Cách trồng măng tây cho người mới bắt đầu hiệu quả, năng suất
Măng tây dần trở nên phổ biến ở nước ta bởi có hàm lượng giàu dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe. Cùng Bách hoá XANH tìm hiểu về loài cây này nhé!
Ở Việt Nam, cây măng tây được sử dụng nhiều trong chế biến các món ăn không chỉ nhờ hương vị thơm ngon mà còn vì nguồn dinh dưỡng dồi dào mà nó mang lại.
Vậy măng tây thực sự đem lại những lợi ích gì cho cơ thể? Có những điều gì cần lưu ý khi sử dụng măng tây không? Đừng bỏ qua bài viết nếu bạn muốn giải đáp những thắc mắc trên nhé!
1 Giới thiệu về cây măng tây
Cây măng tây có tên khoa học là Asparagus Officinalis, thuộc loại thực vật lâu năm và có nguồn gốc từ các nước châu u, Bắc Phi và Tây Á. Loài cây này đã du nhập vào nước ta từ những năm 1960 và được trồng nhiều ở vùng Đông Anh (Hà Nội), Kiến An (Hải Phòng) hay Đức Trọng (Lâm Đồng).
Măng tây có thân dày, xốp, có màu nâu sáng và đường kính khoảng 5-6mm. Đặc biệt thân cây mọc ngầm trong đất, mang nhiều rễ dài nên thường được gọi là thân rễ. Phần thân vươn lên trên mặt đất sẽ có lá hình kim. Măng tây cũng có hoa, nhưng hoa rất nhỏ chỉ dài dài khoảng 6mm, có màu lục, hình chuông và mọc thành từng nhóm 4-6 hoa ở nách lá. Quả măng tây có hình cầu, dày và màu đỏ đặc trưng.
Măng tây có thể được phân loại theo 3 màu sắc phổ biến: Măng tây trắng, măng tây tím và măng tây xanh. Trong đó, loại cây màu tím chứa nhiều chất anthocyanins và photochemical, giúp mang lại màu tím độc đáo. Còn măng tây xanh khi được trồng ở khu vực hạn chế ánh sáng và không thể hấp thụ đủ chất diệp lục sẽ tạo ra loại măng tây trắng.
Tham khảo: Măng tây là gì? Cách chế biến, bảo quản, tác dụng của măng tây
2Những điều cần biết khi trồng măng tây
Thời vụ trồng măng tây
Măng tây được gieo trồng tốt nhất là vào vụ thu đông từ cuối tháng 8 – tháng 3 và vụ xuân hè từ cuối tháng 2 – tháng 6 dương lịch.
Điều kiện nhiệt độ trồng măng tây
Măng tây là loại cây phát triển tốt khi ở trong môi trường khí hậu mát, ưa nắng và cần được tưới nhiều nước, nhưng lại chịu rét và ngập úng kém, vào điều kiện trời nắng nóng thì măng tây cũng khó sinh trưởng tốt. Nhiệt độ thích hợp nhất để trồng măng tây là khoảng 25 – 30°C.
Điều kiện đất trồng măng tây
Đất trồng măng tây cũng phải có mực nước ngầm thấp trên 1,5m. Đất phải tiêu nước tốt, không bị dí dẽ, ngập úng vào mùa mưa. Đất phù sa ven sông, đất thịt nhẹ, đất cát ven biển được xem là những loại đất phù hợp để trồng măng tây.
Khu vực trồng măng tây cần phải được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nếu thiếu nắng và thiếu ánh sáng sẽ khiến cây sinh trưởng chậm và năng suất cũng như chất lượng măng tây thấp.
3 Cách trồng măng tây
Cách trồng măng tây cũng khá đơn giản. Bạn có thể thu hoạch sau 6 tháng và duy trì thu hoạch trong 4-8 năm tiếp theo. Thời điểm vàng để thu hoạch măng tây là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.
Trồng bằng hạt
Đầu tiên, hạt giống cần được ngâm với nước ấm (tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh) trong khoảng 12 giờ. Sau đó, bạn vớt ra để ráo rồi đem ủ trong khăn/vải khoảng 9-12 ngày để hạt nứt nanh. Tiếp đó, bạn đem ươm hạt giống vào bầu hoặc trồng trực tiếp ra đất vườn ươm.
Nếu ươm vào bầu, bạn nên chọn bao polyetylen có kích thước 7×12 cm và đục sẵn lỗ thoát nước dưới đáy. Cho vào bầu với đất sạch, tro trấu và phân chuồng hoai mục (theo tỷ lệ 3 đất : 1 phân), rồi dùng que chọc 1 lỗ sâu 0,5 – 1cm để cho hạt giống vào và nhẹ nhàng lấp kín lại.
Giai đoạn này, cứ sau 12 đến 15 tiếng, bạn cần tưới nước ấm bằng bình phun tưới hoặc hệ thống phun mưa để tránh làm hạt xê dịch. Ngoài ra, bạn nên dùng giàn che để hạn chế tác động của nắng mưa. Cây sẽ nảy mầm và phát triển sau khoảng 7 ngày gieo trồng.
Trồng bằng cây
Nếu lựa chọn trồng măng tây bằng cây, bạn có thể bỏ qua quá trình khoảng 15 ngày ươm hạt. Tuy nhiên, bạn cần xử lý đất 1 tháng trước khi trồng.
Đầu tiên, đất cần được xới tới độ sâu 40 – 50cm, để thân cây măng tây có thể mọc rễ. Bạn cũng cần dọn sạch cỏ và phun thuốc diệt trừ sâu bệnh.
Trước 15-10 ngày ươm, đất trồng nên được bón 7-8kg vôi bột, bón lót 150kg phân vi sinh hoặc phần chuồng ủ hoại mục và 4-5kg phân lân/100m2.
Sau đó, bạn cần bổ luống cao 20-25cm, chiều rộng từ 0,8 – 1m để chống ngập úng. Mỗi luống cách nhau tối thiểu 90cm để tạo rãnh thoát nước ở giữa.
Khi trồng cây, bạn đào các hố sâu khoảng 20-30cm để thân cây có thể bén rễ, đồng thời hố cách hố 40-50cm để đảm bảo cây có đủ không gian và đủ chất dinh dưỡng để phát triển.
Lưu ý: Về nhiệt độ, cây măng tây sẽ phát triển tốt ở nơi nhiều ánh sáng và vùng nhiệt độ từ 15-30 độ C. Vì vậy, bạn nên duy trì nhiệt độ ở mức lý tưởng nhất là 25 độ C.
Cách bón phân cho măng tây
Về phân bón, sau khi trồng cây 15-20 ngày, bạn có thể bón thúc cây bằng cách pha hợp chất NPK 15-15-15 với nước rồi tưới vào gốc cây.
Sau đó, cứ cách 10-15 ngày, bạn tiếp tục bón thúc bằng NPK với tỷ lệ 16-16-8 và kết hợp với các loại phân bón vi sinh khác. Bạn nên dừng bón phân khi còn cách thời điểm thu hoạch tầm 15 ngày.
4Kỹ thuật chăm sóc măng tây
Về tưới tiêu, vào mùa nắng, bạn nên tưới nước thường xuyên và phủ thêm rơm rạ, tro trấu hay xơ dừa để giữ ẩm và tránh để đất khô cằn. Bên cạnh đó, bạn không nên tưới cây sau 17h để tránh làm hư các mầm măng mới nhú.
Còn vào mùa mưa, bạn nên thường xuyên kiểm tra rãnh thoát nước, tránh tình trạng ngập úng để cây không thối rễ.
5Phòng ngừa sâu bệnh cho cây
Về sâu bệnh, măng tây có thể mắc các loại sâu/bệnh như: Sâu xanh, sâu đất, các loại rệp, bọ trĩ và các loại nấm/virus gây thối rễ cây. Để ngăn ngừa các loại sâu và rầy rẹp, bạn nên thường xuyên dọn sạch cỏ, tỉa bỏ lá hư/già và làm ẩm đất.
Trong trường hợp cây bị nấm và virus tấn công, bạn cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Kasai, Carban, Carbenzim, Daconil, Wofatox,…
6Thu hoạch cây măng tây
Về thu hoạch măng tây, bạn nên thu hoạch vào buổi sáng sớm từ 4-9 giờ sáng sau 6-9 tháng trồng cây. Bạn chỉ cần dùng tay xoay nhẹ gốc măng thì chồi măng sẽ dễ dàng tách ra. Ngay khi thu hoạch xong, măng cây cần được được ngay vào nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc ánh mặt trời.
Bạn có thể thu hoạch liên tục trong 15 ngày, sau đó tạm dừng để tiếp tục bón phân và cung cấp dinh dưỡng cho cây. Sau 3 tháng thì tiến hành cắt bỏ cây già, đổi cây mẹ khác.
Mẹo hay:
– Khi cây đã đạt độ cao khoảng 1-1.5m, bạn có thể dùng dây cước giăng thành hàng đôi, kẹp măng tây ở giữa để cây không ngã đổ
– Khoảng 4-5 tháng sau khi trồng, bạn tiến hành tỉa bỏ những cây già, còi cọc, chỉ giữ lại 4-6 cây mẹ khoẻ mạnh. Như vậy sẽ kích thích cây mọc nhiều cây con mới hơn
– Từ năm thu hoạch thứ 4, sản lượng và chất lượng của măng tây sẽ gia tăng đáng kể.
7 Công dụng, lợi ích của măng tây
Măng tây là loại thực phẩm dồi dào vitamin, khoáng chất, chất xơ và protein thiết yếu mang lại những lợi ích không ngờ cho cơ thể chúng ta.
Theo số liệu ghi nhận của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ, trong mỗi 100g măng tây sống sẽ chứa hàm lượng dinh dưỡng như sau:
- 20 calo
- 93,22g nước
- 2,1g chất xơ
- 1,88g đường
- 24mg canxi
- 14mg magie
- 52mg phốt pho
Hỗ trợ quá trình phát triển của thai nhi
Trong măng tây có chứa hàm lượng folate (vitamin M) cao – chất cần thiết trong sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, măng tây giúp giảm thiểu nguy cơ dị tật bẩm sinh và sinh nhẹ cân của trẻ.
Đồng thời, nhờ công dụng lợi tiểu, nó cũng giúp phụ nữ mang thai giảm các chứng phù nề hoặc giữ nước trong mô cơ thể.
Giảm các triệu chứng kinh nguyệt
Trước và trong thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ thường có các triệu chứng như đầy hơi, mệt mỏi, trầm cảm, đau bụng hành kinh,… Tin vui cho các chị em, đó là chiết xuất từ măng tây có thể làm giảm các triệu chứng này thông qua việc kiểm soát lượng máu bị mất và duy trì sự cân bằng nội tiết tố.
Cải thiện sức khỏe sinh sản
Theo liệu pháp Ayurvedic, rễ măng tây có khả năng kích thích tình dục ở cả nam và nữ, do đó thường được sử dụng để điều chỉnh hormone và chữa trị bệnh rối loạn tình dục.
Ở nữ giới, măng tây có công dụng điều trị hội chứng mãn kinh và thiếu máu. Ngoài ra, măng tây cũng tác động tích cực lên tuyến vú, giúp cải thiện số lượng và chất lượng của phụ nữ đang cho con bú.
Ở nam giới, ngoài việc giúp tăng ham muốn tình dục, măng tây còn giúp giảm bớt triệu chứng lo âu, suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần. Không những vậy, số lượng và sức khoẻ tinh trùng cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
Hỗ trợ hệ tiêu hoá
Măng tây chứa nhiều chất Inulin hay còn gọi là Prebiotic. Đây là một loại carbohydrate phức tạp, không được tiêu hóa cho đến khi đến ruột già và được nuôi dưỡng bởi một lợi khuẩn lactobacillus. Chính vì vậy, Inulin hỗ trợ cơ thể trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng.
Thêm vào đó, măng tây còn là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào có đặc tính nhuận tràng. Điều này hỗ trợ hệ tiêu hoá hoạt động trơn tru, tránh đầy hơi/táo bón và giảm cholesterol trong cơ thể.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Măng tây còn chứa một loại flavonoid có đặc tính chống viêm, có tên là Rutin. Chất này được dùng nhiều trong điều trị bệnh trĩ và ngăn ngừa đông máu.
Bên cạnh đó, rutin còn có công dụng đặc biệt là tăng cường tính thấm của mao mạch, giảm độ nhớt của máu, giảm huyết áp cao và giảm cholesterol. Từ đó, Rutin hỗ trợ duy trì sức khỏe tim mạch.
Hỗ trợ sức khỏe hệ thần kinh
Chất phytoestrogen có măng tây làm giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh. Đây là tình trạng di truyền hoặc ảnh hưởng định kỳ đến tế bào thần kinh, mà cơ thể không thể thay thế các tế bào bị tổn thương đó, điển hình như bệnh Alzheimer, Huntington và Parkinson.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Nhờ lợi ích mà khoáng chất Crom mang lại, măng tây giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, qua đó cải thiện điều tiết insulin và ngăn chặn bệnh tiểu đường, bao gồm cả bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bảo vệ thị lực
Do chứa lượng vitamin A dồi dào, măng tây giúp thị lực trở nên khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, măng tây có chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ võng mạc trước các tổn thương gây ra do các gốc oxy tự do.
Điển hình như, glutathione có trong măng tây giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh quáng gà hay đục thuỷ tinh thể.
Duy trì mức homocysteine
Măng tây cũng được xem là nguồn cung cấp vitamin B giúp duy trì mức homocysteine vừa phải trong máu. Đồng thời, vitamin B6, B12 và folate giúp chuyển hóa từ homocysteine thành cysteine rồi đến axit amin methionine trong chu kỳ methyl hóa bình thường.
Nói cách khác, vitamin B cực kỳ quan trọng trong việc duy trì lượng đường trong máu thông qua việc cân bằng sự chuyển hoá giữa đường và tinh bột. Vì thế, nếu cơ thể thiếu hụt vitamin B, bạn sẽ có nguy cơ đối mặt với các căn bệnh nguy hiểm như: Tổn thương mạch máu, động máu tĩnh mạch, xơ vữa động mạch và các triệu chứng liên quan đến rối loạn nhịp tim.
Điều trị bệnh hangovers
Hangovers là một hiệu ứng sinh lý xuất hiện khi cơ thể hấp thụ quá nhiều đồ uống có cồn. Các triệu chứng điển hình là tình trạng lo lắng, mệt mỏi hoặc rối loạn dạ dày (buồn nôn, mất nước,…).
Phần lá và chồi của măng tây chứa 1 lượng axit amin và khoáng chất tương đối lớn, giúp giảm thiểu hiệu ứng hangovers, đồng thời bảo vệ gan khỏi tác hại của thức uống có cồn..
Ngăn ngừa bệnh ung thư
Theo nghiên cứu đã được công bố trên tờ Cancer Letters, người ta tìm thấy chất saponin trong chồi măng tây. Chất này có khả năng gây chết tế bào, từ đó ngăn ngừa khối u phát triển. Ngoài ra, măng tây cũng nạp thêm cho cơ thể một lượng glutathione – hợp chất chống oxy hóa và giải độc.
Ngoài những công dụng nổi bật kể trên, măng tây còn có thể hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thấp khớp, bệnh lao và giảm nguy cơ trầm cảm.
8 Một số món ăn từ măng tây
Măng tây xào thịt/hải sản
Ở Việt Nam, măng tây được ưa chuộng trong các món xào, kết hợp với các loại rau củ khác và thịt/hải sản như thịt bò, thịt gà, tôm, mực,..
Sự mềm ngọt từ thịt và hải sản, kết hợp với măng tây giòn giòn đảm bảo mang đến hương vị chất lượng. Đồng thời, sắc xanh của măng tây cũng sẽ khiến món ăn vô cùng bắt mắt.
Súp măng tây
Súp măng tây có thể kết hợp cùng thịt gà/thịt cua, rau củ và nấm để tăng thêm hương vị. Với hương vị ngọt thơm và màu sắc cuốn hút, đây chắc hẳn là món ăn nhẹ thích hợp cho những ngày mưa se lạnh đấy.
Măng tây xào tỏi
Đây là món ăn đơn giản, dễ làm nhưng đảm bảo rất “bắt” cơm. Măng tây thơm giòn, xào vừa chín tới để giữ vị ngọt tự nhiên hòa quyện cùng vị tỏi đặc trưng, chắc chắn không ai muốn bỏ lỡ.
9 Bảo quản măng tây
Có 3 cách thông dụng nhất để bảo quản măng tây.
Măng tây đông lạnh
Đầu tiên, bạn chần cả cọng hoặc cắt khúc măng tây vào nước muối sôi (hoặc thay muối bằng 1-2 thìa nước cốt chanh) trong khoảng 1-2 phút. Như vậy sẽ đảm bảo hương vị của măng tây khi đem đi đông lạnh.
Sau đó, bạn trải măng tây trong ngăn đá tủ lạnh cho đến khi đông cứng thì đóng gói cho vào tủ lạnh.
Măng tây muối
Bạn chần măng tây trong nước sôi trong khoảng 30-60 giây rồi vớt ra làm lạnh bằng nước đá. Sau khi để ráo, bạn trộn đều măng tây với ⅓ cốc muối Kosher (không dùng các loại muối khác)
Tiếp đến, bạn cho vào lọ thuỷ tinh đã khử trùng. Lưu ý để rau luôn ngậm nước muối trong quá trình bảo quản. Trong điều kiện lý tưởng, dạng này có thể bảo quản măng tây đến 6 tháng.
Làm khô măng tây
Sau khi măng tây được chần, bạn tiến hành sấy măng khô đến khi giòn bằng lò hoặc thiết bị chuyên dụng dùng để khử nước thực phẩm.
Sau khi sấy khô và để nguội, bạn cho măng tây vào lọ/chai, dán kín bằng băng keo rồi lưu trữ ở nơi thông thoáng.
10 Lưu ý khi sử dụng măng tây
Dù không thể phủ nhận những lợi ích mà măng tây mang lại, song vẫn có một số tác dụng phụ mà bạn nên lưu ý.
Đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêu thụ măng tây vì có thể làm thay đổi sự cân bằng nội tiết tố và tác động đến kiểm soát sinh sản.
Đối với người đang hoặc dễ bị dị ứng với hành tây, tỏi tây hoặc các thực phẩm cùng họ với măng tây, nên cân nhắc khi ăn vì có thể gây ra dị ứng tương tự.
Trên đây là những chia sẻ của Bách hóa XANH về ý nghĩa, cách trồng cũng như những công dụng tuyệt vời của cây măng tây. Hy vọng bạn có thêm nhiều hiểu biết về măng tây, thông qua đó có thể gieo trồng, chăm sóc cây tại nhà và tự tay chế biến những món ăn ngon cho gia đình.
Mua gia vị làm các món ăn từ măng tây tại Bách hóa XANH
Bách hóa XANH