Cách làm mứt dừa non miếng sao cho dẻo, thơm, độ ngọt vừa phải và không bị chảy nước? Với hướng dẫn chi tiết của Bếp Mina, chắc chắn bạn sẽ thành công 100% với những đĩa mứt ngon bùi đãi khách ngày Tết.
Mứt dừa, món mứt truyền thống không thể thiếu vào những ngày Tết của người Việt. Thưởng trà cùng với mứt là thú vui tao nhã, thanh lịch của người Việt. Mứt phải đi chung với trà mới đúng điệu, tách trà nóng thơm lừng cùng với vị ngọt ngào của mứt thật khéo chiều vị giác. Nhâm nhi một chút mứt ngọt, người ta lại muốn một chút vị chát đắng của trà để dịu đi. Sau đó, hương vị đọng lại cuối cùng là ngọt hậu của trà, ngọt thơm của mứt. Mọi người cùng nhau quây quần bên bàn trà, tâm sự những câu chuyện đầu năm và mong một năm mới tốt lành, viên mãn.
Trong không khí bận rộn những ngày cuối năm, ai ai cũng đang gấp rút hoàn thành nốt những công việc còn dang dở nhưng vẫn không quên tranh thủ trổ tài làm mứt Tết. Bạn chỉ cần lên google search “cách làm mứt dừa” hay vào các group ẩm thực sẽ có vô vàn những công thức khác nhau. Có người làm thành công hơn mong đợi, có người lại thắc mắc sao mứt dừa bị ướt, mứt bị cứng quá hay ngọt quá…. Bài viết dưới đây, Bếp Mina sẽ hướng dẫn bạn cách làm mứt dừa non miếng dẻo thơm cũng như giải đáp tất tần tật những lỗi mắc phải khi làm mứt nhé.
Nguyên liệu làm mứt dừa non miếng
+ Cùi dừa non: 3kg
+ Đường trắng: 1,2kg đường
+ Nước cốt chanh: 1 thìa
+ Phần tạo màu tự nhiên: hoa đậu biếc (màu xanh dương), lá dứa (màu xanh lá), nước cam hoặc chanh dây (màu vàng), màu đỏ (củ dền), màu tím (lá cẩm)….
Cách làm mứt dừa non thái miếng luôn khó hơn loại sợi bào hay sợi bản. Cùi non sên rất lâu lại hao, ít đường nên càng khó sên mứt hơn. Nếu không cẩn thận là đường sẽ không kết tinh hoặc bị chảy nước. Lựa chọn dừa non quan trọng lắm. Bạn nhớ là dừa non chứ không phải là dừa bánh tẻ đâu nhé. Dừa non giá đắt mà cũng khó mua hơn loại dừa già nhưng cho thành phẩm mứt rất dẻo ngon.
Cách làm mứt dừa non dẻo ngon
Bước 1: Sơ chế cùi dừa
– Dừa non mua về bổ đôi rồi nạy lấy phần cùi, phải thật khéo để miếng cùi còn nguyên chứ không bị gãy nát nhé. Nước dừa có thể dùng để uống hay sên làm nước dừa kho cá, kho thịt
– Dùng dao gọt sạch vỏ nâu bên ngoài miếng cùi dừa rồi đem rửa sạch. Thái cùi dừa thành từng miếng dài tầm 10cm, bản dày 0,5cm là được. Nếu dừa mỏng quá thì bạn thái bản to một chút, dừa dày cùi thì thái bản mỏng hơn. Khi thái cần lưu ý chọn chiều để miếng dừa được thẳng, tránh bị cong gấp bởi đoạn gấp này rất dễ bị ướt khi sên xong.
Dừa non phải rất mềm, dẻo
Cạo sạch lớp vỏ nâu bên ngoài
– Đun sôi một nồi nước, cho dừa vào chần sơ 3-4 phút. Nhiều bạn bỏ qua khâu này nhưng đó là sai lầm nhé, dừa non đặc điểm nhiều dầu hơn dừa già nên bắt buộc phải chần nước nóng để loại bỏ bớt dầu. Chần xong xả dừa ra rổ rồi rửa lại nước 3-4 lần đến khi nước trong là được. Để dừa ráo nước.
Bước 2: Ngâm dừa non với đường
Cho dừa vào chậu hay cái nồi lớn rồi đổ đường vào ướp. Bạn cứ theo tỉ lệ 1kg cùi dừa non thì cho 350-400g đường trắng là được. Thêm 1 thìa nước cốt chanh vào để miếng dừa dẻo hơn. Ngâm ít nhất 4 giờ đến khi đường tan hoàn toàn, miếng dừa trong lại. Hoặc bạn ướp buổi tối để qua đêm rồi sáng hôm sau dậy sên mứt cũng không sao nhé.
Bước 3: Tạo màu cho mứt
Để món mứt dừa non có nhiều màu sắc hấp dẫn, người ta sẽ dùng màu thực phẩm tự nhiên ướp cùng dừa.
– Lá dứa đem rửa sạch, cắt khúc ngắn rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Lọc lấy khoảng 1/2 bát con nước cốt
– Cam hoặc chanh leo vắt lấy nước. Chanh leo bạn lọc bỏ hạt đi nhé. Nếu ướp vị chanh leo thì chỉ cần khoảng 2 quả chanh/1kg cùi thôi, lượng đường cũng cho nhiều hơn chút bởi chanh chua khiến đường khó kết tinh hơn.
– Củ dền xay nhuyễn rồi ép lấy nước cốt để tạo màu đỏ.
– Lá cẩm rửa sạch, cắt khúc ngắn rồi cho vào nồi nước đun 15 phút cho ra màu. Vắt lấy 1/2 bát nước
– Hoa đậu biếc ngâm vào bát nước đun sôi 10 phút rồi lọc lấy nước
Muốn làm bao nhiêu màu thì bạn chia phần dừa ngâm đường ở bước 2 thành nấy phần nhé. Chia ra từng bát rồi thêm màu tự nhiên vào đảo đều. Ngâm dừa thêm 1 giờ cho ngấm màu.
Bước 4: Sên mứt dừa non
– Sử dụng một cái chảo đế dày, lòng rộng. Cho từng ít dừa ngâm đường vào chảo rồi nhấc lên bếp đun sôi. Ban đầu, bạn cứ để lửa mức trung bình và không cần đảo nhiều nhé. Khoảng 5 phút thì đảo 1 lần cho dừa ngấm đều đường.
– Khi nước đường cạn gần hết, hơi keo sệt lại thì hạ lửa mức nhỏ nhất. Lúc này, dùng đũa đảo liên tục và đều tay để mứt khô mà không bị cháy xém vàng nhé. Sên đến khi nào đường kết tinh hoàn toàn, phải đảo liên tục để đường rơi ra ngoài. Thành phẩm là những miếng mứt dừa non rất dẻo, bạn có thể xoắn lại mà không bị gãy, mứt thơm béo bùi, ngọt vừa phải, chỉ bám phủ một lớp đường rất ít.
– Không sên dừa quá khô vì khi để nguội, nó bay hơi nóng sẽ làm mứt rất khô và cứng. Hãy tận dụng sức nóng của chảo đế dày, để mức lửa thật bé mà đảo, đảo một lúc bạn lại cho ra ngoài đảo liên tục. Cảm thấy mứt còn ẩm thì đặt lên bếp đảo thêm một lúc rồi lại cho ra ngoài đảo.
Bước 5: Hong khô mứt dừa và bảo quản
Mứt dừa sên xong vẫn chưa hoàn thành đâu nhé. Bạn cần phải đem hong cho mứt khô hoàn toàn thì mới để được lâu và không bị chảy nước. Trong các group ẩm thực, nhiều chị em bảo nhau đem cho vào lò nướng sấy khô dừa. Tuy nhiên thành phẩm sẽ không còn dẻo mà hơi bị khô. Bạn có thể rải mứt dừa ra nia hoặc mẹt rồi đem hong dưới nắng nhẹ buổi sáng bên hiên nhà. Thời gian hong khoảng 1 giờ là mứt đã ráo hoàn toàn.
Mứt dừa non miếng cho vào từng hũ thủy tinh sạch nắp kín. Hoặc muốn bảo quản lâu hơn thì bạn cho vào túi bóng hút chân không. Mứt dừa non có thể để được 15-20 ngày trong điều kiện nhiệt độ thường vẫn dẻo thơm.
Một số lưu ý khi làm mứt dừa non miếng
Mứt dừa bị chảy nước vì sao
Nguyên nhân
Nhiều bạn thắc mắc tại sao ướp đường đủ thời gian, sên nhỏ lửa rồi mà mứt dừa sang ngày hôm sau đã bị chảy nước. Nguyên nhân có thể do bạn thái dừa không đều nhau, những miếng dày quá không đủ thời gian ngậm đủ đường. Những miếng này khi sên sẽ chưa khô hết, bên trong còn lõi cứng của dừa. Chúng chảy nước và ngấm sang miếng bên cạnh làm hỏng cả mẻ mứt. Cũng có thể bạn cho quá nhiều dừa cho mỗi lần sên, mứt cũng không khô đều nhau.
Cách chữa
Bạn cần thái dừa đều miếng, đảm bảo dừa phải ngậm đủ đường cho miếng dừa mềm trong rồi mới đi sên. Nếu mứt dừa bị chảy nước, hãy cho thêm đường bột (phần sên mứt còn dưới đáy chảo) cho vào chảo cùng mứt rồi bật bếp thật nhỏ. Lúc này phải kiên trì, đảo liên tục đều tay cho dừa khô dần. Khi nào thấy mứt khô vừa đủ thì mang ra khay hong khô.
Tại sao đường không kết tinh
Nguyên nhân
Dừa không kết tinh, càng đảo càng khô cứng là do bạn cho quá ít đường. Hoặc cho quá nhiều chanh leo cũng khiến đường không kết tinh. Một nguyên nhân nữa là chưa loại bỏ hết dầu trong dừa cũng khiến khó kết tinh khi sên.
Cách chữa
Hãy đem dừa rửa sạch rồi để ráo. Ướp đường lại từ đầu và sên bình thường. Bạn cứ nhớ tỉ lệ 1kg cùi dừa : 350-400g đường là được nhé.
Trên đây, Bếp MiNa vừa chia sẻ cho bạn cách làm mứt dừa non miếng dẻo thơm, bùi bùi, ngọt béo vừa đủ cho ngày Tết. Quan trọng nhất khi làm mứt đó là chọn được dừa ngon và có sự kiên trì khi sên, đừng nóng vội là hỏng hết. Tết này, hãy tự tay vào bếp trổ tài làm mứt tặng bạn bè, người thân bạn nhé!
=>> TÌM HIỂU THÊM
Cách làm mứt dừa non miếng
Cách làm mứt dừa non miếng sao cho dẻo, thơm, độ ngọt vừa phải và không bị chảy nước? Với hướng dẫn chi tiết của Bếp Mina, chắc chắn bạn sẽ thành công 100% với những đĩa mứt ngon bùi đãi khách ngày Tết.
từ
đánh giá
Chuẩn bị
20
phút
Nấu
1
giờ
Khẩu phần
2
kg
In Công thức
Pin Công thức
NGUYÊN LIỆU
-
3
kg
dừa non
-
1,2
kg
đường
-
1
thìa
nước cốt chanh
-
Phần tạo màu tự nhiên: hoa đậu biếc (màu xanh dương), lá dứa (màu xanh lá), nước cam hoặc chanh dây (màu vàng), màu đỏ (củ dền), màu tím (lá cẩm)….
HƯỚNG DẪN
Sơ chế cùi dừa
-
Dừa non mua về bổ đôi rồi nạy lấy phần cùi. Dùng dao gọt sạch vỏ nâu bên ngoài miếng cùi dừa rồi đem rửa sạch
-
Thái cùi dừa thành từng miếng dài tầm 10cm, bản dày 0,5cm là được. Nếu dừa mỏng quá thì bạn thái bản to một chút, dừa dày cùi thì thái bản mỏng hơn.
-
Đun sôi một nồi nước, cho dừa vào chần sơ 3-4 phút. Chần xong xả dừa ra rổ rồi rửa lại nước 3-4 lần đến khi nước trong là được. Để dừa ráo nước.
Ngâm dừa non với đường
-
Cho dừa vào chậu hay cái nồi lớn rồi đổ đường vào ướp. Bạn cứ theo tỉ lệ 1kg cùi dừa non thì cho 350-400g đường trắng là được. Vắt thêm 1 thìa nước cốt chanh để miếng dừa dẻo hơn. Ngâm ít nhất 4 giờ đến khi đường tan hoàn toàn, miếng dừa trong lại. Hoặc bạn ướp buổi tối để qua đêm rồi sáng hôm sau dậy sên mứt cũng không sao nhé.
Tạo màu cho mứt dừa non
-
Lá dứa đem rửa sạch, cắt khúc ngắn rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Lọc lấy khoảng 1/2 bát con nước cốt
-
Cam hoặc chanh leo vắt lấy nước. Chanh leo bạn lọc bỏ hạt đi nhé. Nếu ướp vị chanh leo thì chỉ cần khoảng 2 quả chanh/1kg cùi thôi, lượng đường cũng cho nhiều hơn chút bởi chanh chua khiến đường khó kết tinh hơn.
-
Củ dền xay nhuyễn rồi ép lấy nước cốt để tạo màu đỏ.
-
Lá cẩm rửa sạch, cắt khúc ngắn rồi cho vào nồi nước đun 15 phút cho ra màu. Vắt lấy 1/2 bát nước
-
Hoa đậu biếc ngâm vào bát nước đun sôi 10 phút rồi lọc lấy nước
-
Muốn làm bao nhiêu màu thì bạn chia phần dừa ngâm đường ở bước 2 thành nấy phần nhé. Chia ra từng bát rồi thêm màu tự nhiên vào đảo đều. Ngâm dừa thêm 1 giờ cho ngấm màu.
Sên mứt dừa non
-
Sử dụng một cái chảo đế dày, lòng rộng. Cho từng ít dừa ngâm đường vào chảo rồi nhấc lên bếp đun sôi. Ban đầu, bạn cứ để lửa mức trung bình và không cần đảo nhiều nhé. Khoảng 5 phút thì đảo 1 lần cho dừa ngấm đều đường.
-
Khi nước đường cạn gần hết, hơi heo sệt lại thì hạ lửa mức nhỏ nhất. Lúc này, dùng đũa đảo liên tục và đều tay để mứt khô mà không bị cháy xém vàng nhé. Sên đến khi nào đường kết tinh hoàn toàn, phải đảo liên tục để đường rơi ra ngoài. Thành phẩm là những miếng mứt dừa non rất dẻo, bạn có thể xoắn lại mà không bị gãy, mứt thơm béo bùi, ngọt vừa phải, chỉ bám phủ một lớp đường rất ít.
Hong khô mứt dừa và bảo quản
-
Bạn có thể rải mứt dừa ra nia hoặc mẹt rồi đem hong dưới nắng nhẹ buổi sáng bên hiên nhà. Thời gian hong khoảng 1 giờ là mứt đã ráo hoàn toàn.
-
Mứt dừa non miếng cho vào từng hũ thủy tinh sạch nắp kín. Hoặc muốn bảo quản lâu hơn thì bạn cho vào túi bóng hút chân không. Mứt dừa non có thể để được 15-20 ngày trong điều kiện nhiệt độ thường vẫn dẻo thơm.