Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm mỗi gia đình vào ngày Tết nhưng không phải ai cũng biết cách nấu bánh sao cho ngon, dẻo, xanh.
“Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” được xem là những hình ảnh đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, với sự thay đổi của thời gian, cùng các quy luật của xã hội, cây nêu và pháo nổ đã mai một, chỉ có bánh chưng là vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Dù là ở thành phố hay nông thôn, dù là miền xuôi hay miền ngược, thấy bánh chưng là thấy Tết. Dù hàng ngày, bánh chưng vẫn được bày bán ở mọi nơi nhưng nếu Tết không có bánh chưng thì không được gọi là Tết.
Bánh chưng ngon là chiếc bánh có vị bùi của đỗ xanh, vị béo ngậy của thịt, độ dẻo của gạo nếp và đặc biệt là màu xanh tự nhiên, đẹp mắt. Để có được những chiếc bánh đó, người làm bánh phải là người khéo léo và có bí quyết riêng của mình. Và dưới đây là công thức được các đầu bếp chuyên nghiệp bật mí trong việc nấu bánh chưng ngon.
Muốn bánh chưng được dẻo, thơm, xanh, người làm bánh cần có kỹ năng trong việc chọn nguyên liệu, gói bánh và luộc bánh
Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng
Muốn có một chiếc bánh chưng ngon cần có những nguyên liệu chất lượng. Gạo làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng, hoặc gạo nếp Sơn La mới đảm bảo được độ thơm và dẻo. Riêng với đỗ xanh, cần chọn loại đỗ của Hải Dương mới có vị bùi, thơm và màu đẹp mắt.
Ngoài 2 nguyên liệu chính làm bánh chưng là gạo và đỗ xanh, thịt làm nhanh bánh cũng vô cùng quan trọng. Thịt làm bánh nên là thịt lợn ba chỉ thượng hoặc thịt mông, không có quá nhiều nạc hoặc mỡ.
Lá dong gồm 2 loại: Lá dong bản to để làm lá mặt bên ngoài và lá dong bản nhỏ để làm lớp lót bên trong. Lá phải là lá bánh tẻ, không quá non hoặc quá già, có màu xanh đậm, bóng và cuống nhỏ. Một số vùng miền không sử dụng lá dong để gói bánh chưng, thay vào đó là lá chuối nhưng bánh sẽ không có được mùi thơm cũng như màu xanh đặc trưng.
Bên cạnh các nguyên liệu chính nêu trên, việc làm bánh chưng còn cần có hạt tiêu, lạt buộc và gia vị.
Các nguyên liệu chính để làm bánh chưng
Cách nấu bánh chưng
Cách nấu bánh chưng xanh, dẻo, thơm được tiến hành qua nhiều công đoạn khác nhau, từ việc sơ chế bánh, gói bánh, luộc bánh cho đến vớt bánh ra. Cụ thể như sau:
Sơ chế nguyên liệu
Thịt lợn: Sau khi mua về, đem rửa sạch rồi thái thành những miếng to, ướp đều với nước mắm, mì chính, hạt tiêu.
Thịt lợn dùng để gói bánh chưng cần được thái thành miếng dài, và ướp cùng gia vị
Lá dong: Rửa sạch với nước sau đó phơi ngoài nơi thoáng gió. Chú ý, không nên phơi lá dong dưới nắng hoặc phơi quá khô. Khi lá dong đã ráo nước, cắt lấy phần cuống để lót vào trong nồi luộc bánh. Nếu bạn sử dụng khuôn để gói bánh thì cắt lá bằng 2 lần chiều dài khuôn.
Gạo nếp: Ngâm gạo nếp ít nhất 2 tiếng trong nước lạnh để gạo nở đều sau đó, vo gạo cho sạch rồi trộn đều với muối trắng. Bạn nên xóc gạo cùng với nước lá rau ngót để làm tăng màu xanh cho bánh.
Đậu xanh: Ngâm đậu xanh với nước để loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ bên ngoài. Cho đậu xanh vào xửng rồi hấp chín, viên thành những nắm tròn, đủ cho nhân 1 chiếc bánh.
Gói bánh
Chiếc bánh đạt tiêu chuẩn phải vuông vức, đầy đặn, không bị méo mó, do đó, với những người chưa thành thạo hoặc cầu toàn về tính thẩm mỹ, họ thường cần đến sự trợ giúp của khuôn. Có sự khác biệt không quá lớn trong việc gói bánh chưng bằng tay và gói bánh chưng bằng khuôn.
Gói bánh chưng bằng tay
Nếu gói bánh chưng bằng tay, 4 chiếc lá to được xếp vuông góc với nhau trong đó có 2 chiếc úp mặt trên xuống và 2 chiếc lá úp mặt dưới xuống. Lần lượt đổ ½ gạo, ½ đỗ xanh, thịt, gừng, hành củ rồi tiếp tục đổ ½ đỗ xanh, ½ gạo lên trên. Cuối cùng, dùng tay gập lá dong lại sau dùng lạt buộc bánh, đảm bảo phần bánh bên trong không bị bung ra. Tuy nhiên, bạn cũng không nên buộc quá chặt vì khi luộc, gạo và đỗ sẽ nở thêm.
Để bánh chưng được vuông vắn, có thể dùng để khuôn
Trong trường hợp gói bánh chưng bằng khuôn, bạn cùng cần lượt xếp các lớp lá dong rồi cho gạo, đỗ, thịt, gừng và hành vào bên trong. Lưu ý rằng, khi buộc lạt, bạn cần phải khéo léo trong việc nhấc khuôn lên, tránh lá dong bị bung ra.
Luộc bánh
Công đoạn luộc bánh tưởng như đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, nồi luộc bánh cần được lót một lớp lá dong ở dưới để đảm bảo bánh không bị khê, đồng thời, có màu xanh mướt đẹp mắt. Bên cạnh đó, nước trong nồi luôn phải ngập bánh, lửa không nên quá to mà nhỏ li ri, khi đó bánh mới chín đều. Ngoài ra, khi luộc bánh, nước trong nồi cạn đi, cần tiếp thêm nước nhưng đó phải là nước đun sôi, không được cho nước lạnh vì chúng sẽ làm gạo sống lại lần nữa, bánh không ngon.
Quán Ngon 138
Địa chỉ: 138 nam Kỳ khởi Nghĩa, phường Bến Nghé Quận 1, Tp. HCM
ĐT: 0906267986. 028.38206666 – 028.38279666 – 028.38257179
Email: ngon138@saigonkhanhnguyen.vn
Web: www.quanngon138.com
Facebook: https;/www.facebook.com/quanngon138
Muốn bánh chưng được xanh, dẻo, thơm, khi luộc cần cho trong nồi gang, đảm bảo nước luôn ngập bánh
Bánh chưng cần luộc đủ trong thời gian 12 tiếng. Khi tắt bếp, không nên vớt bánh ra ngay mà cần chờ nhiệt độ trong nồi giảm bớt. Bánh chưng vớt ra nhúng qua một chậu nước lạnh để vỏ bánh se lại và giữ được độ dẻo. Đặt bánh nên tấm phản rồi dùng vật nặng đè lên trên (ép bánh). Công đoạn này giúp bánh được chắc, nước bên trong được loại bỏ hết ra ngoài.
Cách bảo quản bánh chưng
Ngày nay, sự xuất hiện của tủ lạnh đã giúp việc bảo quản bánh chưng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì nhiệt độ trong tủ lạnh khá thấp, chúng khiến gạo bên trong bị cứng lại, nên trước khi ăn, bạn nên hấp cách thủy hoặc cho vào lò vi sóng.
Nếu để bánh chưng ở bên ngoài, bạn cần để bánh ở nơi thoáng mát, khi ăn, không nên bóng toàn bộ bánh mà chỉ bóc phần vừa đủ để ăn.
Bánh chưng không chỉ la một món ăn mà còn là món quà ý nghĩa trong ngày Tết
Trên đây là một số bí quyết nấu bánh chưng ngày Tết được ngon, dẻo, thơm và đẹp mắt. Mong rằng, với những chia sẻ này, chiếc bánh của gia đình bạn sẽ trở nên hoàn hảo hơn, góp phần làm tăng thê sự ấm cúng, vui vẻ trong bữa cơm sum họp.