Đa số mọi người đều hiểu sai về chữ hiếu với cha mẹ – Yeah Coffees

Cha mẹ là người cho bạn sinh mệnh, bao dung bạn, yêu bạn mà không cần bất kỳ điều kiện nào, vì bạn mà lo lắng một đời, và luôn nguyện ý làm tất cả vì bạn. Bởi vậy, hiếu cha kính mẹ không chỉ là phẩm hạnh cần có của mỗi người, mà còn là đạo lý vĩnh hằng của Đất Trời.

Thế nào được gọi là hiếu thảo?

Có người cho rằng, hiếu thảo đơn giản là luôn luôn làm vui lòng cha mẹ – nhưng đây lại là điều không phải ai cũng làm được.

Nếu bạn may mắn vẫn còn cha còn mẹ, vậy thì đừng quên khắc dạ ghi tâm một chữ “Hiếu” trong lòng. Người ta thường nói: ” Gặp khó nạn thì than trời than đất, khi đau đớn thì gọi mẹ gọi cha”. Vì thế ca dao mới có câu rằng: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Mẹ nhọc nhằn chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau, rồi cũng đến ngày chúng ta đến thế giới này. Cha mẹ đã cho ta sự sống, cho ta cất tiếng khóc đầu đời, dắt ta qua những bước chập chững đầu tiên, để ta có được nụ cười, rồi lại dạy ta bập bẹ từng từ từng câu. Đây cũng chính là điều mà bao nhiêu năm qua cha mẹ vẫn hạnh phúc kể lại cho chúng ta.

Cha mẹ vất vả nuôi chúng ta khôn lớn, cho chúng ta ăn học thành người, âm thầm dõi theo công việc, chuyện kết hôn, chuyện nuôi con v.v. Cho đến trọn cuộc đời, chúng ta vẫn luôn ở trong trái tim của cha mẹ.
Nhưng khi còn trẻ, bạn có biết chúng ta thường nói câu gì với cha mẹ mình không? Đó chính là: “Cha mẹ không hiểu con chút nào cả!”

Trên thực tế, có bao giờ bạn nghĩ mình đã hiểu tấm lòng của mẹ cha?
Khi công việc không thuận lợi, một số người rất dễ cáu kỉnh, ở nhà luôn luôn giận dữ, thậm chí còn quát tháo cha mẹ.

Nhưng hãy đặt câu hỏi ngược lại xem, chúng ta đã lo cho cha mẹ có cơm ăn áo mặc, sắp xếp cho cha mẹ đi du lịch đó đây, cho cha mẹ đến bệnh viện tốt nhất để chữa bệnh chưa? Vậy đã tính là hiếu thảo chưa?

Nhiều người nghĩ rằng họ đối xử rất tốt với cha mẹ, như vậy cũng có thể tự hào là người con hiếu thảo. Giống như “Lễ kí – tế nghĩa” có viết: “Người con hiếu thảo là người biết yêu thương sâu sắc, người biết yêu thương thường biết giữ hòa khí, là một người biết giữ hòa khí thì nội tâm, sắc mặt đều tốt, và lời nói ra rất điềm đạm nhu mì.”

Vậy, nếu không thể dùng sắc mặt ôn hòa để đối đãi với cha mẹ, thì những việc bạn cho là hiếu thảo đó có bao nhiêu phần trăm là xuất phát từ nội tâm?

Trong “Tử du vấn hiếu” Khổng tử có nói: “Ngày nay, người ta gọi người nuôi được bố mẹ là có hiếu. Phận làm con chỉ “nuôi” mà bất kính với cha mẹ thì không thể gọi là có hiếu”.

Điều này có thể hiểu là: Ngày nay, nhiều người cho rằng hiếu thảo là chăm nuôi cha mẹ, nhưng nếu bạn không tôn trọng cha mẹ, vậy thì chăm nuôi cha mẹ và chăm nuôi gà ngựa có gì là khác nhau?

Vì vậy, một người có hiếu và bất hiếu, thì qua từng lời nói cử chỉ đều có thể nhận ra. Còn những người luôn luôn cáu gắt với cha mẹ, không có biểu hiện điềm đạm ôn hòa, sắc mặt cau có thì chính là tự mình “bẻ gãy chữ hiếu” rồi.

Trăm đức hạnh tốt Hiếu xếp đầu, nhờ chữ Hiếu được nhường ngôi

“Bách thiện hiếu vi tiên” – Câu này nghĩa là, trong trăm thứ hạnh tốt, chữ “Hiếu” xếp đầu tiên.
Phật giáo cũng rất coi trọng Hiếu. Trong kinh “Phật thuyết phụ mẫu ân trọng nan báo” cũng chỉ rõ sự khó nhọc của cha mẹ sinh ra con người. Đồng thời, báo đáp ân cha mẹ đứng ngang cùng báo ân Tam bảo, ân đất nước, ân chúng sinh.

Ý nghĩa chân chính của Hiếu lấy Kính làm tiền đề. “Đệ tử quy” (sách dạy trẻ nhỏ các quy tắc làm người của người Trung Quốc xưa) nói rằng: “Cha mẹ gọi, không được chần chừ, cha mẹ yêu cầu, không được lười biếng. Cha mẹ dạy, kính cẩn mà nghe; cha mẹ trách mắng, cần thuận theo”.
Trong đời sống thực tế, những hành vi nhỏ nhặt ấy đều thể hiện sự cung kính với cha mẹ.

Trong hệ thống văn hóa hiếu đạo truyền thống của Trung Quốc, “phụng thân”, “hiếu thân”, bao gồm “chăm nom bệnh tật”, “tang tế khi qua đời” v.v. đều là nội dung không thể thiếu trong đó. Vì thế, cho dù những phương thức hiếu thuận cha mẹ nhiều ra sao, thì quan trọng nhất vẫn ở Tâm, tức “Kính làm Tâm, Hiếu làm Hạnh”.

Trong “Kinh Thi” giảng: “Cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, vuốt ve ta, cho ta bú, nuôi ta khôn lớn, dạy bảo ta nên người, chăm lo ta, ôm ấp ta, ra vào để bảo vệ cho ta, muốn đáp trả ơn huệ ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng”.

Theo ông, việc không thể chờ đợi trong đời người không phải là cơ hội thành công sự nghiệp, mà là cơ hội để hiếu kính cha mẹ.

Dần dần năm tháng đã nhuộm trắng mái tóc của cha mẹ, thì trong lòng chúng ta sẽ nhận ra điều không thể chờ đợi trong đời này không còn là cơ hội kiếm tiền, cũng không phải là cơ hội để sự nghiệp thăng tiến, mà chỉ là cơ hội để hiếu kính cha mẹ.

Cũng giống như khi ta còn nhỏ, cha mẹ đã kiên nhẫn mà vẫn đầy thương yêu dẫn dắt chúng ta để tập đi, chứ không thể chờ đến lúc “con muốn dưỡng nhưng cha mẹ không thể chờ” thì hối hận đã không kịp.

Hiếu là hạnh dẫn đầu của trăm hạnh, Hiếu cũng là đạo hòa hợp giữa trời đất với con người, để Hiếu dần dần trở thành chỗ quay về sâu sắc trong linh hồn đạo đức, mới có thể khiến bản thân an thân lập mệnh, phúc trạch tới đời sau, khiến xã hội an ổn và hài hòa!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *