Bảng Báo cáo kết quả kinh doanh và những nội dung cần lưu ý

Bảng báo cáo kết quả kinh doanh là phần không thể thiếu trong Báo cáo tài chính của mỗi doanh nghiệp. Tài liệu này cho phép các đối tượng sử dụng thông tin của doanh nghiệp như Nhà đầu tư, Chủ sở hữu, Cổ đông… có thể nắm bắt chính xác tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Vậy đâu là những vấn đề liên quan đến Bảng báo cáo kết quả kinh doanh mà bạn đọc cần quan tâm?

1.     Khái niệm Bảng Báo cáo kết quả kinh doanh

Bảng báo cáo kết quả kinh doanh là một tài liệu báo cáo tạo lập định kỳ với mục đích tổng hợp số liệu kế toán xung quanh các chỉ tiêu về Doanh thu, Chi phí, Lợi nhuận.

Bảng báo cáo kết quả kinh doanh còn có tên thường gọi khác là Báo cáo lãi lỗ, phản ánh chính xác kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của mỗi doanh nghiệp.

2.     Các mẫu Báo cáo kết quả kinh doanh

Căn cứ quy định hiện hành sẽ có 2 mẫu báo cáo kết quả kinh doanh hợp lệ mà doanh nghiệp có thể sử dụng bao gồm:

  • Mẫu Báo cáo KQHĐKD được quy định theo thông tư 133

  • Mẫu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được quy định theo thông tư 200

3.     Nội dung các chỉ tiêu phản ánh trong Bảng Báo cáo kết quả kinh doanh

  • Chỉ tiêu về Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ – Mã số 01: Phản ánh tổng doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, dịch vụ và các khoản thu khác của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu các khoản giảm trừ Doanh thu – Mã số 02: Phản ánh các khoản ghi giảm trừ vào tổng Doanh thu như chiết khấu, giảm giá, hàng bán bị trả lại trong kỳ.
  • Chỉ tiêu Doanh thu thuần – Mã số 10: Phản ánh Doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, dịch vụ và các Doanh thu khác sau khi đã trừ các khoản giảm trừ trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu giá vốn hàng bán – Mã số 11: Phản ánh tổng giá vốn của hàng hóa bao gồm giá thành sản xuất của thành phẩm, chi phí trực tiếp của khối lượng hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ – Mã số 20: Phản ánh số chênh lệch giữa doanh thu thuần về bán hàng hóa, thành phẩm và dịch vụ với giá vốn hàng bán phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu Doanh thu hoạt động Tài chính – Mã số 21: Phản ánh Doanh thu hoạt động Tài chính thuần phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu chi phí Tài chính – Mã số 22: Phản ánh tổng chi phí Tài chính, gồm tiền lãi vay phải trả, chi phí góp vốn liên doanh, liên kết,… phát sinh trong kỳ báo cáo. Trong đó chi phí lãi vay được xác định là một chỉ tiêu riêng – Mã số 23.
  • Chỉ tiêu chi phí Bảo hiểm – Mã số 25: Phản ánh tổng chi phí bán hàng hóa, thành phẩm đã bán, dịch vụ đã cung cấp phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu chi phí quản lý Doanh nghiệp – Mã số 26: Phản ánh tổng chi phí quản lý DN phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh – Mã số 30: Phản ánh KQHĐKD của DN trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu thu nhập khác – Mã số 31: Phản ánh các khoản thu nhập khác, phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu chi phí khác – Mã số 32: Phản ánh tổng các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu lợi nhuận khác – Mã số 40: Phản ánh tổng các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu Tổng LN kế toán trước thuế – Mã số 50: Phản ánh tổng số LN kế toán thực hiện trước khi trừ chi phí thuế thu nhập DN trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu Chi phí thuế TNDN hiện hành – Mã số 51: Phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu Chi phí thuế TNDN hoãn lại – Mã số 52: Phản ánh chi phí thuế thu nhập DN hoãn lại hoặc thu nhập thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu LN sau thuế thu nhập DN – Mã số 60: Phản ánh tổng số LN thuần (hoặc lỗ) sau thuế từ các hoạt động (sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp) phát sinh trong kỳ báo cáo.
  • Chỉ tiêu Lãi cơ bản trên cổ phiếu – Mã số 70: Phản ánh lãi cơ bản trên cổ phiếu, chưa tính đến các công cụ được phát hành trong tương lai có khả năng pha loãng giá trị cổ phiếu.
  • Chỉ tiêu Lãi suy giảm trên cổ phiếu – Mã số 71: Phản ánh lãi suy giảm trên cổ phiếu, có sự tính toán đến việc tác động của các công cụ trong tương lai có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu và pha loãng giá trị cổ phiếu.

4.     Nguyên tắc, yêu cầu khi lập và trình bày Báo cáo kết quả kinh doanh

4.1. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo kết quả kinh doanh

  • Nguyên tắc phải tuân thủ theo các quy định tại Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” và các chuẩn mực kế toán khác có liên quan. Thông tin quan trọng phải được giải trình rõ ràng, minh bạch để người xem hiểu đúng thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Nguyên tắc tôn trọng nội dung hơn hình thức. Tức là nội dung của báo cáo phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và nghiệp vụ phát sinh sẽ được đánh giá cao hơn việc hình thức pháp lý đủ điều kiện.
  • Nguyên tắc phù hợp và thận trọng để đảm bảo hạn chế tuyệt đối các sai sót về nội dung và số liệu trên Báo cáo kết quả kinh doanh.
  • Các đơn vị thành viên cấp dưới trực thuộc tổ chức chung (Tập đoàn, Tổng công ty…) không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, các khoản doanh thu, chi phí, lãi, lỗ được coi là chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ.

4.2. Yêu cầu về thông tin trình bày trong Báo cáo kết quả kinh doanh

  • Thông tin trình bày phải trung thực, hợp lý.
  • Thông tin phải đầy đủ để người đọc hiểu được bản chất, hình thức và rủi ro của các giao dịch và sự kiện.
  • Thông tin trình bày một cách khách quan, đảm bảo tính trung lập giữa tất cả các thông tin.
  • Thông tin phải đảm bảo tính xác minh có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu.
  • Thông tin liên quan tới tài chính phải được trình bày nhất quán để người xem có thể so sánh giữa các kỳ kế toán; và giữa các doanh nghiệp với nhau.

5.     Các mục tiêu cần nắm được khi đọc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Cho dù là ai, ở bất kỳ vị trí nào, chỉ cần là người được đọc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều phải đảm bảo 3 mục tiêu quan trọng sau:

  • Nắm được kết cấu của Báo cáo kết quả kinh doanh gồm 3 phần: Kết quả từ hoạt động kinh doanh chính; Kết quả từ hoạt động TC; Kết quả từ hoạt động khác.
  • Người xem cần phải hiểu được nội dung và ý nghĩa của các chỉ tiêu trình bày trên báo cáo KQHĐKD.
  • Người xem phải so sánh, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu quan trọng trên Báo cáo và đưa ra các nhận định, quyết định cũng như dự báo xu hướng tương lai.

Trong doanh nghiệp, bản thân Nhà quản trị sẽ là người phải nắm bắt liên tục và theo dõi sát sao từng thông tin trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Vì vậy thông tin dữ liệu trên tài liệu này cần đảm bảo mức độ chính xác cao để nhà lãnh đạo có sự quản lý hiệu quả và đưa ra quyết định chính xác. Việc lựa chọn một giải pháp phần mềm kế toán phù hợp làm công cụ trợ giúp đã trở thành một xu hướng tất yếu trong hầu hết các doanh nghiệp. Thông qua phần mềm, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được tổng hợp nhanh chóng, mức độ chính xác cao. Ngoài ra nhiều hệ thống báo cáo quan trọng khác của doanh nghiệp cũng được nhà cung cấp xây dựng biểu mẫu chuẩn chỉnh theo quy định chung của pháp luật Việt Nam.

>>> Xem thêm: Cách đọc Báo cáo tài chính trong doanh nghiệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *