Bánh tiêu là một trong những món ăn trẻ con yêu thích nhất vào những năm tháng xưa cũ. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngày nay món bánh này không còn thịnh hành như xưa nhưng cách làm bánh tiêu đặc ruột vẫn được nhiều người tìm kiếm để trổ tài khéo léo.
Chiếc bánh tiêu đặc ruột thơm ngon, mỗi lần nhâm nhi lại khiến tôi nhớ đến cái thời cắp sách đến trường. Mùi thơm của bánh như mang cả ký ức ngây ngô ngày xưa, vừa ăn vừa nhung nhớ, chiêm nghiệm. Hồi còn đi học, mỗi lần tiếng trống tan trường vừa vang lên, tôi lại lật đật dồn hết sách vở vào cặp, ba chân bốn cẳng chạy ra chiếc xe đẩy đầy bánh tiêu thơm phức ngay trước cổng trường, hớn hở la to “Cô ơi, cho con một cái”, rồi lững thững quay vào ghế đá, ăn hết mới đứng dậy… về. Thế rồi, tôi lên đại học, niềm nhớ thương, thèm thuồng về chiếc bánh tiêu cũng dần xa và được thay thế bằng bao nhiêu món ngon khác của Sài Gòn hoa lệ. Cho đến một ngày, tôi dừng chân ngay góc hẻm, ngẩn ngơ nhìn chiếc xe bán bánh tiêu giản dị, hệt như của ngày xưa, lòng bỗng dậy lên những cảm xúc khó tả.
Bánh tiêu là thức quà mà bao đứa trẻ muốn có được vào những năm tháng xưa cũ
(Ảnh: Internet)
Chiếc bánh tiêu vẫn nóng hổi, vẫn vàng ươm, vẫn thơm lừng và vẫn khiến tôi mỹ mãn vừa ăn vừa cười khúc khích như thuở trước. Sau ngày hôm đấy, tôi quyết tâm học cách làm bánh tiêu đặc ruột, để tự tay trổ tài cho bè bạn bất cứ lúc nào có dịp. Rất nhiều bạn bè tôi sau khi ăn xong thích mê, còn nhờ tôi hướng dẫn cách làm bánh tiêu sao cho đặc ruột mà lớp vỏ bánh vẫn xốp giòn. Nếu bạn cũng đang muốn có được công thức làm bánh tiêu ngon, đừng bỏ lỡ hướng dẫn dưới đây nhé.
Nguyên liệu làm bánh tiêu
- Bột mì: 300g
- Vừng (mè): 40g
- Đường: 100g
- Nước sôi: 60ml
- Nước lọc: 100ml
- Dầu ăn: 1 muỗng café
- Men nở tức thì: 1 muỗng café
- Bột nổi Alsa của Pháp: 1 muỗng café
Hướng dẫn làm bánh tiêu đặc ruột xốp mềm thơm ngon
Cách pha bột bánh
Đổ đường vào một tô nhỏ, thêm nước sôi rồi khuấy cho đường tan. Sau đó từ từ thêm nước lạnh vào khuấy cùng đến khi hỗn hợp đạt khoảng 50 độ C thì cho men nở vào khuấy sơ.
Tiếp đó, cho bột mì và bột nổi vào bát to, trộn đều rồi đẩy bột ra xung quanh tạo thành miệng giếng nhỏ, đổ nước đường, dầu ăn vào giữa tô bột.
Dùng nĩa khuấy bột và các nguyên liệu khác hòa quyện thành một khối lớn. Tiếp theo, rắc một lớp bột khô lên bàn bếp hay mặt thớt rồi lấy khối bột trong tô ra, gấp đôi cục bột lại rồi dùng lòng bàn tay ấn xuống bàn. Bạn cứ thực hiện như vậy cho đến khi cảm giác được khối bột trên tay mình thật mịn, không vón cục, không bị nhão hay chảy xệ xuống là đạt tiêu chuẩn cần có.
Nhồi bột làm bánh tiêu
Cách ủ bột
Lấy một ít dầu ăn phết vào trong âu, cho bột đã nhào vào bên trong, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín âu bột lại. Tiến hành ủ từ 1 – 2 tiếng cho bột nở.
Ủ bột xong thì dùng tay ấn nhẹ xuống bột rồi nhồi lại lần nữa cho thật mịn. Tiếp theo, chia khối bột thành nhiều viên nhỏ, lăn quan vừng (mè) rồi dùng thanh gỗ tròn để cán mỏng. Lưu ý: Không cán bột quá mỏng, chừng 0.7cm là được rồi phủ thêm một lớp bột áo cho bánh khỏi dính.
Nhồi lại bột sau khi ủ
Cách chiên bánh tiêu
Đặt bếp lên chảo, đợi đến khi nóng thì cho dầu ăn vào khoảng 2/3 chảo để khi chiên tránh cho bánh bị cháy cũng như giúp bánh chín đều hơn.
Đợi dầu sôi, hạ lửa nhỏ xuống rồi cho bánh vào, nhớ lật bánh nhanh tay để dầu thấm hai mặt và thành phẩm chín đều.
Khi thấy bánh đã chín thì gắp ra đĩa đã lót sẵn giấy thấm. Tiếp tục lặp lại thao tác chiên bánh đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị.
Chiên bánh tiêu đến khi chín vàng và nở đều (Ảnh: Internet)
Yêu cầu thành phẩm
Bánh tiêu đặc ruột là một món ăn dân dã nhưng cực kỳ hấp dẫn với lớp vỏ xốp giòn được rắc thêm một chút mè béo thơm đẹp mắt. Còn phần ruột bên trong mềm thơm, có một chút vị ngọt dịu khiến thực khách khó tính nhất cũng bị chinh phục ngay từ lần nếm thử đầu tiên.
Bánh tiêu thơm ngon gợi nhớ bao ký ức tuổi thơ (Ảnh: Internet)
Một số lưu ý trong công thức làm bánh tiêu đặc ruột
- Bạn nên cho một ít nước vào trước rồi từ từ thêm sau nếu thấy bột còn khô, không nên cho quá nhiều vào một lần sẽ làm cho bột nhão, khó cân bằng lại các nguyên liệu có trong hỗn hợp.
- Không chiên bánh trên lửa quả lớn và cần phải thường xuyên theo dõi quá trình chiên để bánh nở đều, có màu đẹp mắt, không bị cháy.
- Bánh tiêu có thể dùng nóng hoặc nguội tùy theo sở thích của từng người. Bạn nên để bánh ở nơi thoáng mát và sạch sẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như giữ bánh được lâu hơn.
- Công đoạn ủ bột cần được thực hiện nghiêm ngặt vì bột cần được ủ đủ thời gian thì thành phẩm mới đạt được hình thức và hương vị như ý.
Giờ thì, bạn đã có một đĩa bánh tiêu đặc ruột thơm ngon rồi đấy. Hy vọng với hướng dẫn cách làm bánh tiêu đơn giản trên đây, bạn đã trau dồi và có thêm bí quyết làm bánh ngon cho riêng mình để tự tin vào bếp. Bánh tiêu là lựa chọn tuyệt vời vào bữa xế, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Làm bánh tại nhà vừa giúp bạn thể hiện được tình yêu thương với người thân vừa yên tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy đừng bỏ qua cách làm bánh tiêu đặc ruột ở trên nhé. Chúc các bạn thành công!