- Nếu muốn cai sữa cho bé trước khi con 1 tuổi, hãy cho bé uống một ít sữa công thức (sữa bột). Chỉ cho bé uống một lượng nhỏ để xem bé phản ứng thế nào.
- Kết hợp giữa sữa mẹ và sữa bột để hệ tiêu hóa của bé dần quen với sự thay đổi.
- Khi bắt đầu cách thôi bú cho bé, cho bé uống sữa mẹ trước khi bạn cho bé ăn dặm (hoặc trước khi uống sữa bột).
- Khi bé đã quen, hãy đổi ngược lại. Cho bé uống sữa bột hoặc thức ăn đặc trước khi cho bé bú.
- Khi bé đã ngưng bú sữa mẹ, hãy cho bé uống nước bằng cốc mỏ vịt thay vì uống bằng bình.
Một số điểm quan trọng cần lưu ý trong cách cai sữa cho bé
Để việc áp dụng cách cai sữa hiệu quả như mong đợi, mẹ cần lưu ý một vài điểm quan trọng sau đây:
1. Không từ chối khi bé muốn bú
Khi cai sữa, bạn sẽ có xu hướng không muốn cho bé bú khi bé muốn. Tuy nhiên, đừng làm như vậy bởi trẻ nhỏ thường có xu hướng làm ngược lại những gì bạn không muốn bé làm. Vì vậy, sự từ chối của bạn chỉ khiến bé càng muốn bú thêm. Nếu bé muốn bú, bạn cứ tiếp tục cho bé bú nhưng hãy cố làm bé phân tâm bằng các trò chơi, các món ăn hoặc sự ôm ấp của bạn.
2. Đảm bảo dinh dưỡng cho bé
Một vấn đề mà nhiều bà mẹ quan tâm là về dinh dưỡng khi áp dụng cách cai sữa cho bé. Khi cho con bú mẹ, bạn hoàn toàn có thể yên tâm bé đang nhận được tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần. Nhưng khi ngừng cho bú, bạn phải đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu đang chuẩn bị cho bé cai sữa, bạn nên cho bé uống sữa công thức có bổ sung chất sắt. Đừng cho bé uống sữa bò trước khi bé 1 tuổi.
3. Bú bình
Khi cai sữa cho bé, bạn sẽ phải thay thế sữa mẹ bằng sữa công thức hoặc sữa bò. Lúc này, bạn nên tập cho bé làm quen với việc bú bình. Nếu bé đã quen bú bình thì bạn sẽ không cần phải băn khoăn suy nghĩ quá nhiều.
4. Kiên nhẫn
Kiên nhẫn là chìa khóa khi cai sữa. Dù bạn muốn cho bé ngưng bú sữa mẹ gấp thì bạn cũng cần phải đợi vài ngày. Đừng đốt cháy giai đoạn vì điều này chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nếu bé không chịu ngưng bú, bạn hãy thử những mẹo cai sữa cho bé sau đây:
- An ủi bé bằng nhiều cách khác nhau để giúp bé tin vào những điều khác ngoài việc bú mẹ. Đối với trẻ nhỏ, việc bú mẹ giúp bé cảm thấy thoải mái và không bị đói. Vì vậy, hãy thử hát một bài hát ru nhẹ nhàng hoặc đọc một cuốn sách hay, đưa cho bé một món đồ chơi để an ủi.
- Nếu bé lớn hơn một chút, bạn có thể ngưng việc cho bú và giúp bé quen với việc này. Bạn cũng có thể thử giải thích lý do cho bé hiểu.
5. Chuẩn bị sẵn sàng
Trước khi ngừng cho con bú, bạn chuẩn bị sẵn sàng tất cả những thứ mà bạn cần như sữa bột, bình sữa, dụng cụ vệ sinh bình sữa…
6. Trao đổi với bác sĩ
Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa trước khi ngừng cho bé bú sữa mẹ. Dù cai sữa là sự lựa chọn cá nhân nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho bé.
7. Hạn chế ma sát
Điều mà bạn nên nghĩ đến khi cai sữa cho bé là giảm lượng sữa tiết ra. Vì vậy, hãy hạn chế sự di chuyển khiến núm vú bị ma sát, kích thích việc sản xuất sữa mẹ.
8. Mẹo cai sữa cho con hữu ích: Ngừng cho bé ngủ chung
Cho bé ngủ ở đâu là sự lựa chọn của bạn. Một số người thích cho bé ngủ cũi ở trong phòng mình hoặc cho bé ngủ phòng riêng, một số người lại thích cho bé ngủ chung. Nếu lúc trước bé vẫn ngủ chung với bạn thì đây là lúc bạn nên để bé ngủ riêng. Nếu thấy không nỡ, hãy chuyển bé sang ngủ trong cũi đặt chung phòng bạn.
9. Dành thời gian cho bản thân
Nếu bạn dự định ngừng cho con bú, hãy nghỉ ngơi vài ngày. Việc cai sữa có thể khiến bạn khó chịu, ngực bạn cứng như đá và đau đớn. Bạn cần phải nghỉ ngơi để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
10. Theo dõi cảm xúc của bạn
Khi ngưng cho con bú, các hormone trong cơ thể sẽ có sự thay đổi, làm ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Do đó, hãy chú ý theo dõi cảm xúc của bạn và cố gắng điều chỉnh cho phù hợp nhé.
11. Hãy nhờ giúp đỡ
Hãy nhờ chồng giúp đỡ trong quá trình cai sữa. Nếu bạn đang muốn cai sữa cho bé, nhờ chồng hoặc người thân trông giúp. Điều này không chỉ giúp bé phân tâm mà còn làm tăng tình cảm giữa cha và con. Bạn cũng có thể thử nhờ chồng (hoặc những người thân) cho bé bú để mỗi khi đói, bé không phải chỉ nghĩ đến bạn.
12. Chuẩn bị tinh thần cho những cơn cáu giận của bé
Bé sẽ không thoải mái trong quá trình này. Vì thế, bạn hãy chuẩn bị sẵn tâm lý nhé.
13. Duy trì những thói quen cũ
Trẻ đã có một vài thói quen được hình thành theo thời gian và bạn đang muốn xóa đi một thói quen của bé. Vì vậy, hãy cố gắng thực hiện các thói quen khác của bé để giúp bé hạnh phúc hơn.
14. Giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng
Giấc ngủ có thể là điều khiến bạn đau đầu khi ngưng cho con bú. Việc bé không ngủ được vào ban đêm và cả ban ngày khi đang trải qua một sự thay đổi lớn cũng là điều bình thường.
15. Mụn trứng cá xuất hiện trở lại
Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sẽ khiến bạn có nguy cơ bị nổi mụn trứng cá khi ngưng cho con bú.
Những điều cần cân nhắc trước khi áp dụng những cách cai sữa cho bé
Trước khi bắt đầu quá trình cai sữa, hãy xem xét những điều sau để xem đây có phải là thời điểm thích hợp để cai sữa không nhé.
1. Dị ứng
Nếu bạn hoặc chồng bạn bị dị ứng thì nguy cơ bé bị dị ứng cũng rất cao. Cho con bú mẹ giúp bé giảm nguy cơ mắc các bệnh như eczema, dị ứng sữa bò và thở khò khè. Vì vậy, hãy xem xét các chứng dị ứng trước khi cho bé cai sữa.
2. Vấn đề sức khỏe
Nếu bé đang bị bệnh, bạn nên trì hoãn quá trình cai sữa. Thậm chí việc trẻ mọc răng cũng khiến bạn nên cân nhắc lại quyết định của mình và đợi cho đến khi bé thấy tốt hơn.
3. Sự thay đổi
Trẻ sơ sinh rất khó thích nghi với nhiều sự thay đổi. Nếu gia đình bạn đang có nhiều sự thay đổi lớn thì bạn hãy đợi một thời gian rồi hãy tìm cách cai sữa cho bé.
Ngoài ra, những lúc thời tiết thay đổi, nhất là trong giai đoạn nắng nóng oi bức mẹ không nên cho bé cai sữa vì điều này sẽ khiến con thấy bức bối, khó chịu hơn đấy.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một trải nghiệm đẹp và đầy cảm xúc đối với hầu hết phụ nữ. Khi đến lúc cai sữa, bạn sẽ thấy buồn và nhớ. Ngoài ra, bạn sẽ cũng cảm thấy tự trách: “Không biết quyết định này có làm tổn thương con mình hay không?”, “Tôi có phải là một người mẹ tồi?”, “Quan hệ giữa mình và con sẽ mất?”… Những câu hỏi này sẽ khiến bạn thao thức nhiều đêm.
Tuy nhiên, hãy trả lời không cho các câu hỏi trên. Là một người mẹ, bạn hoàn toàn có quyền để cơ thể bạn trở lại bình thường chỉ cần bạn quyết định đúng thời điểm cai sữa cho bé.