Cách làm mứt dừa các loại – “Bắt bệnh” những lỗi hay gặp nhất

Cách làm mứt dừa mứt dừa non, mứt dừa nhiều màu, hình hoa cúc một cách chi tiết, dễ hiểu đã có hết trong cẩm nang này. Cùng Quà 36 học cách làm và “bắt bệnh” những lỗi hay gặp phải khi làm lần đầu bạn nhé! 

 

Cách làm mứt dừa non

 

 

Chuẩn bị

+ 1kg cùi dừa non (Không nên chọn cùi quá mềm, cùi khi lấy ra khỏi vỏ vẫn đứng dáng không bị mềm oặt)

+ 400 – 500gr đường

 



Bạn có thể mua cùi dừa non đã làm sẵn ở chợ

 

Sơ chế:

+ Dừa mua về, tách phần cùi non ra khỏi quả > Gọt phần vỏ lụa nâu bên ngoài > Cắt miếng dày chừng 0,5 – 1 cm, dài khoảng 10cm. Lưu ý: Không nên thái mỏng quá vì mứt dừa thành phẩm sẽ co lại nhỏ hơn. 

+ Dừa cắt miếng sau đó chần nước sôi chừng 3 phút, sau đó rửa lại nhiều lần cho sạch lớp dầu (đến khi nước trong là được)

 



Sơ chế làm mứt dừa non

 

Cách làm:

+ Để dừa thật ráo nước sau đó ướp 1kg với 400 – 500gr đường trong khoảng 2h 

+ Dùng chảo chống dính hoặc chảo nhôm dày sên dừa ở lửa trung bình, thỉnh thoảng đảo dừa một lần. Khi nước ráo gần hết, thấy hơi nặng tay là lúc dừa chuẩn bị kết tinh, cho lửa nhỏ hơn nữa và đảo liên tục, liên tục. Lưu ý: lửa nhỏ để dừa khô từ từ, không bị cháy đường đồng thời dừa sẽ không bị màu ngà ngà vàng khi làm loại mứt trắng truyền thống.

+ Khi thấy có phấn trắng đường khô kết tinh quanh sợi dừa thì tắt bếp, để mứt ra mâm lớn, bật quạt thổi trực tiếp đến khi khô, tay đồng thời vẫn đảo, sốc lên để dừa khô nhanh, rũ bung những hạt đường. Thường 2-3h sau khi tắt bếp, mứt khô mới đóng túi

+ Nếu có nắng to thì có thể phơi thêm dưới nắng chừng 2 tiếng rồi cất dùng dần

 




Quy trình sên mứt dừa

 

Ngoài ra, với cách làm dừa nhiều màu thì bạn cần chuẩn bị thêm 100ml nước cốt màu rau củ đậm đặc cho công thức trên. Bạn sẽ chia làm hai phần: một phần lớn cho vào khi ướp dừa với đường, phần nhỏ còn lại cho vào khi dừa bắt đầu có dấu hiệu kết tinh thì màu sẽ tươi, đẹp hơn.

 

Lưu ý: 

+ Không cho các loại củ quả chua để tạo màu vì khả năng làm mứt dừa kết tinh đường sẽ thấp hoặc rất khó. Vd: chanh leo tạo màu vàng, hoa atiso màu đỏ…

+ Sên mứt màu trắng, hồng, tím, xanh…thì bạn dùng đường trắng, các màu còn lại như cacao, cafe cùng tone nâu vàng thì nên dùng đường vàng.

+ Không nên sên mứt quá lâu, sên quá khô vì khi để nguội, hơi nóng mất đi, độ ẩm giảm vì vậy dừa sẽ rất cứng

+ Còn nếu “Tại sao mứt dừa không kết tinh?” Là do thiếu đường. Khi đó bạn đổ thêm đường vào sên tiếp.

+ Trường hợp đường cứ keo lại, sên mãi không kết tinh thì mang đi rửa hết phần đường cũ,cho lại đúng tỉ lệ như trên và sên thật nhỏ lửa.

+ Nếu mứt chảy nước mà nhà có lò sấy thì sấy thêm ở 50-60 độ trong 15 phút sau đó lặp lại bước đảo, sốc mứt trước quạt đến khi khô hẳn. (Đây là bước cứu cánh tuy nhiên dừa ăn có thể sẽ khô không còn dẻo)

 

Mứt dừa non

Mứt dừa non

 

Ngoài ra, “Cách làm mứt dừa non không bị chảy nước” là câu hỏi của không ít người sau lần đầu thất bại. Đó là do đun lửa quá to hoặc thái miếng dừa không đều nhau, miếng quá dày, khi đó miếng dày hơn chưa khô để sẽ chảy nước “lây sang” những miếng khác. Cách làm mứt dừa dẻo hay dừa non thực ra không hề khó nếu bạn đọc kỹ những lưu ý mà thôi!

Cách làm mứt dừa truyền thống

 

Mứt dừa truyền thống là loại sợi dài bạn hay thấy trong các hộp mứt tết. Về cơ bản, công thức vẫn có tỷ lệ như cách làm dừa non nhưng sẽ khác nhau ở loại dừa làm mứt.

Mứt dừa truyền thống sử dụng dừa “già” hơn với dừa non, gọi là dừa bánh tẻ. Vậy chính xác Dừa bánh tẻ là gì? Dừa sau khi chặt vỏ, có lớp vỏ lụa phía ngoài màu nâu nhạt, cùi dày hơn cùi dừa non đáng kể, bấm tay vào cùi cảm nhận được độ giòn, không dai nên phù hợp để nạo sợi làm mứt. 

 






Cách làm mứt dừa

 

Lưu ý: Bạn nên dùng dao có nạo sợi thay vì cây nạo cầm tay vì miếng dừa nạo sẽ có độ dày vừa phải.

 

Cách làm mứt dừa hoa cúc

 

Tương tự như làm dừa truyền thống nhưng mứt dừa hoa cúc đòi hỏi bạn ở 2 khâu quan trọng:

 

+ Cắt tỉa dừa thành miếng hình chữ nhật. Tỉa từng lát đủ mỏng để dễ uốn, không gập gãy (Chừa lại chừng 5mm để làm điểm tựa đập hoa)

+ Khi mứt sên xong còn nóng, bạn gập từng lát cát vào trong là tạo thành cánh hoa.

Sau đó, hong quạt cho thật nguội. Cánh hoa khô sẽ trông như bông cúc, không sợ bung ra. 

 



Cách uốn cánh hoa cúc

 

Hy vọng với tất tần tật từ cách làm mứt dừa đến những lưu ý nhỏ nhất để tránh những lỗi thường gặp, Quà 36 chúc bạn thành công ngay lần đầu tiên với món ăn vặt dịp tết này nhé! Bên cạnh đó, bạn cũng có thể vào bếp để nấu ngay những món chè thảo mộc có vị thanh mát cho cho cả nhà. Không ngọt khé cổ mà còn giải độc, thanh lọc cơ thể hiệu quả.

 

 

Dieu Linh / qua36.com – Ảnh: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *