Phần 1: Lời Nói Đầu
Chuyện Bên Thầy là tập hợp những mẫu chuyện hay, mà khi thầy chưa vắng mặt đã dạy bảo cũng như bài học cho các tin đồ PGHH
Quyển CHUYỆN BÊN THẦY được xuất bản không nhằm tính cách thương mại, hoặc giới thiệu, hay quảng bá giáo thuyết của Tôn giáo.
Quyển Chuyện Bên Thầy do các bạn trẻ Đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO sưu tập với hình thức:
* Được chép nguyên văn từ những băng cassettes do các vị Đồng Đạo Niên Lão quê hương Việt Nam biên soạn và phát hành trước, hoặc sau biến cố năm 1975.
* Được viết lại từ những băng cassettes theo sự tự thuật của các Niên Lão trước kia thường ở bên cạnh Đức HUỲNH GIÁO CHỦ. Phần nầy, Ban Sưu Tập xin phép viết lại lời văn cho dễ đọc; riêng nội dung cốt chuyện luôn được giữ nguyên. Có nhiều trường hợp nguồn xuất xứ, cũng như người kể không nêu tên, Ban Sưu Tập chỉ ghi lại nội dung chánh của câu chuyện.
* Được viết qua sự trực tiếp kể lại chuyện của Quí Đồng Đạo mà Ban Sưu Tập biết rõ có uy tín và câu chuyện có lý do để nêu lên. Thường ở đoạn cuối của mỗi câu chuyện, chúng tôi có thêm Phần Nhận Xét. Phần nầy thuộc về thiển kiến cá nhân, nên không tránh khỏi lỗi lầm. Vì ích lợi chung, chúng tôi ước mong đón nhận những điều chỉ dạy của Chư Vị Cao Minh và Đồng Đạo giúp cho sự bổ túc sau nầy được hoàn hảo hơn.
Sở dĩ chúng tôi Kết Tập những mẩu CHUYỆN BÊN THẦY, bởi những lý do và quan niệm như sau:
* Những mẩu chuyện đầy Đạo vị có thể giúp cho các bạn tuổi trẻ dễ lần bước theo hành trạng của một vị Hoạt Phật lâm phàm tại quốc độ Việt Nam.
* Những mẩu chuyện có thể gián tiếp giải đáp điều thắc mắc của ai muốn tìm hiểu: Vì sao với số tuổi mới 19-20 mà Đức HUỲNH GIÁO CHỦ khai Đạo chỉ trong một thời gian ngắn mà đã có hằng triệu tín đồ quy ngưỡng
* Ngoài ra, nhà Biên Khảo sưu tầm tài liệu về tinh hoa của quê hương Việt Nam cũng ít phải vất vả sưu tầm nhiều tài liệu.
Bởi những điều nêu như trên, nhóm Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo chúng tôi không nệ hà khó nhọc ghi chép lại để giữ cho tài liệu nầy được lâu bền và ước mong có thể đóng góp vào tủ sách Đạo học của chư Thiện giả thêm phong phú.
Như chúng tôi trình bày ở phần vào đề là quyển sách nầy được ấn hành không nhằm mục đích truyền bá giáo thuyết riêng của một Tôn giáo, vì tôn giáo thường bị giới hạn bởi định kiến của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, chúng tôi mong sao đề cập đến con đường hành Đạo là sự mở rộng thênh thang cho mọi Hành giả tìm nơi cứu cánh giải thoát.
Mong ước sau cùng là quyển CHUYỆN BÊN THẦY có thể trợ trưởng quí bạn Thanh Niên Đồng Đạo trên con đường Đạo đức miên viễn. Chúng tôi hy vọng quyển Chuyện Bên Thầy thứ Hai sẽ được Kết Tập đầy đủ hơn nữa.
Hoa Kỳ, Phật lịch 2542 ngày Rằm tháng 6, năm Mậu Dần (1998).
Ban Sưu Tập Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo.
NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT
Phần 2 : GIỚI THIỆU TÁC PHẨM CHUYỆN BÊN THẦY
Tiến sĩ LÊ HIẾU LIÊM
Mấy năm trước, được nghe 5 cuộn băng về Những Mẩu Chuyện Bên Thầy, tôi vô cùng thích thú và ao ước những câu chuyện Đạo sống động, đầy ý nghĩa nầy, về chính cuộc đời của một bậc Thánh, một vị Bồ Tát được sinh ra trên quê hương Việt Nam và rất gần gũi với chúng ta, sẽ được in thành sách để phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng biết, học hỏi và tu hành. Niềm mong ước ấy nay đã được thực hiện. Tôi nhiệt liệt tán dương công đức của Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo hải ngoại đã làm một việc có ý nghĩa, cho ra đời một tác phẩm vô cùng hữu ích cho mọi người tu. Qua tác phẩm nầy, chân dung thật, hành động thật, sống động, cao cả và vi diệu của một nhân vật tôn giáo lớn của Việt Nam cận đại, là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, được giới thiệu trung thực. Tác phẩm nầy cho chúng ta thấy chính Ngài, một thanh niên bình thường trong lứa tuổi đôi mươi, đích thật là một vĩ nhân phi thường, một Bồ Tát có mặt thật giữa cuộc đời cứu khổ, cứu nạn cho con dân và quê hương Việt Nam.
Nếu so sánh về mặt xả thân hy sinh tranh đấu cho quốc gia, dân tộc, trong tinh thần Bồ Tát Đạo, với nhân vật tôn giáo được kính trọng nhất thế giới hiện nay, là Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, người được coi là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, là một vị “Phật sống”, thì Đức Huỳnh Phú Sổ, qua cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho nền độc lập của tổ quốc Việt Nam, không thua không kém. Nếu so sánh về mặt tiến hóa tâm linh và sự chứng đắc những thần thông chân chánh trong chánh pháp của Đức Phật Thích Ca, như Tha Tâm Thông, biết tâm ý của người khác, Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, thấy và nghe xa ngàn dậm, thì Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ của Việt Nam đã có phần trội vượt, siêu việt hơn Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Đọc những mẩu chuyện trong cuốn sách nầy thì sẽ rõ. Tây Tạng được coi là đất nước có trình độ tiến hóa tâm linh rất cao trên thế giới. Việt Nam còn sinh những người con có trình độ tiến hóa tâm linh cao cả hơn cả người lãnh đạo tôn giáo và chánh trị của một nước có trình độ tiến hóa tâm linh rất cao. Còn gì vinh dự và vẽ vang hơn cho người Việt Nam chúng ta. Điều nầy chứng minh truyền thống tâm linh Việt Nam, trong chủ đạo Phật Giáo, không thua kém bất cứ truyền thống tôn giáo lớn nào trên thế giới.
Thế nhưng tiếc thay, Bụt nhà không thiêng. Trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được vô số người thuộc đủ mọi quốc tịch, sắc dân trên thế giới, trong đó có nhiều người Việt Nam, biết đến, ngưỡng mộ, tôn thờ và tiếng nói của Ngài được nhiều giới tôn giáo, khoa học, chánh trị trên thế giới lắng nghe, thì Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ của Việt Nam, không nói gì trên thế giới, không mấy ai biết, mà ngay cả 77 triệu người Việt Nam ngày nay, có được bao nhiêu người biết đến Ngài và biết chọn con đường tu hành mà Ngài đã giảng dạy là những người có nhiều phước duyên, công đức.
Tuy con số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không phải là nhiều, nhưng với một người trẻ tuổi, chỉ mở đạo, hoằng pháp có vài năm, trong một hoàn cảnh nghiệt ngả vô cùng, và với những phương tiện giảng đạo thô sơ, mà đã có hàng triệu tín đồ, thì đây cũng là điều hy hữu, hiếm có trong lịch sử tôn giáo. Và chỉ có nhân cách siêu phàm của Ngài mới giải thích được sự thành công lớn lao nầy. Trong 50 năm nay (1948–1998), với những phương tiện truyền thông hiện đại, toàn cầu, có ai trên thế giới đã thu hút được một lượng tín đồ lớn lao, trong một thời gian ngắn ngủi như Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ của Việt Nam đã thu hút trong thời gian 1940–1947?
Cuốn sách quí giá nầy đã ra đời thật đúng lúc để giới thiệu cho mọi người vị Giáo Chủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử tôn giáo Việt Nam và lịch sử tôn giáo thế giới. Đây là một tấm gương phản chiếu một nhân cách hoàn hảo, thánh thiện. Như những mẩu chuyện tiền thân của Đức Phật Thích Ca, như cuộc đời của thánh tăng, đạo sư đã đi vào huyền thoại, tác phẩm nầy đã đưa chúng ta lên cao, gần gủi những con người đã giác ngộ, và đồng thời trao cho chúng ta một thông điệp của Chư Phật, Bồ Tát: Bạn hãy là một vị Bồ Tát có mặt thật giữa cuộc đời để cứu khổ, cứu nạn cho quê hương và cho muôn người, muôn loài.
Hoa Kỳ, Phật lịch 2542 ngày 18 tháng 10 năm 1998.
LÊ HIẾU LIÊM
tác giả “Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ & PHẬT GIÁO THỜI ĐẠI”
Cảm ơn mọi người đã ghé website, đây là trang tổng hợp tin tức về phật giáo hòa hảo và Chia Sẽ phật pháp đến mọi người . Chúc mọi người thân tâm an lạc, thường niệm Di Đà vãng sanh miền cực lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật