BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY ĐỒNG THÁP

Lịch sử

Cao trào cách mạng 1930 – 1931 tại Sa Đéc (Đồng Tháp)

Cách đây 90 năm, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) đã lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống thực dân xâm lược và phong kiến tay sai, làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ – cao trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ – Tĩnh. Cao trào cách mạng đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt mạnh mẽ từ ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)

Sau các cuộc đấu tranh thắng lợi của công nhân cao su đồn điền Phú Riềng (02/1930), công nhân Nhà máy dệt Nam Định (23/3/1930), công nhân Nhà máy diêm và Nhà máy cưa Bến Thủy (4/1930), nhân ngày 01/5/1930, Trung ương Đảng chủ trương phát động phong trào đấu tranh để thiết thực kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên ở Việt Nam.

Tại Sa Đéc (nay là Đồng Tháp), hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, tuy vừa mới ra đời song các chi bộ đảng tại Đồng Tháp đã nhanh chóng đề ra khẩu hiệu đấu tranh phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân dân, đã lãnh đạo và phát động phong trào cách mạng rộng lớn, sôi nổi, làm thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân.

Ở quận Cao Lãnh, giữa lúc nông dân thiếu đói, Chủ quận Cao Lãnh còn bắt dân đi xâu, đắp con lộ từ bến bắc Cao Lãnh vào quận lỵ và làm cầu đúc Cao Lãnh. Chi bộ Cao Lãnh, sau khi nhận định tình hình địch và đánh giá phong trào quần chúng, quyết định tổ chức đấu tranh thí điểm tại làng Bình Thành (lúc này thuộc hệ thống tổ chức và lãnh đạo của Chi bộ Cao Lãnh) vào ngày 01/5/1930, để rút kinh nghiệm tổ chức đấu tranh quy mô lớn hơn ngay tại quận lỵ Cao Lãnh. Sở dĩ Chi bộ Cao Lãnh chọn Bình Thành làm thí điểm là vì ở đây có phong trào khá, lại xa đường tiếp viện của địch, bộ máy đàn áp của địch yếu và quần chúng đang phẫn uất Cai tổng Cần – một đại địa chủ gian ác. Khẩu hiệu đấu tranh đưa ra là “Hoãn thu thuế thân, thả những người thiếu thuế thân và không đi xâu bị bắt, nếu đi xâu phải trả công và phát gạo”. Chi bộ Cao Lãnh và Chi bộ Bình Thành cử đồng chí Nguyễn Văn Tây (Tư Hải), Bí thư Chi bộ Cao Lãnh, chỉ huy cuộc đấu tranh.

Từ sáng sớm ngày 01/5/1930, khoảng hơn 700 người, phần đông từ làng Bình Thành, Tân Phú, Tân Thạnh, An Phong, đội ngũ chỉnh tề, kéo đến nhà Cai tổng Cần. Trước sức mạnh của quần chúng, Cai tổng Cần và hương chức, hội tề không dám đàn áp mà đành phải tiếp đại diện đoàn biểu tình, hứa sẽ đệ trình và can thiệp với cấp trên giải quyết yêu sách của đồng bào. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, nhân dân rất phấn khởi vì đây là lần đầu tiên, Cai tổng Cần chịu “hạ mình” trước người dân. Thắng lợi của cuộc đấu tranh ở làng Bình Thành còn là nguồn cổ vũ lớn đối với nhân dân vùng Cao Lãnh – nơi đang ráo riết chuẩn bị cuộc đấu tranh vào ngày 03/5/1930.

Rút kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh tại làng Bình Thành, Chi bộ Cao Lãnh hạ quyết tâm tổ chức cuộc đấu tranh quy mô lớn tại dinh quận Cao Lãnh đúng thời gian và kế hoạch đã đề ra.

Đêm ngày 02 rạng sáng 03/5/1930, đông đảo người dân từ các làng thuộc quận Cao Lãnh, một số từ Cái Tàu Thượng, Đất Sét, Tân Mỹ (quận Châu Thành), Bình Thành, Tân Phú, Tân Thạnh (tổng Phong Thạnh Thượng), Mỹ Luông, Tân Đức (quận Chợ Mới), nghi trang bằng nhiều cách, lặng lẽ kéo về rạch Cái Sâu (làng Hòa An), cách dinh quận Cao Lãnh khoảng một cây số.

Trước giờ xuất phát, ban lãnh đạo đấu tranh đã họp Đại hội quần chúng giải thích ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động, nhắc lại khẩu hiệu đấu tranh, căn dặn mọi người phải tuyệt đối phục tùng chỉ huy, triệt để tuân theo khẩu lệnh,…

Từ sáng sớm, trên 4.000 người, đội ngũ chỉnh tề, có đội củ soát (kiểm soát) giữ trật tự, kéo ra lộ và tiến thẳng đến dinh quận Cao Lãnh, hô vang khẩu hiệu “Hoãn đóng thuế thân 2 tháng”, “Thả những người bị bắt vì thiếu thuế và không đi xâu”, “Giảm tô tức”, “Bỏ phạt vạ vô lý”. Trước sức mạnh của hàng ngàn quần chúng đấu tranh có tổ chức, Chủ quận Tường phải nhận các yêu sách và hứa sẽ trình lên tỉnh giải quyết. Khoảng 14 giờ cùng ngày, Kraothơme (Krautheimer) – Thống đốc Nam Kỳ, cùng Étxkividông (Esquivillon) – Chủ tỉnh Sa Đéc và quân lính đến Cao Lãnh. Để mị dân và phòng ngừa các cuộc đấu tranh mới, Kraothơme ký sắc lệnh hoãn thuế thân trong hai tháng cho nhân dân toàn Nam Kỳ.

Đây là một thắng lợi rất lớn, có sức động viên, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng ở các khu vực thuộc tỉnh Đồng Tháp (ngày nay) như: cuộc đấu tranh ngày 13/5/1930, hơn 700 dân làng Tân Dương, Long Hưng, Hòa Thành, Vĩnh Thạnh, Tân Khánh Tây;        ở quận Lấp Vò, ngày đầu tháng 5/1930, Chi bộ Lấp Vò tổ chức mít-tinh với sự tham gia của khoảng 400 người dân từ 6 làng trong quận; Ở Phong Hòa, vào khoảng trung tuần tháng 3/1930, Chi bộ đã huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với người dân của 11 làng trong quận Ô Môn, với trên 3.000 người, đội ngũ chỉnh tề, kéo từ Phong Hòa qua bắc Cần Thơ, đến thẳng dinh Chánh tham biện (Toà bố) đưa yêu sách “Hoãn đi xâu để dân gieo mạ làm mùa, hoãn thu thuế thân, bỏ thuế đuôi chuột”.

Đây là các cuộc đấu tranh trực diện giành thắng lợi trong khi các chi bộ Đảng thuộc tỉnh Đồng Tháp vừa mới ra đời. Qua từng cuộc đấu tranh, trước sự khủng bố ác liệt của địch, tuy lực lượng Đảng bị tổn thất, nhưng phong trào cách mạng vẫn được duy trì. Nhiều cuộc tập hợp quần chúng dưới hình thức mít-tinh, rải truyền đơn, treo băng cờ, đốt pháo tre,… được liên tiếp tổ chức từ tháng 5/1930 kéo dài đến tháng 4/1931.

Tuy vừa mới ra đời, song, các Chi bộ Đảng thuộc tỉnh Đồng Tháp đã lãnh đạo và phát động phong trào cách mạng sôi nổi, đều khắp trong Tỉnh. Cuộc đấu tranh ngày 01/5/1930 ở làng Bình Thành và cuộc đấu tranh ngày 3/5/1930 ở quận Cao Lãnh là một bước ngoặt của phong trào cách mạng những năm 1930 – 1931 ở Đồng Tháp. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, tại tỉnh Đồng Tháp, một cuộc đấu tranh có tổ chức, với quy mô lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã giành thắng lợi lớn, chẳng những đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân trong quận mà còn ảnh hưởng lớn đến các địa phương khác trong Tỉnh và một số tỉnh bạn. Cũng là lần đầu tiên, cuộc đấu tranh đã thể hiện tình đoàn kết cách mạng với giai cấp vô sản toàn thế giới nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5. Cũng là lần đầu tiên, qua các cuộc đấu tranh đã tạo ra và hình thành một trận địa cách mạng mới: sự liên kết giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, qua đó mà uy tín của các Chi bộ Đảng ngày càng cao, tiếng nói của Đảng đã đi vào con tim, khối óc của quần chúng lao động. Tình dân nghĩa Đảng keo sơn gắn bó, đã trở thành sức mạnh tổng hợp trong các cuộc đấu tranh sinh tử với quân thù.

Quang Trung

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *