Chí Phèo: Khi nghệ thuật là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ kiếp người lầm than

Chí Phèo là một trong những truyện ngắn thành công nhất của nhà văn Nam Cao, tác phẩm có sức sống bền vững theo thời gian, neo đậu vững chắc trong lòng người đọc xuyên suốt năm tháng và là ngôi sao sáng bậc nhất trên bầu trời văn học Việt Nam.

Tác phẩm là bản án đanh thép tố cáo một xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác và mục ruỗng đã dồn người nông dân thấp cổ bé họng vào bước đường cùng, dẫn đến bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật để rồi cuối cùng lại hình thành nên con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Đồng thời, Chí Phèo còn khắc họa thành công hình ảnh người nông dân nghèo bị bần cùng hóa bởi đói kém bám riết, bị chèn ép bởi xã hội cũ khiến cho họ phải đánh mất đi bản chất thiện lương vốn có của mình.

Đôi nét về tác giả Nam Cao và kiệt tác Chí Phèo

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, ông sinh năm 1917 tại huyện Lý Nhân, Hà Nam và mất vào năm 1951 tại Ninh Bình. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX.

Những trang văn của Nam Cao luôn chứa đựng mối quan hoài thường trực về số phận bất hạnh của những người nông dân và người tri thức nghèo bị đói kém bám riết, bị xã hội đương thời chèn ép để rồi cuối cùng lại lạc đi trên bước đường làm người.

Chân dung của nhà văn Nam Cao

Ngòi bút của ông vừa sắc sảo vừa chân thực, trào phúng nhưng không thiếu phần tinh tế. Nam Cao mạnh dạn phân tích và mổ xẻ tất cả, không né tránh như Thạch Lam, không phiến diện như Vũ Trọng Phụng nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo trong văn chương.

Nguyễn Minh Châu từng nhận định về văn chương của ông rằng:

”Trong các trang truyện của Nam Cao, trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra, trước hết là tâm lí, nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người.’’

Những tác phẩm của Nam Cao luôn lột tả cho người đọc thấy được cái bản chất xấu xa của xã hội và nhân tính hủ lậu của con người đương thời.

Bén duyên với nghiệp văn từ năm mười tám tuổi và trong suốt mười lăm năm hành nghề, ông đã để lại cho đời sau một khối lượng tác phẩm khổng lồ từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, tên tuổi Nam Cao gắn liền với những tác phẩm để đời như Sống mòn, Lão Hạc hay Đời thừa.

Tác phẩm Chí Phèo trong tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao

Trong đó không thể không nhắc đến Chí Phèo, một truyện ngắn có sức ảnh hưởng lớn đến văn đàn Việt Nam, đây là tác phẩm đã neo đậu vững chắc trong lòng độc giả qua bao thế hệ.

Chí Phèo ban đầu có tên là Cái lò gạch cũ, xuất bản vào năm 1941 với tên Đôi lứa xứng đôi do Nhà xuất bản Đời mới – Hà Nội tự ý đổi tên. Tác phẩm về sau được Nam Cao đặt tên là Chí Phèo khi in lại trong tập Luống Cày do Hội văn hóa cứu quốc xuất bản vào năm 1946.

Ảnh minh họa cho hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở

Chí Phèo là một tác phẩm thể hiện rõ nét lối đi riêng biệt của Nam Cao trong sự nghiệp văn học, tập trung vào số phận của những người nghèo khổ ở quê hương.

’’Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than.”

Tác phẩm không phải là một truyện ngắn dịu dàng lãng mạn hay cảm động lòng người, Chí Phèo là một tấm gương hiện thực đặt giữa xã hội đương thời, là bản án đanh thép tố cáo xã hội cũ và là một cái nhìn bế tắc cho những kiếp người bất hạnh.

Những tiếng kêu đau khổ của những kiếp người lầm than thoát ra từ trang sách

Tác phẩm mở đầu bằng hàng loạt tiếng chửi của Chí Phèo ngay từ những dòng văn đầu tiên của truyện ngắn, Nam Cao đã để người đọc thấy được chất lưu manh trong con người Chí, ông đẩy hắn ra giữa vở kịch của cuộc đời và để hắn đối thoại với đời bằng câu chửi.

Những tiếng chửi đó dường như mở ra một cuộc đời ảm đạm đầy chua xót của Chí Phèo, xen lẫn trong câu chửi, người ta thấy được cả sự cô độc của hắn. Không một ai đáp lại lời Chí ngoài tiếng sủa của ba con chó dữ, hắn cứ chửi trời, chửi đất và chửi cả cái đứa đã đẻ ra thằng Chí.

Tượng gốm của các nhân vật trong tác phẩm

Còn ai đã đẻ ra Chí Phèo thì hắn không biết, cả làng Vũ đại không ai biết, đó có lẽ là bi kịch đầu tiên của truyện, bi kịch bám riết đời Chí từ khi hắn sinh ra với thân phận một đứa trẻ mồ côi, được người ta nhặt về ở lò gạch cũ và sống lang hết nhà này đến nhà khác trong những năm tháng ấu thơ.

Năm hai mươi tuổi, Chí Phèo đi làm canh điền cho nhà Bá Kiến, chánh tổng hội đồng kỳ hào của làng Vũ Đại. Cụ Bá là người có quyền thế lại tâm cơ, ai cũng nể sợ. Năm đó Chí Phèo ở cho nhà cụ được vợ ba của Bá Kiến thường xuyên gọi lên hầu hạ xoa bóp tay chân.

Chính điều này đã làm nổi lên máu ghen trong lòng Bá Kiến, cụ đã giải Chí Phèo lên quan, để hắn chịu một tội nào đó được sắp đặt sẵn và đi tù tám năm, chính cái nhà tù thực dân ấy đã tiếp tay cho bọn cường hào chèn ép những người nông dân lương thiện.

Chí Phèo rạch mặt ăn vạ trước nhà Bá Kiến

Sau những năm tháng tù đày, Chí trở về với một bộ dạng khác, kinh tởm và gớm ghiếc. Hắn đã đánh mất đi nhân hình cùng nhân tính của mình cho thù hận, để rồi người trở về làng Vũ Đại hôm nay không còn là Chí Phèo nữa mà là một con quỷ dữ khiến ai cũng phải khiếp sợ.

“Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm […]. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”

– Trích đoạn miêu tả Chí Phèo.

Nam Cao khắc họa rõ nét gương mặt của Chí qua từng con chữ như phản ánh một sự thật tàn nhẫn đến đau lòng, chính những bất công cùng sự chèn ép của tầng lớp thống trị trong xã hội cũ đã đẩy một con người thiện lương vào bước đường tha hoá, khiến họ đánh mất đi nhân tính của chính mình.

Chí Phèo từ đây đã bị xã hội cự tuyệt đi quyền làm người, bị loại ra khỏi thế giới vốn dành cho loài người để rồi hắn lại tự biến mình trở thành quỷ dữ của làng Vũ Đại:

“Hắn đã đập nát biết bao nhiêu cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao nhiêu người dân lương thiện.” – Trích đoạn truyện ngắn Chí Phèo.

Ai gặp Chí cũng khiếp sợ và tìm cách lảng tránh, giữa thời buổi loạn lạc đói kém chẳng ai muốn có thêm cho mình một mối phiền phức:

”Ai cũng tránh mặt hắn mỗi lúc hắn qua.” 

Cuộc đời của Chí Phèo trượt dài trong bi kịch, nhuốm đầy bất hạnh và khổ đau. Đời hắn bây giờ không có gì ngoài những tiếng chửi, rượu và vài miếng thịt sống qua ngày, chẳng ai còn được thấy hình ảnh anh Chí hiền như đất khi xưa nữa, thay vào đó là con quỷ gớm ghiếc mà ai cũng xa lánh.

Con quỷ của làng Vũ Đại xuất hiện trên màn ảnh Việt Nam

Vậy mà Bá Kiến đã lợi dụng được con quỷ trong con người Chí Phèo để khiến nó làm việc cho cụ, bằng những lời dụ dỗ ngon ngọt cùng đôi đồng bạc lẻ, Bá Kiến đã thành công trong việc thu Chí về làm tay chân cho mình để hắn đi đòi nợ, đâm thuê chém mướn vào những lúc cần. 

Người ta gọi Chí Phèo là quỷ nhưng chính tầng lớp thống trị cũng như bọn cường hào đương thời mới thực sự là quỷ dữ. Chúng đã ăn mòn đi những mơ ước bình dị, những điều tốt đẹp trong con người của một người nông dân.

Chí Phèo có chăng cũng chỉ là nạn nhân của thời cuộc, của những tội ác mục ruỗng thối nát chất chồng hết lớp này đến lớp khác.

Ánh sáng lương tâm một lần nữa phát sáng nhưng cũng bị hiện thực tàn khốc dập tắt

Trong tận cùng của bế tắc, khi Chí Phèo đã hoàn toàn đánh mất phần người của mình và chỉ còn lại phần con, Nam Cao vẫn nhìn thấy ở đâu đó trong thâm tâm hắn vẫn còn khát khao được yêu thương, mơ ước một lần nữa được hòa nhập lại với thế giới, được sống như một con người thực sự.

Nhân vật Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy

Vậy nên ông đã cho Thị Nở, một người phụ nữ xấu đến ma chê quỷ hờn xuất hiện để khơi dậy phần người trong sâu thẳm của Chí Phèo.

“Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công; nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má hóp vào mới thật là tai hại, nếu má phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn… Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi; có lẽ vì cố qua quá cho nên chúng nứt nở như rạn rạ. Đã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bôi cho dày thêm một lần, cũng may chất trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách.”

– Trích đoạn miêu tả Thị Nở.

Chính đêm ăn nằm như vợ chồng ấy cùng những ngày tháng ở bên Thị, bên bát cháo hành nghi ngút khói đã khiến Chí như thức tỉnh khỏi giấc mộng tăm tối của đời mình.

Sau những ngày tháng bị hắt hủi và miệt thị bởi số đông loài người ngoài kia, Thị Nở là người đầu tiên khiến Chí Phèo cảm nhận được sự yêu thương, giúp hắn nhìn ra được cuộc đời vẫn còn ý nghĩa.

Sự xuất hiện của Thị Nở là một bước ngoặt độc đáo đầy tính nhân văn của Chí Phèo, Nam Cao xây dựng Thị là một con người xấu xí không phải để miệt thị mà nhằm làm nổi bật lên nội tâm đầy tình thương của Nở.

Bát cháo hành đổi lấy sự lương thiện của một con quỷ

Chính Thị đã nhìn ra một con người khác của Chí Phèo mà không ai trong làng Vũ Đại có thể thấy được, như cách lời văn của Nam cao đã miêu tả.

”Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người.”

Những tưởng cuộc sống của Chí đã khởi sắc sau ngày gặp Thị và từ đây hắn có thể quay trở về trên con đường làm người nhưng tất cả đã vỡ nát ngay sau khi bà cô của Thị Nở xuất hiện.

Nhân vật bà cô là điển hình cho hình tượng người nông dân sống ở làng quê nông thôn Bắc Bộ trước Cách mạng tháng Tám, đó là một xã hội tha hóa về mọi mặt, từ quyền lực đến cả nhân cách của con người.

Sống giữa thời kỳ loạn lạc ấy khiến người ta quẩn quanh bế tắc trong sự nghèo đói, làm họ trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn hơn với chính mình và cả những người xung quanh.

Cái định kiến hẹp hòi về xuất thân, nguồn gốc và quá khứ có sức ảnh hưởng ghê gớm đến suy nghĩ của con người, chính những định kiến đó đã dựng nên một bức tường cách trở Chí Phèo với thế giới loài người.

Kể cả khi Chí được Thị Nở tái sinh bằng tình yêu khiến hắn thèm làm người, khát khao được hòa nhập với mọi người đến thế nào thì cũng không thể vượt qua được bức tường ấy.

Bằng một câu nói, bà cô trong tác phẩm đã dập tắt đi tất cả hy vọng của Chí Phèo, khiến hắn rơi vào vực sâu tuyệt vọng, mất đi hoàn toàn tư cách được làm người.

“Đàn ông chết hết cả rồi sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy một thằng chỉ có một nghề là đi rạch mặt ra ăn vạ.” – Câu nói của bà cô trong truyện ngắn.

Để rồi cuối cùng, Chí Phèo đã đi gặp Bá Kiến để đòi lại lương thiện, thứ mà mỗi con người sinh ra đều mang sẵn trong người. Bi thảm thay những kiếp người đã đánh mất đi nhân tính của mình vào nghèo đói và tay bọn cường hào.

”Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa.” – Câu chất vấn đầy ám ảnh của Chí Phèo.

Chí Phèo giết Bá Kiến và cũng kết liễu đời mình, đó có lẽ là sự giải thoát cho Chí khỏi cuộc đời tăm tối, khổ đau cùng bất hạnh. Cái chết của hai nhân vật mang nhiều tầng ý nghĩa mà Nam Cao đã gửi gắm.

Chí Phèo là bản án đanh thép tố cáo bộ mặt xấu xa của xã hội cũ

Nó vừa tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến thối nát đã bức người nông dân đến cùng đường tuyệt lộ, vừa nêu lên ý thức phản kháng của tầng lớp thấp, dù cho sự phản kháng này là đơn độc và liều lĩnh.

Bá Kiến chết trong những tội lỗi mà hắn gây ra, còn Chí Phèo chết trong thân xác một người cố nông đáng thương lại đáng trách, đến lúc gục xuống bên vũng máu của mình vẫn chưa đòi lại được sự lương thiện.

Nhưng chưa dừng lại ở đấy, bi kịch lại càng tiếp nối bi kịch khi Thị Nở bỗng nhớ đến đêm ăn nằm với Chí Phèo và nhìn xuống bụng của mình, rồi nghĩ:

– Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào? 

Câu hỏi của Thị không có lời hồi đáp, nó như một chuỗi bi kịch không cách nào kết thúc. Để rồi mai đây vẫn nơi lò gạch cũ ấy, một Chí Phèo con lại ra đời và cũng là lúc một con quỷ nữa được hình thành.

Chí Phèo là vàng được đãi trên dòng sông hiện thực

Người nông dân nghèo luôn là chủ đề mà các nhà văn đương thời hướng ngòi bút đến, tuy nhiên Nam Cao vẫn để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả qua lối văn riêng biệt của mình, với ông:

’’Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…’’

Vì vậy có thể nói Chí Phèo chính là vàng được đãi từ dòng sông hiện thực đã qua tay bao nhà văn đi trước, tuy nhiên tác phẩm không vì thế mà đi theo khuôn mòn của chủ đề người nông dẫn mà đã đột phá theo cách riêng để trở thành một kiệt tác.

Tác phẩm Chí Phèo được dựng thành kịch biểu diễn trên sân khấu

Chính điều đó đã giúp cho tác phẩm trở thành một áng văn chương bất hủ neo đậu vững chắc trong lòng người đọc muôn đời.

Hình ảnh Chí Phèo đã vượt ra khỏi những trang văn, chạm vào đời sống con người và tái hiện lại cho chúng ta thấy một hiện thực tàn khốc do xã hội đương thời gây nên và đã trở thành một áng văn điển hình.

Tác phẩm chính là giọng nói riêng của Nam Cao, một chất giọng tàn nhẫn chua chát nhưng ẩn sâu bên trong là sự ấm nóng của tình thương mà không tìm được ở bất kỳ nhà văn nào khác.

Chí Phèo được chuyển thể thành tiểu phẩm hài

Không dừng lại ở đó, Chí Phèo còn kết hợp với hai tác phẩm lớn của Nam Cao là Lão Hạc và Sống mòn để chuyển thể thành phim lấy tên là Làng Vũ Đại ngày ấy, bộ phim đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả cả nước trong suốt một thời gian dài.

Giá trị của văn phẩm Chí Phèo vươn tầm thế giới

Được mệnh danh là vàng đãi từ dòng sông hiện thực, Chí Phèo luôn mang trong mình trong mình một giá trị sâu sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật, chính sự tàn khốc của hiện thực cùng tính nhân văn cao cả đã khiến văn phẩm trở thành một kiệt tác của văn đàn Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, giá trị mà tác phẩm mang lại đã vượt xa khỏi biên giới văn học Việt mà vươn tầm thế giới, Chí Phèo được ra mắt bạn đọc nước ngoài bởi NXB Đại học Oxford nổi danh thế giới, chỉ đứng sau Đại học Cambridge.

Trước đó, NXB này từng cho ra đời tuyển tập The light of the capital: Three modern Vietnamese classics bao gồm các văn phẩm nổi danh bậc nhất của nền văn học hiện thực đầu thế kỷ XX như Tam Lang (Tôi kéo xe), Nguyên Hồng (Những ngày thơ ấu) hay Vũ Trọng Phụng (Cơm thầy cơm cô)

Không chỉ dừng lại ở nước Anh, Chí Phèo còn được dịch sang tiếng Pháp với với tên Chi Pheo, paria casse cou: et autres nouve, ngoài sử dụng làm tài liệu tham khảo luận văn tiến sĩ ở Đại học Tây Úc và Victoria ở nước Úc. Bên cạnh đó, văn phẩm còn được trưng bày ở thư viện của trường Đại học Stanford danh giá của Mỹ.

Ngoài ra, Chí Phèo cũng được so sánh với các văn phẩm khác như AQ chính truyện của Lỗ Tấn và Những người cùng khổ của Victo Hugo

Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã thể hiện niềm tin tuyệt đối vào bản tính lương thiện của con người, đồng thời cũng khẳng định rõ ràng một điều rằng nghệ thuật không phải ánh trăng lừa dối, nghệ thuật là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp người lầm than.

Chí Phèo chính là con diều lớn nhờ ngọn gió hiện thực mà bay cao, bay xa trên bầu trời văn học, trở thành một điểm sáng nổi bật giữa văn đàn Việt Nam.

Diệu Uyển

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *