Nếu bạn đang muốn làm bánh trung thu nhưng chưa hiểu rõ về các công đoạn chuẩn bị và cách thực hiện thì đừng bỏ qua bài viết này nhé. Cooky sẽ hướng dẫn chi tiết từ A đến Z cách làm bánh trung thu để bạn dễ dàng tự tay làm ra những chiếc bánh trung thu thật thơm ngon và đẹp mắt, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến cách làm cũng như bảo quản bánh và xử lý những lỗi sai thường gặp.
Bánh trung thu – loại bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Đoàn Viên. Cứ mỗi năm 1 lần, bánh trung thu được bày bán khắp phố phường. Nếu bạn chưa biết nguồn gốc, ý nghĩa của loại bánh này là gì và có những nguyên liệu nào bên trong phần nhân của bánh trung thu thì hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nguyên Liệu Làm Bánh Trung Thu
Một chiếc bánh trung thu hoàn hảo không chỉ có phần nhân thơm ngon đậm đà mà còn phải có phần vỏ đẹp mắt. Những nguyên liệu cần thiết bên dưới đây sẽ giúp bạn tạo ra thành phẩm như ý.
1. Phần Nhân Bánh Trung Thu
Muốn có những chiếc bánh trung thu với phần nhân thơm ngon thì phải đảm bảo đầy đủ các nguyên liệu. Cooky sẽ hướng dẫn bạn chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết cho 2 loại nhân truyền thống: nhân thập cẩm và nhân nhuyễn.
Nhân Thập Cẩm
Phần nhân thập cẩm của bánh trung thu thường gồm các nguyên liệu cơ bản như: mứt bí, hạt sen, hạt dưa, hạt bí, lạp xưởng, mè trắng, lá chanh, thịt xá xíu. Bạn cũng có thể điều chỉnh thêm bớt 1 số nguyên liệu để phù hợp với sở thích cá nhân.
Để nhân bánh thập cẩm thêm phần đậm đà thì cần phải có nước sốt ngon. Nước sốt bao gồm các nguyên liệu: Đường, dầu mè, mật ngô, hắc xì dầu, bột bánh dẻo, rượu mai quế lộ.
Nhân Nhuyễn
Nhân bánh trung thu nhuyễn thường được làm từ hạt sen, các loại đậu, khoai,… Trong đó, loại nhân được sử dụng phổ biến nhất là nhân đậu xanh. Bạn có thể xem cách làm nhân đậu xanh cho bánh trung thu tại đây.
Trứng Muối
Trứng muối có tác dụng làm nhân bánh trung thu thêm đậm đà, vị mặn của trứng muối hòa quyện với vị ngọt của nhân sẽ giúp người ăn không bị ngán.
Khi làm bánh trung thu, cách tiện lợi nhất là mua trứng đã được muối sẵn bên ngoài. Sau khi mua về, bạn loại bỏ lòng trắng và sơ chế lòng đỏ kỹ lưỡng để mất hết mùi tanh khó chịu. Nếu bạn chưa biết mẹo xử lý và bảo quản trứng muối đúng chuẩn thì xem tại đây.
Hoặc bạn cũng có thể dễ dàng tự làm trứng muối ngay tại nhà với cách làm cực kì đơn giản theo hướng dẫn này nhé!
Mạch Nha
Mạch nha được xem như chất kết dính những nguyên liệu trong nhân, giúp cho nhân giữ được độ ẩm, không bị khô hay bứ.
2. Phần Vỏ Bánh Trung Thu
Bên cạnh phần nhân bánh thì phần vỏ bánh trung thu cũng rất quan trọng. Để một chiếc bánh trung thu nướng có lớp vỏ đẹp mắt thì cần phải chọn được các nguyên liệu đúng chuẩn, bao gồm: nước đường, nước tro tàu hoặc baking soda, bột làm bánh và khuôn bánh.
Nước Đường Bánh Nướng
Bánh trung thu nướng có lớp vỏ mềm dẻo, bắt mắt phụ thuộc rất lớn vào phần nước đường. Nước đường bánh nướng nên được nấu ít nhất 15 ngày để có màu đậm đẹp mắt.
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại nước đường bánh nướng đã được chế biến sẵn và đóng gói trong bao bì, bạn có thể mua về sử dụng ngay để tiết kiệm thời gian.
Ngoài ra, để an tâm hơn, bạn có thể tự tay nấu nước đường tại nhà với công thức đơn giản này.
Nước Tro Tàu
Nước tro tàu có công dụng giúp vỏ bánh lên màu đẹp và mềm ẩm sau khi nướng. Có 2 loại là: nước tro tàu tự nhiên và nước tro tàu công nghiệp.
Tuy nhiên, nước tro tàu tự nhiên rất khó tìm nên hầu hết các loại nước tro tàu đang được bày bán trên thị trường là nước tro tàu công nghiệp. Hiện nay, người ta đã dần thay thế nước tro tàu trong công thức làm bánh bằng Baking Soda để an toàn cho sức khỏe. Bạn có thể tìm hiểu cách sử dụng Baking Soda qua bài viết này nhé!
Bột Làm Bánh
Có 4 loại bột thích hợp dùng để làm bánh trung thu là: bột đa đụng, bột bánh mì, bột bánh ngọt và bột bánh trung thu trộn sẵn. Hiện nay, công thức được các chị em chia sẻ nhiều nhất trên Internet là pha trộn bột mì với bột đa dụng theo tỉ lệ 1-1. Cách này giúp thành phẩm bánh trung thu làm ra vừa có lớp vỏ mềm xốp như ý lại vừa bảo quản được thời gian dài. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng 1 trong 4 loại bột trên để làm bánh trung thu:
- Bột đa dụng: Khi làm bánh trung thu, bạn cũng có thể sử dụng hoàn toàn bột mì đa dụng để làm, tuy nhiên, lớp vỏ sẽ hơi cứng một chút, bạn chỉ cần để từ 2-3 ngày để lớp vỏ mềm, xốp trở lại thì khi ăn cũng sẽ rất ngon.
- Bột bánh mì: Loại bột này rất ít khi được sử dụng để làm vỏ bánh trung thu vì sẽ tạo ra những chiếc bánh có vỏ cứng và giòn trong khi bánh trung thu cần có vỏ mềm, ẩm thì mới được xem là thành công. Khi sử dụng, bạn hãy pha trộn bột bánh mì với những loại bột có thành phần protein thấp như bột bánh ngọt để lớp vỏ bánh được thơm ngon.
- Bột bánh ngọt: Bánh trung thu được làm bằng bột bánh ngọt sẽ cho ra lớp vỏ bánh mềm xốp, có độ ẩm như ý. Tuy nhiên, thời hạn sử dụng bánh cũng sẽ thấp hơn, dễ hư hỏng hơn.
- Bột bánh trung thu trộn sẵn: Trên thị trường hiện nay có bày bán những gói bột bánh trung thu trộn sẵn rất tiện lợi. Một lưu ý nhỏ là với những loại bột trộn sẵn như thế này, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để pha bột cho đúng tỉ lệ và gia giảm cho phù hợp với công thức làm bánh trung thu mà mình đang làm.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin cụ thể hơn về từng loại bột và cách sử dụng đúng chuẩn để tạo ra thành phẩm bánh trung thu thật ngon lành và đẹp mắt.
Khuôn Bánh Trung Thu
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại khuôn làm bánh trung thu với những ưu nhược điểm khác nhau. Nhưng có 4 loại khuôn quen thuộc nhất mà bạn nên chọn:
- Khuôn lò xo: Hiện nay, đây là loại khuôn thường được các bà nội trợ sử dụng nhiều nhất để làm bánh trung thu vì sự tiện lợi của nó. Chỉ với một cái khuôn và 4 đến 40 mặt hoa văn đi kèm, các chị em có thể tự do sáng tạo nên nhiều loại mẫu mã cho bánh trung thu ngay trong cùng 1 mẻ bánh.
- Khuôn nhựa cứng: Khuôn nhựa cứng có ưu điểm vượt trội hơn về khối lượng nhẹ, giá thành cũng rẻ hơn nhiều. Tuy vậy, nhược điểm là hoa văn bánh in ra cũng còn xưa cũ, chưa được sắc nét và khi lấy bánh ra khỏi khuôn cũng rất khó khăn.
- Khuôn nhựa dẻo: Khuôn này cũng khá giống với khuôn nhựa cứng, tuy nhiên có độ dẻo dai, có khả năng chịu được nhiệt độ cao, có thể uốn cong được và thường gồm nhiều ô nhỏ trên 1 khay. Người ta thường sử dụng khuôn này để tạo hình bánh trung thu ngộ nghĩnh cho các bé thiếu nhi.
- Khuôn gỗ: Đây là loại khuôn bánh trung thu truyền thống, đã có từ lâu đời. Khuôn gỗ này cầm rất chắc tay, bền và sử dụng được trong thời gian rất dài. Khuôn gỗ đòi hỏi người làm bánh phải có tay nghề cao thì mới làm ra thành phẩm bánh sắc nét.
Bạn nên đi chọn mua khuôn bánh trung thu trước khoảng từ 1-2 tháng vì lúc này số lượng khuôn bánh về nhiều mẫu mã mới lạ, bắt mắt và giá thành cũng chưa cao như ở thời điểm giáp ngày Trung Thu.
Nếu bạn chưa biết địa chỉ và giá thành để mua khuôn bánh trung thu thì tham khảo tại đây nhé!
Bảo Quản Bánh Trung Thu Đúng Cách
Bánh nướng sau từ 1-3 ngày sau khi làm sẽ xuống dầu, vỏ mềm và nâu hơn. Lúc này, bạn ăn sẽ ngon nhất. Nếu để ở nhiệt độ phòng nên ăn ngay trong khoảng 5 ngày đổ lại, bảo quản trong tủ lạnh thì sẽ giữ được lâu hơn nhưng hương vị sẽ không còn ngon như mới nữa.
Bánh làm tại nhà không có chất bảo quản nên được giữ ở nơi khô ráo, thoáng mát tránh ánh nắng trực tiếp. Khi muốn bỏ vào hộp, bạn nên cho vào một gói hút ẩm để bánh không bị mốc nhé!
Một Số Sai Lầm Cần Tránh Khi Làm Bánh Trung Thu
Trong quá trình làm bánh trung thu, nếu thao tác không cẩn thận thì thành phẩm bánh nướng làm ra sẽ dễ mắc các lỗi cơ bản như:
- Vỏ bánh: bị khô cứng, nứt mặt khi nướng, lên màu không đẹp hoặc bánh còn quá ướt.
- Nhân bánh: sên quá tay, quá lửa khiến nhân chảy dầu ngược lại hoặc sên chưa đủ độ làm nhân chảy sệ hay quá khô khi nướng.
- Nước đường bánh nướng: nấu chưa đạt chuẩn hoặc bị đọng hạt li ti khiến bánh dễ bị hư hỏng.
Bạn có thể xem giải thích chi tiết về những hiện tượng trên cũng như cách phòng tránh và khắc phục qua bài viết này nhé!
Chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn về những nguyên liệu cần chuẩn bị và các công đoạn để tạo nên những chiếc bánh trung thu thơm ngon, đẹp mắt cũng như cách bảo quản đúng chuẩn. Phần tiếp theo, Cooky sẽ hướng dẫn bạn cách làm bánh trung thu nướng nhân thập cẩm quen thuộc nhé!
Cách Làm Bánh Trung Thu Nướng Nhân Thập Cẩm
Có rất nhiều loại bánh trung thu nướng với phần nhân và hương vị khác nhau. Nếu như bánh trung thu dẻo mang đến cho bạn sự mềm mại, ngọt ngào thì chiếc bánh trung thu nướng nhân thập cẩm trong công thức dưới đây này lại hội tụ đủ vị mặn, ngọt, cay… ngon khó tả.
Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh trung thu nướng nhân thập cẩm
1. Vỏ bánh:
- Bột mì số 8: 400 Gram
- Nước đường: 250 Gram
- Dầu ăn: 50 Gram
- Trứng gà: 2 Quả (Lòng đỏ)
2. Nhân bánh:
- Phần mứt: 100 gram mứt bí, 100 gram mứt gừng đỏ, 100 gram mứt chanh đỏ.
- Phần hạt: 100 gram mè trắng, 100 gram hạt điều, 100 gram hạt dưa.
- Phần trứng: 10 quả trứng vịt muối, 2 quả trứng vịt.
- Phần rượu: 1 muỗng canh rượu trắng, 10 ml rượu mai quế lộ
- Phần gia vị: 1/2 Muỗng cà phê muối, 1/4 muỗng cà phê hạt nêm, 110 gram đường trắng, 1 củ gừng, 3 muỗng canh dầu mè, 5 lá chanh
- Nguyên liệu khác: 100 gram bột bánh dẻo, 50 gram nước đường, 100 gram mạch nha, 150 gram mỡ heo, 200 gram ức gà, 100 gram lạp xưởng.
Cách làm bánh trung thu nướng nhân thập cẩm ngon đúng chuẩn
Bước 1: Làm vỏ bánh
Cho 300 gram bột mì số 8, 250 gram nước đường, 50 gram dầu ăn và 1 lòng đỏ trứng gà vào 1 tô to rồi trộn đều thành một khối bột kết dính.
Chia phần bột còn lại thành nhiều phần nhỏ, rây từ từ vào, tiếp tục trộn và nhào cho thật đều để tan hết phần bột mới.
Bước 2: Làm nhân bánh
Làm lòng đỏ trứng muối: Trứng vịt muối tách riêng lòng đỏ và lòng trắng, chỉ giữ lại lòng đỏ. Ngâm lòng đỏ với rượu trắng và 1 củ gừng đã đập dập trong khoảng 15 phút để khử bớt mùi tanh rồi vớt ra xả lại với nước lạnh.
Tiếp tục ướp lòng đỏ với 10 gram đường trắng, 1 muỗng canh dầu mè cho ngấm. Sau đó, hấp chín trong khoảng 30 phút.
Làm mỡ đường: Mỡ heo sau khi đã mua về bạn rửa sạch, rồi chần qua với nước sôi sau đó vớt ra, để ráo nước rồi cắt hạt lựu. Cho tiếp vào 100 gram đường trắng ướp rồi phơi nắng 1 ngày để mỡ trong lại.
Làm chà bông gà: Ức gà rửa sạch, để ráo cắt nhỏ rồi ướp với: ½ muỗng cà phê muối và ¼ muỗng cà phê hạt nêm trong 15 phút cho ngấm gia vị. Cho vào nướng trong lò nướng ở 150 độ C trong 45 phút rồi để nguội thì xé nhỏ. Rang phần thịt gà đã xé nhỏ đến khi khô và không còn nước.
Hạt mè, hạt điều, hạt dưa cho vào chảo rang khô với lửa nhỏ. Lá chanh cắt sợi nhỏ. Lạp xưởng nướng trong lò 15 phút ở 150 độ C.
Cho các loại mứt và hạt, mỡ đường, bột bánh dẻo, 1 muỗng canh dầu mè, 10ml rượu mai quế lộ, lá chanh, chà bông gà, lạp xưởng vào 1 tô, trộn đều. Đun tan chảy mạch nha rồi đổ từ từ vào hỗn hợp nhân, tiếp tục cho 50 gram nước đường vào rồi trộn đều.
Vo nhân thành viên tròn, khoảng 110 gram/viên. Cho trứng muối vào nhân, nhẹ nhàng dùng tay nặn cho đều, khoảng 130 gram/viên.
Bước 3: Cho nhân vào vỏ bánh
Chia mỗi phần nhân khoảng 75 gram, vo tròn và ấn dẹp. Đặt nhân vào, dùng tay vo nhẹ nhàng để vỏ bánh bao bọc hết phần nhân. Rắc 1 lớp bột áo.
Cho bột vào khuôn bánh, dùng tay ấn chặt để tạo hình rồi gỡ nhẹ nhàng ra khỏi khuôn để giữ hoa văn bánh.
Bước 4: Nướng bánh
Nướng bánh trong 15 phút ở 180 độ C rồi lấy ra ngoài cho bánh nghỉ 15 phút.
Đánh tan 2 lòng đỏ trứng vịt, 1 lòng đỏ trứng gà, 2 muỗng canh dầu mè, lọc qua rây rồi dùng cọ quết hỗn hợp lên bánh.
Cho bánh vào nướng tiếp 10 phút ở nhiệt độ 200 độ C. Lấy bánh ra, để thật nguội rồi mới cho vào hộp. Ăn ngày trong 5 ngày.
Lưu lại Cách Làm Bánh Trung Thu Nướng Nhân Thập Cẩm
Hi vọng với Hướng dẫn chi tiết Cách Làm Bánh Trung Thu tại nhà, bạn đã hiểu rõ hơn về các công đoạn để cho ra đời những chiếc bánh trung thu thật thơm ngon và đẹp mắt! Ngoài cách làm bánh trung thu nướng nhân thập cẩm kể trên, bạn cũng có thể tham khảo thêm các công thức làm bánh trung thu độc đáo khác do Cooky và các thành viên thực hiện tại đây
Chúc bạn thực hiện thành công Cách Làm Bánh Trung Thu tại nhà để dành tặng cho những người thân yêu nhé!
Có thể bạn chưa biết: