Lâu nay tôi vẫn ăn chuối, thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy cây chuối, buồng chuối mà không hay biết cây chuối chính là hình ảnh tượng trưng cho sự hy sinh.
Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở thành phố nên không biết nhiều về các loại cây trái, đặc biệt là cây chuối.
Một lần khi đang đi cùng với bố, tôi nhìn thấy một cây chuối đang trổ buồng, liền hỏi:
“Bố ơi, trong cuộc đời của một cây chuối nó sinh ra được bao nhiều buồng vậy bố?”
“Chỉ một buồng duy nhất!”, ông trả lời.
Tôi đã vô cùng ngạc nhiên về câu trả lời này của bố.
Bởi trước đó tôi cứ đinh ninh rằng, trong cuộc đời của mình thì một cây chuối ít nhất cũng phải cho ra đến vài buồng.
“Khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi con à!”, bố tôi nói tiếp.
Buồng quả càng lớn thì cây chuối mẹ ngày càng già, yếu đi – Ảnh chụp tại nông trại chuối già Nam Mỹ của Union Trading tại Bình Phước
Về sau, tôi có dịp quan sát một cây chuối đang mang trên mình một buồng quả đang chín trĩu nặng.
Lá của cây chuối này trông héo rũ và xác xơ, thân của nó oằn xuống như sắp gãy đổ tới nơi…
Một thời gian ngắn sau đó, khi mà buồng chuối đã chín hoàn toàn, cây chuối mẹ đã ngã gục hẳn xuống đất.
Và rồi tôi biết rằng trong quá trình trổ rồi nuôi dưỡng buồng chuối, cây chuối mẹ đã hy sinh tất cả những phần tinh túy nhất của mình.
Chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá của cây chuối mẹ đều được dồn vào những quả chuối đến chúng được chín, thơm, ngọt và ngon.
Dưới chân cây chuối mẹ là những cây chuối con tiếp tục vươn lên – Ảnh chụp tại nông trại chuối già Nam Mỹ của Union Trading tại Bình Phước
Hóa ra lâu nay hằng ngày tôi vẫn ăn chuối và thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy cây chuối, buồng chuối mà không hề hay biết vòng đời của cây chuối chính là hình ảnh tuyệt đẹp, tượng trưng cho sự hy sinh cao cả.
Và nếu như bạn để ý, dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi là chồi non của một hay vài cây chuối con mới mẻ đang vươn lên, vươn lên…
Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu…
Media Team (sưu tầm)