Y học cổ truyền Trung Quốc (Trung y) từ lâu được sử dụng điều trị các chứng rối loạn sinh lý, bao gồm vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản hoặc tình dục.
Căng thẳng mạn tính, thức khuya thường xuyên, chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn đồ quá mặn hoặc quá ngọt, không uống đủ nước và thói quen nhịn tiểu là nguyên nhân gây rối loạn tình dục, Gabriel Chan, bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc từ Oak Health Chinese Medicine ở Singapore, cho biết.
Trung y có thể giải quyết một số vấn đề về sức khỏe tình dục như kinh nguyệt không đều, vô sinh ở phụ nữ và rối loạn cương dương, giảm ham muốn hoặc xuất tinh sớm ở nam giới. Theo bác sĩ Chan, ba cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề sức khỏe tình dục là đường tiêu hóa, gan và thận. “Những tổn thương trong đường tiêu hóa khiến tỷ lệ hấp thụ dinh dưỡng thấp hơn, từ đó gây suy dinh dưỡng các cơ quan khác”, ông nói. Bộ phận suy nhược nhiều nhất là gan và thận, dẫn đến rối loạn chức năng tình dục.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, khí công gan có thể bị đình trệ (bị tắc nghẽn) do căng thẳng hoặc lo lắng. Căng thẳng được cho là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về sức khỏe tình dục. Căng thẳng ảnh hưởng đến gan, khi khí công gan bị đình trệ, lưu thông máu xung quanh cơ kém hơn. Điều này làm suy yếu thận, gây phát sinh các triệu chứng rối loạn chức năng tình dục. Để giảm bớt triệu chứng, chúng ta phải bồi bổ các cơ quan đang yếu hoặc khai thông khí trệ, bác sĩ Chan giải thích.
Troy Sing, bác sĩ tại Trung tâm y học cổ truyền Wise Chinese Medical Consultancy, Hong Kong, cho biết ứ đọng khí liên quan mật thiết đến các bệnh về sinh lý phái nữ. Ví dụ, người Trung Quốc cổ đại tin rằng phụ nữ thường trải qua sự thất vọng về tình dục nhiều hơn bởi phải chịu những chuẩn mực về tình dục khác với nam giới, không được thể hiện các mong muốn về tình dục như nam giới. Phụ nữ cũng được cho là dễ bị cô đơn và trầm cảm hơn, đặc biệt sau khi góa bụa.
Các chuyên gia y học cổ truyền, những người hiểu rõ về mối quan hệ giữa tâm trí, cơ thể và các loại bệnh, cho rằng chứng rối loạn tình dục và căng thẳng về mặt cảm xúc ở phụ nữ là kết quả của những trải nghiệm gây thất vọng trong quá khứ.
“Song đến nay, sau nhiều thế kỷ, chúng tôi nhận ra những vấn đề này là hệ quả của áp lực xã hội, không chỉ do sinh học”, bác sĩ Sing nói.
Một phụ nữ sử dụng liệu pháp châm cứu cổ truyền. Ảnh: Shutterstock
Để giải quyết các vấn đề sức khỏe tình dục, bác sĩ thường sử dụng ba biện pháp phổ biến là châm cứu da đầu, châm cứu toàn thân, giác hơi và thuốc thảo dược.
Châm cứu da đầu nhằm vào các bộ phận khác nhau của não, giúp chữa lành các cơ quan bị ảnh hưởng, bác sĩ Chan nói. Bộ não được cho là trung chữa bệnh chính của cơ thể. Các bác sĩ y học cổ truyền nhắm vào các huyệt trên da đầu để giải quyết bệnh lý.
Khi châm cứu toàn thân, bác sĩ châm kim vào các điểm kinh mạch nhất định, nhắm vào các cơ quan bị ảnh hưởng để giúp chúng hoạt động tối ưu trở lại. Phân tích tổng hợp công bố vào năm 2021 trên Tạp chí Y học Bổ sung và Tích hợp cho thấy liệu pháp châm cứu giúp cải thiện rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, đặc biệt liên quan đến ham muốn tình dục, chứng rối loạn cương dương và bất lực.
Các tài liệu cho thấy châm cứu cũng hiệu quả giảm thiểu một số vấn đề về rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ. Bác sĩ Sing đề xuất sử dụng châm cứu như một hình thức thay thế thuốc, nhưng cần nghiên cứu thêm.
Giác hơi giúp loại bỏ các loại khí ứ đọng hoặc chất tích tụ trong cơ thể, cải thiện lưu thông máu.
Thảo dược được sử dụng để điều trị hầu hết các vấn đề sức khỏe tình dục, khôi phục sự cân bằng cho các cơ quan và toàn bộ cơ thể. Một loại thảo mộc được sử dụng để cải thiện chức năng tình dục là nấm tích dương (suo yang). Theo bác sĩ Sing, loại nấm này chứa các hợp chất tự nhiên như anthocyanins và tannins, có thể điều trị chứng liệt dương, xuất tinh sớm và đau khớp gối. Loại thảo mộc khác được sử dụng là hoa Dâm dương hoắc, có tác dụng bổ âm, tăng cường sinh lực.
Giữ lối sống lành mạnh cũng là một cách để cải thiện sức khỏe tình dục. Người Trung Quốc cổ đại tin rằng chăm sóc cơ thể, còn gọi là dưỡng sinh (yang sheng) hoặc nuôi dưỡng sự sống là thể hiện sự tôn trọng với cha mẹ.
Thục Linh (Theo SCMP)