Bạn có thể ăn một miếng chuối hoặc bánh mì nhúng nước; uống một thìa dầu ô liu, giấm táo… để có thể tống xương cá ra ngoài hoặc đi xuống dưới dạ dày.
Xương cá rất nhỏ và có thể dễ bị sót khi chế biến cá hoặc nhai. Nhiều người có thể bị hóc xương cá do vô tình ăn phải nó. Hóc xương cá có thể khiến bạn đau họng hoặc không đau nhưng gây khó chịu, tâm lý hoảng sợ, nhất là với trẻ nhỏ. Một số gợi ý dưới đây có thể giúp bạn xử trí hóc xương nhẹ và tình trạng không nguy hiểm tại nhà.
Dùng dầu ô liu
Dầu ô liu là một chất bôi trơn tự nhiên. Nếu bạn bị hóc xương cá trong cổ họng có thể thử uống một hoặc hai thìa canh dầu ô liu. Nó sẽ bao phủ niêm mạc cổ họng và xương giúp bạn dễ dàng nuốt xương cá hoặc ho ra.
Ăn chuối
Một số người nhận thấy chuối có thể dính lấy xương cá và kéo xương xuống dạ dày. Bạn có thể thử cắn một miếng chuối lớn và ngậm trong miệng ít nhất một phút. Điều này sẽ giúp chuối có cơ hội thấm một ít nước bọt và sau đó thì nuốt nó.
Ăn chuối giúp xương cá đang mắc kẹt ở cổ họng có thể trôi xuống. Ảnh: Freepik
Ăn bánh mì nhúng nước
Nhúng bánh mì vào nước cũng là một mẹo hữu ích. Bạn ngậm một miếng bánh mì trong nước khoảng một phút, sau đó cắn một miếng lớn và nuốt toàn bộ. Phương pháp này tạo trọng lượng lên xương cá và đẩy nó xuống dưới.
Ăn bánh mì và bơ đậu phộng
Bánh mì phủ bơ đậu phộng cổ thể giúp bám lấy xương cá và đẩy nó xuống dạ dày. Bạn cắn một miếng lớn bánh mì và bơ đậu phộng, ngậm trong miệng đế nó mềm ra trước khi nuốt.
Dùng soda
Một số người thử sử dụng soda hoặc đồ uống có ga để phá vỡ xương. Khi soda đi vào dạ dày, nó sẽ giải phóng khí. Những khí này có thể phân hủy xương hoặc tạo áp lực có thể làm xương bị vỡ ra.
Dùng giấm
Giấm rất chua. Uống giấm có thể làm xương cá mềm và dễ nuốt hơn. Bạn có thể thử pha loãng hai thìa giấm trong một cốc nước hoặc uống trực tiếp một thìa. Giấm táo là lựa chọn tốt và bạn có thể pha thêm chút mật ong để tăng thêm hương vị, dễ uống.
Ăn kẹo dẻo
Ăn một viên kẹo dẻo cũng là gợi ý để xử trí khi bị hóc xương. Bạn nhai kẹo marshmallow vừa đủ mềm, sau đó nuốt nó. Kẹo dẻo có thể dính bám vào xương hoặc nới lỏng nó và đưa xuống dạ dày.
Phần lớn xương cá mắc kẹt ngay sau họng, xung quanh amidan. Bạn cố gắng ho mạnh để tống xương cá ra khỏi ra cổ họng. Nếu đã thử các biện pháp trên nhưng xương cá vẫn còn ở trong cổ họng thì bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ có phương pháp xử lý phù hợp. Nếu xương vẫn mắc kẹt trong thực quản hoặc một nơi nào đó trong đường tiêu hóa, nó có thể dẫn đến một số biến chứng rách thực quản, áp xe… Tuy nhiên, những tình huống này hiếm khi đe dọa đến tính mạng.
Trường hợp bạn nghĩ đã loại bỏ được xương cá tại nhà nhưng vài ngày sau thấy có những dấu hiệu như đau ở ngực, sưng hoặc bầm tím, không thể ăn uống, chảy nước dãi… thì nên đến bệnh viện ngay lập tức.
Vô tình nuốt phải xương cá là điều có thể tránh khỏi. Một số người có nguy cơ mắc nghẹn thức ăn cao như có thói quen ăn quá nhanh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có răng giả, người bị bệnh thần kinh như bại não…
Để giảm nguy cơ hóc xương, người nội trợ nên loại bỏ xương trước khi nấu. Tuy nhiên, vì nhiều xương rất nhỏ nên khó có thể xác định được vị trí và loại bỏ tất cả chúng. Phụ huynh có thể cho con ăn cá phi lê. Trong quá trình ăn, mọi người nên ăn chậm, nhai kỹ. Cha mẹ cũng nên hình thành cho con thói quen tốt này.
Kim Uyên
(Theo Healthline, Medical News Today)