tác hình thể với nhau…

dan van phong hoc nhay anh 6

Minh Huyền (bên trái) luyện tập động tác plié (nén), relevé thế 5 trong lớp múa ballet. Ảnh: NVCC.

Trước buổi học, Huyền được giới thiệu các kỹ thuật mới sẽ học. Ngoài ra, trong lúc tập luyện, học viên đưa ra câu hỏi bất kỳ lúc nào, về bất kỳ điều gì. Không khí tập luyện luôn thoải mái, sôi nổi. Giáo viên lại tâm huyết và nhiệt tình.

“Vì thích nhảy múa, mình dốc sức học bộ môn này. Thỉnh thoảng, mình bị tím hông, tím chân, đầu gối, đau mỏi cơ vì thực hiện một động tác khó nhiều lần. Tuy nhiên, mình không ngại mấy vết tím đó, ngược lại còn thấy vui vì đó là ‘dấu tích’ cho nỗ lực của bản thân”, Huyền tâm sự.

Huyền chia sẻ thêm trước khi vào lớp, mọi người tự chuẩn bị trang phục sao cho thoải mái nhất có thể. Trong lúc tập luyện, giáo viên sẽ chỉnh, hướng dẫn các động tác an toàn, phù hợp nhất với giới hạn của mỗi người.

Giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe

Việc tham gia các lớp học nhảy, múa cũng khiến cho Hà Linh và Minh Huyền cảm thấy tinh thần được thoải mái, nâng cao sức khỏe cũng như tự tin hơn trước đám đông.

Sau 17h, Hà Linh di chuyển từ chỗ làm đến lớp học nhảy, múa. Cô thường lựa chọn khung giờ này cho tiện sắp xếp. Theo cô, đây cũng cách để giải phóng năng lượng hay áp lực công việc mà bản thân phải đón nhận trong một ngày.

“Sau giờ tan làm, đến lớp học, cơ thể mình được vận động, nó khiến mình đang từ trạng thái áp lực sang thoải mái. Năng lượng cũ được giải phóng ra, nguồn năng lượng được làm mới lại. Điều này giúp mình giảm căng thẳng, giải quyết việc khác nhanh gọn và dễ dàng hơn”, Hà Linh chia sẻ.

dan van phong hoc nhay anh 7

Sau khi tham gia khóa học, Minh Huyền cảm thấy tinh thần được thoải mái, sức khỏe cải thiện cũng như tự tin hơn trước đám đông. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, tự nhận bản thân là người dễ ốm cho nên việc học nhảy, múa cũng giúp Hà Linh nâng cao sức khỏe, cơ thể linh hoạt. Bên cạnh đó, nó còn giải quyết các vấn đề như căng cơ, cứng khớp, cổ vai gáy đỡ mỏi, hệ miễn dịch trong cơ quan được vận động. Nhờ vậy, sức khỏe cũng được cải thiện rõ rệt.

Hà Linh cho biết ngoài việc được được học về kiến thức nghệ thuật. Học nhảy, múa cũng giúp cô học thêm về năng khiếu. Cô cho rằng suy nghĩ khi học những bộ môn nghệ thuật, phải có kiến thức căn bản và năng khiếu từ trước, điều đó là sai lầm. Theo cô, chỉ cần bản thân muốn hoặc yêu thích, hoàn toàn có thể học được.

Với Minh Huyền, sau khi tham gia khóa học, cô thấy tự tin và vui vẻ hơn so với trước đây.

“Trong lớp có những em mới lớp 10, nhưng cũng có cô hơn 60 tuổi vẫn đi múa ballet. Mình rất ngưỡng mộ tinh thần ấy của cô. Trước đây, mình thường hay ngại bị mọi người đánh giá khi làm việc gì đó, nhưng qua những giờ tập nhảy múa, hay những lúc tất cả lớp cùng nhìn mình thực hiện một động tác nào đó, bản thân thấy quen dần với ánh mắt dõi theo của mọi người”, Huyền tâm sự.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *