Nếu muốn học điều gì từ thầy Chu Văn An, tôi nghĩ trước hết chúng ta nên học cách biết nói thật và bảo vệ sự thật. Là trí thức, những lời xuất phát từ tấm chân tình của ta nếu biết nói ra đúng lúc có thể khiến mọi người không hiểu sai về nhau, tạo nên tinh thần đoàn kết để xây dựng một cuộc sống nồng ấm tình người.
Cách đây một năm, tôi có may mắn được cùng thầy trò Trường THPT Trần Nhân Tông – Quảng Ninh về dâng hương thầy Chu Văn An. Lúc đứng trước anh linh của người, tôi đã băn khoăn tự hỏi đâu là sự được mất, hư thực trong cõi đời này? Không có ai trả lời tôi, chỉ có những rặng thông thăm thẳm xanh trên Phượng Hoàng sơn rì rào kể cho tôi nghe rằng thầy Chu Văn An đã về đây để lánh đục. Hơn sáu thế kỷ đã trôi qua, thầy Chu Văn An đã thực sự xa cõi đời này nhưng thông trên núi Phượng Hoàng ngàn năm vẫn xanh và cao khiết như khí tiết của thầy vậy.
Tôi chợt hiểu rằng, người ta chỉ thực sự chết khi không để lại trong lòng người đang sống một điều gì cả. Chu Văn An thì không thế, thầy đã đi xa nhưng tên tuổi, tài năng, tâm huyết và phẩm cách của người luôn ngời sáng cùng thời gian.
Chu Văn An sinh năm Nhâm Thìn (1292), mất năm Canh Tuất (1370), tên hiệu là Tiều Ản, tên chữ là Linh Triệt, người làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Chu Văn An ngay từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng là người cương trực, luôn sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không màng danh lợi, chỉ thích ở nhà đọc sách thánh hiền. Khi thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), ông không ra làm quan như những người khác mà về quê nhà mở trường dạy học. Học trò khắp nơi về xin học rất đông. Học trò của ông không chỉ được học chữ thánh hiền mà còn được dạy về đạo đức của bậc trí nhân quân tử. Về sau, dù ở cương vị nào, họ cũng là những tấm gương về tài năng và đức độ. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Phạm Sư Mạnh và Lê Quát, cả hai đều đỗ Thái học sinh và làm quan đến chức Hành khiển trong triều Trần. Dù quyền cao chức trọng nhưng mỗi lần tới thăm thầy, họ đều quỳ gối để được thỉnh giáo.
Điều đó một mặt cho ta thấy đạo đức tuyệt vời của học trò chốn cửa Khổng sân Trình nhưng mặt khác khẳng định Chu Văn An phải là người tài năng và đức độ như thế nào mới được học trò trọng vọng như vậy. Có huyền thoại kể rằng, ngay cả thần nước cũng tìm tới ông để học, nhân một năm trời hạn hán vì vâng lời thầy, người học trò thủy thần ấy đã làm phép gọi mưa giúp dân, dù biết trước là phải chết. Câu chuyện nửa phần hư thực đó mãi mãi là một giai thoại không thể kiểm chứng nhưng dù sao nó cũng thể hiện sự đức độ của thầy Chu Văn An có sức cảm hóa cả trời đất, quỷ thần.
Danh tiếng của Chu Văn An vọng đến triều đình, vua Trần Minh Tông mời ông vào làm Tư nghiệp (Hiệu trưởng) Quốc tử giám, trực tiếp dạy Thái tử học. Ngoài việc dạy học, ông cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn đã tham gia vào việc triều chính, củng cố triều Trần lúc đó đang đi vào con đường khủng hoảng, suy thoái.
Đến thời Trần Dụ Tông, chính sự ngày càng thối nát, bọn nịnh thần bòn rút của cải, xúi giục vua làm những điều trái luân thường đạo lý, bọn gian thần nổi lên như ong. Chứng kiến cảnh người học trò của mình sa đọa như vậy và lo sợ đất nước suy vong, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên nịnh thần đang thao túng triều đình. (Hiện Thất trảm sớ bị thất truyền nên chúng ta không rõ nội dung của nó thế nào, chỉ biết thời Dụ Tông có những tên gian thần nổi tiếng như Trâu Canh, Bùi Khoan, Trần Ngô Lang). Thế nhưng vua chỉ xem qua và im lặng. Có lẽ sự im lặng khủng khiếp đó đã một phần nào đẩy nhà Trần – một triều đại lừng lẫy chiến công trong lịch sử nhanh chóng suy thoái mà không thể nào cứu vãn được.
Chu Văn An thất vọng, ông treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi từ quan, về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi ẩn hái củi). Các bậc túc nho là vậy, họ luôn hành xử theo triết lý của Nho giáo “Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” (Được dùng thì làm, không được dùng thì giấu mình đi).
Sau này, Nguyễn Trãi về với Côn Sơn để hòa mình với tiếng thông reo, tiếng suối chảy róc rách hay Nguyễn Bỉnh Khiêm về bên Tuyết Giang lập am Bạch Vân vui thú cảnh điền viên cũng cùng một tâm thế như vậy. Cuộc đời đang vẩn đục muốn giữ danh tiết ta phải chọn dòng trong. Hỏi mấy ai bây giờ hành xử được như họ?
Thế nhưng cũng như Nguyễn Trãi vẫn “một tấc lòng ưu ái cũ, đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”, nên dù về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng nhưng mỗi lần triều đình có hội, Chu Văn An vẫn chống gậy về kinh. Đặc biệt, khi vua Trần Nghệ Tông lên ngôi, lúc này Chu Văn An đã gần 70 tuổi, ông vẫn chống gậy về Thăng Long để bày tỏ tấc lòng của mình với đất nước, bởi hơn ai hết, Chu Văn An kỳ vọng vị vua này có thể thay đổi thời cuộc, cứu vãn cơ đồ nhà Trần. Thế mới biết tấm lòng yêu nước sâu nặng của ông như ngó sen đã đứt mà tơ còn vương vậy.
Hình ảnh thầy Chu Văn An tuổi đã già, tóc đã bạc mà vẫn thân hành chống gậy về kinh đó luôn có sức lay động, thức tỉnh chúng ta về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước. Theo tôi nghĩ, chúng ta những ai đã chọn nghiệp trồng người thì dạy dỗ được một học sinh nên người cũng là biểu hiện cụ thể thiết thực của lòng yêu nước trong thời đại mới.
Chu Văn An sống và dạy học ở ngôi nhà nhỏ giữa chân núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân cho đến lúc viên tịch. Vua Trần đã cho thờ ông ở Văn Miếu và ban cho tên thụy là Văn Trinh. Văn là bên ngoài của đức, Trinh là sự chính trực, kiên định của đức. Vua ban tên Thụy như vậy để ngợi ca con người kết hợp được hai mặt của đạo đức bên ngoài thuần nhã, hiền hòa với bên trong chính trực kiên định ở Chu Văn An.
Cuộc đời Chu Văn An có nhiều thăng trầm nhưng lịch sử mãi nhắc đến ông như một biểu tượng của người thanh liêm, chính trực. Thời Trần Dụ Tông, ai cũng biết bọn nịnh thần đáng trăm lần chết nhưng chỉ Chu Văn An dám dâng sớ chém chúng. Khi tâm nguyện của ông không được chấp nhận, ông lập tức khước từ quyền cao, chức trọng để về làm người hái củi ở núi Phượng Hoàng.
Con người đang đi giữa hai bờ danh thực bỗng tự ném mình ra khỏi quỹ đạo ấy thật không dễ dàng gì. Chỉ riêng việc nói lên sự thật thôi đã khó biết bao nhiêu. Ngay trong cuộc sống và công việc của chúng ta cũng vậy, có nhiều điều chúng ta thừa biết là sai nhưng chẳng ai dám nói vì sợ ảnh hưởng đến danh lợi của mình.
Nếu muốn học điều gì từ thầy Chu Văn An, tôi nghĩ trước hết chúng ta nên học cách biết nói thật và bảo vệ sự thật. Là trí thức, những lời xuất phát từ tấm chân tình của ta nếu biết nói ra đúng lúc có thể khiến mọi người không hiểu sai về nhau, tạo nên tinh thần đoàn kết để xây dựng một cuộc sống nồng ấm tình người. Tôi tin đó cũng là tâm nguyện của rất nhiều người.
Giáo giới Việt Nam luôn coi Chu Văn An là người thầy của muôn đời. Đó là sự xưng tụng xứng đáng. Chu Văn An bằng tài năng, đức độ và tâm huyết của mình đã vượt qua cái ngưỡng làm thầy giáo giỏi của một đời để thành người thầy giáo giỏi của muôn đời, không phải chỉ vì ông tài giỏi mà cái chính là ông đã đào tạo được những người học trò giỏi cho đời.
Qua cuộc đời của Chu Văn An, chúng ta thấy nếu người thầy giáo trở thành tấm gương mẫu mực sẽ có tác dụng giáo dục hơn vạn cuốn sách đạo đức. Học trò là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất, trung thực nhất về người thầy. Vì vậy, người thầy phải làm gương cho trò về mọi mặt như tác phong, hành động, cử chỉ, cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói, đặc biệt là việc làm.
Sản phẩm của nghề dạy học không phải là những vật dụng có thể sờ bằng tay, day bằng mắt mà là nhân cách, tri thức, đạo đức của một con người. Một người thợ đóng giày tồi sẽ làm ra những chiếc giày không tốt, khi mua phải và đi vào, chân chúng ta có thể bị đau, nếu không thích chúng ta có thể thay chúng, nhưng một thầy giáo tồi sẽ tạo ra những thế hệ học trò méo mó về nhân cách, lệch lạc về tri thức. Khi đó, dù đau lòng và muốn thay nhưng chúng ta không thể làm như với đôi giày kia.
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, những ai đã chọn nghề dạy học thì hãy yêu nghề và yêu trẻ, luôn không ngừng trau dồi và rèn luyện về chuyên môn và đạo đức để những thế hệ học trò mà chúng ta đào tạo ra vừa có tri thức vừa có đạo đức, nhân cách trong sáng. Tôi cũng biết rằng, hiện tại người thầy giáo cũng như bao nhiêu người làm nghề khác đang chịu sức ép của cuộc sống cơm áo gạo tiền. Không ai có thể nghĩ ra những điều tốt đẹp khi cái dạ dày đang sôi réo. K. Marx đã nói một chân lý giản dị rằng, trước khi xây những lâu đài, cung điện, điện khí hóa đất nước, con người phải ăn đã. Nhưng tôi lại tin rằng, những ai đã chọn và tâm huyết với nghề dạy học sẽ tìm thấy niềm vui riêng khi được làm việc trực tiếp với những nhân cách người.
Nghề dạy học khó và thầm lặng biết bao, có lẽ vì thế Bác Hồ mới gọi thầy cô giáo là những anh hùng vô danh chăng? Khi chọn nghề dạy học rồi ai chẳng muốn mình được như Chu Văn An nhưng Chu Văn An thì trên đời này chỉ có một. Nhưng tôi nghĩ rằng người thầy giáo nếu biết tạo cho mình một phong cách riêng, một ấn tượng riêng với học trò về tài năng và phẩm cách thì họ cũng đã là Chu Văn An theo nghĩa tính từ trong lòng bao thế hệ học trò. Tuy vậy, mọi lý thuyết đều xám, còn cây đời vẫn mãi mãi xanh tươi như Goeth đã từng nói. Điều quan trọng là chúng ta bằng tài năng và tâm huyết của mình có trồng được thứ cây đời ấy hay không?
Hôm nay, khi tôi đang viết những dòng chữ này thì thông trên núi Phượng Hoàng vẫn xanh và đang hát với gió trời những bài ca bất tận về những con người còn là thể phách, thác là tinh anh như Chu Văn An. Xin mượn lời câu đối mà người đời mãi mãi truyền tụng để ngợi ca thầy Chu Văn An thay cho lời kết:
Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong.
(Cuối Trần đó là thời nào, ngâm vịnh rong chơi đâu phải thú vui hiền giả; Non phượng còn dấu nơi ẩn, núi sông mãi mãi ngắm nhìn phong cách triết nhân)