–
Thứ bảy, 18/11/2017 09:56 (GMT+7)
Nhà có khách. Thằng Tâm em được giao việc bếp núc. Bây giờ thằng Tâm mới hiểu cả ngày hôm qua chúng được thầy cho đi săn chim là để chuẩn bị cho bữa ăn này. Thằng Tâm vẫn tự hào về cái món thịt chim ướp sả, lá chanh thơm nức, dùng mỡ nó rán nó chấm với muối ớt hồi ông nội nó còn sống đã hướng dẫn. Mùa năm ngoái ở với thầy Chu, Tâm em cũng đã làm món này mời thầy và được thầy khen. Lần này là để mời khách của thầy nên Tâm càng tỏ ra chu đáo.
Tượng Chu Văn An (nguồn: Wikimedia).
Khách của thầy Chu là hai vị đại quan trên Kinh thành về. Có một ông Tâm đã từng gặp năm ngoái. Nhưng lần ấy ông không được thầy Chu tiếp. Thầy sai thằng Tâm đóng cửa và ra nói với ông khách ấy là thầy không có nhà!
Thằng Tâm cũng thấy tội nghiệp cho ông ta. Hôm ấy ông ta mặc áo gấm đẹp lắm. Có cả một đoàn bốn năm người khiêng kiệu nhưng đứng mãi đằng xa. Ông khách đi bộ vào được Tâm báo tin thầy không tiếp nên loay hoay không dám đi cũng không dám vào. Phải đến nửa giờ tiến thoái như thế, cuối cùng ông khách đành hướng vào trong nhà bái tạ rồi lủi thủi trở ra. Cả đoàn khiêng kiệu không một ai dám ho he! Họ lẳng lặng võng ông quan đi mất!
Mãi sau này, thằng Tâm mới rõ chuyện. Ông quan lớn ấy người ngoài vùng Kinh Môn, tên là Phạm Sư Mạnh, từng đỗ tiến sĩ và là học trò thầy Chu. Ông ấy đỗ cao, làm quan to nhưng năm nào cũng nhớ về thăm thầy. Năm ngoái ông về nhằm ngày chợ phiên, đường sá chật chội, người vào ra đông đúc, bọn lính khiêng kiệu vung roi thét lác dẹp đường khiến dân chúng hoảng sợ! Chuyện nhanh chóng đến tai thầy! Thầy giận! Không thèm gặp nữa! Lần ấy quan Phạm được một bữa nhớ đời!
Năm nay quan Phạm vẫn không dám bỏ lễ. Lần này ông về cùng một vị nữa. Thằng Tâm nghe báo danh biết ông này cũng là tiến sĩ, tên là Lê Quát. Thầy Chu thường ngày cũng có kể cho nó nghe về ông này. Nghe đâu ông ấy thuộc dòng dõi của vị Trạng nguyên đầu tiên là Lê Văn Thịnh đời nhà Lý. Trạng nguyên Lê Văn Thịnh bị nghi là hoá hổ định hại vua khi nhà vua chơi thuyền trên hồ Dâm Đàm. Con cháu vì thế mà thất tán. Đến đời Lê Quát thì vào cư ngụ ở xứ Thanh.
Hai vị đại quan ăn mặc rất giản dị, áo quần đều màu xanh tương đương với vị trí những viên quan nhỏ hàm ngũ phẩm mặc dù họ ở bậc cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, người ta vẫn biết họ là quan lớn vì cả hai đều đội mũ chữ “đinh”, có miếng lụa bọc tóc màu tía, chỉ các bậc nhất nhị phẩm mới được dùng. Thầy Chu là người rất nghiêm khắc, rất ghét mọi sự phô trương nên tất thảy học trò, dù đã thành đạt đến bậc nào cũng phải nhún nhường, giữ lễ.
Chào hỏi, vấn an xong, cả hai thận trọng nâng trên tay một gói nhỏ. Ông Phạm Hiệp Thạch (tức Phạm Sư Mạnh, gọi theo tên làng của ông này) ý tứ thưa gửi:
– Bẩm thầy! Lần này về thăm thầy thầy vẫn khoẻ, chúng con rất mừng. Anh em con thấy tiết trời vẫn lạnh nên biếu thầy tấm áo, vài cây bút lông và một bức tranh. Xin thầy nhận cho tấm lòng thành của chúng con ạ.
Lê Quát nhanh nhẹn đặt mấy chiếc bút lông lên án sách rồi mở gói lấy tấm áo ân cần khoác lên vai thầy. Thầy Chu vuốt vuốt tấm áo, có vẻ hài lòng.
– Các con nhớ đến thầy, thầy vui lắm! Thầy cảm ơn các con.
Đến lúc này thì mọi lo lắng của hai vị quan lớn mới được giải toả. Họ chỉ lo thầy không chịu nhận quà bởi nếu không nhận tức là chuyện năm ngoái của họ Phạm vẫn chưa được thầy tha thứ.
Phạm Sư Mạnh mở bức tranh trình lên thầy:
– Bẩm thầy! Đây là bức tranh con hoạ khi qua động Bảo Phúc thuộc trấn Hải Dương đấy ạ!
Bức tranh miêu tả một không gian thoáng đãng, mênh mông có núi, có nước. Ánh sáng mặt trời chiếu muôn ngàn tia vào một hang núi tạo ra một cảnh tượng lộng lẫy, xán lạn, huy hoàng. Con sông lớn mênh mông nước ôm chặt dải non ấy. Còn ở phía xa xa là một màn sương khói lãng đãng tụ tán như gợi ra cảm nhận về một sự kỳ bí, thiêng liêng.
Thầy Chu ngắm bức tranh hồi lâu, gật gật đầu, đọc to hai câu thơ đề bên trái:
Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật
Giang sơn vượng khí Bạch Đằng thu.
– Mặt trời chiếu vào hang Dương Cốc là cảnh lạ trong vũ trụ… Khí thiêng của non sông tụ cả ở Bạch Đằng giang! Ừ! Được! Hay! Cả bức tranh, cả hai câu thơ thần thái, uy nghi.
Quay sang hai vị trò cũ, thầy Chu nhắc nhở:
– Các con đang là những đại thần nắm nhiều trọng trách của quốc gia phải luôn luôn chú tâm để bảo toàn và phát huy cái vượng khí của đất nước. Những năm chống giặc Thát Đát, hào khí Đông A chói sáng thế nào? Thầy không nói, các con cũng thừa hiểu. Những năm hoà bình gần đây đất nước thế nào, các con hẳn còn trăn trở hơn thầy!
Không khí có phần chùng xuống. Câu chuyện của mấy thầy trò cứ chuyển một cách tự nhiên theo lối đàm đạo của kẻ sĩ mỗi khi động chạm tới thời cuộc.
Lê Quát thưa:
– Bẩm thầy! Lần này anh Phạm và con về, trước là vấn an thầy, sau là anh Phạm muốn tạ lỗi với thầy về chuyện năm ngoái. Anh Phạm cũng muốn được thầy chỉ bảo thêm vì anh ấy được bề trên giao cho đi sứ Bắc bàn chuyện cột đồng.
– Về chuyện cột đồng?
Thầy Chu thận trọng, cân nhắc:
– Chuyện cột đồng Mã Viện nếu quả có thật cũng đã xảy ra hơn ngàn năm? Người phương Bắc hay lấy chuyện này để ép ta mỗi khi bàn chuyện cương vực. Ta cũng có nghe nói đâu đó trên mạn bắc có một ngọn núi có tên Đồng Trụ? Chưa hẳn đó là dấu tích cột đồng mà là một mỏ đồng, mỏ sắt của ta. Con nên cho điều tra kỹ mọi chuyện trước khi đi và phải cứng cỏi, uyển chuyển khi đối phó với người phương Bắc.
Trầm ngâm một lúc, thầy Chu chậm rãi:
– Chắc các con vẫn nhớ chuyện trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ mới rồi? Trong buổi đối đáp với tể tướng Bắc phương họ ra đối: An khử nữ dĩ thỉ vi gia?
Lê Quát đỡ lời thầy:
– Thưa vâng, đây là một lối chơi chữ thâm hiểm của họ. Chữ an, bỏ chữ nữ đi, thêm chữ thỉ thành chữ gia. Ý của họ là muốn xoá bỏ nước An nam, nhập vào thành châu quận của họ. Trạng nguyên Mạc đã đáp lại rất cứng cỏi: Tù xuất thân lập vương thành quốc – tức là chữ tù bỏ chữ nhân, thay chữ vương vào thành chữ quốc. Dân ta quyết không chịu đè nén, quyết xây dựng quốc gia tự chủ riêng mình.
– Con nói đúng! Nhưng ta không chỉ khâm phục cái tài ứng đối câu chữ. Điều đáng nói là cái động cơ của họ là luôn coi thường, luôn muốn hà hiếp, muốn ăn chơi nuốt sống mình kia. Vì vậy mà phải tỉnh táo khi đối phó với họ.
Từ đầu buổi họ Phạm luôn giữ một vẻ khiêm nhường, đúng mực, bây giờ mới lên tiếng:
– Bẩm thầy, con cũng được nghe kể nhiều về hành trạng của các vị sang sứ Bắc. Con cũng được biết nhiều về thái độ kiêu ngạo hống hách của các sứ bộ như Sài Thung, Trương Lập Đạo hay Lương Tằng khi họ đến nước ta. Thầy và anh Lê nhớ chuyện ngài Đinh Củng Viên hai lần tranh biện với Trương Lập Đạo chứ ạ? Năm Kỷ Tỵ (1270), tiếp ngài Đinh Củng Viên, họ Trương gọi sứ thần ta là Nam man, bị Củng Viên bác thẳng cánh. Ngài khẳng định Đại Việt là nước văn hiến, là Nam quốc chứ không phải Nam man. Mấy chục năm sau Lập Đạo làm đến Thượng thư bộ lễ sang sứ nước ta gặp lại Đinh Củng Viên lại bị ngài ấy chê là quan Lễ bộ mà không biết giữ lễ. Ngài Đinh cùng quê Đông Sơn với anh Lê chúng ta đây!
– Đúng rồi! Họ luôn nghĩ họ là trung tâm của văn minh, nên sẵn sàng kỳ thị các nước lân cận. Thực ra thì người Hán cũng bị người Thát Đát xâm lăng và họ quên mất họ là kẻ nô lệ.
– Vâng! Thực tình cũng không có mấy người trung thực được như cái ông phó sứ Trần Phu. Ông này sang bên ta gần hai tháng, về làm được hơn trăm bài thơ. Con đã được đọc hết cả. Có thể xem đó là cả một thiên phóng sự sốt dẻo về nước Đại Việt ta – Phạm Sư Mạnh tiếp lời thầy:
– Có câu thơ Trần Phu viết:
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh
(Bóng loè gươm giáo lòng cay đắng
Nghe tiếng trống đồng bạc tóc râu).
Trần Phu phải thừa nhận những thất bại cay đắng sau mấy lần nhà Nguyên xâm lược không thành. Nỗi kinh hãi đến độ mỗi khi nghe tiếng trống đồng tưởng như râu tóc bạc trắng ra cả.
– Đúng thế! Là kẻ xâm lăng nhưng họ vẫn có cái yếu hèn. Bởi họ không có chính nghĩa. Họ cũng biết thế nên phải phô trương cái hung hăng thôi. Các con phải hiểu rõ nét tâm lý này trong những lần đối phó với họ.
Lê Quát thưa với thầy:
– Đa tạ thầy chỉ dạy. Chúng con xin ghi nhớ! Anh Phạm chuyến này đi sứ phải làm sao tôn được cái vượng khí đất nước mà anh đề ở bức tranh biếu thầy. Tiểu đệ cũng xin chúc huynh thượng lộ bình an. Nhân đây, có bài thơ tặng anh. Mạn phép thầy cho con được đọc.
Dịch lộ tam thiên quân cứ an
Hải môn thập nhị ngã hoàn san
Triều trung sứ giả thiên biên khách
Quán đắc công danh ngũ đắc nhàn.
(Người tựa trên yên trải dặm ngàn
Kẻ về cửa bể cách quan san
Sứ thần dật khách nào hơn kém
Ông được công danh, tớ được nhàn).
Đinh Văn Chấp dịch
– Thật cảm ơn thình tình của Lê huynh – Phạm Sư Mạnh nói chân thành.
Thằng Tâm em lễ mễ bưng mâm cơm đặt lên bàn. Thầy Chu cho phép Lê Quát và Phạm Sư Mạnh cùng ngồi hầu rượu. Hai vị đại quan đều giữ lễ xin thoái thác nhưng thầy Chu rất nhẹ nhàng:
– Các con ở xa về ăn với thầy bữa cơm đạm bạc. Thầy cũng muốn các con lưu ý thêm vài ba chuyện hàng ngày.
Nói là chuyện hàng ngày song thực chất vẫn là chuyện gắn với học thuật. Sau bữa cơm, ba thầy trò lại xoay sang chuyện về đạo Phật, đạo Nho.
Thầy Chu nói với hai ông Lê, Phạm:
– Vừa rồi ta có đọc hai bài văn bia của anh Lê, anh Phạm. Bài văn bia chùa Thiên Phúc của anh Lê bày tỏ được khao khát tôn Nho và kín đáo bài Phật. Còn bài văn của anh Phạm về chùa Sùng Nghiêm, văn chương rất phóng khoáng song có một câu ta cho rằng chưa thật khéo.
– Dạ, con xin thầy chỉ dẫn ạ! Họ Phạm kính cẩn đỡ lời.
– Anh Phạm viết “Đạo Phật chuộng “hư”, cưỡi “không” ngự “tịch” phải chăng ngầm phê phán luân lý của đạo này?
– Ta biết, có nhiều người cho rằng Phật giáo chấp nhận thuyết luân hồi thì không có luân lý vì theo luân hồi thì cha có thể thành con, người có thể sinh thành thú, anh em chồng vợ, thú vật đều không có vị trí nhất định! Nhìn như thế là chưa xa. Phải thấy rằng sự sinh tử luân hồi không phải chỉ một đời mà là vô biên, vô số kiếp. Luân lý Phật giáo lấy từ bi làm trọng, nên thuyết luân hồi nhằm phát sinh lòng thương chân thật đối với mọi người.
– Thưa, con vẫn còn điều băn khoăn. Chủ trương của Phật giáo là thuyết vô ngã. Vô ngã là không thấy có ta, có người. Ta, người là không thấy thì cha, mẹ, anh em, vợ con… làm gì có? Đã không thấy có cha mẹ… thì việc ăn ở, cư xử cần gì phải nêu ra nữa ạ?
– Thuyết vô ngã của nhà Phật gắn với tinh thần bình đẳng. Trong cuộc sống hàng ngày người ta luôn tranh chấp nhau. Cá nhân với cá nhân, quốc gia với quốc gia… Những sự sát phạt đó đều do các “chấp ngã” mà ra. Phật giáo chủ trương bình đẳng, không phân chia ranh giới người này với người kia, quốc gia này với quốc gia nọ. Phật muốn mọi người sống trong tinh thần hoà đồng, vô tư. Hơn nữa có vô ngã mới thực hiện được tình thương không vụ lợi, tức là từ bi.
Lê Quát hỏi:
– Thưa, Phật giáo dạy người tu mục đích giải thoát. Theo như kinh Phật thì “Tất cả nước biển chỉ một vị mặn. Tất cả giáo lý của Phật chỉ một vị, vị giải thoát”, như thế giải thoát là cởi mở tất cả trần duyên, tránh xa thế tục, dứt lìa ân ái? Theo con thế là vô luân?
– Con chớ nặng lời. Thực ra phải hiểu từ giải thoát trong Phật giáo có nghĩa là cởi mở những ràng buộc khiến con người mất tự do. Phật giáo nói giải thoát cũng như ta nói tự do. Sự giải thoát này hữu hiệu đối với người biết sống và yêu chuộng tự do. Không phải nói giải thoát là bi quan, yếm thế, quên cả cuộc đời muốn chạy trốn về một thế giới khác. Giải thoát là xây dựng con người yêu chuộng tự do và biết sử dụng tự do.
Thầy Chu ăn thêm một miếng trầu nữa, vừa ăn vừa thân thiện nhìn hai người học trò cưng của mình.
– Các con là người tôn nho, sùng nho bởi vì đạo Nho đề cao tu dưỡng đạo đức cá nhân và tinh thần tích cực nhập thế. Trước các con, ông Hàn Dũ ở đời Đường cũng đả kích Phật giáo gay gắt rồi. Hàn Dũ đòi “tịch Phật” nhưng ngày ấy trong triều cũng như dân gian người ta đều không tách biệt, không đối lập Phật – Nho. Các nhà nho cũng phải nhớ một nguyên tắc ghi ở sách Trung Dung là “Các đạo cùng hành mà không chống đối nhau”. Huống chi Phật giáo ở nước Nam ta đã từng một thời là quốc giáo. Những người theo Phật chân chính đều là người yêu nước, yêu dân chuộng hoà bình.
Cuộc đàm đạo của ba thầy trò kéo dài sang nửa chiều hai vị khách mới lưu luyến xin cáo biệt. Trước khi về, Lê Quát còn thầm thì với thầy Chu một thông tin. Ông báo cho thầy biết sắp có chiếu vua vời thầy về Kinh để đảm nhiệm vị trí Tư nghiệp ở Quốc Tử giám.