Cho tôi một vé đi tuổi thơ – Tài liệu text

Cho tôi một vé đi tuổi thơ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (455.33 KB, 44 trang )

Cho tôi xin
một vé
đi tuổi thơ[Truyện dài]

Nguyễn Nhật Ánh

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (*)
Từ lâu, Nguyễn Nhật Ánh đã được những độc giả nhỏ tuổi nhắc đến với tình cảm trìu
mến bởi anh là một nhà văn của các em, viết vì các em, cho các em. Giống như tác giả
tự thú nhận, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ “không hề giống với bất cứ cuốn sách nào”.
Cuốn sách mở đầu bằng một nhận xét về cuộc đời của nhân vật chính là Mùi, một chú bé
mới tám tuổi: “Cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt”. Với một loạt dẫn chứng hùng
hồn, cậu cho rằng “cuộc sống thật là cũ kỹ”. Mở đầu như thế, cuốn sách khiến độc giả
giật mình, tự hỏi, tuổi thơ thời bây giờ phải chăng đã già đi mất rồi? Và cu Mùi chỉ “trẻ”
lại khi cùng các bạn mình bắt đầu loay hoay tìm mọi cách thoát khỏi sự buồn chán, vô vị
bằng “bảo bối” sẵn có của trẻ thơ – đó là trí tưởng tượng. Với bảo bối ấy, các em chơi trò
“vợ chồng, bố mẹ, con cái” nhưng nội dung của xã hội bé bỏng đó lại không sao chép
cuộc sống của người lớn, mà hoàn toàn lật ngược, đảo tung hết mọi trật tự quen thuộc.
Với bảo bối ấy, cu Mùi đã “tập tành làm một nhà cách mạng tí hon”, quyết không gọi
“con gà là con gà, cuốn tập là cuốn tập, cây viết là cây viết” nữa. Ngay đến cả bảng cửu
chương, 2 nhân 4 cũng không muốn là 8, mà “phải là cái gì cũng được, miễn là khác
đi!”. Thậm chí, cu Mùi còn cho rằng, cả chuyện trái đất ngày ngày quay quanh mặt trời
cũng là một việc hết sức buồn tẻ mà nếu nó là trái đất, nó sẽ… “tìm cách quay theo
hướng khác”! Nó quan sát, phân tích cuộc sống chung quanh, đôi khi đưa ra những triết
lý sắc bén về các quan hệ trong xã hội, về các khái niệm đối nghịch như con ngoan và

con hư, sự đơn điệu và ổn định, sự êm đềm và vô vị, sự giống nhau và tính cá biệt, tri
thức và bằng cấp. Nó thử định nghĩa cả tình yêu, rằng “yêu cũng như học bơi vậy, ai lười
sẽ bị chìm”! Và cuối cùng, đứa trẻ còn phán xét cả những người lớn nữa! Phiên tòa “trẻ
con xử người lớn” ban đầu, một cách thông thường, có thể tạo cho người đọc cảm giác
hơi khó chịu, người lớn sẽ nhăn mặt vì sự thẳng thắn quá đáng của bọn trẻ. Thế nhưng,
phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng một đòi hỏi chính đáng của tuổi thơ – đó là sự
công bằng. Ở các em, “đòi hỏi sự công bằng” không đồng nghĩa với “vô lễ” – hai khái
niệm mà người lớn chúng ta thường nhầm lẫn, cũng như, với các em, “tình thương” và
“sự tôn trọng” mà cha mẹ dành cho con cái hoàn toàn không là một!
Cho dù cuốn sách có một nội dung khác thường như thế, Nguyễn Nhật Ánh vẫn cứ là
Nguyễn Nhật Ánh khi anh luôn giữ nét đặc trưng trong văn phong của mình – chất hài
hước nhẹ nhõm, đáng yêu – khiến khi đọc từ đầu tới cuối, nụ cười thú vị không rời môi
ta. Song, cũng lại khác với các tác phẩm trước, cuốn sách không dừng lại ở chương thứ
12. Nó có phần “vĩ thanh” vô hình với rất nhiều điều khiến độc giả – người lớn day dứt.
Là một người từng theo học ngành sư phạm, với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, hình như
Nguyễn Nhật Ánh đã viết được một cuốn “sách giáo khoa” cho môn học “Tâm lý học
lứa tuổi”. Chỉ khác là, những luận đề, luận điểm của môn học ấy được trình bày bằng
ngòi bút dí dỏm của nhà văn khiến bài học thấm thía hơn, dễ “vào” hơn bất kỳ một cuốn
sách giáo khoa được soạn cẩn thận nào!
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ thực sự là cuốn truyện hữu ích cho cả người lớn và trẻ con.
Tác giả đã kéo các thế hệ lại gần nhau hơn. Đọc nó, những người lớn vô tâm mải miết
2|Trang

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

với cuộc sống cơm áo gạo tiền có thể sẽ dừng bước đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớ
lại thời thơ ấu, và cùng nhà văn gắng hiểu con em mình để rồi có một phương cách tiếp

cận chúng từ một tư thế khác – tư thế của những người bạn – nhằm có thể xóa đi được
“lằn ranh giữa trẻ con và người lớn” mà nhà văn cho là “khó ngang với xóa bỏ ranh giới
giàu, nghèo trong xã hội”. Không chỉ vậy, cuốn sách cũng cho độc giả – người lớn có cơ
hội hiểu rõ mình hơn bằng cách “chịu đựng” sự phán xét xác đáng của trẻ thơ với một
loạt những so sánh về “các trò chơi” của trẻ con và người lớn!
Còn với lứa tuổi thiếu niên, cuốn sách hẳn cũng sẽ đem lại cho các em niềm vui thích,
nhưng ở góc độ khác và cung bậc khác. Các em nhìn thấy mình trong cuốn sách với tư
cách là những người ngang hàng với nhà văn! Ở đây, “ngang hàng” có nghĩa là “được
trân trọng và thấu hiểu”!
Thụy Anh (từ LB Nga)

‘Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ’ – con tàu về miền ký ức
Thằng cu Mùi tám tuổi thích làm đảo lộn thế giới, con Tí sún nấu mì dở tệ, thằng Hải cò và
con Tủn khoái chơi trò vợ chồng. 4 đứa trẻ trong câu truyện mới nhất của nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh là hình ảnh của những người lớn từng một thời là con trẻ.

“… Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà. Đến ga, xếp hàng mua vé. Lần đầu tiên trong nghìn
năm. Có lẽ. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Vé hạng trung – Người bán vé hững hờ. Khe
khẽ đáp – Hôm nay hết vé!…” (thơ Robert Rojdesvensky, Thái Bá Tân chuyển ngữ).
Đây là bài thơ được in cuối tập truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lấy
cảm hứng từ một câu trong tác phẩm của Robert Rojdesvensky, tác giả Kính vạn hoa
một lần nữa làm con tim nhiều độc giả reo vui và thổn thức cùng một cuốn sách nhẹ
nhàng.
Qua lời kể của thằng cu Mùi – mà tác giả hóa thân vào – thế giới mênh mông của trẻ em
hiện ra. Ở đó, trẻ em tự lập phiên tòa phán xét cha mẹ, nghĩ ra những trò chơi đi tìm kho
báu, đảo lộn trật tự – vị trí mà xã hội quy định, như thay vì ăn cơm trong chén thì ăn cơm
trong thau, gọi thằng bạn thân là Thày hiệu trưởng. Trẻ em cũng biết yêu, biết buồn khổ
và nhớ nhung…
Là cây bút hiếm hoi tại Việt Nam hiện nay bám sát các đề tài văn học cho thiếu nhi và
tuổi mới lớn, với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục khẳng định

sự chuyên nghiệp trong phong cách viết và trong “độ rung” về cảm xúc.
Dù ở bìa 4 cuốn sách, Nguyễn Nhật Ánh khẳng định: “Tôi viết cuốn sách này không
dành cho trẻ em, tôi viết cho những ai từng là trẻ em”, nhưng chắc chắn không ít thiếu
nhi vẫn hiểu được những gì tác giả kể ra. Vì hơn cả những người lớn đang phải ngoái
đầu nhìn lại, trẻ con là hành khách chính của con tàu tuổi thơ đang lăn bánh.

3|Trang

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Nguyễn Nhật Ánh
LTS: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là tác phẩm mới nhất của nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh, sau tác phẩm Tôi là Bêtô – đã được trích đăng trên
Thanh Niên Online tháng 5.2007.
NXB Trẻ giới thiệu về cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ trên trang web
của mình: “Bạn từng yêu thích truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hãy
cùng đón đọc tập truyện mới rất dễ thương này do NXB Trẻ phát hành vào
đầu tháng 3.2008. Nhà văn mời người đọc lên chuyến tàu quay ngược trở
lại thăm tuổi thơ và tình bạn dễ thương của bốn bạn nhỏ. Những trò chơi
dễ thương thời bé, tính cách thật thà, thẳng thắn một cách thông minh và
dại dột, những ước mơ tự do trong lòng… khiến cuốn sách có thể làm các
bậc phụ huynh lo lắng rồi thở phào. Không chỉ thích hợp với người đọc trẻ, cuốn sách còn có thể
hấp dẫn và thực sự có ích cho người lớn trong quan hệ với con mình”. Kể từ hôm nay, Thanh Niên
Online sẽ trích đăng một số chương rút từ tác phẩm này…

Kỳ 1 – Tóm lại là đã hết một ngày

Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt.
Năm đó tôi tám tuổi.
Sau này, tôi cũng nhiều lần thấy cuộc sống đáng chán khi thi trượt ở tuổi mười lăm, thất
tình ở tuổi hăm bốn, thất nghiệp ở tuổi ba mươi ba và gặt hái mọi thành công ở tuổi bốn
mươi.
Nhưng tám tuổi có cái buồn chán của tuổi lên tám.
Đó là cái ngày không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ rằng cuộc sống không có gì để mà chờ
đợi nữa.
Rất nhiều năm về sau, tôi được biết các triết gia và các nhà thần học vẫn đang loay hoay
đi tìm ý nghĩa của cuộc sống và tới Tết Ma Rốc họ cũng chưa chắc đã tìm ra.
Nhưng năm tôi tám tuổi, tôi đã thấy cuộc sống chả có gì mới mẻ để khám phá.
Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi mỗi ngày. Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm.
Trên mái nhà và trên các cành lá sau vườn, gió vẫn than thở giọng của gió. Chim vẫn hót
giọng của chim. Dế ri ri giọng dế, gà quang quác giọng gà. Nói tóm lại, cuộc sống thật là
cũ kỹ.
Cuộc sống của tôi còn cũ kỹ hơn nữa. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, tôi đã biết tỏng ngày
mai những sự kiện gì sẽ diễn ra trong cuộc đời tôi.

4|Trang

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Tôi kể ra nhé: Sáng, tôi phải cố hết sức để thức dậy trong khi tôi vẫn còn muốn ngủ tiếp.
Tất nhiên là trước đó tôi vẫn giả vờ ngủ mê mặc cho mẹ tôi kêu khản cả giọng rồi lay lay
người tôi, nhưng dĩ nhiên tôi vẫn trơ ra như khúc gỗ cho đến khi mẹ tôi cù vào lòng bàn
chân tôi. Khi đặt chân xuống đất rồi, tôi phải đi đánh răng rửa mặt, tóm lại là làm vệ sinh
buổi sáng trước khi bị ấn vào bàn ăn để uể oải nhai chóp chép một thứ gì đó thường là

không hợp khẩu vị. Mẹ tôi luôn luôn quan tâm đến sức khỏe và cụ thể hóa mối quan tâm
của mình bằng cách bắt tôi (và cả nhà) ăn những món ăn có nhiều chất dinh dưỡng trong
khi tôi chỉ khoái xực những món mà bà cho rằng chẳng bổ béo gì, như mì gói chẳng hạn.
Quan tâm đến sức khỏe là điều tốt, và càng lớn tuổi mối quan tâm đó càng tỏ ra đúng
đắn. Chẳng ai dám nói quan tâm như vậy là điều không tốt. Tôi cũng thế thôi. Khi tôi
trưởng thành, có nhà báo phỏng vấn tôi, rằng giữa sức khỏe, tình yêu và tiền bạc, ông
quan tâm điều gì nhất? Lúc đầu tôi nói nhiều về tình yêu, về sau tôi nói nhiều hơn về sức
khỏe. Tôi phớt lờ tiền bạc, mặc dù tôi nhận thấy đó là một bất công: tiền bạc chưa bao
giờ được con người ta thừa nhận là mối quan tâm hàng đầu dù tiền bạc ngày nào cũng
chạy đi mua quà tặng cho tình yêu và thuốc men cho sức khỏe.
Nhưng thôi, đó là chuyện của người lớn – chuyện sau này. Còn tôi, lúc tám tuổi, tôi chỉ
nhớ là tôi không thích ăn những món bổ dưỡng. Nhưng tất nhiên là tôi vẫn buộc phải ăn,
dù là ăn trong miễn cưỡng và lười nhác, và đó là lý do mẹ tôi luôn than thở về tôi.
Ăn xong phần ăn buổi sáng (chả sung sướng gì), tôi vội vàng truy lùng sách vở để nhét
vào cặp, nhặt trên đầu tivi một quyển, trên đầu tủ lạnh một quyển khác và moi từ dưới
đống chăn gối một quyển khác nữa, dĩ nhiên bao giờ cũng thiếu một món gì đó, rồi ba
chân bốn cẳng chạy vù ra khỏi nhà.
Trường gần nhà nên tôi đi bộ, nhưng thực tế thì tôi chưa bao giờ được thưởng thức thú
đi bộ tới trường. Tôi toàn phải chạy. Vì tôi luôn luôn dậy trễ, luôn luôn làm vệ sinh trễ,
luôn luôn ăn sáng trễ và mất rất nhiều thì giờ để thu gom tập vở cho một buổi học. Về
chuyện này, ba tôi bảo: “Con à, hồi bằng tuổi con, bao giờ ba cũng xếp gọn gàng tập vở
vào cặp trước khi đi ngủ, như vậy sáng hôm sau chỉ việc ôm cặp ra khỏi nhà!”. Nhưng
hồi ba tôi bằng tuổi tôi thì tôi đâu có mặt trên cõi đời để kiểm tra những gì ông nói, bởi
khi tôi bằng tuổi ba tôi bây giờ chắc chắn tôi cũng sẽ lặp lại với con tôi những điều ông
nói với tôi – chuyện xếp tập vở trước khi đi ngủ và hàng đống những chuyện khác nữa,
những chuyện mà tôi không hề làm. Chà, với những chuyện như thế này, bạn đừng bao
giờ đòi hỏi phải chứng minh. Đôi khi vì một lý do nào đó mà chúng ta buộc phải bịa
chuyện. Chúng ta cứ lặp lại mãi câu chuyện bịa đó cho đến một ngày chúng ta không
nhớ có thật là chúng ta đã bịa nó ra hay không, rồi sau đó một thời gian nữa nếu cứ tiếp
tục lặp lại câu chuyện đó nhiều lần thì chúng ta sẽ tin là nó có thật. Thậm chí còn hơn cả

niềm tin thông thường, đó là niềm tin vô điều kiện, gần như là sự xác tín. Như các nhà
toán học tin vào định đề Euclide hay các tín đồ Thiên Chúa tin vào sự sống lại của Jesus.
Ôi, nhưng đó cũng lại là những vấn đề của người lớn.
Tôi kể tiếp câu chuyện của tôi hồi tám tuổi.

5|Trang

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Như vậy, ra khỏi nhà một lát thì tôi tới trường.
Trong lớp, tôi luôn luôn ngồi ở bàn chót. Ngồi bàn chót thì tha hồ tán gẫu, cãi cọ, cấu
véo hay giở đủ trò nghịch ngợm mà không sợ bị cô giáo phát hiện, nhưng điều hấp dẫn
nhất ở vị trí tối tăm đó là ít khi bị kêu lên bảng trả bài.
Điều đó có quy luật của nó. Bạn nhớ lại đi, có phải bạn có rất nhiều bạn bè, yêu quí rất
nhiều người nhưng không phải lúc nào bạn cũng nhớ tới họ. Bộ nhớ chúng ta quá nhỏ để
chứa cùng lúc nhiều khuôn mặt hay nhiều cái tên, chỉ khi nào nhìn thấy người đó ngoài
phố hay bắt gặp cái tên đó trong một mẩu tin trên báo chẳng hạn thì chúng ta mới chợt
nhớ ra và cảm động thốt lên “Ôi, đã lâu lắm mình không gặp nó. Năm ngoái mình kẹt
tiền, nó có cho mình vay năm trăm ngàn!”.
Cô giáo của tôi cũng vậy thôi. Làm sao cô có thể nhớ tới tôi và kêu tôi lên bảng trả bài
khi mà cô không thể nào nhìn thấy tôi giữa một đống đầu cổ lúc nhúc che chắn trước
mặt.
Ngày nào cũng như ngày nào, tôi ngồi đó, vừa xì xầm trò chuyện vừa cựa quậy lung
tung, và mong ngóng tiếng chuông ra chơi đến chết được.
Trong những năm tháng mà người ta gọi một cách văn hoa là mài đũng quần trên ghế
nhà trường (tôi thì nói thẳng là bị giam cầm trong lớp học), tôi chẳng thích được giờ nào
cả, từ giờ toán, giờ tập viết đến giờ tập đọc, giờ chính tả. Tôi chỉ thích mỗi giờ ra chơi.

Ra chơi có lẽ là điều tuyệt vời nhất mà người lớn có thể nghĩ ra cho trẻ con. Ra chơi có
nghĩa là những lời vàng ngọc của thầy cô tuột khỏi trí nhớ nhanh như gió, hết sức trơn
tru. Ra chơi có nghĩa là được tháo cũi sổ lồng (tất nhiên sau đó phải bấm bụng chui vào
lại), là được tha hồ hít thở không khí tự do.
Suốt những năm đi học, tôi và lũ bạn đã sử dụng những khoảnh khắc tự do hiếm hoi đó
vào việc đá bóng, bắn bi, nhưng thường xuyên nhất và hăng hái nhất là những trò rượt
đuổi, đánh nhau hay vật nhau xuống đất cho đến khi không đứa nào còn ra hình thù một
học sinh ngoan ngoãn nữa mới thôi, tức là lúc khuỷu tay đã trầy xước, mắt đã bầm tím,
chân đi cà nhắc và áo quần thì trông còn tệ hơn mớ giẻ lau nhà.
Tại sao tôi không kể giờ ra về vào đây. Vì ra về có nghĩa là rời khỏi một nhà giam này
để đến một nhà giam khác, y như người ta chuyển trại cho các tù nhân, có gì hay ho đâu.
Tôi không nói quá lên đâu, vì ngày nào chào đón tôi ở đầu ngõ cũng là khuôn mặt lo
lắng của mẹ tôi và khuôn mặt hầm hầm của ba tôi.
– Trời ơi, sao ngày nào cũng ra nông nỗi thế này hả con?
Đại khái mẹ tôi nói thế, giọng thảng thốt, vừa nói vừa nắn nót cánh tay rướm máu của
tôi như để xem nó sắp rụng khỏi người tôi chưa.
6|Trang

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Ba tôi thì có cách nói khác, rất gần với cách rồng phun lửa:
– Mày lại đánh nhau rồi phải không?
– Con không đánh nhau. Tụi bạn đánh con và con đánh lại.
Tôi nói dối (mặc dù nói dối như thế còn thật hơn là nói thật) và khi ba tôi tiến về phía tôi
với dáng điệu của một cơn bão cấp mười tiến vào đất liền thì mẹ tôi đã kịp kéo tôi ra xa:
– Ông ơi, con nó đã nát nhừ ra rồi!
Mẹ tôi có cách nói cường điệu rất giống tôi, tôi vừa chạy theo bà vừa cười thầm về điều

đó.
Sau đó, không nói thì ai cũng biết là tôi bị mẹ tôi tống vào nhà tắm. Khi tôi đã tinh tươm
và thơm phức như một ổ bánh mì mới ra lò thì mẹ tôi bắt đầu bôi lên người tôi đủ thứ
thuốc xanh xanh đỏ đỏ khiến tôi chẳng mấy chốc đã rất giống một con tắc kè bông.
Dĩ nhiên là từ đó cho tới bữa cơm, tôi không được phép bước ra khỏi nhà để tránh phải
sa vào những trò đánh nhau khác hấp dẫn không kém với bọn nhóc trong xóm, những
đối thủ thay thế hết sức xứng đáng cho tụi bạn ở trường.
Ăn trưa xong thì tôi làm gì vào thời tôi tám tuổi?
Đi ngủ trưa!
Trên thế giới rộng lớn này, có lẽ có rất nhiều đứa nhóc trạc tuổi tôi đều bị các bậc phụ
huynh cột chặt vào giấc ngủ trưa theo cái cách người ta cột bò vào cọc để chúng khỏi
chạy lung tung mà hậu quả là thế nào hàng xóm cũng kéo đến nhà chửi bới om sòm.
Chứ thực ra với một đứa bé tám tuổi thì giấc ngủ trưa chẳng có giá trị gì về mặt sức
khỏe. Khi tôi lớn lên thì tôi phải công nhận giấc ngủ trưa đối với một người lớn tuổi
đúng là quý hơn vàng. Lớn tuổi thì sức khỏe suy giảm. Làm việc nhiều thì đầu nhức, mắt
mờ, lưng mỏi, tay run, giấc ngủ ban đêm vẫn chưa đủ liều để sửa chữa thành công
những chỗ hỏng hóc của cơ thể. Buổi trưa phải chợp mắt thêm một lát thì buổi chiều
mới đủ tỉnh táo mà không nện búa vào tay hay hụt chân khi bước xuống cầu thang.
Nhưng nếu bạn sống trên đời mới có tám năm thì bạn không có lý do chính đáng để coi
trọng giấc ngủ trưa. Với những dân tộc không có thói quen ngủ trưa, như dân Mỹ chẳng
hạn, trẻ con càng không tìm thấy chút xíu ý nghĩa nào trong việc phải leo lên giường sau
giờ cơm trưa.
Hồi tôi tám tuổi dĩ nhiên tôi không có được cái nhìn thông thái như thế. Nhưng tôi cũng
lờ mờ nhận ra khi ba tôi đi ngủ thì tôi buộc phải đi ngủ, giống như một con cừu còn thức
thì người chăn cừu không yên tâm chợp mắt vậy.

7|Trang

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Tôi nằm cựa quậy bên cạnh ông trên chiếc đi-văng, thở dài thườn thượt khi nghĩ đến
những quả đấm mà lũ bạn nghịch ngợm đang vung lên ngoài kia.
– Đừng cựa quậy! Cựa quậy hoài thì sẽ không ngủ được!
Ba tôi nói, và tôi vờ nghe lời ông. Tôi không cựa quậy nhưng mắt vẫn mở thao láo.
– Đừng mở mắt! Mở mắt hoài thì sẽ không ngủ được!
Ba tôi lại nói, ông vẫn nằm ngay ngắn nên tôi nghĩ là ông không nhìn thấy tôi mở mắt,
ông chỉ đoán thế thôi. Chẳng may cho tôi là lần nào ông cũng đoán đúng.
Tôi nhắm mắt lại, lim dim thôi, mi mắt vẫn còn hấp háy, nhưng tôi không thể nào bắt mi
mắt tôi đừng hấp háy được.
Một lát, ba tôi hỏi:
– Con ngủ rồi phải không?
– Dạ rồi.
Tôi đáp, ngây ngô và ngoan ngoãn, rơi vào bẫy của ba tôi một cách dễ dàng.
Tôi nằm như vậy, thao thức một lát, tủi thân và sầu muộn, rồi thiếp đi lúc nào không
hay.
Khi tôi thức dậy thì đường đời của tôi đã được vạch sẵn rồi. Tôi đi từ giường ngủ đến
phòng tắm để rửa mặt rồi từ phòng tắm đi thẳng tới bàn học để làm một công việc chán
ngắt là học bài hoặc làm bài tập.
Thỉnh thoảng tôi cũng được phép chạy ra đằng trước nhà chơi với lũ trẻ hàng xóm
nhưng trước ánh mắt giám sát của mẹ tôi (từ một vị trí bí hiểm nào đó đằng sau các ô
cửa mà mãi mãi tôi không khám phá được), tôi chỉ dám chơi những trò ẻo lả như nhảy lò
cò hay bịt mắt bắt dê, đại khái là những trò dành cho bọn con gái hay khóc nhè. (Về sau,
tinh khôn hơn, tôi đã biết cách ỉ ôi để mẹ tôi thả tôi qua nhà hàng xóm, nhờ đó một thời
gian dài tôi đã có cơ hội làm những gì tôi thích).
Chơi một lát, tôi lại phải vào ngồi ê a tụng bài tiếp, càng tụng càng quên, nhưng vẫn cứ
tụng cho mẹ tôi yên lòng đi nấu cơm.
Từ giây phút này trở đi thì đời sống của tôi tẻ nhạt vô bờ bến.

Tôi uể oải học bài trong khi chờ cơm chín. Cơm chín rồi thì tôi uể oải ăn cơm trong khi
chờ tiếp tục học bài.

8|Trang

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Tivi tiveo hiếm khi tôi mó tay vào được, trông nó cứ như một thứ để trang trí. Bao giờ
cũng vậy, tôi chỉ được rời khỏi bàn học khi nào tôi đã thuộc tất cả bài vở của ngày hôm
sau.
Ba tôi là người trực tiếp kiểm tra điều đó. Khác với mẹ tôi, ba tôi là người kiên quyết
đến mức tôi có cảm tưởng ông sẽ thăng tiến vùn vụt nếu vô ngành cảnh sát, tòa án hay
thuế vụ. Ông không bao giờ lùi bước trước những giọt nước mắt của tôi, dù lúc đó trông
tôi rất giống một kẻ sầu đời đến mức chỉ cách cái chết có một bước chân.
– Con học bài xong rồi ba. – Thường thì tôi mở miệng trước.
Ba tôi tiến lại và nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ:
– Chắc không con?
– Dạ, chắc!
Tôi mau mắn đáp và khi ba tôi bắt đầu dò bài thì tôi lập tức phủ nhận sạch trơn sự quả
quyết của mình bằng cách ngắc ngứ ngay ở chỗ mà tôi nghĩ dù có va đầu phải gốc cây
tôi cũng không thể nào quên được.
– Học lại lần nữa đi con!
Ba tôi nhún vai nói và quay đi với tờ báo vẫn cầm chặt trên tay, rõ ràng ông muốn gửi
đến tôi thông điệp rằng ông sẵn sàng chờ đợi tôi cho dù ông buộc phải đọc tới mẩu rao
vặt cuối cùng khi không còn gì để mà đọc nữa.
Qua cái cách ông vung vẩy tờ báo trên tay, tôi e rằng ẩn ý của ông còn đi xa hơn: có vẻ
như nếu cần, ông sẽ bắt đầu đọc lại tờ báo đến lần thứ hai và hơn thế nữa. Nghĩ vậy, tôi

đành vùi đầu vào những con chữ mà lúc này đối với tôi đã như những kẻ tử thù, tâm
trạng đó càng khiến tôi khó mà ghi nhớ chúng vô đầu óc.
Cho nên các bạn cũng có thể đoán ra khi tôi đã thuộc tàm tạm, nghĩa là không trôi chảy
lắm thì cơ thể tôi đã bị giấc ngủ đánh gục một cách không thương tiếc và thường thì tôi
lết vào giường bằng những bước chân xiêu vẹo, nửa tỉnh nửa mê trước ánh mắt xót xa
của mẹ tôi.
Như vậy, tóm lại là đã hết một ngày.
Bố mẹ tuyệt vời

Bây giờ thì các bạn đã hình dung ra một ngày của tôi.
Tôi chỉ cần kể một ngày là đã đủ, không cần phải kể thêm những ngày khác.

9|Trang

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Đơn giản là ngày nào cũng giống như ngày nào. Một ngày như mọi ngày, như người ta
vẫn nói.
Và vì thế cuộc sống đối với tôi thật là đơn điệu, nếu sự lặp đi lặp lại là biểu hiện chính
xác nhất và rõ rệt nhất của sự đơn điệu.
Mãi về sau này, tôi mới khám phá ra còn có cách nhìn khác về sự lặp đi lặp lại. Người ta
gọi nó là sự ổn định.
Một công việc có thể sắp đặt trước, một sự nghiệp có thể tính toán trước, là niềm ao ước
của rất nhiều người, nhiều quốc gia.
Tất nhiên sẽ thật là hay nếu tiên liệu được chỉ số tăng trưởng kinh tế của một đất nước
nhưng nếu bạn cũng tiên liệu chính xác như thế về chỉ số tăng trưởng tình cảm của bản
thân thì điều đó có khi lại chán ngắt. Sẽ thật kỳ cục nếu như bạn tin chắc rằng một tháng

nữa bạn sẽ bắt đầu yêu, ba tháng sau bạn sẽ đang yêu – ít thôi, sáu tháng sau bạn sẽ yêu
nhiều hơn…
Tôi từng thấy có nhiều người trẻ tuổi lên kế hoạch cho cuộc đời mình: 22 tuổi tốt nghiệp
đại học, 25 tuổi lập gia đình, 27 tuổi mở công ty, 30 tuổi sinh con đầu lòng, vân vân và
vân vân… Thật sít sao! Nhưng một khi cuộc đời một con người được lập trình chặt chẽ
và khoa học đến thế thì nếu tất cả đều vào khuôn như dự tính liệu bạn có bão hòa về cảm
xúc hay không?
Khi nói về cảm xúc có lẽ không thể không gắn nó với tính cách của từng người. Người
lạc quan bảo rằng ổn định cái điều mà người bi quan cho là đơn điệu. Cuộc sống vợ
chồng cũng thế thôi, kẻ thì bảo êm đềm, người thì cho vô vị, biết làm thế nào! Quả thật,
hai vợ chồng mà sống với nhau êm đềm quá không khéo lại giống sự êm đềm giữa hai
người hàng xóm lành tính, và người quá khích lại có dịp bô bô lên rằng êm đềm không
hề bà con gì với hạnh phúc, biết nói làm sao!
Nhưng ôi thôi, tôi lại nói chuyện lúc tôi đã là người lớn mất rồi. Lại nói chuyện vợ
chồng cấm kỵ vô đây nữa!
Tôi sẽ quay lại chủ đề của cuốn sách này, quay lại ngay đây, tức là nói cái chuyện tôi hồi
tám tuổi.
Chuyện tôi sắp kể ra đây, khổ thay, cũng lại liên quan đến chuyện vợ chồng. Nhưng bên
cạnh cái khổ cũng có cái may, đây chỉ là trò chơi vợ chồng thôi – cái trò mà đứa trẻ nào
bằng tuổi tôi cũng rất thích chơi mặc dù khi lớn lên thì chúng rất dè chừng.
Tôi và con Tí sún cạnh nhà tôi là một cặp.
Tôi là chồng, con Tí sún là vợ.

10 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Con Tí sún không đẹp đẽ gì, người đen nhẻm, tóc xoăn tít vì suốt ngày chạy nhảy ngoài
nắng, đã thế lại sún răng.
Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận nó làm vợ tôi, chỉ vì nó thích tôi, tôi bảo gì nó cũng nghe
răm rắp. Thật lòng, tôi thích con Tủn hơn, vì con Tủn xinh gái nhất xóm, lại có lúm
đồng tiền. Nhưng tôi không cưới con Tủn bởi tôi thấy nó cứ hay cặp kè với thằng Hải
cò. Sau này tôi biết đó là cảm giác ghen tuông, tất nhiên là ghen tuông theo kiểu trẻ con,
còn lúc đó tôi chỉ cảm thấy khó chịu thôi.
Và tôi đùng đùng cưới con Tí sún, theo kiểu người lớn hay nói: cưới người yêu mình
chứ không cưới người mình yêu, nhất là khi người mình yêu lại không có vẻ gì yêu
mình!
Tôi cưới con Tí sún chừng năm phút thì lập tức đẻ liền một lúc hai đứa con: thằng Hải
cò và con Tủn. Ghét hai đứa nó thì bắt chúng làm con vậy thôi, chứ thằng Hải cò lớn
hơn tôi một tuổi.
oOo
– Hải cò đâu? – Tôi kêu lớn.
– Dạ, ba gọi con. – Hải cò lon ton chạy tới.
Tôi ra oai:
– Rót cho ba miếng nước!
Thấy con Tủn che miệng cười khúc khích, Hải cò đâm bướng:
– Con đang học bài.
– Giờ này mà học bài hả? – Tôi quát ầm – Đồ lêu lổng!
Hải cò đưa tay ngoáy lỗ tai để nghe cho rõ:
– Học bài là lêu lổng?
– Chứ gì nữa! Không học bài làm bài gì hết! Con ngoan là phải chạy nhảy, trèo cây, tắm
sông, đánh lộn!
Hải cò không ngờ vớ được một ông bố điên điên như thế, cười toét miệng:
– Vậy con đi đánh lộn đây!
Nói xong, nó co giò chạy mất.

11 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Nhưng tôi không giận nó. Tôi đang khoái chí. Tôi tình cờ phát hiện ra cách làm cho cuộc
sống bớt tẻ nhạt.
– Tủn! – Tôi hét.
– Dạ. Rót nước hả ba?
Tôi cười khảy:
– Mày đừng làm ra vẻ ta đây thông minh. Tao hết khát rồi.
Tôi nói như trút giận:
– Tao là tao chúa ghét mấy đứa con nít thông minh, tức là mấy đứa học bài nhoáng một
cái đã thuộc vanh vách! Hừm, làm như hay lắm!
Con Tủn không biết tôi muốn gì. Thấy tôi quát sùi bọt mép, nó sợ run:
– Dạ, con không thông minh. Con là đứa ngu đần.
Tôi hả hê:
– Vậy con mới đúng là con ngoan của ba.
Tôi móc túi lấy ra một cây kẹo bé tẹo còn sót lại từ hôm qua:
– Đây, ba thưởng cho con.
Con Tủn ngơ ngác cầm lấy cây kẹo, không hiểu tại sao ngu mà được thưởng nên không
dám ăn.
Tôi đang tính bảo con Tủn “Ăn đi con” thì thằng Hải cò từ bên ngoài xồng xộc chạy vô,
miệng thở hổn hển, làm như vừa đánh nhau thật.
– Con đi đánh lộn về đó hả con? – Tôi âu yếm hỏi.
– Dạ. – Hải cò phấn khởi – Con uýnh một lúc mười đứa luôn đó ba!
– Con thiệt là ngoan. – Tôi khen, và đưa mắt nhìn Hải cò từ đầu tới chân – Thế quần áo
của con…
– Vẫn không sao ba à. – Hải cò hớn hở khoe – Con đập nhau với tụi nó mà quần áo vẫn

lành lặn, thẳng thớm…
– Đồ khốn! – Tôi quát lớn, không cho Hải cò nói hết câu – Đánh nhau mà không rách áo,
trầy chân, bầm mặt mà cũng gọi là đánh nhau hả?
12 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Sự giận dữ bất ngờ của tôi làm Hải cò nghệt mặt một lúc. Nó chẳng biết phản ứng thế
nào ngoài việc ấp a ấp úng:
– Dạ… dạ… ủa… ủa…
– Dạ dạ ủa ủa cái gì! Con thiệt là đứa hư hỏng! Con làm ba xấu hổ đến chết mất thôi!
Con Tí sún, vợ tôi, bắt đầu cảm thấy hoang mang trước lối dạy con của tôi:
– Ông à, con nó biết giữ gìn như thế là tốt rồi.
– Bà thì biết cái gì! – Tôi nạt con Tí sún, nước miếng bay vèo vèo may mà không trúng
mặt nó – Đánh nhau chứ có phải đi dự tiệc đâu! Đánh nhau mà quần áo sạch sẽ thế kia
thì có nhục cho tổ tiên không kia chứ!
Tôi đấm ngực binh binh:
– Ôi, chẳng thà nó chém tôi một dao cho rồi! Con ơi là con! Mày ra đây mà giết ba mày
đi con!
Thấy tôi tru tréo ghê quá, con Tí sún nín khe.
Trong khi thằng Hải cò cười hí hí thì con Tủn mặt đực ra như bị thằn lằn ị trúng mặt. Nó
không biết làm gì với cây kẹo trên tay, rằng nên nhét vào túi áo hay bỏ vào miệng.
Trông mặt nó hết sức lo lắng, có lẽ vì nó hoàn toàn không biết được hành động nào mới
không bị ông bố gàn dở kia liệt vào loại “hư hỏng” hay tệ hơn, là “làm nhục tổ tiên”.
oOo
Tụi bạn tôi chỉ ngạc nhiên hôm đầu tiên.
Rồi như bất cứ một đứa trẻ chân chính nào, tụi nó nhanh chóng cảm nhận được sự thú vị

của trò chơi tuyệt vời đó.
Hôm sau đến lượt thằng Hải cò và con Tủn đóng vai ba mẹ. Tôi và con Tí sún làm con.
Tối hôm trước Hải cò chắc thao thức suốt đêm, chờ trời sáng. Sáng ra tôi thấy mắt nó đỏ
kè. Nếu hôm đó không phải là ngày chủ nhật, có lẽ Hải cò sẽ bị sự nôn nóng đốt thành
than trước khi cả bọn đi học về.
– Thằng cu Mùi đâu? – Hải cò oang oang, giọng rất chi là hào hứng.
Cu Mùi là tên ở nhà của tôi. Ba mẹ tôi gọi tôi như thế có lẽ do tôi sinh năm Mùi.
– Dạ. – Tôi ứng tiếng thưa.

13 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

– Con đem tập vở ra đây cho ba xem nào.
Tôi lôi cuốn tập nhét trong lưng quần, hồi hộp đưa cho Hải cò, bụng cố đoán xem nó
định “dạy dỗ” tôi như thế nào.
Lật lật vài trang, Hải cò hét ầm:
– Cu Mùi!
Tôi lấm lét nhìn nó:
– Dạ.
Hải cò đập tay xuống bàn một cái rầm:
– Con học hành cách sao mà tập vở trắng tinh như thế hả?
Tôi chưa kịp đáp, nó thẳng tay ném cuốn tập qua cửa sổ, gầm gừ:
– Học với chẳng hành! Mày giữ gìn tập vở sạch sẽ như thế này mày không sợ thầy cô
bảo ba mẹ mày không biết dạy con hả, thằng kia?
Tôi bị mắng như tát nước vào mặt mà ruột nở từng khúc. Tôi không ngờ Hải cò là một
ông bố tuyệt vời đến thế.

Tôi hân hoan nhận lỗi:
– Thưa ba, lần này con trót dại. Lần sau con không dám giữ gìn tập vở kỹ lưỡng như vậy
nữa.
Tôi nói, và đảo mắt nhìn quanh, thấy đằng góc nhà con Tủn và con Tí sún đưa tay bụm
miệng cố nén cười.
– Cái con nhóc sún răng kia! Cười cái gì! – Hải cò lừ mắt nhìn con Tí sún – Mày nấu cơm
xong chưa mà đứng đó nhe răng sún ra cười hả?
Con Tí sún lễ phép:
– Dạ, con đã dọn cơm rồi. Mời ba mẹ và anh Hai ăn cơm.
– Mày có điên không vậy con! – Hải cò giơ hai tay lên trời – Đến giờ cơm là ngồi vô ăn,
chỉ có kẻ không được giáo dục đến nơi đến chốn mới làm như vậy, hiểu chưa?
– Dạ, chưa hiểu. – Con Tí sún thật thà – Chứ kẻ có giáo dục thì đến giờ cơm họ làm gì hả
ba?

14 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

– Họ đi chơi chứ làm gì. – Hải cò khoa tay như một diễn giả – Họ đi bơi, họ chơi bi-da,
họ câu cá, họ chơi rượt bắt hoặc đánh nhau, nói chung họ có thể làm bất cứ chuyện gì để
người khác phải đợi cơm, trừ cái chuyện hết sức vô văn hóa là ngồi vô bàn ăn.
Con Tủn tỉnh bơ đế vô:
– Ba con nói đúng đó con. Chỉ có bọn hư hỏng mới ăn cơm đúng giờ thôi!
oOo
Lúc đầu, tôi tưởng chỉ có mình tôi khoái cái trò điên điên này. Hóa ra đứa nào cũng
khoái. Trong bọn, con Tí sún là đứa hiền lành và chậm chạp nhất nhưng qua đến ngày
thứ ba, nó cũng kịp thích ứng với hoàn cảnh bằng cách chỉnh thằng Hải cò ra trò khi tới

lượt nó làm mẹ.
– 2 lần 4 là mấy?
– Dạ, là 8.
Con Tí sún không quát tháo om sòm như tôi và Hải cò, nhưng mặt nó trông thật thiểu
não:
– Sao lại là 8 hả con? Thật uổng công mẹ cho con ăn học!
Hải cò chớp mắt:
– Chứ là mấy?
– Là mấy cũng được nhưng không phải là 8.
– Mẹ ơi, theo bản cửu chương thì 2 lần 4 là 8.
– Mày là con vẹt hả con? Bản cửu chương bảo gì mày nghe nấy là sao? Thế mày không
có cái đầu à?
Hải cò sờ tay lên đầu, hối hận:
– Con đúng là một đứa không có đầu óc. Lần sau con sẽ không nghe theo bất cứ ai nữa,
dù đó là bản cửu chương hay thầy cô giáo. Con hứa với mẹ con sẽ tự suy nghĩ bằng cái
đầu của con.
Câu nói của Hải cò được coi như tuyên bố chung của cả bọn, kết thúc một thời kỳ tăm
tối chỉ biết sống dựa vào sự bảo ban của người khác. Ôi, cuộc sống kể từ lúc đó mới thật
đáng sống làm sao!

15 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Nhưng như người ta thường nói “niềm vui ngắn chẳng tày gang”: vào cái ngày Hải cò
mang bộ mặt ủ ê đến gặp tôi, chúng tôi chợt nhận ra cuộc sống vẫn xám xịt như thể xưa
nay một năm vẫn có tới bốn mùa đông.

– Mày sao thế? Mới bị ăn đòn à? – Tôi tò mò hỏi.
– Ừ. Vì cái tội dám bảo chỉ có đứa đần độn mới giữ gìn tập vở sạch sẽ.
Con Tí sún xuất hiện với bộ mặt thảm sầu:
– Còn mình bị ba mình phạt vì khăng khăng 3 lần 5 không phải là 15.
Con Tủn góp vào hai hàng nước mắt và tiếng thút thít:
– Còn mình thì mặc cho ba mẹ kêu khản cả cổ, mình nhất định không chạy về ăn trưa.
Tôi lướt mắt nhìn ba đứa bạn, lặng lẽ thở dài.
Tôi tập tành làm nhà cách mạng bé con, chán nản khi không thay đổi được thế giới, đã
thế còn làm vạ lây cho người khác.
Cho nên tôi không ủ ê, không thảm sầu, không thút thít và rưng rưng hai hàng nước mắt.
Nỗi đau của tôi lặn vào bên trong. Nó sâu sắc hơn, ít nhất là bằng nỗi đau của ba đứa
bạn cộng lại.
Vì ngày hôm qua tôi bị ăn đòn vì phạm cùng lúc cả ba cái tội trên kia.
Đặt tên cho thế giới
Rốt cuộc, sau những thương tích tâm hồn lẫn thể xác, chúng tôi buộc phải chấp nhận
không nên nghĩ khác bản cửu chương in ở đằng sau mỗi cuốn tập. Nếu muốn thay đổi
chúng tôi đành phải chờ đến lúc thành tài, tức là lúc đã trở thành những nhà toán học nổi
tiếng thế giới, lúc đó chúng tôi sẽ soạn một bản cửu chương theo ý mình.
Trong khi chờ đợi (ôi, lâu quá!), tôi, Hải cò, con Tủn và con Tí sún buộc phải đồng ý
trong đớn đau rằng 2 lần 4 là 8, cũng như 3 lần 5 là 15.
Với thái độ đầu hàng nhục nhã đó, chúng tôi nhanh chóng trở lại là những đứa con
ngoan trong mắt ba mẹ, nghĩa là coi chuyện giữ gìn tập vở là thiêng liêng như giữ gìn
con ngươi của mắt mình, cũng như buộc phải thừa nhận rằng một đứa trẻ siêng học dứt
khoát không phải là một đứa trẻ hư hỏng.
Cuộc sống lại quay lại đường ray cũ kỹ của nó và đời tôi lại có nguy cơ mòn mỏi theo
nhịp sống đơn điệu kể từ khi tôi được sinh ra.

16 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Làm thế nào bây giờ nhỉ? Tôi nghĩ, nghĩ mãi, và nhờ thượng đế phù hộ cuối cùng tôi
cũng nghĩ ra lối thoát.
– Này, tụi mày! – Nhà cách mạng tập hợp đám tàn binh của mình lại – Kể từ hôm nay, tụi
mình không gọi con gà là con gà, con chim là con chim, cuốn tập là cuốn tập, cây viết là
cây viết nữa…
Con Tí sún ngẩn ngơ:
– Thế gọi bằng gì?
– Gọi bằng gì cũng được, miễn là không gọi như cũ!
Hải cò nheo mắt:
– Thế gọi cái nón là cuốn tập, cái đầu là cái chân được không?
– Được. – Tôi hừ mũi – Mày muốn gọi cái đầu là cái mông cũng được.
Con Tủn thắc mắc:
– Nhưng tại sao lại làm thế?
Năm đó, tức vào năm tám tuổi, tôi chưa biết rằng trong công thức 5W mà người phương
Tây dùng như một công cụ để khám phá sự thật, gồm “What – Who – Where – When Why” mà người Việt chúng ta vẫn dịch là “Cái gì – Ai – Ở đâu – Khi nào – Tại sao” thì
câu hỏi “Tại sao” bao giờ cũng là câu hỏi sâu sắc nhất, có tính bản chất nhất, và dĩ nhiên
là khó trả lời nhất. So với bốn câu hỏi còn lại, câu hỏi bắt đầu bằng hai chữ “Tại sao”
quan trọng hơn hẳn.
Hồi bé, hẳn là bạn cũng có hằng hà những câu hỏi “tại sao” khiến ba mẹ bạn vô cùng bối
rối.
Tại sao khi mưa trời lại có sấm sét?
Tại sao tóc chỉ mọc ở trên đầu?
Tại sao chúng ta lại ăn Tết?
Tại sao đường lại ngọt còn muối thì mặn?
Tại sao máu có màu đỏ?
Tại sao con cò khi ngủ lại co một chân?

Tại sao đàn ông có vú?
17 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Tại sao trái đất quay quanh mặt trời?
Chúng ta, nói một cách chính xác là bọn nhóc tì chúng ta, đã đi từ thắc mắc đơn giản
nhất đến thắc mắc phức tạp nhất, trong đó có những câu hỏi mà nếu không phải là một
nhà khoa học giỏi giang thì không thể giải thích thấu đáo được. Ba mẹ chúng ta hồi đó
(chúng ta bây giờ đôi khi cũng vậy) thường tìm cách lảng sang chuyện khác hoặc không
nhịn được mà nổi khùng lên với đám con cái chẳng qua vì họ tự giận mình không phải là
nhà khoa học giỏi giang đó thôi.
Nhưng đến những câu hỏi kiểu như “Tại sao chúng ta được sinh ra?“, “Tại sao chúng ta
phải sống?”, “Tại sao chúng ta phải chết?”, thì các nhà khoa học cũng bó tay. Những
thắc mắc lúc này đã trở nên siêu hình và bắt đầu đặt chân vào lãnh vực của triết học.
Thái tử Tất Đạt Đa từng đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn cơ bản này – nhằm giải mã ý
nghĩa của sự tồn tại, để cuối cùng trở thành một nhà khai sáng thuộc loại vĩ đại bậc nhất
thế giới dưới cái tên Thích Ca Mâu Ni.
Ôi, tôi lại huyên thuyên nữa rồi. Nhưng tất cả cũng là do con Tí sún. Nó hỏi tôi “tại sao”
– một câu hỏi mang mầm mống triết học. Để nỗ lực trả lời một câu hỏi mang mầm mống
triết học, bất cứ ai cũng có thể trở thành triết gia, cho dù người đó không cố ý và chỉ mới
có tám tuổi.
Tôi thao thao, mặt đỏ gay:
– Tại sao lại làm thế à? Tại vì tụi mình cần phải chứng tỏ tụi mình có giá trị riêng. Tụi
mình không thích tuân thủ theo sự sắp đặt của người khác. Tại sao phải gọi con chó là
con chó? Hừ, con chó là con chó, điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết. Nếu người đầu tiên
gọi con chó là cái bàn ủi thì bây giờ chúng ta cũng gọi nó là cái bàn ủi. Chỉ toàn là a dua

thôi! Thật là ngu ngốc!
– Hay quá, cu Mùi! – Hải cò reo lên – Trong bọn, cái bàn ủi nhà con Tủn là hung dữ nhất.
Nếu con Tủn không xích cái bàn ủi của nhà nó lại, thì dù tao có là chồng nó tao thề sẽ
không bao giờ bước chân qua nhà nó!
– Hải cò! – Con Tủn gầm gừ – Tôi nghĩ bạn nên khép cái cánh tay của bạn lại đi.
Hải cò dang tay ra và nhíu mày:
– Cánh tay này á?
Tôi cười:
– Tao nghĩ con Tủn đang muốn nói đến cái miệng của mày thì đúng hơn.
– À, – Hải cò gục gặc đầu – Có nghĩa là từ nay chúng ta sẽ gọi cái miệng là cánh tay. Hay
đấy!

18 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

oOo
Những ngày đó, tốt nhất là bạn không nên bước vào thế giới của bọn tôi. Nếu không,
bạn sẽ có cảm giác bạn đang lạc vào một hành tinh khác.
Tôi nói thật đó. Vì chắc chắn bạn sẽ không thể hiểu những lời đối đáp như thế này:
– Tối rồi, tao về nhà đi chợ đây.
– Mẹ tao hứa sẽ mua cho tao một cái giếng mới vào ngày sinh nhật.
Dù giàu tưởng tượng đến mấy, bạn cũng không tài nào hình dung được chúng tôi có thể
nói đi chợ thay cho đi ngủ, cũng như chiếc cặp bỗng nhiên biến thành cái giếng một
cách hồn nhiên.
Những bậc phụ huynh đáng kính tất nhiên không thích thú gì với cái trò ăn nói lung tung
này, nhất là bọn tôi có vẻ như dần dần nhiễm những từ ngữ mới đến mức khi ba con Tủn

bảo nó tắt quạt máy thì nó lại tắt tivi, cũng như con Tí sún hàng chục lần chạy ra đường
chỉ để kiếm con Vện trong khi mẹ nó mỏi mòn chờ nó mang cái bàn ủi vô.
Lúc đó, tôi cứ nghĩ đó là trò chơi trẻ con và chỉ trẻ con mới nghĩ ra những trò kỳ thú như
vậy. Chúng tôi muốn thay đổi một cách gọi, thậm chí nếu được thì đặt tên lại cho cả thế
giới, chỉ với một mục đích hết sức tốt đẹp là làm cho thế giới mới mẻ, tinh khôi như
được sinh ra lần nữa. Chúng tôi đâu có cách nào khác khi chúng tôi còn quá trẻ trong khi
thế giới thì lại quá già. Vì vậy mà bọn nhóc chúng tôi rất cần một thế giới non trẻ và
giàu có của riêng mình.
Nhưng khi tôi đã trở thành người lớn thì tôi phát hiện ra người lớn cũng rất thích chơi
trò này, tất nhiên với một mục đích hoàn toàn khác. Người ta gọi hối lộ là tặng quà trên
mức tình cảm, gọi những hành vi sai trái là thiếu tinh thần trách nhiệm, gọi tham ô là
thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng, vân vân và vân vân. Mục đích của sự đánh tráo
khái niệm này là đẩy vô chỗ mù mờ những gì đang vô cùng sáng rõ, với cách thức điển
hình là dùng một cụm từ phức tạp và có thể hiểu sao cũng được để gọi một sự việc mà
người ta hoàn toàn có thể gọi đích danh bằng một từ ngắn gọn, đơn giản và minh bạch
đến mức dù muốn cũng không ai có thể hiểu khác đi. Cứ theo cung cách đáng ngại này
một ngày nào đó rất có thể người ta sẽ phát giải Nobel vật lý cho người nào có khả năng
gây ra một lực tác động có chủ ý khiến vật chất chuyển động từ vị trí này sang vị trí
khác mà khách thể không hề hay biết trong khi cái cụm từ mỹ miều, sang trọng đó thực
ra là để chỉ tên móc túi.
Bọn trẻ chúng tôi ngây thơ và trong sáng hơn nhiều.
Nhưng cũng vì vậy mà chúng tôi phải trả giá.
Đây là tai nạn của Hải cò.

19 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Cô giáo kêu nó đọc một đoạn văn trong sách tập đọc.
– Em lấy sách ra! – Cô giáo bảo và nó thản nhiên cầm lên cuốn sách toán.
– Đâu phải cuốn này! – Cô giáo sửng sốt – Em không đem theo sách tập đọc à? Thế cuốn
tập của em đâu. Em có chép bài không đấy?
Hải cò lúng túng lôi cái nón vải nhét trong túi quần ra, đặt lên bàn.
– Em đùa đấy à! – Cô giáo đứng phắt dậy, mặt đỏ gay – Em theo cô lên văn phòng gặp
thầy hiệu trưởng ngay!
– Thưa cô, thầy hiệu trưởng hôm nay không đi học. Hôm qua thầy hiệu trưởng đánh
nhau với em, sáng nay còn nằm rên hừ hừ ở nhà ạ.
Thầy hiệu trưởng trong tâm trí Hải cò tất nhiên là tôi – thằng cu Mùi. Chiều hôm qua tôi
nện nhau với nó thật (chỉ vì giành nhau xem đứa nào được làm cha đứa nào trước) và
đến tối thì tôi lên cơn sốt, vì nguyên nhân gì chỉ có trời mới biết nhưng Hải cò huênh
hoang là nó đánh tôi nằm bẹp.
Trong thế giới vừa được đặt tên lại của bọn tôi, Hải cò là cảnh sát trưởng, con Tủn là
tiếp viên hàng không, con Tí sún là nàng Bạch Tuyết, còn tôi là thầy hiệu trưởng. Những
cái tên này do chúng tôi tự chọn, theo nguyện vọng thầm kín của mỗi đứa.
Những ngày tươi đẹp trước khi Hải cò bị nạn, thế giới của bọn tôi đầy ắp những âm
thanh hoan hỉ như thế này:
– Thầy hiệu trưởng, hôm nay tôi làm mẹ, thầy hiệu trưởng làm con nhé?
– Mày nhai chóp chép cái gì trong cánh tay vậy, cảnh sát trưởng? Ăn vụng hả?
– Bạch Tuyết, đứng xê ra xa chút đi! Tối hôm qua trong lúc đi chợ con có đái dầm không
mà ba nghe khai rình thế?
– Tiếp viên hàng không, bạn mới mua cuốn tập mới hả? Đưa đây đội thử chút coi!
Các bạn cũng biết rồi đó, bọn tôi đặt cho cái nón cái tên mới là cuốn tập, tivi là quạt
máy, đi ngủ là đi chợ. Và cũng thật là tuyệt khi bọn tôi gọi môn toán là môn tập đọc, lịch
sử là tập viết, môn đạo đức là tập vẽ, và hằng hà những cuộc cách tân táo bạo khác.
Nhưng tất cả đều không nguy hiểm bằng gọi cu Mùi bằng thầy hiệu trưởng.
Rất may là thầy hiệu trưởng thật sau hàng giờ thẩm vấn cảnh sát trưởng đã hiểu ra thầy
hiệu trưởng bị Hải cò đánh cho nằm bẹp không phải là thầy, và tuy thầy không coi đó là

sự xúc phạm nhưng sau giờ phút đen tối đó của lịch sử, con chó đã trở lại là con chó,
20 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

thằng cu Mùi trở lại là thằng cu Mùi, có nghĩa là chúng tôi không được phép định nghĩa
lại thế giới một lần nữa theo cách mà người lớn còn lâu mới nghĩ ra.
Họ cấm chúng tôi có thể vì họ ghen tị chăng?
buồn ơi là sầu
Chú Nhiên yêu cô Linh.
Họ là một cặp.
Tôi hỏi chú Nhiên “Tại sao chú yêu cô Linh?” thì chú không trả lời được, và sự bối rối
của chú làm tôi rất ngạc nhiên.
Sau này, khi đã biết đến mối tình đầu thứ tám thì tôi mới hiểu rằng cắt nghĩa tại sao ta
không yêu một người nào đó dễ dàng hơn rất nhiều so với việc giải thích tại sao ta yêu
họ.
Người ta nói đàn ông sẵn sàng cưới một cô gái chỉ vì một chiếc cằm xinh nhưng phụ nữ
không bao giờ lấy đàn ông chỉ vì một cặp đùi đẹp. Điều đó không đúng. Cả đàn ông lẫn
phụ nữ không ai lấy người kia chỉ vì một bộ phận nếu anh ta (hay cô ta) thực sự tin rằng
lấy một người có nghĩa là cuộc đời mình bị cột chặt vào người đó bằng sợi xích vững
chắc của số phận.
Chiếc cằm xinh hay đôi mắt đẹp khiến người đối diện chú ý nhưng nó chỉ đóng vai trò
soi đường như ánh đèn pin trong tay người dẫn chỗ trong rạp hát. Khi tấm màn nhung đã
kéo lên, đèn folo rọi xuống và những nhân vật đã xuất hiện trên sân khấu, lúc đó cuộc
phiêu lưu tâm hồn mới thực sự bắt đầu và tùy theo vở diễn hấp dẫn hay nhạt nhẽo mà
chúng ta sẽ quyết định ngồi lại đến phút chót hay bỏ về nửa chừng.
Tình yêu cũng vậy, ấn tượng bề ngoài rất đáng kể nhưng đáng kể hơn nữa là vẻ bề ngoài

đó có đang cất giấu điều gì đáng kể ở đằng sau nó hay không.
Ôi, tôi đang vung vít gì thế này?
Tôi đang nói chuyện chú Nhiên.
Chú Nhiên yêu cô Linh.
Họ là một cặp.
Một cặp hoàn toàn khác với tôi và con Tí sún hay thằng Hải cò và con Tủn.
Cái khác dễ thấy nhất là họ sắp cưới nhau.
Họ sắp là vợ chồng. Vợ chồng thật.
21 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Bọn tôi thì còn khuya.
Tôi không biết cảnh sát trưởng khi lớn lên có cưới tiếp viên hàng không làm vợ hay
không, nhưng thầy hiệu trưởng chắc chắn không dại gì rinh nàng Bạch Tuyết về nhà.
Sở dĩ con Tí sún nằm ngoài kế hoạch hôn nhân của tôi (nếu tôi thực sự có kế hoạch lấy
vợ vào lúc tám tuổi) chỉ bởi một lý do đơn giản: con Tí sún là đứa con gái nấu ăn kém
nhất trong những đứa con gái mà tôi từng biết và sẽ biết.
Như đã nói, tôi ăn uống chẳng cầu kỳ gì. Tôi chẳng buồn quan tâm đến thành phần dinh
dưỡng của món ăn. Rất lâu về sau này, khi tuổi tác ngày càng chất chồng và cơ thể tôi
bắt đầu chống lại tôi, tôi mới bắt đầu để ý có bao nhiêu phần trăm proteine, cholesterol,
glucide, lipide trong cái thứ mà mình sắp tống vào dạ dày chứ hồi tôi tám tuổi chất béo
đối với tôi cũng có giá trị ngang chất xơ, còn đạm và đường hiển nhiên là một.
Hồi đó, tôi chỉ thích có ba món: mì gói, mì gói và dĩ nhiên mì gói. Là cái thứ mà nếu bắt
gặp tôi ôm trong người thế nào mẹ tôi cũng giằng khỏi tay tôi, kể cả bằng biện pháp bạo
lực hoàn toàn trái với bản tính hiền lành của bà.
Tóm lại, muốn ăn mì gói tôi phải trốn qua nhà con Tí sún, nhờ nó nấu giùm. Gọi nấu mì

là gọi cho oai, chứ thực ra chỉ là nấu một ấm nước sôi. Con Tí sún chỉ bỏ mì vô tô, sau
đó bỏ thêm các bịch gia vị có sẵn rồi chế nước sôi vào.
Có lẽ trên đời không có món ăn nào dễ nấu như mì gói. Dễ đến mức so với nó, tráng một
quả trứng bỗng hóa thành phức tạp ngang với việc phóng phi thuyền lên mặt trăng. Vậy
mà con Tí sún chưa bao giờ nấu được một tô mì ra hồn trong suốt cuộc đời mình, nếu
như cuộc đời nó chỉ tính đến tuổi lên tám.
Tô mì hôm thì khô không khốc, hôm thì nước nhiều đến mức tôi có cảm giác nếu con Tí
sún không muốn dìm chết một kẻ thù vô hình nào đó vừa sẩy chân rớt vào trong tô thì
hẳn là nó muốn trả thù tôi về những lời quát tháo lúc tôi làm chồng nó cách đó mấy
ngày.
Cũng có lúc con Tí sún gặp hên chế nước sôi vừa phải, nhưng những lúc hiếm hoi như
vậy bao giờ nó cũng quên bỏ gia vị vô tô mì.
Vì tất cả những lẽ đó, tôi chỉ cho phép con Tí sún nấu mì giùm tôi tổng cộng ba lần. Tới
lần thứ tư thì tôi gắt (dù lúc này chúng tôi không chơi trò vợ chồng nhưng con Tí sún
vẫn ngoan ngoãn nghe lời tôi):
– Mày xê ra! Đưa ấm nước sôi đây, tự tao làm!
oOo
Khi tôi được chín tuổi thì mẹ tôi sinh em bé.
22 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Khi tôi mười bảy tuổi thì em gái tôi lên tám, bằng tuổi con Tí sún lúc tôi gắt nó “xê ra”.
Tám tuổi, em gái tôi đã biết nấu cơm, kho cá, quét nhà, rửa chén và biết làm thuần thục
hàng đống thứ tội nợ khác.
Mẹ tôi bảo:
– Con gái là phải biết làm mọi thứ. Mai mốt con lớn lên, con đi lấy chồng, nhìn con khéo

léo hay vụng về, người ta sẽ biết mẹ dạy con như thế nào.
Mẹ tôi nói giống như người phương Tây sáng tác ngạn ngữ. Người Pháp nói “Bạn hãy
cho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào!”. Câu nói của mẹ tôi
cũng đại ý như thế “Bạn hãy cho tôi biết con gái bạn làm việc nhà như thế nào, tôi sẽ nói
bạn là ai!”.
Đó là cách suy nghĩ của mẹ tôi, cũng là cách suy nghĩ của mọi bà mẹ Việt Nam truyền
thống. Căn cứ theo cách đánh giá này thì rõ ràng mẹ con Tí sún không hề dạy nó bữa
nào.
Mà sự thật là như vậy. Mẹ con Tí sún không hề dạy con.
Mẹ nó mất ngay khi nó vừa chào đời. Người ta bảo mẹ nó bị băng huyết.
Con Tí sún là đứa mồ côi mẹ và nó chỉ có một con đường duy nhất là học cách nấu ăn
dở tệ từ ba nó.
Tất nhiên vào lúc tám tuổi, tôi chưa có em gái và mẹ tôi chưa có dịp thốt ra những lời
vàng ngọc như vậy. Nhưng ngay lúc đó, tôi đã cương quyết sẽ không lấy con Tí sún làm
vợ, cho dù hai đứa chắc chắn sẽ cùng lớn lên cạnh nhau từ tuổi ấu thơ đến lúc mỗi đứa
phải lập gia đình. Chơi trò vợ chồng và sinh ra thằng Hải cò và con Tủn để mắng cho
sướng miệng thì được. Còn trở thành vợ chồng thật thì không bao giờ.
Tiêu chuẩn người bạn đời của tôi lúc đó chẳng lấy gì làm cao. Chỉ có một tiêu chuẩn be
bé thôi: Phải biết nấu mì gói cho tôi ăn. Thế mà tiêu chuẩn bé như con kiến đó, con Tí
sún cũng chẳng đáp ứng được.
Khi đọc tới chỗ này, chắc bạn sẽ mỉm cười: Ối giời, chuyện trẻ con!
Nhưng không phải đâu. Khi lớn lên, tôi vẫn thấy chuyện nấu nướng khá là quan trọng
trong đời sống vợ chồng. Tất nhiên chuyện nội trợ chẳng đóng vai trò gì đáng kể trong
quá trình yêu nhau giữa một chàng trai và một cô gái. Từ trước đến nay, có hàng ngàn
cuốn tiểu thuyết Đông Tây kim cổ viết về đề tài tình yêu, nhưng chẳng có cuốn nào đề
cập đến một mối tình trong đó chàng yêu nàng vì tài làm bếp hoặc chàng bỏ rơi nàng vì
món súp nàng nấu quá mặn cả. Romeo bất chấp sự hiềm khích giữa hai dòng họ để đeo
đuổi Juliet chắc chắn không phải vì món chả cá của cô ta. Điều đó chẳng có gì sai, vì các
23 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

nhà văn viết chuyện ái tình chứ đâu có viết chuyện hôn nhân. Do đó tôi vẫn tin rằng mối
tình Romeo và Juliet sở dĩ trở nên tuyệt đẹp bởi cả hai đã chết trước khi họ kịp lấy nhau
và nàng Juliet chưa có dịp nấu mì gói cho Romeo.
Bạn ngẫm mà xem: Có phải trên thực tế, cho đến khi rước được người đẹp về nhà các
chàng trai gần như không có lấy mảy may cơ hội để đánh giá tài bếp núc của người bạn
đời tương lai?
Chỗ này cần nói rõ để tránh gây hiểu lầm: Đó là do các chàng trai không quan tâm chứ
không phải các cô gái cố tình giấu giếm. Đang tắm mình trong bầu không khí lãng mạn
của những ngày tháng yêu đương thì cái ăn rõ ràng chỉ là chuyện thứ yếu, thậm chí còn
bị xếp vào phạm trù phàm tục. Yêu dứt khoát phải thơ mộng hơn ăn, như trái tim nhất
định phải cao quí hơn dạ dày. Trương Chi thời xưa chắc từng nghĩ thế và Trương Chi
thời nay cũng không nghĩ khác.
Rồi bạn hãy ngẫm tiếp: Có phải khi yêu nhau chàng vẫn thích dẫn nàng đi ăn ở ngoài?
Nhiều tiền thì vào nhà hàng sang trọng hoặc khu ăn uống ở các plaza, ít tiền thì vào các
quán ăn bình dân, ít tiền hơn cả ít tiền thì ra ngoài lề đường ngồi lai rai nghêu sò ốc hến.
Còn hôm nào rỗng túi thì chàng quyết nằm bẹp ở nhà, với lý do hết sức cao cả “Hôm
nay anh bận việc cơ quan”. Chẳng chàng trai nào nghĩ đến chuyện rủ người đẹp về nhà
bắt nàng nấu cho mình ăn. Các chàng đều nghĩ, rất tự trọng: Ăn là cái quái gì mà quan
trọng thế! Người đàng hoàng yêu nhau bằng thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác,
chỉ có bọn phàm phu lỗ mãng mới yêu nhau bằng vị giác!
Các chàng nghĩ đúng quá, và chẳng chàng trai nào buồn khảo sát tài nấu nướng của kẻ
sắp phụ trách khâu ẩm thực cho suốt quãng đời còn lại của mình.
Mãi đến khi tấm lưới hôn nhân đã giăng ra, người đàn ông khốn khổ đó mới phát hiện
lãnh vực mà chàng chẳng mấy chú ý khi yêu nhau lại là lãnh vực mà chàng phải chạm
trán hàng ngày khi lấy nhau.

Khoa nấu nướng vốn xa lạ với đời sống tình yêu lại trở nên mật thiết với đời sống vợ
chồng. Tài nội trợ của nàng chưa bao giờ được đếm xỉa đến trong những tiêu chuẩn kết
bạn của chàng bỗng nhiên nổi lên như một yếu tố hàng đầu trong việc góp phần vào việc
củng cố hay làm tan nát gia đình.
Vào một ngày có lẽ là không xa lắm, chàng đau khổ nhận ra chàng phải đối diện với cái
bàn ăn trong nhà mỗi ngày tới những ba lần. Nàng có biết nấu mì gói hay không, cái
chuyện vặt đó bây giờ bỗng trở thành thiết thân, thường trực và đáng đem ra chì chiết
nhau hơn bao giờ hết.
Con Tí sún nấu mì gói cho tôi ba lần tôi đã không chịu nổi (nó nấu một món để người ta
ghê tởm mì gói thì đúng hơn), thế còn bạn, bạn có cam tâm chịu đựng hoàn cảnh tương
tự – không chỉ ba lần hay ba chục lần mà cho đến mãn đời?

24 | T r a n g

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Nguyễn Nhật Ánh

Nếu bạn thành thực trả lời rằng “không” thì ắt bạn sẽ đồng ý với tôi rằng hạnh phúc đôi
khi tan vỡ không hẳn do sự thiếu chung thủy hay do xung đột về tính cách, nó hoàn toàn
có thể bắt nguồn từ bàn ăn, thậm chí từ một chén nước mắm!
Đó là những gì tôi nghiền ngẫm và đúc kết vào lúc tôi bốn mươi tuổi hay hơn một chút,
tức là lúc tôi đã đủ trưởng thành để dành cho những nhu cầu tầm thường của thể xác một
mối quan tâm ngang với những nhu cầu cao quý của tâm hồn và sẵn sàng coi trọng cả
hai.
Một thời gian sau nữa, tức là vào lúc tôi viết cuốn sách này, tôi trưởng thành thêm một
bậc khi phát hiện ra những gì tôi nói huyên thuyên nãy giờ về mối quan hệ keo sơn giữa
nấu nướng và hạnh phúc, giữa phòng ăn và phòng ngủ thực ra chẳng có gì nghiêm trọng
hết.

Bởi một lý do hết sức đơn giản: nấu nướng là lãnh vực hoàn toàn có thể học hỏi và tự
hoàn thiện mỗi ngày – dĩ nhiên với điều kiện người vợ quyết tâm hoàn thiện để giữ
không cho chồng mình sa vào cái bếp của một người đàn bà khác.
Thú thực là tôi hết sức xúc động về phát hiện muộn màng đó, có lẽ không kém gì nỗi
xúc động của Newton lúc ông phát hiện khi quả táo rơi thì nó rơi trúng đầu mình chứ
không rơi trúng đầu của người ngồi cách đó một cây số hay rơi ngược trở lên ngọn cây.
Những khám phá vĩ đại trong cuộc sống xưa nay đều giản dị như vậy. Nhưng khám phá
của tôi vĩ đại nhất ở chỗ nó giúp cho các bà các cô lâu nay vẫn mặc cảm và lo lắng về tài
làm bếp của mình từ giờ trở đi đã có thể ăn ngon ngủ yên.
oOo
Tóm lại, nếu dùng ánh sáng thông thái của hiện tại để soi rọi lại quá khứ thì việc tôi
quyết định không lấy con Tí sún làm vợ có thể gọi là một quyết định sai lầm. Bởi vì cho
đến bây giờ, sau rất nhiều năm vợ chồng con Tí sún sống với nhau mà vẫn chưa tan vỡ,
thậm chí còn đẻ sòn sòn mỗi năm một đứa, tôi buộc phải kết luận rằng nó đã cải thiện
được khả năng làm bếp của mình và rất có thể nó đã trở thành người nấu mì gói ngon
nhất thế giới cũng nên.
Sai lầm của tôi còn ở chỗ này: nếu đã khắc phục được sự vụng về xảy ra trong khu vực
bếp núc, con Tí sún xứng đáng được coi là mẫu người vợ lý tưởng cho bất cứ chàng trai
khó tính nào.
Con Tí sún tất nhiên rất siêng năng, rất chịu khó, rất yêu chồng. Nhưng siêng năng, chịu
khó và yêu chồng thì trên đời này có hàng mớ. Phẩm chất cao quý nhất, cao quý tột bậc
của nó – cũng là phẩm chất khiến nó có giá trị hơn một người vợ là nó biết nói khi cần
nói, biết im khi cần im, một đức tính hiếm hoi nơi phụ nữ thông thường.

25 | T r a n g

con hư, sự đơn điệu và ổn định, sự êm đềm và vô vị, sự giống nhau và tính cá biệt, trithức và bằng cấp. Nó thử định nghĩa cả tình yêu, rằng “yêu cũng như học bơi vậy, ai lườisẽ bị chìm”! Và cuối cùng, đứa trẻ còn phán xét cả những người lớn nữa! Phiên tòa “trẻcon xử người lớn” ban đầu, một cách thông thường, có thể tạo cho người đọc cảm giáchơi khó chịu, người lớn sẽ nhăn mặt vì sự thẳng thắn quá đáng của bọn trẻ. Thế nhưng,phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng một đòi hỏi chính đáng của tuổi thơ – đó là sựcông bằng. Ở các em, “đòi hỏi sự công bằng” không đồng nghĩa với “vô lễ” – hai kháiniệm mà người lớn chúng ta thường nhầm lẫn, cũng như, với các em, “tình thương” và”sự tôn trọng” mà cha mẹ dành cho con cái hoàn toàn không là một!Cho dù cuốn sách có một nội dung khác thường như thế, Nguyễn Nhật Ánh vẫn cứ làNguyễn Nhật Ánh khi anh luôn giữ nét đặc trưng trong văn phong của mình – chất hàihước nhẹ nhõm, đáng yêu – khiến khi đọc từ đầu tới cuối, nụ cười thú vị không rời môita. Song, cũng lại khác với các tác phẩm trước, cuốn sách không dừng lại ở chương thứ12. Nó có phần “vĩ thanh” vô hình với rất nhiều điều khiến độc giả – người lớn day dứt.Là một người từng theo học ngành sư phạm, với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, hình nhưNguyễn Nhật Ánh đã viết được một cuốn “sách giáo khoa” cho môn học “Tâm lý họclứa tuổi”. Chỉ khác là, những luận đề, luận điểm của môn học ấy được trình bày bằngngòi bút dí dỏm của nhà văn khiến bài học thấm thía hơn, dễ “vào” hơn bất kỳ một cuốnsách giáo khoa được soạn cẩn thận nào!Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ thực sự là cuốn truyện hữu ích cho cả người lớn và trẻ con.Tác giả đã kéo các thế hệ lại gần nhau hơn. Đọc nó, những người lớn vô tâm mải miết2|TrangCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật Ánhvới cuộc sống cơm áo gạo tiền có thể sẽ dừng bước đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớlại thời thơ ấu, và cùng nhà văn gắng hiểu con em mình để rồi có một phương cách tiếpcận chúng từ một tư thế khác – tư thế của những người bạn – nhằm có thể xóa đi được”lằn ranh giữa trẻ con và người lớn” mà nhà văn cho là “khó ngang với xóa bỏ ranh giớigiàu, nghèo trong xã hội”. Không chỉ vậy, cuốn sách cũng cho độc giả – người lớn có cơhội hiểu rõ mình hơn bằng cách “chịu đựng” sự phán xét xác đáng của trẻ thơ với mộtloạt những so sánh về “các trò chơi” của trẻ con và người lớn!Còn với lứa tuổi thiếu niên, cuốn sách hẳn cũng sẽ đem lại cho các em niềm vui thích,nhưng ở góc độ khác và cung bậc khác. Các em nhìn thấy mình trong cuốn sách với tưcách là những người ngang hàng với nhà văn! Ở đây, “ngang hàng” có nghĩa là “đượctrân trọng và thấu hiểu”!Thụy Anh (từ LB Nga)’Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ’ – con tàu về miền ký ứcThằng cu Mùi tám tuổi thích làm đảo lộn thế giới, con Tí sún nấu mì dở tệ, thằng Hải cò vàcon Tủn khoái chơi trò vợ chồng. 4 đứa trẻ trong câu truyện mới nhất của nhà văn NguyễnNhật Ánh là hình ảnh của những người lớn từng một thời là con trẻ.”… Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà. Đến ga, xếp hàng mua vé. Lần đầu tiên trong nghìnnăm. Có lẽ. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Vé hạng trung – Người bán vé hững hờ. Khekhẽ đáp – Hôm nay hết vé!…” (thơ Robert Rojdesvensky, Thái Bá Tân chuyển ngữ).Đây là bài thơ được in cuối tập truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lấycảm hứng từ một câu trong tác phẩm của Robert Rojdesvensky, tác giả Kính vạn hoamột lần nữa làm con tim nhiều độc giả reo vui và thổn thức cùng một cuốn sách nhẹnhàng.Qua lời kể của thằng cu Mùi – mà tác giả hóa thân vào – thế giới mênh mông của trẻ emhiện ra. Ở đó, trẻ em tự lập phiên tòa phán xét cha mẹ, nghĩ ra những trò chơi đi tìm khobáu, đảo lộn trật tự – vị trí mà xã hội quy định, như thay vì ăn cơm trong chén thì ăn cơmtrong thau, gọi thằng bạn thân là Thày hiệu trưởng. Trẻ em cũng biết yêu, biết buồn khổvà nhớ nhung…Là cây bút hiếm hoi tại Việt Nam hiện nay bám sát các đề tài văn học cho thiếu nhi vàtuổi mới lớn, với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục khẳng địnhsự chuyên nghiệp trong phong cách viết và trong “độ rung” về cảm xúc.Dù ở bìa 4 cuốn sách, Nguyễn Nhật Ánh khẳng định: “Tôi viết cuốn sách này khôngdành cho trẻ em, tôi viết cho những ai từng là trẻ em”, nhưng chắc chắn không ít thiếunhi vẫn hiểu được những gì tác giả kể ra. Vì hơn cả những người lớn đang phải ngoáiđầu nhìn lại, trẻ con là hành khách chính của con tàu tuổi thơ đang lăn bánh.3|TrangCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhLTS: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là tác phẩm mới nhất của nhà vănNguyễn Nhật Ánh, sau tác phẩm Tôi là Bêtô – đã được trích đăng trênThanh Niên Online tháng 5.2007.NXB Trẻ giới thiệu về cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ trên trang webcủa mình: “Bạn từng yêu thích truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hãycùng đón đọc tập truyện mới rất dễ thương này do NXB Trẻ phát hành vàođầu tháng 3.2008. Nhà văn mời người đọc lên chuyến tàu quay ngược trởlại thăm tuổi thơ và tình bạn dễ thương của bốn bạn nhỏ. Những trò chơidễ thương thời bé, tính cách thật thà, thẳng thắn một cách thông minh vàdại dột, những ước mơ tự do trong lòng… khiến cuốn sách có thể làm cácbậc phụ huynh lo lắng rồi thở phào. Không chỉ thích hợp với người đọc trẻ, cuốn sách còn có thểhấp dẫn và thực sự có ích cho người lớn trong quan hệ với con mình”. Kể từ hôm nay, Thanh NiênOnline sẽ trích đăng một số chương rút từ tác phẩm này…Kỳ 1 – Tóm lại là đã hết một ngàyMột ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt.Năm đó tôi tám tuổi.Sau này, tôi cũng nhiều lần thấy cuộc sống đáng chán khi thi trượt ở tuổi mười lăm, thấttình ở tuổi hăm bốn, thất nghiệp ở tuổi ba mươi ba và gặt hái mọi thành công ở tuổi bốnmươi.Nhưng tám tuổi có cái buồn chán của tuổi lên tám.Đó là cái ngày không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ rằng cuộc sống không có gì để mà chờđợi nữa.Rất nhiều năm về sau, tôi được biết các triết gia và các nhà thần học vẫn đang loay hoayđi tìm ý nghĩa của cuộc sống và tới Tết Ma Rốc họ cũng chưa chắc đã tìm ra.Nhưng năm tôi tám tuổi, tôi đã thấy cuộc sống chả có gì mới mẻ để khám phá.Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi mỗi ngày. Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm.Trên mái nhà và trên các cành lá sau vườn, gió vẫn than thở giọng của gió. Chim vẫn hótgiọng của chim. Dế ri ri giọng dế, gà quang quác giọng gà. Nói tóm lại, cuộc sống thật làcũ kỹ.Cuộc sống của tôi còn cũ kỹ hơn nữa. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, tôi đã biết tỏng ngàymai những sự kiện gì sẽ diễn ra trong cuộc đời tôi.4|TrangCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhTôi kể ra nhé: Sáng, tôi phải cố hết sức để thức dậy trong khi tôi vẫn còn muốn ngủ tiếp.Tất nhiên là trước đó tôi vẫn giả vờ ngủ mê mặc cho mẹ tôi kêu khản cả giọng rồi lay layngười tôi, nhưng dĩ nhiên tôi vẫn trơ ra như khúc gỗ cho đến khi mẹ tôi cù vào lòng bànchân tôi. Khi đặt chân xuống đất rồi, tôi phải đi đánh răng rửa mặt, tóm lại là làm vệ sinhbuổi sáng trước khi bị ấn vào bàn ăn để uể oải nhai chóp chép một thứ gì đó thường làkhông hợp khẩu vị. Mẹ tôi luôn luôn quan tâm đến sức khỏe và cụ thể hóa mối quan tâmcủa mình bằng cách bắt tôi (và cả nhà) ăn những món ăn có nhiều chất dinh dưỡng trongkhi tôi chỉ khoái xực những món mà bà cho rằng chẳng bổ béo gì, như mì gói chẳng hạn.Quan tâm đến sức khỏe là điều tốt, và càng lớn tuổi mối quan tâm đó càng tỏ ra đúngđắn. Chẳng ai dám nói quan tâm như vậy là điều không tốt. Tôi cũng thế thôi. Khi tôitrưởng thành, có nhà báo phỏng vấn tôi, rằng giữa sức khỏe, tình yêu và tiền bạc, ôngquan tâm điều gì nhất? Lúc đầu tôi nói nhiều về tình yêu, về sau tôi nói nhiều hơn về sứckhỏe. Tôi phớt lờ tiền bạc, mặc dù tôi nhận thấy đó là một bất công: tiền bạc chưa baogiờ được con người ta thừa nhận là mối quan tâm hàng đầu dù tiền bạc ngày nào cũngchạy đi mua quà tặng cho tình yêu và thuốc men cho sức khỏe.Nhưng thôi, đó là chuyện của người lớn – chuyện sau này. Còn tôi, lúc tám tuổi, tôi chỉnhớ là tôi không thích ăn những món bổ dưỡng. Nhưng tất nhiên là tôi vẫn buộc phải ăn,dù là ăn trong miễn cưỡng và lười nhác, và đó là lý do mẹ tôi luôn than thở về tôi.Ăn xong phần ăn buổi sáng (chả sung sướng gì), tôi vội vàng truy lùng sách vở để nhétvào cặp, nhặt trên đầu tivi một quyển, trên đầu tủ lạnh một quyển khác và moi từ dướiđống chăn gối một quyển khác nữa, dĩ nhiên bao giờ cũng thiếu một món gì đó, rồi bachân bốn cẳng chạy vù ra khỏi nhà.Trường gần nhà nên tôi đi bộ, nhưng thực tế thì tôi chưa bao giờ được thưởng thức thúđi bộ tới trường. Tôi toàn phải chạy. Vì tôi luôn luôn dậy trễ, luôn luôn làm vệ sinh trễ,luôn luôn ăn sáng trễ và mất rất nhiều thì giờ để thu gom tập vở cho một buổi học. Vềchuyện này, ba tôi bảo: “Con à, hồi bằng tuổi con, bao giờ ba cũng xếp gọn gàng tập vởvào cặp trước khi đi ngủ, như vậy sáng hôm sau chỉ việc ôm cặp ra khỏi nhà!”. Nhưnghồi ba tôi bằng tuổi tôi thì tôi đâu có mặt trên cõi đời để kiểm tra những gì ông nói, bởikhi tôi bằng tuổi ba tôi bây giờ chắc chắn tôi cũng sẽ lặp lại với con tôi những điều ôngnói với tôi – chuyện xếp tập vở trước khi đi ngủ và hàng đống những chuyện khác nữa,những chuyện mà tôi không hề làm. Chà, với những chuyện như thế này, bạn đừng baogiờ đòi hỏi phải chứng minh. Đôi khi vì một lý do nào đó mà chúng ta buộc phải bịachuyện. Chúng ta cứ lặp lại mãi câu chuyện bịa đó cho đến một ngày chúng ta khôngnhớ có thật là chúng ta đã bịa nó ra hay không, rồi sau đó một thời gian nữa nếu cứ tiếptục lặp lại câu chuyện đó nhiều lần thì chúng ta sẽ tin là nó có thật. Thậm chí còn hơn cảniềm tin thông thường, đó là niềm tin vô điều kiện, gần như là sự xác tín. Như các nhàtoán học tin vào định đề Euclide hay các tín đồ Thiên Chúa tin vào sự sống lại của Jesus.Ôi, nhưng đó cũng lại là những vấn đề của người lớn.Tôi kể tiếp câu chuyện của tôi hồi tám tuổi.5|TrangCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhNhư vậy, ra khỏi nhà một lát thì tôi tới trường.Trong lớp, tôi luôn luôn ngồi ở bàn chót. Ngồi bàn chót thì tha hồ tán gẫu, cãi cọ, cấuvéo hay giở đủ trò nghịch ngợm mà không sợ bị cô giáo phát hiện, nhưng điều hấp dẫnnhất ở vị trí tối tăm đó là ít khi bị kêu lên bảng trả bài.Điều đó có quy luật của nó. Bạn nhớ lại đi, có phải bạn có rất nhiều bạn bè, yêu quí rấtnhiều người nhưng không phải lúc nào bạn cũng nhớ tới họ. Bộ nhớ chúng ta quá nhỏ đểchứa cùng lúc nhiều khuôn mặt hay nhiều cái tên, chỉ khi nào nhìn thấy người đó ngoàiphố hay bắt gặp cái tên đó trong một mẩu tin trên báo chẳng hạn thì chúng ta mới chợtnhớ ra và cảm động thốt lên “Ôi, đã lâu lắm mình không gặp nó. Năm ngoái mình kẹttiền, nó có cho mình vay năm trăm ngàn!”.Cô giáo của tôi cũng vậy thôi. Làm sao cô có thể nhớ tới tôi và kêu tôi lên bảng trả bàikhi mà cô không thể nào nhìn thấy tôi giữa một đống đầu cổ lúc nhúc che chắn trướcmặt.Ngày nào cũng như ngày nào, tôi ngồi đó, vừa xì xầm trò chuyện vừa cựa quậy lungtung, và mong ngóng tiếng chuông ra chơi đến chết được.Trong những năm tháng mà người ta gọi một cách văn hoa là mài đũng quần trên ghếnhà trường (tôi thì nói thẳng là bị giam cầm trong lớp học), tôi chẳng thích được giờ nàocả, từ giờ toán, giờ tập viết đến giờ tập đọc, giờ chính tả. Tôi chỉ thích mỗi giờ ra chơi.Ra chơi có lẽ là điều tuyệt vời nhất mà người lớn có thể nghĩ ra cho trẻ con. Ra chơi cónghĩa là những lời vàng ngọc của thầy cô tuột khỏi trí nhớ nhanh như gió, hết sức trơntru. Ra chơi có nghĩa là được tháo cũi sổ lồng (tất nhiên sau đó phải bấm bụng chui vàolại), là được tha hồ hít thở không khí tự do.Suốt những năm đi học, tôi và lũ bạn đã sử dụng những khoảnh khắc tự do hiếm hoi đóvào việc đá bóng, bắn bi, nhưng thường xuyên nhất và hăng hái nhất là những trò rượtđuổi, đánh nhau hay vật nhau xuống đất cho đến khi không đứa nào còn ra hình thù mộthọc sinh ngoan ngoãn nữa mới thôi, tức là lúc khuỷu tay đã trầy xước, mắt đã bầm tím,chân đi cà nhắc và áo quần thì trông còn tệ hơn mớ giẻ lau nhà.Tại sao tôi không kể giờ ra về vào đây. Vì ra về có nghĩa là rời khỏi một nhà giam nàyđể đến một nhà giam khác, y như người ta chuyển trại cho các tù nhân, có gì hay ho đâu.Tôi không nói quá lên đâu, vì ngày nào chào đón tôi ở đầu ngõ cũng là khuôn mặt lolắng của mẹ tôi và khuôn mặt hầm hầm của ba tôi.- Trời ơi, sao ngày nào cũng ra nông nỗi thế này hả con?Đại khái mẹ tôi nói thế, giọng thảng thốt, vừa nói vừa nắn nót cánh tay rướm máu củatôi như để xem nó sắp rụng khỏi người tôi chưa.6|TrangCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhBa tôi thì có cách nói khác, rất gần với cách rồng phun lửa:- Mày lại đánh nhau rồi phải không?- Con không đánh nhau. Tụi bạn đánh con và con đánh lại.Tôi nói dối (mặc dù nói dối như thế còn thật hơn là nói thật) và khi ba tôi tiến về phía tôivới dáng điệu của một cơn bão cấp mười tiến vào đất liền thì mẹ tôi đã kịp kéo tôi ra xa:- Ông ơi, con nó đã nát nhừ ra rồi!Mẹ tôi có cách nói cường điệu rất giống tôi, tôi vừa chạy theo bà vừa cười thầm về điềuđó.Sau đó, không nói thì ai cũng biết là tôi bị mẹ tôi tống vào nhà tắm. Khi tôi đã tinh tươmvà thơm phức như một ổ bánh mì mới ra lò thì mẹ tôi bắt đầu bôi lên người tôi đủ thứthuốc xanh xanh đỏ đỏ khiến tôi chẳng mấy chốc đã rất giống một con tắc kè bông.Dĩ nhiên là từ đó cho tới bữa cơm, tôi không được phép bước ra khỏi nhà để tránh phảisa vào những trò đánh nhau khác hấp dẫn không kém với bọn nhóc trong xóm, nhữngđối thủ thay thế hết sức xứng đáng cho tụi bạn ở trường.Ăn trưa xong thì tôi làm gì vào thời tôi tám tuổi?Đi ngủ trưa!Trên thế giới rộng lớn này, có lẽ có rất nhiều đứa nhóc trạc tuổi tôi đều bị các bậc phụhuynh cột chặt vào giấc ngủ trưa theo cái cách người ta cột bò vào cọc để chúng khỏichạy lung tung mà hậu quả là thế nào hàng xóm cũng kéo đến nhà chửi bới om sòm.Chứ thực ra với một đứa bé tám tuổi thì giấc ngủ trưa chẳng có giá trị gì về mặt sứckhỏe. Khi tôi lớn lên thì tôi phải công nhận giấc ngủ trưa đối với một người lớn tuổiđúng là quý hơn vàng. Lớn tuổi thì sức khỏe suy giảm. Làm việc nhiều thì đầu nhức, mắtmờ, lưng mỏi, tay run, giấc ngủ ban đêm vẫn chưa đủ liều để sửa chữa thành côngnhững chỗ hỏng hóc của cơ thể. Buổi trưa phải chợp mắt thêm một lát thì buổi chiềumới đủ tỉnh táo mà không nện búa vào tay hay hụt chân khi bước xuống cầu thang.Nhưng nếu bạn sống trên đời mới có tám năm thì bạn không có lý do chính đáng để coitrọng giấc ngủ trưa. Với những dân tộc không có thói quen ngủ trưa, như dân Mỹ chẳnghạn, trẻ con càng không tìm thấy chút xíu ý nghĩa nào trong việc phải leo lên giường saugiờ cơm trưa.Hồi tôi tám tuổi dĩ nhiên tôi không có được cái nhìn thông thái như thế. Nhưng tôi cũnglờ mờ nhận ra khi ba tôi đi ngủ thì tôi buộc phải đi ngủ, giống như một con cừu còn thứcthì người chăn cừu không yên tâm chợp mắt vậy.7|TrangCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhTôi nằm cựa quậy bên cạnh ông trên chiếc đi-văng, thở dài thườn thượt khi nghĩ đếnnhững quả đấm mà lũ bạn nghịch ngợm đang vung lên ngoài kia.- Đừng cựa quậy! Cựa quậy hoài thì sẽ không ngủ được!Ba tôi nói, và tôi vờ nghe lời ông. Tôi không cựa quậy nhưng mắt vẫn mở thao láo.- Đừng mở mắt! Mở mắt hoài thì sẽ không ngủ được!Ba tôi lại nói, ông vẫn nằm ngay ngắn nên tôi nghĩ là ông không nhìn thấy tôi mở mắt,ông chỉ đoán thế thôi. Chẳng may cho tôi là lần nào ông cũng đoán đúng.Tôi nhắm mắt lại, lim dim thôi, mi mắt vẫn còn hấp háy, nhưng tôi không thể nào bắt mimắt tôi đừng hấp háy được.Một lát, ba tôi hỏi:- Con ngủ rồi phải không?- Dạ rồi.Tôi đáp, ngây ngô và ngoan ngoãn, rơi vào bẫy của ba tôi một cách dễ dàng.Tôi nằm như vậy, thao thức một lát, tủi thân và sầu muộn, rồi thiếp đi lúc nào khônghay.Khi tôi thức dậy thì đường đời của tôi đã được vạch sẵn rồi. Tôi đi từ giường ngủ đếnphòng tắm để rửa mặt rồi từ phòng tắm đi thẳng tới bàn học để làm một công việc chánngắt là học bài hoặc làm bài tập.Thỉnh thoảng tôi cũng được phép chạy ra đằng trước nhà chơi với lũ trẻ hàng xómnhưng trước ánh mắt giám sát của mẹ tôi (từ một vị trí bí hiểm nào đó đằng sau các ôcửa mà mãi mãi tôi không khám phá được), tôi chỉ dám chơi những trò ẻo lả như nhảy lòcò hay bịt mắt bắt dê, đại khái là những trò dành cho bọn con gái hay khóc nhè. (Về sau,tinh khôn hơn, tôi đã biết cách ỉ ôi để mẹ tôi thả tôi qua nhà hàng xóm, nhờ đó một thờigian dài tôi đã có cơ hội làm những gì tôi thích).Chơi một lát, tôi lại phải vào ngồi ê a tụng bài tiếp, càng tụng càng quên, nhưng vẫn cứtụng cho mẹ tôi yên lòng đi nấu cơm.Từ giây phút này trở đi thì đời sống của tôi tẻ nhạt vô bờ bến.Tôi uể oải học bài trong khi chờ cơm chín. Cơm chín rồi thì tôi uể oải ăn cơm trong khichờ tiếp tục học bài.8|TrangCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhTivi tiveo hiếm khi tôi mó tay vào được, trông nó cứ như một thứ để trang trí. Bao giờcũng vậy, tôi chỉ được rời khỏi bàn học khi nào tôi đã thuộc tất cả bài vở của ngày hômsau.Ba tôi là người trực tiếp kiểm tra điều đó. Khác với mẹ tôi, ba tôi là người kiên quyếtđến mức tôi có cảm tưởng ông sẽ thăng tiến vùn vụt nếu vô ngành cảnh sát, tòa án haythuế vụ. Ông không bao giờ lùi bước trước những giọt nước mắt của tôi, dù lúc đó trôngtôi rất giống một kẻ sầu đời đến mức chỉ cách cái chết có một bước chân.- Con học bài xong rồi ba. – Thường thì tôi mở miệng trước.Ba tôi tiến lại và nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ:- Chắc không con?- Dạ, chắc!Tôi mau mắn đáp và khi ba tôi bắt đầu dò bài thì tôi lập tức phủ nhận sạch trơn sự quảquyết của mình bằng cách ngắc ngứ ngay ở chỗ mà tôi nghĩ dù có va đầu phải gốc câytôi cũng không thể nào quên được.- Học lại lần nữa đi con!Ba tôi nhún vai nói và quay đi với tờ báo vẫn cầm chặt trên tay, rõ ràng ông muốn gửiđến tôi thông điệp rằng ông sẵn sàng chờ đợi tôi cho dù ông buộc phải đọc tới mẩu raovặt cuối cùng khi không còn gì để mà đọc nữa.Qua cái cách ông vung vẩy tờ báo trên tay, tôi e rằng ẩn ý của ông còn đi xa hơn: có vẻnhư nếu cần, ông sẽ bắt đầu đọc lại tờ báo đến lần thứ hai và hơn thế nữa. Nghĩ vậy, tôiđành vùi đầu vào những con chữ mà lúc này đối với tôi đã như những kẻ tử thù, tâmtrạng đó càng khiến tôi khó mà ghi nhớ chúng vô đầu óc.Cho nên các bạn cũng có thể đoán ra khi tôi đã thuộc tàm tạm, nghĩa là không trôi chảylắm thì cơ thể tôi đã bị giấc ngủ đánh gục một cách không thương tiếc và thường thì tôilết vào giường bằng những bước chân xiêu vẹo, nửa tỉnh nửa mê trước ánh mắt xót xacủa mẹ tôi.Như vậy, tóm lại là đã hết một ngày.Bố mẹ tuyệt vờiBây giờ thì các bạn đã hình dung ra một ngày của tôi.Tôi chỉ cần kể một ngày là đã đủ, không cần phải kể thêm những ngày khác.9|TrangCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhĐơn giản là ngày nào cũng giống như ngày nào. Một ngày như mọi ngày, như người tavẫn nói.Và vì thế cuộc sống đối với tôi thật là đơn điệu, nếu sự lặp đi lặp lại là biểu hiện chínhxác nhất và rõ rệt nhất của sự đơn điệu.Mãi về sau này, tôi mới khám phá ra còn có cách nhìn khác về sự lặp đi lặp lại. Người tagọi nó là sự ổn định.Một công việc có thể sắp đặt trước, một sự nghiệp có thể tính toán trước, là niềm ao ướccủa rất nhiều người, nhiều quốc gia.Tất nhiên sẽ thật là hay nếu tiên liệu được chỉ số tăng trưởng kinh tế của một đất nướcnhưng nếu bạn cũng tiên liệu chính xác như thế về chỉ số tăng trưởng tình cảm của bảnthân thì điều đó có khi lại chán ngắt. Sẽ thật kỳ cục nếu như bạn tin chắc rằng một thángnữa bạn sẽ bắt đầu yêu, ba tháng sau bạn sẽ đang yêu – ít thôi, sáu tháng sau bạn sẽ yêunhiều hơn…Tôi từng thấy có nhiều người trẻ tuổi lên kế hoạch cho cuộc đời mình: 22 tuổi tốt nghiệpđại học, 25 tuổi lập gia đình, 27 tuổi mở công ty, 30 tuổi sinh con đầu lòng, vân vân vàvân vân… Thật sít sao! Nhưng một khi cuộc đời một con người được lập trình chặt chẽvà khoa học đến thế thì nếu tất cả đều vào khuôn như dự tính liệu bạn có bão hòa về cảmxúc hay không?Khi nói về cảm xúc có lẽ không thể không gắn nó với tính cách của từng người. Ngườilạc quan bảo rằng ổn định cái điều mà người bi quan cho là đơn điệu. Cuộc sống vợchồng cũng thế thôi, kẻ thì bảo êm đềm, người thì cho vô vị, biết làm thế nào! Quả thật,hai vợ chồng mà sống với nhau êm đềm quá không khéo lại giống sự êm đềm giữa haingười hàng xóm lành tính, và người quá khích lại có dịp bô bô lên rằng êm đềm khônghề bà con gì với hạnh phúc, biết nói làm sao!Nhưng ôi thôi, tôi lại nói chuyện lúc tôi đã là người lớn mất rồi. Lại nói chuyện vợchồng cấm kỵ vô đây nữa!Tôi sẽ quay lại chủ đề của cuốn sách này, quay lại ngay đây, tức là nói cái chuyện tôi hồitám tuổi.Chuyện tôi sắp kể ra đây, khổ thay, cũng lại liên quan đến chuyện vợ chồng. Nhưng bêncạnh cái khổ cũng có cái may, đây chỉ là trò chơi vợ chồng thôi – cái trò mà đứa trẻ nàobằng tuổi tôi cũng rất thích chơi mặc dù khi lớn lên thì chúng rất dè chừng.Tôi và con Tí sún cạnh nhà tôi là một cặp.Tôi là chồng, con Tí sún là vợ.10 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhCon Tí sún không đẹp đẽ gì, người đen nhẻm, tóc xoăn tít vì suốt ngày chạy nhảy ngoàinắng, đã thế lại sún răng.Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận nó làm vợ tôi, chỉ vì nó thích tôi, tôi bảo gì nó cũng ngherăm rắp. Thật lòng, tôi thích con Tủn hơn, vì con Tủn xinh gái nhất xóm, lại có lúmđồng tiền. Nhưng tôi không cưới con Tủn bởi tôi thấy nó cứ hay cặp kè với thằng Hảicò. Sau này tôi biết đó là cảm giác ghen tuông, tất nhiên là ghen tuông theo kiểu trẻ con,còn lúc đó tôi chỉ cảm thấy khó chịu thôi.Và tôi đùng đùng cưới con Tí sún, theo kiểu người lớn hay nói: cưới người yêu mìnhchứ không cưới người mình yêu, nhất là khi người mình yêu lại không có vẻ gì yêumình!Tôi cưới con Tí sún chừng năm phút thì lập tức đẻ liền một lúc hai đứa con: thằng Hảicò và con Tủn. Ghét hai đứa nó thì bắt chúng làm con vậy thôi, chứ thằng Hải cò lớnhơn tôi một tuổi.oOo- Hải cò đâu? – Tôi kêu lớn.- Dạ, ba gọi con. – Hải cò lon ton chạy tới.Tôi ra oai:- Rót cho ba miếng nước!Thấy con Tủn che miệng cười khúc khích, Hải cò đâm bướng:- Con đang học bài.- Giờ này mà học bài hả? – Tôi quát ầm – Đồ lêu lổng!Hải cò đưa tay ngoáy lỗ tai để nghe cho rõ:- Học bài là lêu lổng?- Chứ gì nữa! Không học bài làm bài gì hết! Con ngoan là phải chạy nhảy, trèo cây, tắmsông, đánh lộn!Hải cò không ngờ vớ được một ông bố điên điên như thế, cười toét miệng:- Vậy con đi đánh lộn đây!Nói xong, nó co giò chạy mất.11 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhNhưng tôi không giận nó. Tôi đang khoái chí. Tôi tình cờ phát hiện ra cách làm cho cuộcsống bớt tẻ nhạt.- Tủn! – Tôi hét.- Dạ. Rót nước hả ba?Tôi cười khảy:- Mày đừng làm ra vẻ ta đây thông minh. Tao hết khát rồi.Tôi nói như trút giận:- Tao là tao chúa ghét mấy đứa con nít thông minh, tức là mấy đứa học bài nhoáng mộtcái đã thuộc vanh vách! Hừm, làm như hay lắm!Con Tủn không biết tôi muốn gì. Thấy tôi quát sùi bọt mép, nó sợ run:- Dạ, con không thông minh. Con là đứa ngu đần.Tôi hả hê:- Vậy con mới đúng là con ngoan của ba.Tôi móc túi lấy ra một cây kẹo bé tẹo còn sót lại từ hôm qua:- Đây, ba thưởng cho con.Con Tủn ngơ ngác cầm lấy cây kẹo, không hiểu tại sao ngu mà được thưởng nên khôngdám ăn.Tôi đang tính bảo con Tủn “Ăn đi con” thì thằng Hải cò từ bên ngoài xồng xộc chạy vô,miệng thở hổn hển, làm như vừa đánh nhau thật.- Con đi đánh lộn về đó hả con? – Tôi âu yếm hỏi.- Dạ. – Hải cò phấn khởi – Con uýnh một lúc mười đứa luôn đó ba!- Con thiệt là ngoan. – Tôi khen, và đưa mắt nhìn Hải cò từ đầu tới chân – Thế quần áocủa con…- Vẫn không sao ba à. – Hải cò hớn hở khoe – Con đập nhau với tụi nó mà quần áo vẫnlành lặn, thẳng thớm…- Đồ khốn! – Tôi quát lớn, không cho Hải cò nói hết câu – Đánh nhau mà không rách áo,trầy chân, bầm mặt mà cũng gọi là đánh nhau hả?12 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhSự giận dữ bất ngờ của tôi làm Hải cò nghệt mặt một lúc. Nó chẳng biết phản ứng thếnào ngoài việc ấp a ấp úng:- Dạ… dạ… ủa… ủa…- Dạ dạ ủa ủa cái gì! Con thiệt là đứa hư hỏng! Con làm ba xấu hổ đến chết mất thôi!Con Tí sún, vợ tôi, bắt đầu cảm thấy hoang mang trước lối dạy con của tôi:- Ông à, con nó biết giữ gìn như thế là tốt rồi.- Bà thì biết cái gì! – Tôi nạt con Tí sún, nước miếng bay vèo vèo may mà không trúngmặt nó – Đánh nhau chứ có phải đi dự tiệc đâu! Đánh nhau mà quần áo sạch sẽ thế kiathì có nhục cho tổ tiên không kia chứ!Tôi đấm ngực binh binh:- Ôi, chẳng thà nó chém tôi một dao cho rồi! Con ơi là con! Mày ra đây mà giết ba màyđi con!Thấy tôi tru tréo ghê quá, con Tí sún nín khe.Trong khi thằng Hải cò cười hí hí thì con Tủn mặt đực ra như bị thằn lằn ị trúng mặt. Nókhông biết làm gì với cây kẹo trên tay, rằng nên nhét vào túi áo hay bỏ vào miệng.Trông mặt nó hết sức lo lắng, có lẽ vì nó hoàn toàn không biết được hành động nào mớikhông bị ông bố gàn dở kia liệt vào loại “hư hỏng” hay tệ hơn, là “làm nhục tổ tiên”.oOoTụi bạn tôi chỉ ngạc nhiên hôm đầu tiên.Rồi như bất cứ một đứa trẻ chân chính nào, tụi nó nhanh chóng cảm nhận được sự thú vịcủa trò chơi tuyệt vời đó.Hôm sau đến lượt thằng Hải cò và con Tủn đóng vai ba mẹ. Tôi và con Tí sún làm con.Tối hôm trước Hải cò chắc thao thức suốt đêm, chờ trời sáng. Sáng ra tôi thấy mắt nó đỏkè. Nếu hôm đó không phải là ngày chủ nhật, có lẽ Hải cò sẽ bị sự nôn nóng đốt thànhthan trước khi cả bọn đi học về.- Thằng cu Mùi đâu? – Hải cò oang oang, giọng rất chi là hào hứng.Cu Mùi là tên ở nhà của tôi. Ba mẹ tôi gọi tôi như thế có lẽ do tôi sinh năm Mùi.- Dạ. – Tôi ứng tiếng thưa.13 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật Ánh- Con đem tập vở ra đây cho ba xem nào.Tôi lôi cuốn tập nhét trong lưng quần, hồi hộp đưa cho Hải cò, bụng cố đoán xem nóđịnh “dạy dỗ” tôi như thế nào.Lật lật vài trang, Hải cò hét ầm:- Cu Mùi!Tôi lấm lét nhìn nó:- Dạ.Hải cò đập tay xuống bàn một cái rầm:- Con học hành cách sao mà tập vở trắng tinh như thế hả?Tôi chưa kịp đáp, nó thẳng tay ném cuốn tập qua cửa sổ, gầm gừ:- Học với chẳng hành! Mày giữ gìn tập vở sạch sẽ như thế này mày không sợ thầy côbảo ba mẹ mày không biết dạy con hả, thằng kia?Tôi bị mắng như tát nước vào mặt mà ruột nở từng khúc. Tôi không ngờ Hải cò là mộtông bố tuyệt vời đến thế.Tôi hân hoan nhận lỗi:- Thưa ba, lần này con trót dại. Lần sau con không dám giữ gìn tập vở kỹ lưỡng như vậynữa.Tôi nói, và đảo mắt nhìn quanh, thấy đằng góc nhà con Tủn và con Tí sún đưa tay bụmmiệng cố nén cười.- Cái con nhóc sún răng kia! Cười cái gì! – Hải cò lừ mắt nhìn con Tí sún – Mày nấu cơmxong chưa mà đứng đó nhe răng sún ra cười hả?Con Tí sún lễ phép:- Dạ, con đã dọn cơm rồi. Mời ba mẹ và anh Hai ăn cơm.- Mày có điên không vậy con! – Hải cò giơ hai tay lên trời – Đến giờ cơm là ngồi vô ăn,chỉ có kẻ không được giáo dục đến nơi đến chốn mới làm như vậy, hiểu chưa?- Dạ, chưa hiểu. – Con Tí sún thật thà – Chứ kẻ có giáo dục thì đến giờ cơm họ làm gì hảba?14 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật Ánh- Họ đi chơi chứ làm gì. – Hải cò khoa tay như một diễn giả – Họ đi bơi, họ chơi bi-da,họ câu cá, họ chơi rượt bắt hoặc đánh nhau, nói chung họ có thể làm bất cứ chuyện gì đểngười khác phải đợi cơm, trừ cái chuyện hết sức vô văn hóa là ngồi vô bàn ăn.Con Tủn tỉnh bơ đế vô:- Ba con nói đúng đó con. Chỉ có bọn hư hỏng mới ăn cơm đúng giờ thôi!oOoLúc đầu, tôi tưởng chỉ có mình tôi khoái cái trò điên điên này. Hóa ra đứa nào cũngkhoái. Trong bọn, con Tí sún là đứa hiền lành và chậm chạp nhất nhưng qua đến ngàythứ ba, nó cũng kịp thích ứng với hoàn cảnh bằng cách chỉnh thằng Hải cò ra trò khi tớilượt nó làm mẹ.- 2 lần 4 là mấy?- Dạ, là 8.Con Tí sún không quát tháo om sòm như tôi và Hải cò, nhưng mặt nó trông thật thiểunão:- Sao lại là 8 hả con? Thật uổng công mẹ cho con ăn học!Hải cò chớp mắt:- Chứ là mấy?- Là mấy cũng được nhưng không phải là 8.- Mẹ ơi, theo bản cửu chương thì 2 lần 4 là 8.- Mày là con vẹt hả con? Bản cửu chương bảo gì mày nghe nấy là sao? Thế mày khôngcó cái đầu à?Hải cò sờ tay lên đầu, hối hận:- Con đúng là một đứa không có đầu óc. Lần sau con sẽ không nghe theo bất cứ ai nữa,dù đó là bản cửu chương hay thầy cô giáo. Con hứa với mẹ con sẽ tự suy nghĩ bằng cáiđầu của con.Câu nói của Hải cò được coi như tuyên bố chung của cả bọn, kết thúc một thời kỳ tămtối chỉ biết sống dựa vào sự bảo ban của người khác. Ôi, cuộc sống kể từ lúc đó mới thậtđáng sống làm sao!15 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhNhưng như người ta thường nói “niềm vui ngắn chẳng tày gang”: vào cái ngày Hải còmang bộ mặt ủ ê đến gặp tôi, chúng tôi chợt nhận ra cuộc sống vẫn xám xịt như thể xưanay một năm vẫn có tới bốn mùa đông.- Mày sao thế? Mới bị ăn đòn à? – Tôi tò mò hỏi.- Ừ. Vì cái tội dám bảo chỉ có đứa đần độn mới giữ gìn tập vở sạch sẽ.Con Tí sún xuất hiện với bộ mặt thảm sầu:- Còn mình bị ba mình phạt vì khăng khăng 3 lần 5 không phải là 15.Con Tủn góp vào hai hàng nước mắt và tiếng thút thít:- Còn mình thì mặc cho ba mẹ kêu khản cả cổ, mình nhất định không chạy về ăn trưa.Tôi lướt mắt nhìn ba đứa bạn, lặng lẽ thở dài.Tôi tập tành làm nhà cách mạng bé con, chán nản khi không thay đổi được thế giới, đãthế còn làm vạ lây cho người khác.Cho nên tôi không ủ ê, không thảm sầu, không thút thít và rưng rưng hai hàng nước mắt.Nỗi đau của tôi lặn vào bên trong. Nó sâu sắc hơn, ít nhất là bằng nỗi đau của ba đứabạn cộng lại.Vì ngày hôm qua tôi bị ăn đòn vì phạm cùng lúc cả ba cái tội trên kia.Đặt tên cho thế giớiRốt cuộc, sau những thương tích tâm hồn lẫn thể xác, chúng tôi buộc phải chấp nhậnkhông nên nghĩ khác bản cửu chương in ở đằng sau mỗi cuốn tập. Nếu muốn thay đổichúng tôi đành phải chờ đến lúc thành tài, tức là lúc đã trở thành những nhà toán học nổitiếng thế giới, lúc đó chúng tôi sẽ soạn một bản cửu chương theo ý mình.Trong khi chờ đợi (ôi, lâu quá!), tôi, Hải cò, con Tủn và con Tí sún buộc phải đồng ýtrong đớn đau rằng 2 lần 4 là 8, cũng như 3 lần 5 là 15.Với thái độ đầu hàng nhục nhã đó, chúng tôi nhanh chóng trở lại là những đứa conngoan trong mắt ba mẹ, nghĩa là coi chuyện giữ gìn tập vở là thiêng liêng như giữ gìncon ngươi của mắt mình, cũng như buộc phải thừa nhận rằng một đứa trẻ siêng học dứtkhoát không phải là một đứa trẻ hư hỏng.Cuộc sống lại quay lại đường ray cũ kỹ của nó và đời tôi lại có nguy cơ mòn mỏi theonhịp sống đơn điệu kể từ khi tôi được sinh ra.16 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhLàm thế nào bây giờ nhỉ? Tôi nghĩ, nghĩ mãi, và nhờ thượng đế phù hộ cuối cùng tôicũng nghĩ ra lối thoát.- Này, tụi mày! – Nhà cách mạng tập hợp đám tàn binh của mình lại – Kể từ hôm nay, tụimình không gọi con gà là con gà, con chim là con chim, cuốn tập là cuốn tập, cây viết làcây viết nữa…Con Tí sún ngẩn ngơ:- Thế gọi bằng gì?- Gọi bằng gì cũng được, miễn là không gọi như cũ!Hải cò nheo mắt:- Thế gọi cái nón là cuốn tập, cái đầu là cái chân được không?- Được. – Tôi hừ mũi – Mày muốn gọi cái đầu là cái mông cũng được.Con Tủn thắc mắc:- Nhưng tại sao lại làm thế?Năm đó, tức vào năm tám tuổi, tôi chưa biết rằng trong công thức 5W mà người phươngTây dùng như một công cụ để khám phá sự thật, gồm “What – Who – Where – When Why” mà người Việt chúng ta vẫn dịch là “Cái gì – Ai – Ở đâu – Khi nào – Tại sao” thìcâu hỏi “Tại sao” bao giờ cũng là câu hỏi sâu sắc nhất, có tính bản chất nhất, và dĩ nhiênlà khó trả lời nhất. So với bốn câu hỏi còn lại, câu hỏi bắt đầu bằng hai chữ “Tại sao”quan trọng hơn hẳn.Hồi bé, hẳn là bạn cũng có hằng hà những câu hỏi “tại sao” khiến ba mẹ bạn vô cùng bốirối.Tại sao khi mưa trời lại có sấm sét?Tại sao tóc chỉ mọc ở trên đầu?Tại sao chúng ta lại ăn Tết?Tại sao đường lại ngọt còn muối thì mặn?Tại sao máu có màu đỏ?Tại sao con cò khi ngủ lại co một chân?Tại sao đàn ông có vú?17 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhTại sao trái đất quay quanh mặt trời?Chúng ta, nói một cách chính xác là bọn nhóc tì chúng ta, đã đi từ thắc mắc đơn giảnnhất đến thắc mắc phức tạp nhất, trong đó có những câu hỏi mà nếu không phải là mộtnhà khoa học giỏi giang thì không thể giải thích thấu đáo được. Ba mẹ chúng ta hồi đó(chúng ta bây giờ đôi khi cũng vậy) thường tìm cách lảng sang chuyện khác hoặc khôngnhịn được mà nổi khùng lên với đám con cái chẳng qua vì họ tự giận mình không phải lànhà khoa học giỏi giang đó thôi.Nhưng đến những câu hỏi kiểu như “Tại sao chúng ta được sinh ra?“, “Tại sao chúng taphải sống?”, “Tại sao chúng ta phải chết?”, thì các nhà khoa học cũng bó tay. Nhữngthắc mắc lúc này đã trở nên siêu hình và bắt đầu đặt chân vào lãnh vực của triết học.Thái tử Tất Đạt Đa từng đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn cơ bản này – nhằm giải mã ýnghĩa của sự tồn tại, để cuối cùng trở thành một nhà khai sáng thuộc loại vĩ đại bậc nhấtthế giới dưới cái tên Thích Ca Mâu Ni.Ôi, tôi lại huyên thuyên nữa rồi. Nhưng tất cả cũng là do con Tí sún. Nó hỏi tôi “tại sao”- một câu hỏi mang mầm mống triết học. Để nỗ lực trả lời một câu hỏi mang mầm mốngtriết học, bất cứ ai cũng có thể trở thành triết gia, cho dù người đó không cố ý và chỉ mớicó tám tuổi.Tôi thao thao, mặt đỏ gay:- Tại sao lại làm thế à? Tại vì tụi mình cần phải chứng tỏ tụi mình có giá trị riêng. Tụimình không thích tuân thủ theo sự sắp đặt của người khác. Tại sao phải gọi con chó làcon chó? Hừ, con chó là con chó, điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết. Nếu người đầu tiêngọi con chó là cái bàn ủi thì bây giờ chúng ta cũng gọi nó là cái bàn ủi. Chỉ toàn là a duathôi! Thật là ngu ngốc!- Hay quá, cu Mùi! – Hải cò reo lên – Trong bọn, cái bàn ủi nhà con Tủn là hung dữ nhất.Nếu con Tủn không xích cái bàn ủi của nhà nó lại, thì dù tao có là chồng nó tao thề sẽkhông bao giờ bước chân qua nhà nó!- Hải cò! – Con Tủn gầm gừ – Tôi nghĩ bạn nên khép cái cánh tay của bạn lại đi.Hải cò dang tay ra và nhíu mày:- Cánh tay này á?Tôi cười:- Tao nghĩ con Tủn đang muốn nói đến cái miệng của mày thì đúng hơn.- À, – Hải cò gục gặc đầu – Có nghĩa là từ nay chúng ta sẽ gọi cái miệng là cánh tay. Hayđấy!18 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhoOoNhững ngày đó, tốt nhất là bạn không nên bước vào thế giới của bọn tôi. Nếu không,bạn sẽ có cảm giác bạn đang lạc vào một hành tinh khác.Tôi nói thật đó. Vì chắc chắn bạn sẽ không thể hiểu những lời đối đáp như thế này:- Tối rồi, tao về nhà đi chợ đây.- Mẹ tao hứa sẽ mua cho tao một cái giếng mới vào ngày sinh nhật.Dù giàu tưởng tượng đến mấy, bạn cũng không tài nào hình dung được chúng tôi có thểnói đi chợ thay cho đi ngủ, cũng như chiếc cặp bỗng nhiên biến thành cái giếng mộtcách hồn nhiên.Những bậc phụ huynh đáng kính tất nhiên không thích thú gì với cái trò ăn nói lung tungnày, nhất là bọn tôi có vẻ như dần dần nhiễm những từ ngữ mới đến mức khi ba con Tủnbảo nó tắt quạt máy thì nó lại tắt tivi, cũng như con Tí sún hàng chục lần chạy ra đườngchỉ để kiếm con Vện trong khi mẹ nó mỏi mòn chờ nó mang cái bàn ủi vô.Lúc đó, tôi cứ nghĩ đó là trò chơi trẻ con và chỉ trẻ con mới nghĩ ra những trò kỳ thú nhưvậy. Chúng tôi muốn thay đổi một cách gọi, thậm chí nếu được thì đặt tên lại cho cả thếgiới, chỉ với một mục đích hết sức tốt đẹp là làm cho thế giới mới mẻ, tinh khôi nhưđược sinh ra lần nữa. Chúng tôi đâu có cách nào khác khi chúng tôi còn quá trẻ trong khithế giới thì lại quá già. Vì vậy mà bọn nhóc chúng tôi rất cần một thế giới non trẻ vàgiàu có của riêng mình.Nhưng khi tôi đã trở thành người lớn thì tôi phát hiện ra người lớn cũng rất thích chơitrò này, tất nhiên với một mục đích hoàn toàn khác. Người ta gọi hối lộ là tặng quà trênmức tình cảm, gọi những hành vi sai trái là thiếu tinh thần trách nhiệm, gọi tham ô làthất thoát gây hậu quả nghiêm trọng, vân vân và vân vân. Mục đích của sự đánh tráokhái niệm này là đẩy vô chỗ mù mờ những gì đang vô cùng sáng rõ, với cách thức điểnhình là dùng một cụm từ phức tạp và có thể hiểu sao cũng được để gọi một sự việc màngười ta hoàn toàn có thể gọi đích danh bằng một từ ngắn gọn, đơn giản và minh bạchđến mức dù muốn cũng không ai có thể hiểu khác đi. Cứ theo cung cách đáng ngại nàymột ngày nào đó rất có thể người ta sẽ phát giải Nobel vật lý cho người nào có khả nănggây ra một lực tác động có chủ ý khiến vật chất chuyển động từ vị trí này sang vị tríkhác mà khách thể không hề hay biết trong khi cái cụm từ mỹ miều, sang trọng đó thựcra là để chỉ tên móc túi.Bọn trẻ chúng tôi ngây thơ và trong sáng hơn nhiều.Nhưng cũng vì vậy mà chúng tôi phải trả giá.Đây là tai nạn của Hải cò.19 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhCô giáo kêu nó đọc một đoạn văn trong sách tập đọc.- Em lấy sách ra! – Cô giáo bảo và nó thản nhiên cầm lên cuốn sách toán.- Đâu phải cuốn này! – Cô giáo sửng sốt – Em không đem theo sách tập đọc à? Thế cuốntập của em đâu. Em có chép bài không đấy?Hải cò lúng túng lôi cái nón vải nhét trong túi quần ra, đặt lên bàn.- Em đùa đấy à! – Cô giáo đứng phắt dậy, mặt đỏ gay – Em theo cô lên văn phòng gặpthầy hiệu trưởng ngay!- Thưa cô, thầy hiệu trưởng hôm nay không đi học. Hôm qua thầy hiệu trưởng đánhnhau với em, sáng nay còn nằm rên hừ hừ ở nhà ạ.Thầy hiệu trưởng trong tâm trí Hải cò tất nhiên là tôi – thằng cu Mùi. Chiều hôm qua tôinện nhau với nó thật (chỉ vì giành nhau xem đứa nào được làm cha đứa nào trước) vàđến tối thì tôi lên cơn sốt, vì nguyên nhân gì chỉ có trời mới biết nhưng Hải cò huênhhoang là nó đánh tôi nằm bẹp.Trong thế giới vừa được đặt tên lại của bọn tôi, Hải cò là cảnh sát trưởng, con Tủn làtiếp viên hàng không, con Tí sún là nàng Bạch Tuyết, còn tôi là thầy hiệu trưởng. Nhữngcái tên này do chúng tôi tự chọn, theo nguyện vọng thầm kín của mỗi đứa.Những ngày tươi đẹp trước khi Hải cò bị nạn, thế giới của bọn tôi đầy ắp những âmthanh hoan hỉ như thế này:- Thầy hiệu trưởng, hôm nay tôi làm mẹ, thầy hiệu trưởng làm con nhé?- Mày nhai chóp chép cái gì trong cánh tay vậy, cảnh sát trưởng? Ăn vụng hả?- Bạch Tuyết, đứng xê ra xa chút đi! Tối hôm qua trong lúc đi chợ con có đái dầm khôngmà ba nghe khai rình thế?- Tiếp viên hàng không, bạn mới mua cuốn tập mới hả? Đưa đây đội thử chút coi!Các bạn cũng biết rồi đó, bọn tôi đặt cho cái nón cái tên mới là cuốn tập, tivi là quạtmáy, đi ngủ là đi chợ. Và cũng thật là tuyệt khi bọn tôi gọi môn toán là môn tập đọc, lịchsử là tập viết, môn đạo đức là tập vẽ, và hằng hà những cuộc cách tân táo bạo khác.Nhưng tất cả đều không nguy hiểm bằng gọi cu Mùi bằng thầy hiệu trưởng.Rất may là thầy hiệu trưởng thật sau hàng giờ thẩm vấn cảnh sát trưởng đã hiểu ra thầyhiệu trưởng bị Hải cò đánh cho nằm bẹp không phải là thầy, và tuy thầy không coi đó làsự xúc phạm nhưng sau giờ phút đen tối đó của lịch sử, con chó đã trở lại là con chó,20 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật Ánhthằng cu Mùi trở lại là thằng cu Mùi, có nghĩa là chúng tôi không được phép định nghĩalại thế giới một lần nữa theo cách mà người lớn còn lâu mới nghĩ ra.Họ cấm chúng tôi có thể vì họ ghen tị chăng?buồn ơi là sầuChú Nhiên yêu cô Linh.Họ là một cặp.Tôi hỏi chú Nhiên “Tại sao chú yêu cô Linh?” thì chú không trả lời được, và sự bối rốicủa chú làm tôi rất ngạc nhiên.Sau này, khi đã biết đến mối tình đầu thứ tám thì tôi mới hiểu rằng cắt nghĩa tại sao takhông yêu một người nào đó dễ dàng hơn rất nhiều so với việc giải thích tại sao ta yêuhọ.Người ta nói đàn ông sẵn sàng cưới một cô gái chỉ vì một chiếc cằm xinh nhưng phụ nữkhông bao giờ lấy đàn ông chỉ vì một cặp đùi đẹp. Điều đó không đúng. Cả đàn ông lẫnphụ nữ không ai lấy người kia chỉ vì một bộ phận nếu anh ta (hay cô ta) thực sự tin rằnglấy một người có nghĩa là cuộc đời mình bị cột chặt vào người đó bằng sợi xích vữngchắc của số phận.Chiếc cằm xinh hay đôi mắt đẹp khiến người đối diện chú ý nhưng nó chỉ đóng vai tròsoi đường như ánh đèn pin trong tay người dẫn chỗ trong rạp hát. Khi tấm màn nhung đãkéo lên, đèn folo rọi xuống và những nhân vật đã xuất hiện trên sân khấu, lúc đó cuộcphiêu lưu tâm hồn mới thực sự bắt đầu và tùy theo vở diễn hấp dẫn hay nhạt nhẽo màchúng ta sẽ quyết định ngồi lại đến phút chót hay bỏ về nửa chừng.Tình yêu cũng vậy, ấn tượng bề ngoài rất đáng kể nhưng đáng kể hơn nữa là vẻ bề ngoàiđó có đang cất giấu điều gì đáng kể ở đằng sau nó hay không.Ôi, tôi đang vung vít gì thế này?Tôi đang nói chuyện chú Nhiên.Chú Nhiên yêu cô Linh.Họ là một cặp.Một cặp hoàn toàn khác với tôi và con Tí sún hay thằng Hải cò và con Tủn.Cái khác dễ thấy nhất là họ sắp cưới nhau.Họ sắp là vợ chồng. Vợ chồng thật.21 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhBọn tôi thì còn khuya.Tôi không biết cảnh sát trưởng khi lớn lên có cưới tiếp viên hàng không làm vợ haykhông, nhưng thầy hiệu trưởng chắc chắn không dại gì rinh nàng Bạch Tuyết về nhà.Sở dĩ con Tí sún nằm ngoài kế hoạch hôn nhân của tôi (nếu tôi thực sự có kế hoạch lấyvợ vào lúc tám tuổi) chỉ bởi một lý do đơn giản: con Tí sún là đứa con gái nấu ăn kémnhất trong những đứa con gái mà tôi từng biết và sẽ biết.Như đã nói, tôi ăn uống chẳng cầu kỳ gì. Tôi chẳng buồn quan tâm đến thành phần dinhdưỡng của món ăn. Rất lâu về sau này, khi tuổi tác ngày càng chất chồng và cơ thể tôibắt đầu chống lại tôi, tôi mới bắt đầu để ý có bao nhiêu phần trăm proteine, cholesterol,glucide, lipide trong cái thứ mà mình sắp tống vào dạ dày chứ hồi tôi tám tuổi chất béođối với tôi cũng có giá trị ngang chất xơ, còn đạm và đường hiển nhiên là một.Hồi đó, tôi chỉ thích có ba món: mì gói, mì gói và dĩ nhiên mì gói. Là cái thứ mà nếu bắtgặp tôi ôm trong người thế nào mẹ tôi cũng giằng khỏi tay tôi, kể cả bằng biện pháp bạolực hoàn toàn trái với bản tính hiền lành của bà.Tóm lại, muốn ăn mì gói tôi phải trốn qua nhà con Tí sún, nhờ nó nấu giùm. Gọi nấu mìlà gọi cho oai, chứ thực ra chỉ là nấu một ấm nước sôi. Con Tí sún chỉ bỏ mì vô tô, sauđó bỏ thêm các bịch gia vị có sẵn rồi chế nước sôi vào.Có lẽ trên đời không có món ăn nào dễ nấu như mì gói. Dễ đến mức so với nó, tráng mộtquả trứng bỗng hóa thành phức tạp ngang với việc phóng phi thuyền lên mặt trăng. Vậymà con Tí sún chưa bao giờ nấu được một tô mì ra hồn trong suốt cuộc đời mình, nếunhư cuộc đời nó chỉ tính đến tuổi lên tám.Tô mì hôm thì khô không khốc, hôm thì nước nhiều đến mức tôi có cảm giác nếu con Tísún không muốn dìm chết một kẻ thù vô hình nào đó vừa sẩy chân rớt vào trong tô thìhẳn là nó muốn trả thù tôi về những lời quát tháo lúc tôi làm chồng nó cách đó mấyngày.Cũng có lúc con Tí sún gặp hên chế nước sôi vừa phải, nhưng những lúc hiếm hoi nhưvậy bao giờ nó cũng quên bỏ gia vị vô tô mì.Vì tất cả những lẽ đó, tôi chỉ cho phép con Tí sún nấu mì giùm tôi tổng cộng ba lần. Tớilần thứ tư thì tôi gắt (dù lúc này chúng tôi không chơi trò vợ chồng nhưng con Tí súnvẫn ngoan ngoãn nghe lời tôi):- Mày xê ra! Đưa ấm nước sôi đây, tự tao làm!oOoKhi tôi được chín tuổi thì mẹ tôi sinh em bé.22 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhKhi tôi mười bảy tuổi thì em gái tôi lên tám, bằng tuổi con Tí sún lúc tôi gắt nó “xê ra”.Tám tuổi, em gái tôi đã biết nấu cơm, kho cá, quét nhà, rửa chén và biết làm thuần thụchàng đống thứ tội nợ khác.Mẹ tôi bảo:- Con gái là phải biết làm mọi thứ. Mai mốt con lớn lên, con đi lấy chồng, nhìn con khéoléo hay vụng về, người ta sẽ biết mẹ dạy con như thế nào.Mẹ tôi nói giống như người phương Tây sáng tác ngạn ngữ. Người Pháp nói “Bạn hãycho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào!”. Câu nói của mẹ tôicũng đại ý như thế “Bạn hãy cho tôi biết con gái bạn làm việc nhà như thế nào, tôi sẽ nóibạn là ai!”.Đó là cách suy nghĩ của mẹ tôi, cũng là cách suy nghĩ của mọi bà mẹ Việt Nam truyềnthống. Căn cứ theo cách đánh giá này thì rõ ràng mẹ con Tí sún không hề dạy nó bữanào.Mà sự thật là như vậy. Mẹ con Tí sún không hề dạy con.Mẹ nó mất ngay khi nó vừa chào đời. Người ta bảo mẹ nó bị băng huyết.Con Tí sún là đứa mồ côi mẹ và nó chỉ có một con đường duy nhất là học cách nấu ăndở tệ từ ba nó.Tất nhiên vào lúc tám tuổi, tôi chưa có em gái và mẹ tôi chưa có dịp thốt ra những lờivàng ngọc như vậy. Nhưng ngay lúc đó, tôi đã cương quyết sẽ không lấy con Tí sún làmvợ, cho dù hai đứa chắc chắn sẽ cùng lớn lên cạnh nhau từ tuổi ấu thơ đến lúc mỗi đứaphải lập gia đình. Chơi trò vợ chồng và sinh ra thằng Hải cò và con Tủn để mắng chosướng miệng thì được. Còn trở thành vợ chồng thật thì không bao giờ.Tiêu chuẩn người bạn đời của tôi lúc đó chẳng lấy gì làm cao. Chỉ có một tiêu chuẩn bebé thôi: Phải biết nấu mì gói cho tôi ăn. Thế mà tiêu chuẩn bé như con kiến đó, con Tísún cũng chẳng đáp ứng được.Khi đọc tới chỗ này, chắc bạn sẽ mỉm cười: Ối giời, chuyện trẻ con!Nhưng không phải đâu. Khi lớn lên, tôi vẫn thấy chuyện nấu nướng khá là quan trọngtrong đời sống vợ chồng. Tất nhiên chuyện nội trợ chẳng đóng vai trò gì đáng kể trongquá trình yêu nhau giữa một chàng trai và một cô gái. Từ trước đến nay, có hàng ngàncuốn tiểu thuyết Đông Tây kim cổ viết về đề tài tình yêu, nhưng chẳng có cuốn nào đềcập đến một mối tình trong đó chàng yêu nàng vì tài làm bếp hoặc chàng bỏ rơi nàng vìmón súp nàng nấu quá mặn cả. Romeo bất chấp sự hiềm khích giữa hai dòng họ để đeođuổi Juliet chắc chắn không phải vì món chả cá của cô ta. Điều đó chẳng có gì sai, vì các23 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật Ánhnhà văn viết chuyện ái tình chứ đâu có viết chuyện hôn nhân. Do đó tôi vẫn tin rằng mốitình Romeo và Juliet sở dĩ trở nên tuyệt đẹp bởi cả hai đã chết trước khi họ kịp lấy nhauvà nàng Juliet chưa có dịp nấu mì gói cho Romeo.Bạn ngẫm mà xem: Có phải trên thực tế, cho đến khi rước được người đẹp về nhà cácchàng trai gần như không có lấy mảy may cơ hội để đánh giá tài bếp núc của người bạnđời tương lai?Chỗ này cần nói rõ để tránh gây hiểu lầm: Đó là do các chàng trai không quan tâm chứkhông phải các cô gái cố tình giấu giếm. Đang tắm mình trong bầu không khí lãng mạncủa những ngày tháng yêu đương thì cái ăn rõ ràng chỉ là chuyện thứ yếu, thậm chí cònbị xếp vào phạm trù phàm tục. Yêu dứt khoát phải thơ mộng hơn ăn, như trái tim nhấtđịnh phải cao quí hơn dạ dày. Trương Chi thời xưa chắc từng nghĩ thế và Trương Chithời nay cũng không nghĩ khác.Rồi bạn hãy ngẫm tiếp: Có phải khi yêu nhau chàng vẫn thích dẫn nàng đi ăn ở ngoài?Nhiều tiền thì vào nhà hàng sang trọng hoặc khu ăn uống ở các plaza, ít tiền thì vào cácquán ăn bình dân, ít tiền hơn cả ít tiền thì ra ngoài lề đường ngồi lai rai nghêu sò ốc hến.Còn hôm nào rỗng túi thì chàng quyết nằm bẹp ở nhà, với lý do hết sức cao cả “Hômnay anh bận việc cơ quan”. Chẳng chàng trai nào nghĩ đến chuyện rủ người đẹp về nhàbắt nàng nấu cho mình ăn. Các chàng đều nghĩ, rất tự trọng: Ăn là cái quái gì mà quantrọng thế! Người đàng hoàng yêu nhau bằng thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác,chỉ có bọn phàm phu lỗ mãng mới yêu nhau bằng vị giác!Các chàng nghĩ đúng quá, và chẳng chàng trai nào buồn khảo sát tài nấu nướng của kẻsắp phụ trách khâu ẩm thực cho suốt quãng đời còn lại của mình.Mãi đến khi tấm lưới hôn nhân đã giăng ra, người đàn ông khốn khổ đó mới phát hiệnlãnh vực mà chàng chẳng mấy chú ý khi yêu nhau lại là lãnh vực mà chàng phải chạmtrán hàng ngày khi lấy nhau.Khoa nấu nướng vốn xa lạ với đời sống tình yêu lại trở nên mật thiết với đời sống vợchồng. Tài nội trợ của nàng chưa bao giờ được đếm xỉa đến trong những tiêu chuẩn kếtbạn của chàng bỗng nhiên nổi lên như một yếu tố hàng đầu trong việc góp phần vào việccủng cố hay làm tan nát gia đình.Vào một ngày có lẽ là không xa lắm, chàng đau khổ nhận ra chàng phải đối diện với cáibàn ăn trong nhà mỗi ngày tới những ba lần. Nàng có biết nấu mì gói hay không, cáichuyện vặt đó bây giờ bỗng trở thành thiết thân, thường trực và đáng đem ra chì chiếtnhau hơn bao giờ hết.Con Tí sún nấu mì gói cho tôi ba lần tôi đã không chịu nổi (nó nấu một món để người taghê tởm mì gói thì đúng hơn), thế còn bạn, bạn có cam tâm chịu đựng hoàn cảnh tươngtự – không chỉ ba lần hay ba chục lần mà cho đến mãn đời?24 | T r a n gCho tôi xin một vé đi tuổi thơNguyễn Nhật ÁnhNếu bạn thành thực trả lời rằng “không” thì ắt bạn sẽ đồng ý với tôi rằng hạnh phúc đôikhi tan vỡ không hẳn do sự thiếu chung thủy hay do xung đột về tính cách, nó hoàn toàncó thể bắt nguồn từ bàn ăn, thậm chí từ một chén nước mắm!Đó là những gì tôi nghiền ngẫm và đúc kết vào lúc tôi bốn mươi tuổi hay hơn một chút,tức là lúc tôi đã đủ trưởng thành để dành cho những nhu cầu tầm thường của thể xác mộtmối quan tâm ngang với những nhu cầu cao quý của tâm hồn và sẵn sàng coi trọng cảhai.Một thời gian sau nữa, tức là vào lúc tôi viết cuốn sách này, tôi trưởng thành thêm mộtbậc khi phát hiện ra những gì tôi nói huyên thuyên nãy giờ về mối quan hệ keo sơn giữanấu nướng và hạnh phúc, giữa phòng ăn và phòng ngủ thực ra chẳng có gì nghiêm trọnghết.Bởi một lý do hết sức đơn giản: nấu nướng là lãnh vực hoàn toàn có thể học hỏi và tựhoàn thiện mỗi ngày – dĩ nhiên với điều kiện người vợ quyết tâm hoàn thiện để giữkhông cho chồng mình sa vào cái bếp của một người đàn bà khác.Thú thực là tôi hết sức xúc động về phát hiện muộn màng đó, có lẽ không kém gì nỗixúc động của Newton lúc ông phát hiện khi quả táo rơi thì nó rơi trúng đầu mình chứkhông rơi trúng đầu của người ngồi cách đó một cây số hay rơi ngược trở lên ngọn cây.Những khám phá vĩ đại trong cuộc sống xưa nay đều giản dị như vậy. Nhưng khám phácủa tôi vĩ đại nhất ở chỗ nó giúp cho các bà các cô lâu nay vẫn mặc cảm và lo lắng về tàilàm bếp của mình từ giờ trở đi đã có thể ăn ngon ngủ yên.oOoTóm lại, nếu dùng ánh sáng thông thái của hiện tại để soi rọi lại quá khứ thì việc tôiquyết định không lấy con Tí sún làm vợ có thể gọi là một quyết định sai lầm. Bởi vì chođến bây giờ, sau rất nhiều năm vợ chồng con Tí sún sống với nhau mà vẫn chưa tan vỡ,thậm chí còn đẻ sòn sòn mỗi năm một đứa, tôi buộc phải kết luận rằng nó đã cải thiệnđược khả năng làm bếp của mình và rất có thể nó đã trở thành người nấu mì gói ngonnhất thế giới cũng nên.Sai lầm của tôi còn ở chỗ này: nếu đã khắc phục được sự vụng về xảy ra trong khu vựcbếp núc, con Tí sún xứng đáng được coi là mẫu người vợ lý tưởng cho bất cứ chàng traikhó tính nào.Con Tí sún tất nhiên rất siêng năng, rất chịu khó, rất yêu chồng. Nhưng siêng năng, chịukhó và yêu chồng thì trên đời này có hàng mớ. Phẩm chất cao quý nhất, cao quý tột bậccủa nó – cũng là phẩm chất khiến nó có giá trị hơn một người vợ là nó biết nói khi cầnnói, biết im khi cần im, một đức tính hiếm hoi nơi phụ nữ thông thường.25 | T r a n g

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *