Núp bóng “xin – cho”
Không khó để tìm thông tin rao bán, xin – cho giáo án trong nhiều nhóm sinh hoạt chung của giáo viên trên mạng vào dịp đầu năm học mới. Việc bán mua “núp” dưới kiểu trao đổi: “Thầy cô cần giáo án môn A, B, C… lớp 3, 7, lớp 10 theo Chương trình GDPT mới nhắn lại, mình gửi tặng; Đồng nghiệp nào soạn xong giáo án môn Toán, Tiếng Việt lớp 3 bộ sách Cánh Diều, Kết nối… cho mình cùng tham khảo; Thầy cô soạn xong giáo án môn Tự nhiên Xã hội và Hoạt động trải nghiệm lớp 3 bộ c, d thì chia sẻ nhé…”.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều giáo viên, việc hứa hẹn “tặng, cho, hỗ trợ” chỉ là cách nói ẩn của việc mua bán giáo án công khai. Khi người cần giáo án gửi email cá nhân, hoặc nhắn lại số điện thoại để nhận giáo án đồng thời có thông báo về mức phí gọi là hỗ trợ cho nhóm biên soạn. Giá đưa ra có thể vài trăm nghìn cho tới hàng triệu tùy theo người nhận cần giáo án lớp mấy, môn gì. Và thời gian này, giáo án các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo Chương trình GDPT mới thường đắt hàng và có giá cao hơn các lớp theo chương trình GDPT hiện hành.
“Nếu chia ra toàn tổ thì mức phí mỗi người đóng góp mua giáo án soạn sẵn không quá lớn và cũng có tính tham khảo. Tuy nhiên, tổ chuyên môn thống nhất tự lực hoàn toàn trong khâu soạn giáo án Ngữ văn lớp 10 theo Chương trình GDPT mới. Bởi vào năm học, giáo viên chính là người thực hiện chương trình thì việc tìm hiểu và soạn giáo án là hành trình cần thiết. Soạn giáo án giúp giáo viên thêm vững vàng chuyên môn, có cơ hội học hỏi, tìm kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm. Mua giáo án vô hình trung khiến giáo viên bị lệ thuộc, không phát huy sáng tạo, tự chủ trong dạy học…”, cô Oanh bày tỏ.
Cô Lâm Thị Oanh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai), người đang tham gia trong nhóm cộng đồng soạn giáo án (giáo viên hỗ trợ giáo viên) chia sẻ: Bản thân từng hỏi xin giáo án môn Ngữ văn lớp 10 để tổ chuyên môn cùng tham khảo, song “giá” 1 bộ giáo án soạn sẵn được thông báo từ 2,5-3 triệu đồng (trong đó trọn gói cả giáo án phần Word và PowerPoint). Mua tách riêng phần Word có giá 1 triệu; giáo án phần PowerPoint 1,5 triệu…
Cô Lê Thị Kim Ngọc, Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) từng mua giáo án lớp 2 soạn sẵn để tham khảo. Song cô Ngọc vô cùng thất vọng bởi giáo án chỉ là những vấn đề khung, chung chung, đơn giản, thậm chí không bắt kịp nội dung đổi mới. “Để có giáo án phù hợp thực tế dạy học, đặc biệt với Chương trình GDPT mới lớp 1, 2, 3 đáp ứng yêu cầu chuyên môn của trường, phòng GD&ĐT thì giáo viên phải tự nghiên cứu, xây dựng, nâng cấp giáo án của mình. Không thể có mẫu số chung cho mọi giáo án…”, cô Ngọc khẳng định.
Thực tế cho thấy nhiều giáo viên được phân công giảng dạy CT, SGK mới lớp 1, 2, 6, năm trước và 3, 7, 10 năm nay vẫn còn sự lo lắng nhất định về giáo án trước khi bước vào triển khai. Nắm bắt được “điểm yếu” này, những người chuyên soạn giáo án tung ra bán với giá cao. Tuy nhiên chất lượng không được thẩm định, giáo án hoàn toàn là sự lượm lặt, cắt cúp từ giáo án này sang giáo án khác, không thật sự cập nhật chuyên môn, soạn thảo cẩu thả… Giáo viên bỏ tiền mua sẽ “tiền mất tật mang”, không thể sử dụng.
Loại bỏ giáo án sẵn bằng chuyên môn người thầy
Cô Nguyễn Thị Giang, nhóm trưởng Lịch sử, Địa lý, Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được giao nhiệm vụ dạy khối 7 năm học 2022 – 2023 theo Chương trình GDPT mới trao đổi: Việc soạn giáo án theo hướng dẫn công văn 5512 của Bộ GD&ĐT đã bước sang năm thứ 2 nên triển khai không còn bỡ ngỡ, khó khăn. Cách soạn giáo án theo mẫu mới khi đưa vào áp dụng khá nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, muốn “nhuần nhuyễn” với cái mới vẫn cần thời gian để giáo viên được trải qua thực tế, thêm vững vàng và rút ra kinh nghiệm.
Nói về giáo án soạn mẫu theo Chương trình GDPT mới đang tràn lan trên mạng, cô Giang cho rằng, giáo viên không nên trông đợi, kỳ vọng vào hiệu quả, chất lượng. Bởi mỗi người có phương pháp dạy khác nhau nên cách triển khai kiến thức, nội dung bài giảng cũng khác. Giáo án mẫu (nếu có chất lượng) cùng lắm chỉ là một kênh tham khảo.
Theo cô Giang, để đảm bảo chất lượng triển khai Chương trình GDPT mới, các trường nên phát huy vai trò tổ chuyên môn trong khâu soạn và đưa ra giáo án chung. Sau khi giảng dạy thực tế, giáo viên cần rút ra kinh nghiệm, chỉ ra vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh đề bài giảng hay và phù hợp hơn với học sinh.
Trong tâm thế đã nghiên cứu, soạn giáo án môn văn lớp 10 theo công văn 5512 của Bộ và công văn hướng dẫn 1212 của Sở GD&ĐT Lào Cai, cô Lâm Thị Oanh, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) cho rằng, hướng dẫn giúp việc xây dựng giáo án ngắn gọn hơn rất nhiều bởi mục tiêu chung của toàn bài đã có thì không cần nhắc lại ở các mục khác. Soạn giáo án theo hướng dẫn mới khá thuận tiện, không làm khó giáo viên, bảo đảm học sinh tiếp nhận đủ kiến thức…
“Tiếp cận cái mới mọi người không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhưng sau thời gian bắt tay vào soạn giáo án theo hướng dẫn sẽ thấy không khó. Mặt khác, Công văn 5512 hướng dẫn khá chi tiết, có mẫu cụ thể… nên thuận tiện cho giáo viên trong việc hình dung và triển khai theo.”, cô Oanh trao đổi.
Dưới vai trò quản lý, thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) bày tỏ quan điểm không đồng thuận nếu giáo viên “dùng” y nguyên giáo án bán sẵn. Đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT mới với lớp 1, 2, 3, giáo án phải được cá thể hóa để dạy học hiệu quả.
“Trong một lớp học không thể áp dụng 1 giáo án cho tất cả học sinh. Người thầy cần biết đặc điểm tâm lý, khả năng của từng em để có liệu pháp phát triển năng lực phù hợp. Nếu sử dụng giáo án có sẵn không đáp ứng được yêu cầu đó…”, thầy Mạnh khẳng định.
Để nâng cao chất lượng giáo án của giáo viên trong quá trình dạy học và triển khai Chương trình GDPT mới, cần phát triển năng lực sáng tạo cho đội ngũ; yêu cầu giáo án đơn giản hóa, tránh hình thức, dài dòng. Việc quản lý giáo án đòi hỏi lãnh đạo nhà trường tinh tế, vững vàng chuyên môn. Có như vậy mới khơi dậy trong giáo viên sự sáng tạo, chủ động khi xây dựng giáo án dạy học thay vì mua, xin… giáo án đối phó.