Cần chuẩn bị gì trước khi trẻ vào lớp 1? – Trường tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội

Cần chuẩn bị gì trước khi trẻ vào lớp 1?

Vì “chạy đua” để con biết trước kiến thức, nhiều phụ huynh quên mất rằng vào lớp 1, trẻ cần sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý một cách kỹ càng vì ở môi trường mới có rất nhiều lý do, tình huống dẫn đến việc sợ đi học ở trẻ.

Rành chữ vẫn hoảng loạn khi đi học

Đến bây giờ, chị N.M.Giang, có con đang theo tại một trường tiểu học ở Q. Gò Vấp (TPHCM) vẫn day dứt vì quyết định cho con nghỉ học lớp lá để đầu tư luyện chữ mà theo chị đó là bước đệm để vào lớp 1.

Được học tại một trung tâm luyện chữ có tiếng trong thời gian dài nên người mẹ này vô cùng tự hào khi con đã đọc và viết chữ vanh vách khi các trẻ khác mới bắt đầu “a, o, b, c…”. Chị dồn hết thời gian cho con luyện chữ, làm toán của với lời động viên: “Con mẹ biết hết thế này, đảm bảo khi đi học nhất lớp”.

Nhưng điều đó đã không xảy ra vì chỉ vài tuần vào lớp 1, chưa kịp thể hiện “tài nghệ” về chữ viết, ở cháu đã xuất hiện tình trạng sợ trường lớp, sợ bạn bè… nhất quyết không chịu đến trường. Vào lớp cháu liên tục nôn ói, tè dầm… Sau đó, gia đình mới phát hiện ra cháu sợ một cậu bạn cao to nhất trong lớp thường hay bắt nạt bạn bè cũng như không biết xử lý khi đi vệ sinh ở trường nên lâu nay vẫn nhịn.

Lúc này chị Giang mới nhận ra con mình chỉ chữ mà thiếu đi các kỹ năng như giao tiếp với bạn bè, tự chăm sóc bản thân cũng chia sẻ với bố mẹ về trường lớp. Được kỳ vọng nhưng sau việc học không như mong  muốn, cháu càng bị hoảng loạn, chị buộc phải đưa con đến bác sĩ tâm lý.

Ngược lại, chị N.T.M.N., có con đang học tại Trường tiểu học Cao Bá Quát (Phú Nhuận, TPHCM) cho hay, con mình không hề học chữ trước khi vào lớp 1. Mới đầu cháu có chậm hơn bạn bè, thậm chí cô giáo cũng nhắc cháu phải luyện chữ thêm nhưng chị vẫn không tạo cho con áp lực, về nhà kèm thêm cho con rất nhẹ nhàng.

“Năm đầu tiên cháu kém hơn các bạn, nói thật mình cũng lo nhưng cố gạt đi, miễn sao con thích đi học, không gặp những khó khăn khi ở trường. Bây giờ cháu học lớp 3, đã phát triển bình thường như bao bạn bè. Vợ chồng tôi luôn cố gắng không đặt nặng điểm số của con vì thế cháu cũng không đi học thêm mà không phải lo ngại cô giáo này nọ”, chị N. nói.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3, TPHCM cho hay, thực tế nhiều phụ huynh (PH) cho con nghỉ lớp lá đi luyện chữ để vào lớp 1. Họ coi nhẹ việc hình thành các phẩm chất về sức khỏe, trí tuệ, ngôn ngữ, tình cảm và quan hệ xã hội ở mẫu giáo mà không biết rằng đó chính là tiền đề quan trọng nhất cho trẻ vào lớp 1. GV hai bậc học này không thể làm thay công việc cho nhau.

Về điều này, GV lớp 1 tại trường tiểu học ở Q. Gò Vấp bày tỏ, về kiến thức, GV là người có trách nhiệm giúp HS học đảm bảo chương trình nhưng về việc chuẩn bị tâm lý, các kỹ năng chăm sóc bản thân như đi vệ sinh, ăn uống… nằm ngoài khả năng của họ.

“Các em biết chữ nhưng các em không thích nghi được với đồ ăn ở trường, không biết thay quần áo, không tự đi vệ sinh… Chuyện tưởng rất nhỏ nhưng nhiều em sợ đi học, không có hứng thú với việc học là vì những lý do đó chứ không phải vì không biết chữ. Điều này các em phải được chuẩn bị từ gia đình và trường mầm non”, GV này nhấn mạnh.

Quan trọng nhất là hứng thú đến trường

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 1, cô Nguyễn Thị Thu Vân, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TPHCM) cho hay, không ít trẻ biết chữ trước khi đến trường nhưng không thích nghi được với trường lớp, thậm chí tâm lý các em bị khủng hoảng.

“Điều quan trọng nhất khi trẻ vào lớp 1 là các em được chuẩn bị về tâm lý, làm quen với môi trường học tập mới để các em có sự hứng thú với việc học không phải là sự chuẩn bị về chữ viết”, cô Vân khẳng định.

Cô Vân cho biết, tại các trường tiểu học, các em sẽ có thời gian làm quen trước khi vào học chính thức. Trong một lớp có trẻ biết chữ trước và trẻ chưa biết chữ, GV sẽ dạy theo phương pháp cá thể hóa để làm sao cho trẻ đã biết chữ không bị nhàm chán, còn trẻ chưa biết chữ không có tâm lý sợ hãi. Vì thế PH đừng nặng nề chuyện con mình phải biết chữ trước mà bỏ qua các khâu chuẩn bị cần thiết về sức khỏe, tâm lý cho các em.

Ở góc độ nhà tâm lý, chuyên gia Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý Trẻ) cho hay, trẻ không cần phải học chữ trước khi khi vào lớp 1 vì kiến thức các nhà khoa học đã sắp xếp phù hợp với độ tuổi. Trẻ học trước nhưng vẫn thua kém bạn bè cũng là điều dễ hiểu vì các em lo “nhồi nhét” học chữ, bỏ qua chuẩn bị sức khỏe, tâm lý sẵn sàng cho việc học.

Ngày đầu đến trường trẻ phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong quan hệ bạn bè, thầy cô, giờ giấc, tự chăm sóc bản thân, ăn uống… Tất cả mọi thứ trẻ cần được chuẩn bị trước. Nhưng nhiều PH chỉ chăm chăm sao cho con mình bằng bạn bằng bè, thậm chí phải hơn con người khác nên ép trẻ “chín non” dù biết rằng tâm lý của sẽ chưa sẵn sàng. Trong khi chỉ cần có sức khỏe đảm bảo, tâm lý vững vàng thì những kiến thức ở lớp 1 không hề nặng nề với đứa trẻ 6 tuổi.

“Bị ép học trước tuổi sẽ sẽ rất dễ bị stress, dẫn đến sợ hãi. Mà tâm lý con người, khi sợ điều gì người ta sẽ né tránh”, bà Huệ cho hay.

Theo bà Huệ, PH nên hiểu rằng, thật ra kiến thức trẻ được học ngay từ nhỏ qua những bài hát, những câu chuyện, hiện tượng xung quanh… những hình thức tiếp nhận phù hợp với độ tuổi chứ không chỉ duy nhất bộ sách giáo khoa mới là công cụ để con học kiến thức.

Hoài Nam
(Theo tinmoi.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *