Đừng nói cuộc đời bất công, bạn mới là người chưa hiểu đạo lý của cuộc sống. Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng, bạn sẽ ngừng than vãn mỗi ngày khi đọc xong bài viết này!
Cô con gái chạy vào đổ gục người lên lòng ông bố khóc nức nở:
– Sao đời bất công với con quá, hu hu…
Ông bố mỉm cười vuốt tóc cô con gái, đỡ cô ngồi dậy đàng hoàng, rồi hỏi:
– Con bình tĩnh kể hết cho bố nghe xem.
Cô gái vừa khóc vừa kể:
– Căn nhà con tâm huyết xây dựng cho đẹp bây giờ nằm trong diện giải tỏa.
– Nghe khó chịu thật.
– Thằng chồng con yêu thương hết mực bây giờ đòi li dị chia tài sản.
– Láo nhỉ.
– Thằng con trai con yêu nó hơn bản thân mình thì đòi theo bố nó nếu li dị.
– Bực thật đấy.
– Công ty do con lập nên bây giờ bọn chúng đòi gạt con ra với lý do con điều hành yếu kém.
– Chẳng vui chút nào.
– Ban tổ chức cuộc thi phụ nữ thanh lịch của tỉnh đòi xét lại danh hiệu phụ nữ ưu tú mà con giành được 2 năm trước với lý do con gây gổ bất hòa với hàng xóm, hu hu.
Ông bố thong thả nói:
– Thật ra bố chờ đợi ngày này lâu rồi.
– Cái gì – cô gái quắc mắt nhìn bố – bố cũng muốn bất công với con à?
Ông bố ôn tồn nói:
– Chừng nào con tuyệt vọng hết đường đi thì bố mới nói con nghe được. Bây giờ thì bố nói chút xíu cũng được. Con không bao giờ thấy mình đã đối xử bất công với mọi người chung quanh con thế nào đâu. Mẹ con suýt li dị bố vì bố cứ bênh con mà con thì cứ ăn nói hỗn hào với mẹ. Chồng con thì con nạt nộ như đầy tớ của mình. Đứa con trai của con thì con ép nó sống theo ý của con. Công ty của con chuyên tìm cách trốn thuế dù con đòi hỏi quốc gia này phải giàu đẹp như Nhật. Con chưa bao giờ tặng biếu hàng xóm quà cáp gì cả, nhưng cứ đòi họ phải tôn trọng mình. Ai xúc phạm con một chút thì con nhảy lên tới nóc nhà, nhưng con thì thường xuyên đay nghiến mọi người. Con chưa bao giờ sống công bằng cả, con luôn giành phần hơn cho mình. Mà đạo lý trên đời này thì phải sống thiệt thòi một chút để nhường nhịn cho mọi người được vui. Con thì bắt mọi người thiệt thòi để cho con được hả dạ.
Thật ra đời chưa bất công với con đâu, đời mới bắt đầu đòi sự công bằng của nó mà thôi.
Cô gái gào lên:
– Trời ơi, cả bố cũng hất hủi con à, hu hu…
Ta hay đòi hỏi cuộc đời phải tốt cho mình mà quên rằng mình phải tốt cho cuộc đời trước. Ta trách móc hàng xóm tệ bạc, chính quyền ăn hại, bố mẹ dốt nát, bạn bè xỏ lá, thầy cô lười biếng, bác sĩ ngu ngốc… nhưng thật sự chính ta mới là người đáng trách hơn cả. Ta cực kì ích kỷ, chỉ biết lợi cho mình, chỉ biết thỏa mãn tự ái của mình mà thôi.
Ta chưa bao giờ yêu mến hàng xóm láng giềng, ta chưa bao giờ hiểu được áp lực kinh khủng của người lãnh đạo, ta chưa bao giờ thông cảm nỗi cực khổ của bố mẹ, ta chưa bao giờ thật lòng giúp đỡ bạn bè, ta chưa bao giờ yêu kính thầy cô, chưa bao giờ hiểu sự vất vả của người thầy thuốc… Ai ta cũng dễ dàng chê trách, nhưng bản thân mình thì chẳng đóng góp được gì có ý nghĩa cho cuộc đời này.
Khi ta gặp bất trắc thì sẽ có đủ thứ người cho ta nguyền rủa. Nhưng nếu ta thoát ra khỏi ta, nhìn lại ta như nhìn một người ngoài, ta sẽ kinh ngạc sao lại có một người bất công quá đáng như thế. Thuế thì trốn mà đòi đường sá phải rộng đẹp. Gặp ai cũng giương mắt nhìn mà đòi người ta phải mỉm cười thân ái với mình. Gặp cướp thì kêu cảnh sát ơi ới nhưng bình thường thì hùa theo bọn xấu để công kích chính quyền. Bất cứ giờ nào vào bệnh viện thì phải có mặt bác sĩ hăng say tận tình chữa trị, nhưng bác sĩ mà mệt mỏi thiếp đi thì chụp hình đưa lên Facebook để bêu riếu ngay… Ta chưa hề công bằng với ai cả. Và nếu có gì không phải xảy đến cho ta, thì đó chỉ là cuộc đời bắt đầu đòi lại sự công bằng của nó mà thôi.
Nguồn: Nền tảng đạo đức