Bữa tối siêu lãng mạn và ấm cúng với món bò bít tết cực hấp dẫn. Hãy xem ngay công thức cách làm bò bít tết trên Thật là Ngon nhé.
Là một trong những món ăn có xuất xứ từ phương Tây, trải qua thời gian, bò bít tết (beef steak) được du nhập vào nước ta và trở thành một trong những món ăn được mọi người yêu thích.
Thay vì mất một khoản tiền không nhỏ đến các nhà hàng thưởng thức món bò bít tết thơm ngon thì sao bạn không thử trổ tài để mời cả nhà nhỉ?
Nguyên liệu thì đơn giản, cách làm cũng không khó. Bạn chỉ cần tham khảo công thức và một vài bí kíp nho nhỏ dưới đây là đã có 1 bữa ăn hấp dẫn với bò bít tết đầy đủ dinh dưỡng để mời cả nhà rồi.
Nhanh nhanh vào bếp với Thật Là Ngon thôi!
In Công Thức
from
votes
Cách Làm Bò Bít Tết
Bật mí cho bạn cách làm bò bít tết thơm ngon, không bị khô dai cực nhanh và đơn giản!
Chuẩn bị
5
phút
Nấu
6
phút
Thời gian ướp thịt
30
phút
Tổng thời gian
41
phút
Khẩu phần:
2
Calories:
455
kcal
Nguyên Liệu
-
2
miếng
thịt thăn lưng bò (ribeye), mỗi miếng 150-200 g
độ dày khoảng 2-2,5 cm
-
1
thìa cơm
dầu ô liu
-
1
thìa cà phê
lá hương thảo thái nhỏ (rosemary)
-
2-3
nhánh
hương thảo
-
1
củ
tỏi
-
1
thìa cơm
bơ nhạt
-
½
thìa cà phê
muối
-
½
thìa cà phê
tiêu
Hướng dẫn
Bước 1: Ướp thịt bò
-
Làm sạch thịt bò và thấm khô nước.
-
Rắc đều lá hương thảo thái nhỏ, muối và tiêu lên 2 mặt của miếng thịt bò.
-
Bọc lại và để trong tủ lạnh khoảng 30 phút.
Bước 2: Nướng bít tết
-
Lấy thịt bò ra khỏi tủ lạnh và thấm bớt nước.
-
Bắc chảo gang hoặc chảo nướng lên bếp với nhiệt độ cao.
-
Chảo nóng thì cho dầu ô liu vào và để trong 1 phút.
-
Cho thịt bò vào và áp chảo mỗi mặt khoảng 2,5-3 phút. Đồng thời thêm lá hương thảo tươi, tỏi và bơ vào.
Bước 3: Hoàn thành
-
Bít tết có độ mềm vừa phải, dậy mùi thơm ngậy của thịt bò hòa quyện với mùi hương thảo và tỏi.
-
Để bít tết nghỉ khoảng 5 phút rồi cắt thành lát, ăn trực tiếp hoặc ăn kèm với sốt hoặc rau củ.
Nutrition
Calories:
455
kcal
Bạn thử chưa?
Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!
Cách làm bò bít tết chi tiết
Bước 1: Ướp thịt bò
Đầu tiên, bạn nên làm sạch miếng thịt bò trước khi chế biến. Sau đó, bạn thấm khô nước bằng giấy lau thức ăn.
Để bít tết có thêm hương vị ngất ngây, bạn hãy rắc đều lá hương thảo thái nhỏ, muối và tiêu lên 2 mặt của miếng thịt bò và mát xa thật nhẹ nhàng để gia vị thấm đều.
Tiếp đó, bạn bọc miếng thịt lại và để nghỉ khoảng 30 phút trong ngăn mát tủ lạnh.
Bước 2: Nướng (áp chảo) thịt bò bít tết
Sau khi ướp được 30 phút, bạn lấy thịt bò ra và dùng khăn giấy nhà bếp để thấm bớt nước.
Bạn bắc chảo gang hoặc chảo nướng lên bếp và đặt lửa cao. Bạn chờ chảo nóng thì cho dầu ô liu vào và làm nóng dầu trong 1 phút.
Tiếp đó, bạn cho thịt bò vào áp chảo khoảng 2,5-3 phút thì hạ lửa và lật sang mặt còn lại và đợi 2,5 phút nữa. Thời gian trong cách làm bò bít tết này sẽ cho thành phẩm bò bít tết tái vừa (medium rare). Nếu muốn ăn chín hay tái hơn, bạn tham khảo thêm thời gian nướng thịt ở dưới nhé.
Bạn lưu ý, không nên lật nhiều lần hay dùng dĩa, đũa,… xiên vào miếng thịt. Trong lần áp chảo đầu tiên, bạn không nên chạm vào miếng thịt ít nhất là 1 phút.
Trong lần áp chảo mặt còn lại của miếng thịt, bạn hãy thêm vài nhánh hương thảo, tỏi và bơ để bít tết thơm hơn nhé. Nếu thấy bề mặt thịt bị xém quá nhanh thì bạn hãy giảm lửa xuống mức trung bình cao nhé.
Bạn lưu ý, nên cắt củ tỏi làm đôi hoặc để cả nhánh để tỏi không bị cháy quắt trong quá trình áp chảo hoặc nướng nhé.
Chờ bơ chảy bớt thì bạn hãy nghiêng chảo, rồi dùng thìa múc phần bơ đã chảy ra và rưới lên bề mặt thịt. Việc này sẽ giúp miếng thịt đậm đà hơn và nhiệt truyền vào thịt tốt hơn, giúp bít tết tăng độ ẩm và ấm. Bạn không nên cho bơ ngay từ đầu, sẽ làm thịt bị khét.
Bước 3: Cách Làm Bò Bít Tết – Hoàn thành
Với thời gian áp chảo như trên thì miếng bít tết xém vàng bên ngoài, bên trong thịt còn giữ màu đỏ tươi, ấm. Có hương vị đặc trưng bởi sự hòa quyện của thịt bò hương thảo và tỏi. Thịt không bị khô và cứng.
Bạn để bít tết nguội bớt trong khoảng 5 phút rồi cắt thành lát, ăn trực tiếp hoặc ăn kèm với sốt, rau củ, khoai tây nghiền hay dùng làm salad cũng siêu ngon đấy.
Bí quyết để món bò bít tết thơm ngon, không bị khô và dai
Chọn thịt bò mềm thơm
Trong bài chia sẻ này, mình sẽ bật mí cách chọn thịt để món bò bít tết ngon nhé. Đầu tiên, bạn nên chọn loại thịt phù hợp với khẩu vị cá nhân. Có 4 loại thịt mà mọi người thường sử dụng như sau:
Nếu bạn muốn ăn thịt siêu nạc thì có thể lựa chọn phần thịt thăn nội (tenderloin) hoặc thăn ngoại (sirloin). Trong đó thịt thăn nội hay còn gọi là fillet steak (phi lê) là phần thịt mềm ngọt nhất, có vị ngậy, thơm, thích hợp với kiểu ăn tái (rare). Tuy nhiên, loại thịt này khá đắt vì lượng thịt thăn nội ở một con bò rất ít.
Thịt thăn ngoại có vị gần giống phi lê nhưng đậm hơn và có lẫn 1 ít mỡ. Phần thịt này phù hợp với kiểu ăn tái vừa (medium rare) và không nên ăn chín kỹ (well done).
Ribeye là phần thịt ngay giữa sườn bò, được mọi người lựa chọn khá nhiều bởi giá cả vừa phải. Hơn nữa, trong miếng thịt có đan xen nhiều dây mỡ, khi nướng lên sẽ cảm nhận rõ vị mềm ngậy của miếng thịt. Đồng thời, phần mỡ chảy ra sẽ làm miếng thịt có độ bóng và hấp dẫn hơn. Ribeye thường phù hợp với kiểu ăn tái chín (medium).
Nếu bạn muốn món bít tết đẹp hơn thì hãy chọn những phần thịt to như T-bone (thịt thăn phi lê có xương hình chữ T) và porterhouse (thịt thăn viền mỡ) được cắt từ phần thăn vai (short loin). Phần thịt này có thể lựa chọn ăn từ mức chín tới (medium well) trở lại và thường thì nướng lò là ngon nhất. Đây là loại thịt được nhiều bà nội trợ ưa thích nhất, không chỉ chế biến được rất nhiều món mà hương vị cũng thơm ngon và đặc biệt hơn các phần thịt khác.
Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn phần thịt ba chỉ (plate) hay thịt mông (round) để làm món bít tết nhé. Giá cả cũng mềm hơn các loại thịt trên nhưng vẫn có độ mềm ngọt đặc trưng.
Bên cạnh việc lựa chọn loại thịt phù hợp khẩu vị, bạn cũng cần lưu ý đến chất lượng thịt, thịt phải đảm bảo độ tươi ngon. Để chọn được thịt đảm bảo, bạn hãy tham khảo mẹo chọn thịt ngon trong bài Cách Làm Bò Kho nhé.
Nếu bạn sử dụng thịt đông đá thì cần phải rã đông tự nhiên trong ngăn mát tủ lạnh trước khi sơ chế nhé.
Chọn thịt bò ta hay bò ngoại?
Hầu hết các bà nội trợ thường lựa chọn bò ngoại có xuất xứ từ Úc, Mỹ hay Nhật Bản bởi chất lượng thịt tốt và được nuôi trong điều kiện lý tưởng. Do điều kiện khí hậu và phương thức chăn nuôi nên thịt bò ngoại thường mềm ngọt hơn thịt bò ta.
Tuy nhiên, với thịt bò ta, bạn có thể chọn phần thịt thăn nội để làm món bít tết cũng rất tuyệt vời.
Chọn dụng cụ nướng thịt có độ truyền nhiệt tốt
Dụng cụ nướng thịt cũng tác động không nhỏ đến sự thành công của cách làm món bò bít tết này.
Bạn nên sử dụng những dụng cụ chuyên dụng như vỉ nướng, chảo nướng, lò nướng. Nếu không có những dụng cụ này, bạn có thể dùng chảo gang, miễn là độ truyền nhiệt của nó tốt. Điều này sẽ giúp miếng thịt chín nhanh hơn mà vẫn giữ được độ mềm ẩm, tránh bị khô.
Ngoài ra, dụng cụ nướng cũng cần đảm bảo vệ sinh, không bị dính bẩn hay bị rỉ sét, đặc biệt là các vỉ nướng.
Nhiệt độ cao, thời gian nướng/ áp chảo vừa đủ
Một trong những yếu tố quyết định sự thơm ngon của món bít tết là nhiệt độ nướng cao. Tùy vào sở thích mà bạn có thể điều chỉnh thời gian nấu để món ăn trở nên hoàn hảo hơn. Bạn có thể tham khảo thời gian và nhiệt độ chuẩn của các mức độ bít tết như sau: (áp dụng với miếng thịt dày 2,5 cm)
- Tái toàn phần (blue rare): Thịt chín 10%. Mỗi mặt được áp chảo khoảng 30 giây – 1 phút, nhiệt độ miếng thịt khoảng 45-48 °C. Kiểu bít tết này thường được phục vụ kèm với chanh hoặc sốt tiêu nếu bạn không quen ăn thịt sống.
- Tái (rare): Thịt chín 25%. Mỗi mặt được áp chảo khoảng 2-2,5 phút, nhiệt độ miếng thịt từ 51-55 °C, bên trong thịt vẫn giữ màu đỏ tươi.
- Tái vừa (medium rare): Thịt chín 50%. Mỗi mặt được áp chảo khoảng 3 phút, nhiệt độ miếng thịt từ 55-60 °C, bên trong thịt có màu đỏ hồng.
- Tái chín (medium): Thịt chín 75% mỗi mặt được áp chảo khoảng 4 phút, nhiệt độ miếng thịt từ 61-65 °C.
- Chín vừa (medium well): Thịt chín 90%. Mỗi mặt được áp chảo khoảng 5 phút, nhiệt độ miếng thịt từ 66-69 °C.
- Chín hoàn toàn (well done): Mỗi mặt được áp chảo khoảng 6 phút, nhiệt độ miếng thịt trên 70 °C. Bạn chỉ nên nấu để đến 80 °C để tránh bị khô và dai.
Không nên sử dụng nhiều gia vị ướp
Gia vị càng đơn giản và nguồn gốc tự nhiên thì bít tết càng giữ được hương vị nguyên thủy của thịt bò. Bạn chỉ cần mát xa nhẹ nhàng miếng thịt với 1 chút muối, tiêu để miếng thịt “hơi” có vị một chút, bởi sau khi chế biến xong, bạn có thể ăn kèm với sốt hoặc các loại rau củ nướng.
Nếu bạn thích vị ngọt nguyên bản của thịt bò thì bạn có thể không cần ướp với gia vị.
Lưu ý trong khi nướng/ áp chảo bò bít tết
Bạn nên sử dụng dầu bốc hơi chậm như dầu ô liu, dầu hạt cải để chế biến.
Bạn không nên dùng các vật có đầu nhọn như dĩa để lật miếng thịt. Điều này sẽ làm thịt bị mất nước.
Hạn chế tối đa việc chạm vào thịt, không lật mạnh tay hay ấn lên thịt. Tốt nhất là bạn chỉ nên lật thịt 1 lần thật nhẹ nhàng bằng kẹp hoặc thìa lật chuyên dụng. Những lưu ý này sẽ tránh cho thịt không bị chảy nước ra chảo và làm mất độ ngọt ban đầu.
Trong quá trình áp chảo, bạn có thể thêm vài nhánh hương thảo (rosemary), cỏ xạ hương (thyme), tỏi, bơ để món ăn quyện mùi nhé. Khi ăn, bạn nhớ bỏ các loại rau thơm này ra nhé, vì chúng khá cứng.
Không thái thịt ngay sau khi chế biến
Bạn nên để bít tết ra ngoài khoảng 3-5 phút để gia vị thấm ngược vào trong. Hơn nữa, thái thịt ngay sẽ làm nước trong thịt chảy ra ngoài, làm giảm độ ngon của thịt.
Cách làm một số loại sốt ăn kèm
Sốt bơ tỏi
Để làm sốt bơ tỏi 🧄, bạn cần 4 thìa cơm bơ nhạt, 1-2 tép tỏi băm nhỏ, 1 thìa cà phê mùi tây tươi hoặc khô băm nhỏ.
Đầu tiên, bạn làm nóng chảo trên lửa vừa rồi cho 1 thìa bơ vào. Bạn chờ bơ tan bớt thì bạn cho tỏi vào phi. Khi tỏi bắt đầu dậy mùi thì bạn tắt bếp. Bạn chờ hỗn hợp nguội bớt thì cho phần bơ còn lại và mùi tây vào rồi trộn đều. Sau đó, bạn bọc lại và để tủ lạnh khoảng 15-20 phút thì bơ sẽ đông. Khi ăn, bạn chỉ việc cắt ra rồi để lên miếng bít tết, hơi nóng từ thịt sẽ làm bơ chảy ra rất hấp dẫn. Bạn lưu ý, không được làm tỏi chuyển màu vàng hay làm cháy bơ, sẽ khiến sốt có vị hơi đắng.
Sốt tiêu đen
Cách chế biến sốt tiêu đen khá đơn giản. Bạn chỉ cần khoảng 20 g tiêu đen mịn, 1 thìa cơm dầu hào, 1 thìa cơm rượu trắng, 1 thìa cà phê giấm, ½ thìa cơm xì dầu, ½ thìa cơm đường, ½ thìa cơm bột năng, 1 bát cơm nước, 1 quả cà chua thái múi cau, gừng, tỏi thái nhỏ, muối.
Cách làm như sau: bạn hòa nước với đường, sau đó thêm dầu hào, rượu, giấm, xì dầu vào khuấy đều rồi hòa cùng bột năng. Tiếp theo, bạn bắc chảo lên bếp, phi tỏi và gừng trên lửa lớn cho thơm rồi cho cà chua vào xào chín. Sau đó, bạn cho hạt tiêu và hỗn hợp nước ở trên vào đun cho đến khi đạt hỗn hợp sánh thì tắt bếp. Bạn có thể nêm thêm gia vị cho vừa miệng nhé.
Sốt nấm
Nguyên liệu làm sốt nấm gồm 1 thìa cà phê bơ nhạt, 1 thìa cà phê dầu ô liu, 1 củ tỏi cắt nhỏ, 75 g nấm mỡ cắt lát, 75 ml sữa tươi không đường, ½ thìa cơm bột bắp hoặc bột năng, muối, tiêu.
Cách làm: bạn phi tỏi với dầu và bơ cho thơm rồi cho nấm mỡ vào xào. Sau đó, bạn thêm sữa tươi vào. Bạn nhớ giữ lại khoảng 2 thìa cơm sữa (30 ml) để hòa tan bột bắp/ bột năng nhé. Sau đó, bạn cho hỗn hợp bột năng vào và khuấy liên tục cho đến khi sốt có độ sánh thì nêm muối và tiêu.
Sốt rượu vang đỏ
Nguyên liệu gồm 120 ml rượu vang đỏ, 1.5 thìa cơm bơ nhạt, 25 g bột mì, ½ củ hành tây thái nhỏ, 1 tép tỏi băm nhuyễn, ½ thìa cơm đường nâu, ½ bát cơm nước hầm bò/ rau củ, 1 chút muối, tiêu.
Để làm sốt này, trước tiên bạn phi hành tỏi với bơ cho thêm rồi thêm từ từ bột mì vào. Bạn khuấy liên tục để bột mì không bị vón cục nhé. Sau đó, bạn tắt bếp rồi thêm rượu vang và đường nâu vào, khuấy cho tan thì bật bếp lên. Bạn đun cho đến khi hỗn hợp sệt lại thì cho nước hầm bò/ rau củ vào và nêm thêm gia vị nhé.
Bạn thích loại sốt ăn kèm nào nhất?
Bên cạnh các loại sốt, bạn có thể ăn kèm với các loại rau củ nướng như ớt chuông, súp lơ xanh, măng tây, cà chua bi,… hay ăn kèm với salad, khoai tây chiên đều ngon hết sảy.
Cách làm bò bít tết rất nhanh và dễ dàng, bạn chỉ cần lưu ý một chút trong khâu chọn thịt là có 1 bữa ăn siêu dinh dưỡng.
Món ngon kết hợp cùng bò bít tết
Chúc bạn thành công và có nhiều bữa ăn ngon nhé.
*Ảnh: Nguồn Internet
0
Shares