Cô bổ sung thêm: “Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ không phải là “con cưng” của bố mẹ có xu hướng nổi loạn ở tuổi thiếu niên. Lòng tự trọng của trẻ em thường được xây dựng trong những năm tháng này. Tuy nhiên, nếu trẻ nghĩ rằng vì chúng ương bướng nên không được bố mẹ yêu thương nhiều bằng anh chị em, chúng dễ có xu hướng càng trở nên phá phách và hư hỏng hơn. Việc bố mẹ có sự thiên vị giữa các con chắc chắn có tác động rất lớn đến lòng tự trọng của trẻ cũng như cảm giác của chúng đối với gia đình”.
Tuy nhiên, cô cũng cho rằng các tác động này chỉ thực sự xảy ra khi một đứa trẻ cảm nhận rõ ràng sự thiên vị và suy nghĩ về nó một cách tiêu cực.
Bố mẹ đối xử không công bằng giữa các con có thể gây rạn nứt tình cảm gia đình
Việc bố mẹ có sự thiên vị con cái không chỉ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái mà còn có thể làm rạn nứt tình cảm giữa anh chị em với nhau.
Tiến sĩ Levin giải thích: “Điều này tùy thuộc vào từng gia đình. Một số đứa trẻ nhận ra được điều đó và cảm thấy có lỗi với anh chị em của mình, từ đó chúng càng nỗ lực hơn để bù đắp cũng như hàn gắn tình cảm với anh chị em. Tuy nhiên, một số khác lại biến mình trở thành “cái rốn của vũ trụ” và giành lấy hết tình yêu thương, sự quan tâm của bố mẹ”.
Bác sĩ Vaziri Flais lo ngại rằng những ảnh hưởng về tâm lý từ sự thiên vị của cha mẹ có thể theo trẻ đến lúc trưởng thành và khiến mối quan hệ trong gia đình trở nên căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, cô cũng nhắc nhở những người không phải là “con cưng” của bố mẹ rằng: “Bạn bè chính là gia đình mà bạn tự tìm kiếm được. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu và bạn hoàn toàn có thể xây dựng “một gia đình mới” nếu không tìm được tình yêu thương từ gia đình hiện tại”.
Đối với các bậc bố mẹ, nếu không muốn con cái lớn lên và sống tách biệt với gia đình, hãy hành động ngay bây giờ để giúp con không còn tự ti và ghen tỵ với anh chị em của mình.
Những gì bố mẹ có thể làm?
Levin cho rằng điều quan trọng nhất mà bố mẹ có thể làm được chính là thấu hiểu cảm giác của con, đặc biệt là khi chúng nói rằng bố mẹ thương anh chị em hơn mình. Đừng chỉ nói “Bố mẹ không có thiên vị ai hết” hoặc phớt lờ chúng.
Nếu một đứa trẻ nhận thức được sự thiên vị của bố mẹ, chúng chắc hẳn đã chứng kiến hoặc cảm nhận được điều gì đó. Vì vậy, bạn không được bỏ qua hoặc phớt lờ điều mà con nói. Chúng ta cần tìm ra lý do vì sao trẻ lại cảm nhận như vậy và tìm cách khắc phục nó càng sớm càng tốt.
Tiến sĩ Levin cho rằng điều quan trọng nhất là bạn phải cho trẻ cơ hội để trò chuyện và chia sẻ với bạn về nhu cầu của chúng. Bác sĩ Vaziri Flais cũng bày tỏ sự đồng tình với nhận định này và đưa ra thêm lời khuyên: “Đừng phớt lờ con cái khi chúng cho rằng bạn thiên vị và biện minh việc đó bằng cách nói rằng con bạn đang nổi loạn tuổi thiếu niên. Mối quan hệ của bạn và chúng chắc chắn cần một thời gian để dịu lại. Tuy nhiên, sau khi cả hai bên đã bình tĩnh, bạn nên tạo cơ hội để trò chuyện với con”.
Là cha mẹ, bạn hãy dành thời gian để nghe con nói về những suy nghĩ của bản thân và cùng nhau tìm ra cách để giúp chúng không còn cảm thấy như vậy nữa. Đó có lẽ là cách tốt nhất giúp bạn bảo vệ mối quan hệ với các con trong tương lai.
Levin khuyến khích các bậc cha mẹ nên hành động ngay từ bây giờ. Cô nói: “Thực tế là dù có nói ra hay không, những đứa trẻ đều có thể cảm nhận được rõ ràng sự thiên vị của bố mẹ”.
Vậy bạn cần làm gì để hàn gắn mối quan hệ với con cái nếu trường hợp đó xảy ra?
Khi đó, các bậc cha mẹ phải bước ra khỏi khu vực an toàn của mình và học cách yêu những gì mà các con bạn thích, dù cho bạn không hề hứng thú với chúng một chút nào. Cùng con làm những việc yêu thích và dành thời gian cho chúng là những cách tốt nhất giúp bạn kéo gần khoảng cách với các con. Đặc biệt bạn cần nhớ rằng hãy cố gắng dành thời gian cho các con bằng nhau, có thể dẫn chúng đi chơi cùng nhau để gắn kết mối quan hệ anh chị em trong gia đình. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các con trong gia đình sẽ giúp chúng yêu thương và ít tỵ nạnh với nhau hơn, đồng thời cũng giúp chúng dễ thông cảm hơn nếu thật sự nhìn thấy bố mẹ dành nhiều thời gian cho anh chị em hơn cho mình.
Các ông bố có tìm hiểu thêm về cách xây dựng mối quan hệ với con ở bài viết: 10 cách vun đắp tình cảm cha và con.
Đôi khi một cố gắng nhỏ có thể đem lại những sự khác biệt vô cùng lớn. Hãy làm điều gì đó để kéo gần khoảng cách giữa bạn và các con, cũng như giúp chúng không cảm thấy mặc cảm hoặc ghen tỵ khi không được bố mẹ yêu thương bằng anh chị em của mình. Sự thiên vị có thể gây ra những tổn thương rất lớn cho con cái, bạn nên dừng lại ngay.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI