Đối với người Châu Á, hoa lan được liệt vào hàng Vương giả chi hoa bởi vẻ đẹp và sự thanh nhã mà loài hoa này mang lại. Ngoại trừ loài lan mọc dưới đất, hầu hết các giống lan đều được trồng bằng cách trồng hoa lan trên thân gỗ hoặc trồng lan trong chậu và sau đó là cả một quá trình chăm sóc lan đòi hỏi người chăm sóc có kinh nghiệm thì lan mới phát triển tốt và ra hoa đẹp.
Tuy nhiên, việc trồng lan rừng bằng cách ghép lan lên thân gỗ phù hợp với thiên nhiên hơn so với cách trồng trong chậu. Bài viết này sẽ hướng dẫn cho mọi người cách trồng lan trong chậu và cách trồng lan trên thân gỗ cực đơn giản mà vẫn đạt được hiệu quả cao. Cùng với đó chúng tôi sẽ chia sẻ các kinh nghiệm, các bí quyết chăm sóc lan trong mọi vụ mua, chăm sóc phong lan cho ra hoa đẹp và nhanh theo ý muốn.
1. Hướng dẫn trồng lan đúng cách, đạt hiệu quả cao
* Thời điểm Trồng Lan (Ghép Lan)
Kể từ khi giả hành rụng hết lá cho tới khi sắp nhú nụ đều là thời điểm thích hợp nhất để trồng phong lan hoặc có chăng là cho tới khi mầm non nhú ra nhưng mầm non chưa mọc rễ.
Khi tìm hiểu về cách trồng lan, các bạn thường hỏi tháng nào trong năm là thích hợp nhất để trồng lan hay cũng như để ghép lan vào các giá thể?
Bạn chỉ cần nắm rõ đa số cây Lan rừng cần ánh sáng để phát triển tốt. Trong nhà, loài cây này nên đặt ở vị trí gần cửa sổ có ánh sáng nhưng nên tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Người chơi hoa có thể cho đèn chiếu sáng nhân tạo. Các đèn chiếu sáng nên đặt ở phía trên của cây lan và nên chiếu ít nhất 12 đến 16 giờ hàng ngày. Trường hợp ở trong nhà kính, cây nên được che bằng tấm vải, nhất là trong mùa hè.
Loài phong lan cần nhiệt độ ban ngày là 18-29 độ C và nhiệt độ ban đêm là 13-18 độC. Trong suốt mùa thu, nhiệt độ nên duy trì dưới 16 độ C liên tục trong 3 tuần khi cụm hoa bắt đầu xuất hiện. Thông thường, sự thay đổi bất thường về nhiệt độ và độ ẩm có thể là nguyên nhân làm rụng nụ.
Chính vì vậy thường thì từ tháng 10 âm lịch cho tới tháng 2,3 âm lịch năm sau đều là thời điểm tốt để trồng lan hoặc ghép lan.
* Kinh nghiệm xử lý giống Lan trước khi trồng lan
– Bước 1: Khía – Tách – Cắt
Khi mua giề lan về, sẽ có từ 1-2 giả hành TƠ nghĩa là giả hành 1 tuổi chưa nở hoa và 1 đến vài giả hành 2,3,4,5 tuổi.
Nếu bạn chưa chuyên nghiệp trong việc chăm sóc lan, bạn nên tách giả hành theo từng cặp. Dùng dao mỏng, ví dụ dao rọc giấy khía vào mối nối giữa hai giả hành để tách rời ra.
Yêu cầu dao thật mỏng và nhớ soi mắt ngủ sát gốc kẻo cắt trúng mắt ngủ. Tuyệt đối không chủ quan xé toạc hai giả hành ra, có khi hư hết cả mắt ngủ, thậm chí vết toác to còn hư luôn cả nửa giề lan.
Sau khi tách riêng ra rồi, lúc này bạn mới bắt đầu tỉa rễ già đi, nói chung là để lại 2cm rễ để bắn ghim, còn lại cắt cụt bỏ hết. Nhớ là tách xong mới cắt rễ!
– Bước 2: Ngâm
Pha 1 chậu Physan 20 nồng độ 1ml/1 lít nước hoặc 1 chậu Benkona 2ml/1lít nước sau đó cho toàn bộ lan giống vào ngâm 5-10 phút.
Vớt ra để ráo vài tiếng.
Tiếp tục ngâm B1+Atonik, nồng độ như trên bao bì trong 30 phút (Atonik chỉ dùng vài lần, không nên lạm dụng). Đó là cách ngày trước tôi thường làm, bây giờ tôi không dùng B1+Atonik nữa mà hoàn toàn chuyển sang dùng chế phẩm Hùng Nguyễn, vì dùng Atonik bạn phải cung cấp đủ độ ẩm và dinh dưỡng nếu không sẽ phản tác dụng. Pha 1ml chế phẩm Hùng Nguyễn (khoảng 20 giọt) với 1 lít nước và ngâm lan vào đó nửa tiếng đến 2 tiếng. Sau đó vớt ra để ráo và ghép liền lên dớn hoặc gỗ, lũa.
– Bước 3: Ghép, treo
Bắn ghim hoặc găm phần rễ vào bảng dớn hoặc bảng gỗ thật chắc chắn.
Bạn nên ghép chung giả hành tơ với giả hành tơ 1 bảng, giả hành già 1 bảng (nói chung là cùng tuổi ghép 1 bảng).
Giả hành dài ghép chung với dài vào 1 giò, ngắn ghép chung ngắn cho có sự đồng đều và khi nở được đều.
Nhớ là hạn chế dùng càng ít sắt thép càng tốt!
Sau khi ghép bạn nên treo ngay lên giàn, cho ăn nắng 60-70% luôn (dưới 1 lớp lưới xanh đen của Thái). Nếu bạn ở đồng bằng xứ nóng thì gốc lan cách lưới ít nhất 1,5m, nếu vùng cao mát mẻ thì cách lưới ít nhất 1,2m. Tóm lại là càng xa lưới thì càng tốt.
* Chọn Lan để trồng hoặc ghép
Cây lan chọn để ghép phải xanh, lá không bị dập, thân không bị gãy hoặc trầy xước quá nhiều. Cây mới mua về nên treo chỗ thoáng mát trong 3 ngày và không tưới cây (mục đích của việc này là giúp làm khô vết trầy xước trong quá trình vận chuyển).
Sau 3 ngày, thực hiện cắt, tỉa hết các rễ khô, hỏng, lá đốm, vòi hoa cũ và bôi vôi (hoặc Ridomil pha sệt) vào vết cắt. Ngoài ra, có thể ngâm lan trong dung dịch chống nấm và thối nhũn. Trước khi ghép vào gốc cần bó bằng xơ dừa dạng miếng lớn để tạo độ ẩm cho cây và giúp cây bám rễ.
* Kỹ thuật trồng hoa lan trong chậu
Sau khi đã chọn được giống phù hợp, chuẩn bị chậu trồng kích thước cân đối và giá thể thì ta sẽ tiến hành tìm hiểu cách trồng lan.
Cho giá thể vào khoảng 1/5 chậu. Nên cho những giá thể có kích thước lớn xuống phần đáy trước, giá thể có kích thước vừa và nhỏ ở giữa và trên. Luôn đảm bảo lượng giá thể trong chậu thấp hơn so với mép chậu từ 1 – 2 cm.
Nếu trồng loại lan đa thân nên cắm cọc nhỏ ở mép chậu, còn cắm ở giữa chậu nếu đó là loại lan đơn thân. Cọc này là để giúp cành lan được đứng vững vì nó khá mỏng manh, yếu ớt.
Sau đó, dùng dây buộc lan vào cọc sao cho hướng phát triển của cành luôn hướng vào giữa chậu.
Khi trồng, không cho gốc cây nằm ở sát đáy chậu và chỉ để lưng chừng giữa lớp giá thể. Trên mặt, phủ một lớp xơ dừa hay dớn để tăng độ ẩm cho cây.
Đối với cây mới trồng nên che nắng, giảm ánh sáng, đến khi rễ non phát triển thì mới chuyển dần sang nơi có ánh sáng tốt hơn.
* Chọn gỗ trồng lan và xử lý gỗ ghép lan
Khi muốn trồng lan trên gỗ thì bạn cần xử lí gỗ trồng lan trong nước vôi trong 24 giờ sau đó phơi thật khô. Trước khi ghép ngâm nước lã trong vòng 48 giờ rồi thực hiện ghép. Lưu ý khi chọn thân gỗ phải đảm bảo các yếu tố như: lâu mục (để khỏi hư rễ lan và hạn chế phải thay cây khác); có bề mặt thô ráp, không có vỏ bong tróc nhiều lớp. Nếu bạn ghép hoa lên cây sống thì không nên chọn loại cây thay vỏ hàng năm như ổi, bằng lăng… và cũng không nên chọn cây có khả năng tiết ra hóa chất.
Về việc chọn giá thể tốt nhất khi trồng lan thì tùy sở thích mỗi người, nhưng tôi biết chắc chắn nếu bạn ghép lan vào bảng dớn hoặc trụ dớn là dễ chăm nhất và cây lên sung nhất, sau đó là miếng hay khúc gỗ hoặc lũa.
>>> Tìm hiểu chi tiết: Các loại gỗ trồng lan và cách ghép lan trên gỗ
* Lưu ý sau khi ghép hoa lan trên thân gỗ
Sau khi đã thực hiện các bước để ghép lan vào thân gỗ, các bạn nên lưu ý chăm sóc cây để cây có thể ra rễ, tránh bị hỏng, thối như sau:
Hoa lan là cây ưa mát nên cần treo lan nơi thoáng mát, tránh nơi có ánh nắng gắt chiếu trực tiếp. Nếu trồng đại trà thì bạn nên làm giàn bằng lưới nilon có lỗ để lan tránh được ánh nắng trực tiếp nhưng vẫn quang hợp được. Tuy nhiên, nếu để ở nơi quá thiếu ánh sáng cũng sẽ làm giảm phẩm chất của cây.
Khi mới ghép cây thì cần để cây tránh những đợt mưa dài ngày có thể làm hỏng cây.
* Một số sai lầm khi trồng lan trên thân gỗ
Khi bắt đầu trồng hoa lan trên thân gỗ, người trồng thường gặp phải một số sai lầm như sau:
Không xử lý thân gỗ. Đây là sai lầm thường gặp nhất của người mới trồng. Nếu bạn không ngâm thân gỗ từ 1-2 ngày mà thực hiện ghép ngay thì thân gỗ sẽ bị khô và cây lan của bạn sẽ bị mất nước do chính thân gỗ mà bạn ghép. Ngoài ra, nếu dớn không ngâm hoặc luộc thì sau này cỏ dại sẽ mọc lên rất nhiều, ngoài ra còn có mầm bệnh, côn trùng… trong giá thể sẽ phá hoại lan của bạn…
Ghép cây quá nhiều và um tùm dẫn đến các cây không có không gian để phát triển và đôi khi còn thiếu tính thẩm mỹ nữa.
Chỉ nên ghép lan vào khi trời khô ráo vì trời mưa cây sẽ rất dễ nhiễm bệnh. Khi cây mới ghép, bạn phải để cây tránh mưa trong khoảng 1 tháng.
Ngoài cách ghép lan như đã hướng dẫn trong bài viết này, các bạn cũng có thể ghép lan bằng cách ghép áp vào khúc gỗ. Bạn có thể dùng dây rút nhựa, áp thân cây lan lên thân gỗ và thít lại. Tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến thân cây bị áp sát vào giá thể, giò lan không được đẹp mắt bằng cách ghép hướng ra ngoài như đã hướng dẫn ở trên.
Nhưng nếu bạn không có khoan hay muốn làm cho nhanh thì bạn cũng có thể dùng tạm cách ghép này, cây vẫn có thể sống và phát triển được.
2. Kinh nghiệm chăm sóc Lan sống tốt và cho ra hoa đẹp
* Giữ ẩm và tưới nước cho lan
Cây Lan cần độ ẩm từ 50-80% . Nên khi chăm sóc lan mà gặp nhiệt độ ở môi trường có độ ẩm thấp hơn, người trồng lan có thể dùng màn che để hạn chế cây thoát hơi nước. Một biện pháp đề phòng khác là trồng lan trong chậu có chứa sỏi hay đá cuội và nước. Người chơi hoa phải đảm bảo cây phải luôn ở trên sỏi, đá cuội và không chạm vào nước. Việc tưới nước cho loài cây này rất quan trọng và người chăm sóc phong lan cần thực hiện một cách cẩn thận và đúng tiến độ.
Vào mùa hè, cây cần được tưới khoảng 2-3 ngày một lần, ngược lại vào mùa đông, người chơi hoa chỉ cần tưới khoảng 10 ngày một lần. Thời gian tốt nhất để tưới nước là buổi trưa vì lá sẽ khô cho tới tối. Nước dính lại có thể khiến cho lá bị thối, vì thế., cách tốt nhất là người chăm sóc lan nên tưới nước cho cây lan phù hợp với từng mùa, đồng thời cũng xem xét nhu cầu nước và giá thể sử dụng (giá thể thường được sử dụng là vỏ cây, đá trân châu, vỏ cây dương xỉ, than củi).
* Bón phân cho Lan
– Loại phân tốt cho lan sử dụng phổ biến hiện nay nên dùng là loại ORCHID hoặc B1+Atonik. Lưu ý: Atonik chỉ dùng cho chi lan có giả hành mọng nước là có hiệu quả, còn các chi đơn thân… thì hiệu quả thấp. Bên cạnh đó lạm dụng Atonik sẽ có nhiều tác dụng không tốt về sau. Phun chế phẩm tới khi bộ rễ mầm non đủ khỏe mạnh thì ngừng.
– 7-10 ngày phun 30-10-10 TE hoặc 20-20-20 TE 1 lần.
– Sau khi mầm non ra rễ dài được 5cm, gắn phân chì (xám, tan chậm 13-11-11ME Nhật) và nửa tháng phun trung lượng và vi lượng 1 lần.
– Khoảng tám tháng tuổi phun 6-30-30 TE 3-4 lần, 10 ngày 1 lần.
– Sau đó tới tháng tuổi thứ 9 cắt nước dần hoàn toàn, để giả hành rụng trụi hết lá và cứ để như vậy cho tới giữa tháng tuổi thứ 11 bạn hãy tưới thật đẫm vào gốc, ngày 1-3 lần tùy giá thể và chờ hoa, sau 10-20 ngày xuất hiện nụ hoa, nếu nụ to thì để ở nơi mát và giảm tưới nước, còn nụ nhỏ tăng ánh sáng và nước tưới. Cắt nước gần hoàn toàn, nghĩa là 3-4 ngày tưới phun sương vào bộ rễ để bộ rễ không bị chết khô, giữ được bộ rễ của năm nay còn sống thì mùa sau mới bội thu.
Bạn có thể dùng phân chuồng như trâu, bò, dê, gà, heo…. nhưng lưu ý không nên dùng phân NPK – loại này dùng bón cho lan thì không tốt. Thay vào đó, có thể thúc cho lan bằng nước gạo mới vo hoặc rắc xỉ than.
* Chuẩn bị thuốc phòng trừ sâu bệnh cho Lan
– Cứ 20 ngày phun Movento và Pesieu 1 lần để phòng nhện đỏ, rầy, rệp, bọ trĩ…
– Cứ 15 – 30 ngày 1 lần pha chung thuốc trừ nấm và vi khuẩn phun phòng 1 lần. Nếu trời mưa nhiều thì 7 ngày 1 lần.
Thuốc nấm gồm: RidomilGold, Antracol, Aliette, TopsinM…
Thuốc vi khuẩn gồm: Kasumin, Poner, Starner, Physan…
Cứ 1 nấm 1 khuẩn pha chung là được. Còn khi lan bị bệnh thì việc chữa trị rất khó, tôi sẽ đề cập ở chuyên đề sau.
Cá nhân tôi hiện tại phòng bệnh cho lan bằng Nano Bạc, Nano Đồng, Agrifos 400. Cứ 15-20 ngày tôi phun 1 lần. Ví dụ tuần 1 dùng nano Bạc, tuần 2 dùng nano Đồng, tuần 3 dùng Agrifos 400. Nhiệt độ trong ngày trên 33 độ thì không phun. Quá trình cứ lặp lại như vậy là đủ.
LƯU Ý:
Hiện tại đang là thời điểm vào vụ trồng phong lan rừng, mùa trồng lan kéo dài tới khoảng tháng 1, 2 âm năm sau.
Yếu tố ra hoa tháng nào còn phụ thuộc vào vùng miền, nhiệt độ và độ ẩm không khí trong giàn chứ không thể chuẩn 100% như bài tôi nói được.
Ví dụ Lan Long Tu Việt Nam nở trúng tết trong Nam nhưng ngoài Bắc có khi lạnh quá không kịp tết. Cũng tùy năm mưa nhiều hay ít và mưa lâu hay mau mà hoa nở ngày nào. Như năm ngoái đang ép khô hạn (cắt nước, ngừng tưới) lá vàng và rụng được 1 nửa thì dính mưa dầm chục ngày, độ ẩm không khí cao, lá xanh mơn mởn trở lại, thế là chậm một tháng, nông dân lại thất bát.
* Tạo sự thông thoáng cho lan khi chăm sóc lan
So với các loài hoa khác, sự thông gió ở lan là việc làm rất cần thiết. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh thối rữa và nhiều lọai vi nấm thường gặp ở các loại lan. Sự thông gió càng lớn cây càng ít bệnh vì nó giúp cây mau khô sau khi tưới.
Tuy nhiên, sự thông gió quá mạnh cũng sẽ dễ làm cho cây mất nước. Do đó, cần chú ý điều chỉnh độ thoáng gió vừa phải, giữ cho lá của lan rừng luôn khô ráo là ổn, việc này phụ thuộc vào vị trí đặt chậu lan và không gian quanh chậu.
* Kích thích Lan ra hoa đẹp theo đúng tiến độ
Hoa lan đẹp thường sẽ tàn sau khi nở 3 tháng. Sau khi hoa tàn, người trồng có thể điều khiển cho cây ra hoa lại bằng cách cắt bỏ toàn bộ cuống hoa, phương pháp kích thước cho cây mau ra hoa này rất tốt nếu cuống hoa đã già và có màu nâu. Tuy nhiên, nếu cuống hoa còn màu xanh, người chơi hoa chỉ nên cắt một đốt trên cuống hoa.
Đoạn cành được cắt bỏ nên có độ dài khoảng 10-12cm, điều này có thể giúp cây hình thành một cành mới trong vòng 2-3 tuần sau.
* Chăm sóc lan sau khi hoa tàn
Dùng kéo cắt bỏ ngồng hoa, cách mắt ngủ cuối cùng trên cần hoa khoảng 3 cm. Không nên cắt sát cần cuống, dễ làm dập gãy lá và dễ bị thối lan vào thân cây. Chỗ mắt ngủ còn lại trên cần hoa có khả năng cho ra cây con, dùng bông y tế chấm ít thuốc atonic đặt vào chỗ mắt ngủ khoảng một tuần rồi mở ra, sau 1-2 tháng có khả năng ra cây con.
Đối với các lá bị bệnh ít, tỷ lệ vàng úa chưa quá 1/3 lá thì ta cố gắng giữ lá đó bằng cách dùng dao lam hoặc dao thật sắc khoét bỏ phần bị lá bị hỏng.
Đối với các lá bị bệnh nhiều, mặt sau lá có dấu hiệu nấm, nhện loang rộng nên cắt bỏ hoàn toàn.
Tiếp theo, xử lý phần gốc và rễ: Người trồng nên quan sát rễ cây. Đa phần các cây hoa lan trồng công nghiệp bằng rêu nước, dịp Tết do người nhà vườn hoặc người chơi tưới nước nhiều, do vận chuyển, cắm que sắt uốn hoa làm cho rễ cây bị thối rất nhiều. Ta cần rút bỏ bầu nhựa.
Nếu thấy rễ cây vẫn còn tươi xanh, thối ít thì ta cố gắng giữ nguyên cả bầu của cây lan, dùng kéo sạch cắt bỏ tất cả các rễ thối, để nguyên các rễ vẫn còn tươi xanh. Bôi vôi, hoặc sơn móng tay, hoặc thuốc làm liền da cây, hoặc keo 502 vào tất cả các vết cắt đặt nguyên bầu cây vào chậu, dùng dây cố định chặt gốc cây lan không cho lung lay. Đổ dớn cọng đã xử lý nấm vào xung quanh chậu vỗ nhẹ cho hơi chặt, không phủ kín lên gốc để quan sát sự phát triển của rễ cây.
Nếu rễ cây lan bị hỏng nhiều, gỡ bỏ toàn bộ phần rêu nước trong bầu cây để cắt rễ thối, cắt bỏ toàn bộ các rễ bị thối hoặc dập gãy. Bôi vôi, keo vào vết cắt, bỏ ít xốp vào đáy chậu.
Cây bị cắt gần như hết rễ nên rất khó đứng vững trong chậu. Dùng một thỏi xốp hình chữ nhật, đặt vào chính giữa gốc cây lan, cho cây lan lên cục xốp đó. Buộc dây vào gốc và buộc cố định chắc chắn sang hai bên không cho cây bị lung lay khi cầm chậu.
Để cây lan vào chỗ mát, tránh mưa tuyệt đối, để khô khoảng ba ngày sau thì tưới đẫm toàn bộ chậu 1 lần.
Pha phân bón B1 hoặc thuốc kích thích tăng trưởng như Atonic, K/H …thật loãng, tỉ lệ 1/2 thìa cà phê cho 20 lít nước phun sương ẩm hàng ngày.
Khoảng 1-2 tuần sau, các rễ mới nhú ra, đợi khi rễ non cắm vào giá thể thì đổ thêm một lớp đất vào.
Sau 1-2 tháng cây phát triển ổn định trở lại, bón phân, tưới nước bình thường.
Trên đây là một số chia sẻ về cách trồng phong lan trong chậu và trên thân gỗ cực đơn giản mà các bạn hoàn toàn có thể tự làm ở nhà với những nguyên liệu dễ kiếm. Thực ra việc trồng và chăm sóc Lan dễ hơn trong bài tôi viết rất nhiều, nó chỉ đòi hỏi người trồng phải có sự kiên trì, tỉ mỉ và lòng yêu hoa lan thực sự.
Bạn hãy trải nghiệm và chinh phục để cảm thụ được niềm vui chơi lan. Kỹ thuật trồng lan và chăm sóc Lan mà tôi chia sẻ hoàn toàn có thể áp dụng cho hầu hết các loại lan đẹp phổ biến hiện nay như Lan Phi Điệp, Lan Hồ Điệp, Lan Hoàng Thảo Vôi, Lan Hạc Vĩ, Lan Long Tu Đá,… vì các giống lan này việc chăm sóc gần như hoàn toàn tương tự nhau.
Chúc các bạn có thể tự tay mình trồng các chậu lan rừng và chăm sóc chúng thành công theo ý muốn!
>>>Tìm hiểu: Các loại lan rừng quý hiếm nhất thế giới
Nguồn: Tổng hợp