26/07/2022 |2434
Chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng là công cụ quan trọng trong việc quản lý xã hội. Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện về diện đối tượng và chế độ ưu đãi, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công, tạo sự đồng thuận cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.
Hệ thống pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật ưu đãi đối với người có công, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi năm 1994) và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công, cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hai pháp lệnh này tạo thành hệ thống pháp luật về ưu đãi người có công.
Ảnh: Dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn, Hà Nội
Sau hơn 20 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của người có công và thân nhân người có công với cách mạng và được sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm 1998, 2000, 2001, 2005 và năm 2012.
Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XII) “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”, ngay từ năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các bộ, ban ngành và các địa phương tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012, nghiên cứu xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020, với mục tiêu sửa đổi căn bản, toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, đã bổ sung một số chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, được xác định theo nguyên tắc tùy từng đối tượng người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ ưu đãi và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; bổ sung, mở rộng một số đối tượng người có công với cách mạng; chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.
Pháp lệnh là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai việc xác nhận, công nhận người có công và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân người có công với cách mạng. (1) Pháp lệnh đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng như: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; (2) Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh năm 2020 mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao chính phủ quy định cụ thể; (3) Bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng như: Mở rộng đối tượng người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi về chính sách bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không còn điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống; (4) Chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; (5) Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng, cụ thể theo từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Triển khai thực hiện chính sách pháp luật về người có công với cách mạng, công tác xác nhận người có công và giải quyết chế độ ưu đãi được triển khai theo đúng quy trình, quy định của pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, có khoảng trên 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 600.000 bệnh bimh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ,… trên 1,2 triệu người có công, thân nhân người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng.
Chế độ ưu đãi người có công được thực hiện theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công năm 2012 là 1.110.000 đồng, đến năm 2019 và hiện nay, mức chuẩn là 1.624.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức).
Ngoài các chính sách về trợ cấp, phụ cấp, người có công và thân nhân còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác như: hỗ trợ về nhà ở, nuôi dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp thẻ bảo hiểm y tế, ưu đãi trong giáo dục, trong tuyển sinh, tạo việc làm…
Bên cạnh đó các công trình ghi công liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ cũng được thường xuyên tu tạo, sửa chữa, nâng cấp. Hằng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp các công trình này; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đươc Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Trong giai đoạn từ năm 2012-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 14/01/2013, số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo; Quyết định số 515/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Ngày 14/9/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1515/QĐ-TTg về ban hành kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Hằng năm tìm kiếm, quy tập được hàng nghìn hài cốt liệt sĩ ở trong nước và nước ngoài, hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính qua thực chứng và giám định ADN.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ký kết Chương trình phối hợp chăm sóc, tu bổ thường xuyên các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc. Đến nay, có trên 3000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước được các nhà trường, học sinh chăm sóc thường xuyên và tổ chức dâng hương vào những dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ và các ngày lễ lớn của dân tộc. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong đó có nội dung: Định kỳ hằng năm tổ chức Tuần lễ “Đền ơn đáp nghĩa”, chương trình “Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” và tổ chức các hoạt động văn nghệ với chủ đề “Màu hoa đỏ” vào dịp 27/7; phát động phong trào mỗi đoàn viên, thanh niên làm một việc tốt nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; đổi mới cơ chế tài chính trong việc cấp, phát, thu hồi, xử lý nguồn tài chính bị thất thoát do vi phạm trong lĩnh vực người có công với cách mạng.
Như vậy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cùng sự vượt khó vươn lên của người có công, đời sống của người có công và gia đình người có công ngày càng được nâng cao, đến nay có 99% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nơi cư trú./.
Đào Ngọc Lợi
Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục Người có công