Bụi chuối sau hè

Nếu như trong văn học Việt nam cây tre được ví von như người cha thì hình tượng cây chuối cũng được khắc họa như người mẹ.  Người ta thường ca ngợi cây tre nhưng ít ai nói về cây chuối và ít ai biết được trong hình ảnh đó là những những ý tưởng phong phú. Hình ảnh ấy đã đi vào văn thơ mộc mạc, dân dã bao nhiêu thì cũng gần gũi thân thương trong những bài hát, bài thơ bấy nhiêu.

Người ta vịnh cây chuối như sau : 

Không rực rỡ như hồng, lan, cúc, huệ
Không dịu dàng như Tulip, Lily
Hương chẳng thơm, sắc cũng chẳng tươi gì
Mà nghiêng ngã khi cây vừa trổ nụ
Chứa đựng trong lòng một dòng nhựa chát
Để một đời xanh ngát những đứa con
Hiến dâng xong xác cũng chẳng còn
Nhường lại chỗ cho đàn con khôn lớn.

I. TẢN MẠN VỀ CÂY CHUỐI 

1. Nơi trồng cây chuối 

Đi đâu về những vùng quê Việt Nam, chúng ta đều bắt gặp hình ảnh cây chuối thân mềm với những tàn lá xanh mướt tỏa ra che rợp từ vườn tược đến núi đồi. Cây chuối là loại cây dễ tính, nó phù hợp với nhiều loại đất, khí hậu của nhiều châu lục, đồng thời cây chuối lại rất ưa nước, dễ trồng, phát triển nhanh cho nên người ta mới nói : “Trẻ trồng na, già trồng chuối“, lại cho sản lượng cao, hầu hết cây chuối thường được trồng cạnh ao hồ của mọi nhà ở nông thôn. 

Trồng cây cho hài hòa theo phong thủy thì người ta có câu : “Trước cau sau chuối“, có nghĩa là đàng trước nhà nên trồng cây cau thân thẳng đứng cho khỏi cản gió nam mát mẻ (vì nhà thường quay về hướng nam) và không che khuất nhà cửa; còn cây chuối thì lá to, mọc um tùm  nên trồng ở đàng sau nhà cho khỏi che khuất nhà và có thể cản gió may lạnh giá vào mùa đông. 

Cũng vì những lý do đó mà cây chuối cũng đi vào thi ca, nhạc họa, đời sống văn hóa của người Việt Nam với vẻ đẹp dân dã, giản dị của làng quê.

2. Các loại chuối 

Chuối trồng được tạo thành do kết quả của sự lai tự nhiên giữa hai loài chuối hoang dại ở Đông Nam Á là chuối hột và chuối rừng.  Ngày nay, người ta ước lượng có đến 200-300 giống chuối được trồng trên thế giới. 

Hầu hết chuối ăn quả đều thuộc loài Musa paradisiaca L. với 11 thứ khác nhau bởi hình dạng quả, mầu sắc và vị của thịt quả, phân thành hai nhóm :

 – Nhóm chuối tiêu (chuối già) có đến 5 giống mà phổ biến là chuối lùn cao và lùn thấp là giống chuối điển hình có bột chuyển hết thành đường, dễ tiêu hóa, có quả cong, vỏ dầy thường trồng ở đồng bằng sông Hồng và sông Chu.

Nhóm chuối tây (chuối sứ) có quả to và ngắn hơn chuối tiêu, vỏ cũng mỏng hơn. Có thể luộc, có thể chiên, dùng làm rau (nõn thân già, hoa chuối) ít chát hơn là chuối tiêu.

 3. Công dụng của chuối 

Hầu như tất cả cây chuối đều cống hiến cho con người. Các bà nội trợ thường băm nhỏ thân chuối làm cám cho heo ăn, hay khi ăn các loại bún ta sẽ cảm thấy kém phần ngon miệng nếu như không có rau ăn kèm, lõi non của thân và bắp chuối bào mỏng. Lá chuối tươi dùng để gói bánh, gói giò và là một loại bao bì thân thuộc với môi trường; ngoài ra lá chuối khô cũng được dùng để gói những chiếc bánh gai. 

Ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh những sợ dây cột của các cô bán hoa, đó chính là bẹ chuối, chúng được xé phơi khô để làm những sợi dây cột như thế đấy.

Đặc biệt hơn nữa, chuối là một thức ăn bổ dưỡng nhất trong các thứ quả cũng như có tác dụng chữa bệnh, đến nỗi người ta nói đùa rằng : “Nếu mỗi bữa có một quảchuối tráng miệng thì bác sĩ không có tiền bỏ túi“. Ít loại hoa quả nào có nhiều tác dụng như thế.

Còn một phần nữa mà ta không thể bỏ qua chính là phần củ chuối, củ chuối vốn chỉ dùng để nhân giống, để nảy mầm thành cây con, thế nhưng người ta có thể dùng củ chuối mà làm món “rượu mận” thịt chó thì ngon tuyệt vời. Đôi khi gặp cảnh đói kém thì nó lại là lương thực cứu sống cho con người qua lúc ngặt nghèo. 

Thế mới biết cây chuối đã góp phần quan trọng như thế nào đối với đời sống của người Việt Nam chúng ta. 

4. Ý nghĩa tượng trưng của cây chuối 

– Nét đẹp có ý nghĩa thứ nhất là những trái chuối trong nải mọc sát bên nhau nói lên biểu tượng tính đoàn kết các thành viên trong gia đình cũng như trong xã hội. 

Cây chuối còn biểu trưng cho sự hình thành của thế hệ trẻ. Và những quả chuối lớn dần trên buồng cũng biểu lộ cho sức vươn mạnh của con người. 

Những bẹ chuối lá xanh to quấn tròn nhau mang ý nghĩa cho sự đùm bọc trong ngoài của dân tộc. 

– Nét đẹp thứ hai của cây chuối là sự hy sinh dâng hiến : Khi ăn một quả chuối, chúng ta ít khi suy nghĩ về nó, chúng ta chỉ thấy nó ngon miệng thôi. Thực ra, cây chuối là cả một cuộc vận hành, nhưng phía cuối con đường là sự tàn lụi, sự hy sinh cao cả. 

II. SUY TƯ VỀ CÂY CHUỐI 

Nhìn vào bụi chuối xanh tươi, ngắm nhìn những buồng chuối chín mọng nặng trĩu, thưởng thức những quả chuối chín mọng thơm mát, ít ai nghĩ đến ý nghĩa của cây chuối. Chúng ta hãy ngắm nhìn những bụi chuối trĩu nặng buồng quả chín thơm, và chúng ta cùng suy tư về một vài điều.

Cuộc đời cây chuối thật ngắn ngủi. Vừa xuất hiện với tư cách mầm non đã vội vã trưởng thành rồi sinh con, rồi lại vội vàng biến mất. Vì thế người ta mới nói : “Trẻ trồng na, già trồng chuối”. 

Từ khi là mầm chồi đến khi trưởng thành, cây chuối phát triển, cố gắng để sống… rồi trổ buồng, kết trái đợi đến khi trái chuối “những đứa con mình” thì cây chuối cũng chết tàn lụi. Như thế, cuộc đời của mỗi cây chuối chỉ sống có một lần, sinh con một lần. Sau khi cho cuộc đời trái thơm, trái ngọt thì cây chuối đã biến mất. 

Không cây chuối nào có thể sinh được hai ba buồng một cách tự nhiên. Mỗi cây chuối chỉ có một buồng chuối, mặc dầu có buồng chuối dài tới 3 mét và có tới 120 nải ở Quảng Nam. 

Khi cho cuộc đời được hoa trái của mình thì cây chuối đành tàn lụi đi để nhường chỗ cho những cây khác, là con cháu, đàn em của mình lớn lên. Có hay chăng cây chuối khi có được buồng chuối chín, rồi thì nhường lại tất cả những gì mình có cho thế hệ sau, còn bản thân mình lụi tàn và biến mất lúc nào không ai hay, mà cũng chẳng có cuộc cạnh tranh nào cho bằng là nhường chỗ cho những thế hệ sau. Chính cây chuối có một cái đạo gọi là đạo nhường bước để cây sau tiếp tục lớn lên. 

Truyện : Cuộc đời cây chuối

Có một em bé hỏi bố rằng :

– Bố ơi, trong cuộc đời của một cây chuối nó sinh ra được bao nhiêu buồng ?

Bố tôi trả lời :

– Chỉ một buồng duy nhất.

Cậu nhỏ ngạc nhiên về câu trả lời của bố. Nó cứ đinh ninh trong cuộc đời của mình một cây chuối ít nhất cũng cho vài buồng quả.

Bố nói thêm :

– Khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi. 

Thực vậy, nếu có dịp quan sát một cây chuối mang một buồng quả chín ta sẽ thấy : Lá của cây chuối mẹ héo rũ và xác xơ, và thân của nó oằn xuống như sắp gẫy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu quả. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi buồng cuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống. 

Trong quá trình nuôi buồng chuối, cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhật của mình – chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá – để dồn cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt. 

Hóa ra lâu nay hằng ngày tôi vẫn ăn chuối và thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một bụi chuối mà không hề hay biết cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh đẹp về sự hy sinh cao cả đến thế.

Cây tốt lại sinh trái tốt. Cây chuối từ đời này đến đời kia cứ tiếp tục dâng hiến, hy sinh để cho một mầm sống mới phát triển. Phẩm chất của cây chuối không chỉ là thơm ngon, là chất bổ dinh dưỡng mà còn là một bài học quí báu của tình yêu hy sinh đến quên cả tính mạng mình. Đó là mẫu gương của sự hy sinh, của tình yêu bất diệt (Theo Internet).

III. BÀI HỌC TỪ CÂY CHUỐI 

Cuộc đời của cây chuối là dâng hiến cho đời những trái ngon ngọt qua bao hy sinh vất vả rồi âm thầm tàn lụi đi trong quên lãng để nhường chỗ cho đàn con cháu, cho những thế hệ mai sau. 

Cuộc đời của cha mẹ cũng giống như cuộc đời của cây chuối  : cuộc đời dâng hiến. Chúng ta hãy nhớ tới biết bao hy sinh của những bậc cha mẹ đã quên mình vì chúng ta. Họ đã đánh đổi cuộc đời để cho chúng ta sự sống, cho chúng ta tiếng cười và bình an. Họ đã một cuộc đời tận hiến thân mình như cây chuối chỉ mong mang lại cho đời trái chín thơm ngon và chấp nhận gục ngã theo số phận an bài. 

Vâng, khi nói đến cha mẹ, chúng ta không thể quên những hy sinh mà các ngài đã dành cho chúng ta. Điều này đã thể hiện qua biết bao qua ca từ như bài Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân :

 Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
Lời ru man man như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru êm đềm trăng tà soi bóng mẹ yêu.

Còn rất nhiều bài ca và thơ văn của nhiều tác giả ca tụng tình yêu hy sinh của người mẹ, bài nào cũng chan chứa tình mẹ con,  được ví như non cao biển cả mà không lời nói hay ngòi bút nào có thể diễn tả hết. Chúng ta hãy đọc một đoạn thơ của một tác giả khác :

 Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời Biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông
Công cha nghĩa mẹ ghi lòng con ơi.

Thật đúng khi so sánh tình yêu và công ơn của cha mẹ với núi cao, biển rộng. Còn gì có thể cao hơn “núi ngất trời”, còn gì có thể rộng hơn “biển mênh mông” ?  Cha mẹ tần tảo nuôi nấng con, không mong các con đền đáp, mà chỉ trông sao các con khôn lớn nên người. Được thấy con hạnh phúc là cha mẹ hạnh phúc lắm rồi. Tôi còn nhớ một câu chuyện Trung Hoa kể về gương một cậu bé chăm sóc cha : trời nắng, cậu đứng bên cạnh quạt cho cha; trời lạnh, cậu nằm vào chăn trước để khi cha nằm được ấm ngay.

Một chữ “Hiếu” thôi tưởng chừng thật đơn giản nhưng có biết bao người đã lãng quên nó. Mồ hôi cha đã thấm xuống từng mảnh đất, bóng dáng mẹ đã cùng mưa gió bôn ba mọi nẻo. Mỗi mùa xuân sang, con cái rộn ràng đem biếu tặng cha mẹ những món quà đắt tiền, nhưng đó có phải là thứ mà cha mẹ cần đến không ? Là những người con, chúng ta có thể làm được điều gì đem lại hạnh phúc cho cha mẹ thì hãy cố gắng làm ngay khi cha mẹ còn ở  trên đời với ta. Xin gửi trọn tâm tình qua đoạn danh ngôn đạo đức tới các người con trong gia đình :

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,
Mang cả tấm thân gầy cha mẹ chở đời con,
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con !

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *