Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là một trong những tác phẩm thành công nhất sự nghiệp cầm bút của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cuốn sách như là chiếc thuyền to lớn chở những ước mơ hết sức bình dị trong thời thơ ấu mọi đứa trẻ vô cùng bình thường.
Nguyễn Nhật Ánh và niềm tự hào to lớn
Nguyễn Nhật Ánh sinh tháng 5 năm 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông còn được biết đến với các bút danh như Chu Đình Ngạn, Đông Phương Sóc và Lê Duy Cật.
Nguyễn Nhật Ánh gây ấn tượng với bạn đọc qua hàng loạt những tác phẩm như Đảo mộng mơ, Ngày xưa có một chuyện tình, Lá nằm trong lá, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ngồi khóc trên cây, Cú phạt đền, Chuyện cổ tích dành cho người lớn và Đi qua hoa cúc.
Nguyễn Nhật Ánh đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý trong ngành như Giải thưởng văn học trẻ hạng A năm 1990 và Giải nhà văn có lượng sách bán chạy nhất năm 1998, ông còn được trao tặng huy chương Vì thế hệ trẻ.
Tác giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết về đề tài tuổi thơ, được nhiều độc giả đón nhận và yêu thích và có một số sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh đã chuyển thể thành phim được người hâm mộ đón nhận nhiệt tình.
Trong số đó, không thể không kể đến Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, cuốn sách nhận được Giải thưởng Văn học Asean năm 2010, đánh dấu cột mốc thành công rực rỡ trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.
Nhan đề Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được lấy cảm hứng từ bài thơ Билет в детство tạm dịch là Vé đi tuổi thơ của Robert Ivanovich Rozhdestvensky, xuất bản lần đầu vào ngày 1 tháng 2 năm 2008.
Sau một năm phát hành, tác phẩm giành giải Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam và Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ở đằng sau cuốn sách, Nguyễn Nhật Ánh có viết rằng:
“Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em.”
Nguyễn Nhật Ánh viết cuốn sách dành tặng cho người lớn, hay nói cụ thể hơn họ là những người đã từng là trẻ em. Chính vì thế mà ở trong cuốn sách, từng câu chữ của ông là chất liệu và màu sắc vẽ nên một bức tranh sinh động về những ngày thơ ấu.
Cuốn sách là thế giới ước mơ của những đứa trẻ vô cùng ngây thơ, trong sáng hướng về cuộc sống gia đình, trường lớp và thầy cô một cách rất đỗi bình dị và chân thực. Khi đọc, độc giả ai cũng sẽ bắt gặp hình dáng của bản thân để rồi hoài niệm, trân trọng và gìn giữ những kí ức tốt đẹp ấy.
Sống dậy hoài niệm những ngày thuở nhỏ trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Tác phẩm là bức tranh được vẽ dưới bàn tay điệu nghệ của Nguyễn Nhật Ánh, xoay quanh bốn nhân vật chính là thằng cu Mùi, Hải cò, Tủn và Tí sún. Ở đây, độc giả rất dễ dàng để bắt gặp những cảm nghĩ vô cùng bình thường nhưng cũng rất đỗi ngây ngô, trong sáng.
“Trong lớp, tôi luôn luôn ngồi ở bàn chót. Ngồi bàn chót thì tha hồ tán gẫu, cãi cọ, cấu véo hay giở đủ trò nghịch ngợm mà không sợ bị cô giáo phát hiện, nhưng điều hấp dẫn nhất ở vị trí tối tăm đó là ít khi bị kêu lên bảng trả bài.”
Những đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm học, luôn phát biểu xây dựng bài thường ngồi ở bàn đầu, chúng lớn lên trong sự giáo dục nghiêm khắc của bố mẹ. Còn cu Mùi là một đứa trẻ vô cùng bình thường và nghịch ngợm nên chỉ muốn ngồi bàn cuối để làm những việc mình thích.
Nhìn thì rất giản dị không có gì đáng nói nhưng đó đích thực là kỷ niệm tuổi học trò vô cùng đẹp đẽ để nhiều năm sau khi nhớ lại bất giác trên môi nở nụ cười, ánh mắt chợt tiếc nuối.
Không chỉ vậy, bốn bạn nhỏ nghĩ ra đủ mọi thứ như là trò chơi vợ chồng rồi đến hành trình truy tìm kho báu, nuôi những chú chó hoang và ấn tượng nhất là trò đặt tên cho thế giới, đảo lộn lại cuộc sống bình thường để hóa thân thành những nhân vật mà mình yêu thích.
“Hải cò là cảnh sát trưởng, con Tủn là tiếp viên hàng không, con Tí sún là nàng Bạch Tuyết, còn tôi là thầy hiệu trưởng. Những cái tên này do chúng tôi tự chọn, theo nguyện vọng thầm kín của mỗi đứa.”
Sau đó cả bốn bạn nhỏ mở phiên tòa xét xử, kể tội của bố mẹ mình và kết quả là mỗi đứa bị một trận đòn. Phiên tòa ấy thể hiện hờn dỗi vu vơ và suy nghĩ ngây thơ, non nớt của những đứa trẻ chưa hiểu chuyện.
Bọn trẻ ấy khát khao được thay đổi, được thể hiện mình nhưng suy cho cùng rồi cũng phải chấp nhận hiện thực.
“Rốt cuộc, sau những thương tích tâm hồn lẫn thể xác, chúng tôi buộc phải chấp nhận không nên nghĩ khác bảng cửu chương in ở đằng sau mỗi cuốn tập. Nếu muốn thay đổi chúng tôi đành phải chờ đến lúc thành tài, tức là lúc đã trở thành những nhà toán học nổi tiếng thế giới, lúc đó chúng tôi sẽ soạn một bảng cửu chương theo ý mình.”
Đứa trẻ nào cũng khao khát muốn làm điều gì đó thật lớn lao cho thế giới này nhưng rồi chợt nhận ra mình còn quá nhỏ và chưa đủ năng lực, phải chờ đến khi mình lớn, mình thực sự thành công rồi mới thực hiện được.
Ngay từ lúc bố mẹ mang chúng đến thế giới này chính là cho chúng một cuộc đời xuất phát từ mái nhà nhỏ, được gọi là gia đình.
“Ðối với một đứa bé, ngôi nhà rất quan trọng. Một đứa bé sống trong nhà mình cũng tự nhiên và máu thịt như sống trong bản thân mình. Nó không thể chạy ra khỏi nhà mình, vì điều đó sẽ làm nó đau đớn. Cũng như một con thỏ không thể chạy ra khỏi bộ da của mình.”
Nhà là một tiếng gọi thân thuộc nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng, là nơi cất tiếng khóc đòi mẹ và từng ngày lớn lên, là nơi mà chúng ta xem như là máu là thịt và không thể tách rời.
Cho dù có giận bố mẹ đến mấy thì cũng không thể ra khỏi nhà vì nếu làm thế sẽ chẳng khác nào là cắt đi ruột thịt của mình.
Trong suy nghĩ của người lớn, ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trên đời đều thu gọn vào hai chữ là chức năng mà thôi.
Còn trong thế giới của trẻ con thì không quan tâm đến chức năng là gì, bởi vì chúng có kho báu vô giá là trí tưởng tượng, điều có thể thay đổi thế giới. Chính vì vậy mà câu nói của nhà bác học thiên tài Anh-xtanh rất đúng:
“Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hữu hạn. Trí tưởng tượng là vô cùng và bao quát toàn thế giới.”
Qua mười hai chương của tác phẩm với nhiều câu chuyện khác nhau, Nguyễn Nhật Ánh đã kể lại những ấm ức, suy tư trong sáng, quá ngây ngô của những đứa trẻ mà không phải ai cũng nhìn thấy được, kể cả cha mẹ của chúng.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã để lại điều gì?
Để sống tốt hơn, đôi khi nên học cách làm trẻ con chứ không phải là người lớn, trẻ con dám nghĩ dám làm, sự can đảm ấy là một yếu tố không dễ tìm thấy trong cuộc sống ngày nay.
Chúng thì đơn giản, thích ai thì sẽ dành cho người đó những điều tốt đẹp nhất, có kẹo thì cho kẹo hay có bánh thì cho bánh.
Thế giới bên ngoài ồn ào và mệt mỏi như vậy, người lớn cũng từ đó mà khao khát tìm bình yên trong tâm hồn như những ngày còn nhỏ.
Con người luôn mong có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, đặc biệt là lúc mà họ nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ.
Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn như vậy, không hổ danh là người dẫn lối về tuổi thơ, ông đã kể lại các câu chuyện như chính mình là người trải nghiệm vậy, chân thực đến mức không thể chân thực hơn.
Ông đã thành công miêu tả tâm lý, nội tâm nhân vật một cách đầy tài tình để người đọc có thể đặt mình vào chính nhân vật ấy mà cảm nhận.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ không ngẫu nhiên nhận được Giải thưởng Văn học Asean mà bởi sức sống của nó là mãi mãi, những thông điệp đầy ý nghĩa, thấm đẫm nhân văn luôn tồn tại và được đề cao trong bất kì hoàn cảnh, thời đại nào đi chăng nữa.
Thúy Trân