ĐẠI NGƯ HẢI ĐƯỜNG: DUYÊN NỢ ĐẾN TỪ TRÁI TIM
“Đại ngư Hải đường” lấy ý tưởng từ giấc mơ của đạo diễn Lương Toàn 12 năm về trước. Lúc đầu, từ giấc mơ này, đạo diễn đã làm phim ngắn “Đại Hải” và chiếu trên mạng. Sau sự thành công của phim ngắn, Lương Toàn đã nỗ lực để hoàn thiện duyên nợ của anh với giấc mơ năm nào qua “Đại ngư Hải đường” và ra mắt khán giả trong năm 2016 này.
Tôi xem “Đại Ngư Hải Đường” sau khi nghe ca khúc “Đại Ngư” do chàng ca sĩ với chất giọng trong trẻo Châu Thâm trình bày. Tuy đồ họa của phim quá hoàn mỹ thì nhưng đọc ca từ bay bổng của ca khúc mới thực sự kích thích tôi phải xem bộ phim này:
“Đôi cánh của cá lớn quá dài quá rộng
Ta tháo bỏ sự trói buộc của thời gian
Sợ người bay về phương xa, sợ người lìa bỏ ta
Càng lo sợ người sẽ mãi lưu lại chốn này
Mỗi giọt nước mắt ta rơi đều chảy về phía người
Chảy ngược về cuộc gặp gỡ thuở ban đầu…”
Tại sao lại là “Đôi cánh của cá lớn quá dài quá rộng”, bộ phim muốn nói gì vậy? Đến khi những dòng chữ đầu tiên xuất hiện, tôi mới biết bộ phim muốn nói điều gì. Mở đầu phim là đoạn trích chương Tiêu Diêu Du trong “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử:
“Tại biển Bắc có con cá Côn, lớn không biết mấy nghìn dặm. Cá này hóa ra chim Bằng: lưng của chim Bằng lớn cũng không biết mấy nghìn dặm…”
Từ ý tưởng về con cá Côn ấy, các nhà sản xuất phim đã tạo ra cốt truyện “Đại Ngư Hải Đường”. “Đại Ngư Hải Đường” không kể về thế giới con người, cũng không kể về các vị tiên hay quỷ, mà kể về một vùng đất kỳ lạ. Ở vùng đất này, chúng ta bắt gặp rất nhiều cái tên xuất hiện trong thần thoại Trung Hoa như thần Hậu Thổ, Luy Tổ, Xích Tùng Tử… Mỗi cá nhân sống ở đây đều có các năng lực pháp thuật điều khiển tự nhiên. Mỗi khi ai đó chết đi, linh hồn của họ sẽ hóa thân thành một biểu tượng nào đó như con cá, cây hải đường, chim phượng… tùy vào dạng tâm thức của mỗi người. Những đứa trẻ đến tuổi trưởng thành sẽ biến thành loài đại ngư màu đỏ, nương theo lốc xoáy, bay ngược lên đại dương của loài người.
Xuân, dưới hình dạng của đại ngư đỏ lần đầu được nhìn ngắm nhân gian và không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng kỳ vĩ nơi đây. Và hơn tất cả, cô bé nhìn thấy một cậu bé ngư dân rồi đem lòng yêu mến. Hai người thường xuyên chơi đùa với nhau, khiêu vũ với nhau dưới đáy biển. Cho đến một ngày, Xuân bị mắc vào lưới của thuyền đánh cá. Cậu bé lao vào giữa vùng nước xoáy để cứu Xuân, nhưng thay vào đó, cậu chìm dưới đáy biển sâu và mất mạng. Trở về với thế giới của mình, Xuân mang theo nỗi đau về món nợ ân tình này, và chiếc vỏ ốc mà cậu vẫn dùng để chơi nhạc. Duyên nợ từ đó sinh ra.
Duyên nợ là một khái niệm mà văn hóa Trung Hoa vay mượn từ Phật giáo, nhưng không những nghệ sĩ Trung Hoa không coi duyên nợ là một điều gì đó nặng nhọc cần phải buông bỏ. Trái lại, trong rất nhiều các tác phẩm, họ khiến cho duyên nợ giữa người với người trở nên đẹp đẽ hơn, tràn đầy cảm xúc hơn. Khi Xuân có ý định cứu cậu bé ngư dân để trả lại món nợ này, Linh Bà – người cai quản các linh hồn tốt, đã cười cô vì Linh Bà tự thấy mình sống cả ngàn năm cũng chưa bao giờ trả được hết nợ. Một câu nói thoáng qua ấy thôi nhưng cũng đủ cho ta thấy một quan niệm về duyên nợ trong văn hóa Trung Hoa rất khác so với Phật giáo. Nếu Phật giáo coi tu luyện là con đường để giải trừ nghiệp thì tác giả của câu chuyện cho rằng không thể cắt đứt được duyên nợ. Cho đến hết bộ phim, ta cứ thấy những sợi dây duyên nợ trùng trùng đan cài vào nhau. Đến đây, chắc hẳn không ít người có cảm giác bế tắc, vậy chẳng hóa ra chúng ta muôn đời mắc kẹt hay sao?
Bộ phim kể rằng, linh hồn của những người tốt chết đi sẽ hóa thành loài cá, còn linh hồn của kẻ xấu sẽ hóa thành chuột sống trong cống rãnh. Và Xuân đã tìm được linh hồn của cậu bé ngư dân ở chỗ Linh Bà. Linh Bà đồng ý giúp Xuân hồi sinh cho cậu bé với điều kiện Xuân vứt bỏ tuổi thọ của mình. Xuân phải nuôi dưỡng con cá thành loài đại ngư và đưa nó về nhân gian thì cậu bé mới hồi sinh. Vậy là Xuân đưa con cá về nuôi lén lút trong nhà mình. Phát hiện ra hành động lén lút này của Xuân chỉ có Tưu, cậu bé mồ côi vẫn đem lòng yêu mến Xuân. Tưu gợi ý cho Xuân đặt tên chú cá là Côn – lấy ý từ “Tiêu diêu du”. Tưu giúp Xuân bảo vệ con cá dù biết rằng tâm ý của Xuân đã dồn toàn bộ cho linh hồn của cậu bé ngư dân mà chính cô cũng không biết tên. Và một sợi dây duyên nợ nữa lại hình thành.
Mối duyên nợ giữa Côn – Xuân – Tưu đã khiến cho trật tự của đất trời lung lay. Từ ngày Xuân đón linh hồn Côn về nuôi thì những hiện tượng địa chấn dị thường đã xảy ra trong vùng đất của cô. Tại sao những duyên nợ rất cá nhân ấy có thể kiến kinh thiên động địa đến vậy? Bởi dù là thần hay người hay quỷ đều chỉ tự trói buộc trong những duyên nợ của quy định có sẵn, của lề luật, của hệ thống. Nếu chúng ta nhìn một cách khác về duyên nợ, chúng ta sẽ thấy rằng duyên nợ cũng là một phần khiến trật tự của các hệ thống vận hành. Nhưng duyên nợ nảy sinh từ trái tim có thể khiến mỗi chúng ta vượt ra bên ngoài lề luật ấy. Và chỉ bằng một sợ dây duyên nợ nảy sinh từ trái tim, dù rất mỏng manh cũng đủ khiến cho trật tự bị vỡ vụn. Duyên nợ nảy sinh từ trái tim ấy phải chăng chính là tình yêu?
Sự ràng buộc của duyên nợ giữa Xuân và Côn càng lớn thì sinh mạng của cả hai người càng gắn bó với nhau. Tình yêu ấy lớn cùng với Côn và Côn đã trở thành loài đại ngư. Tức là đã đến lúc Xuân và Côn phải chia xa. Khi Côn trở về nhân gian, có thể rằng cậu sẽ không còn nhớ đến Xuân, không còn nhớ đến những ký ức đẹp giữa hai người nữa. Cùng lúc ấy, Tưu nhận ra rằng sức khỏe của Xuân ngày một giảm sút. Và khi biết rằng, sau tất cả sự hi sinh của Xuân, Xuân và Côn vẫn không thể đến được bên nhau, cậu chấp nhận hi sinh tuổi thọ của mình để đổi lấy một lần hồi sinh cho Xuân. Cả bộ phim, ta sẽ thấy một tấm lòng nhân ái, một tình yêu không vụ lợi, không ràng buộc của Tưu. Tưu luôn đi theo bảo vệ cô gái mình yêu, bảo vệ cả người mà cô gái ấy yêu, và luôn mỉm cười đón nhận mọi thứ. Ẩn đằng sau sự nhí nhố của Tưu là một trái tim mẫn cảm, một tấm si tình, một linh hồn hoàn toàn thanh khiết. Sự thanh khiết không phải là sự chối bỏ duyên nợ mà là thái độ với duyên nợ ấy. Ta sẽ trở thành kẻ bất tử vô cảm trong chán nản hay trở thành loài đại ngư bay lượn giữa các cõi giới không gì ràng buộc nổi? Khi Linh Bà phàn nàn về đám người trẻ tuổi coi thường mạng sống của mình, Tưu đã trả lời đúng điều tôi luôn tâm niệm: “Sống lâu mà chán ngắt thì sống làm gì!”.
Côn, khi còn là cậu bé ngư dân, bằng mối giao cảm vô hình nào đó, có thể là duyên nợ, đã không nề hà nguy hiểm, lao xuống vùng nước xoáy để cứu Xuân. Xuân, cũng vì duyên nợ mà đánh đổi tuổi thọ, mạo hiểm nuôi linh hồn một con người trong thế giới của cô khiến cho thế giới sụp đổ. Nhưng duyên nợ của Xuân với cộng đồng của cô, cô phải trả. Cô đã hi sinh mạng sống của mình để hòa làm một với cây hải đường mà ông cô – thần Hậu Thổ hóa thân thành, biến cây hải đường trở nên khổng lồ, để người dân có thể trụ trên đó qua trận lũ lụt do trật tự bị sụp đổ. Và lần này, duyên nợ giữa Tưu và Xuân đã giúp Xuân hồi sinh, rồi Tưu lại dùng chút sức tàn của mình để đưa Xuân và Côn đến thế giới loài người. Còn bản thân cậu, cậu biến thành chú cá nhỏ ở cùng với Xuân và Côn.
Vậy đấy, duyên nợ với cộng đồng của chúng ta, chỉ một lần hi sinh là hết nợ. Một người bạn đã nói với tôi, “Yêu cả thế giới thì dễ, yêu một người mới thật là khó!”. Trả nợ cho cộng đồng thì chỉ cần sinh mạng là đủ, nhưng duyên nợ giữa những trái tim đập thổn thức vì nhau thì biết đến bao giờ mới có thể cắt đứt! Không thể cắt đứt bởi duyên nợ ấy quá đẹp, bởi duyên nợ ấy khiến linh hồn chúng ta được mở rộng tất cả những chiều kích mà chúng ta không biết đến, bởi chúng ta có thể thay đổi tất cả những trật tự sẵn có của thế gian. Duyên nợ ấy chính là tình yêu.
Với bộ phim này, hoạt hình của Trung Quốc đã đuổi kịp Nhật, đã đi vào chiều sâu của vẻ đẹp tâm hồn. Bộ phim không chỉ thể hiện được những nét đặc sắc trong thần thoại và tư tưởng của văn hóa Trung Hoa cổ đại, mà còn tạo được những lớp sóng cảm xúc êm đềm mà sâu lắng bên trong tâm hồn người xem. Chút cảm xúc man mác này là một sự điểm xuyết giữa thế giới phim ảnh mà lý tính của triết học, phân tâm học và biểu tượng học đang lên ngôi. Người xem vừa cảm động vì tình yêu và sự hi sinh của những người trẻ tuổi trong phim, lại vừa nhen lên cảm giác man mác buồn mà các nhà thơ vẫn gọi là “thiên cổ sầu” – thứ cảm giác mơ hồ về duyên nợ trùng trùng kiếp kiếp ta đã lãng quên khi uống canh Mạnh Bà, bước lên cầu Nại Hà đi qua sông Vong Xuyên để đầu thai kiếp khác. Nhờ thế, ta nhận ra rằng, ký ức có thể lãng quên, nhưng không thể mất đi, nếu ta nhớ về nó. Những duyên nợ tình yêu đẹp đẽ dù đã bị lãng quên nhưng vẫn luôn mãi mãi tồn tại…
Hà Thủy Nguyên