Vương Mẫu Nương Nương là ai?
Vương Mẫu Nương Nương là một vị Thần trong Đạo giáo, và trong tín ngưỡng dân gian ở các nước Á Đông. Tuy nhiên, từ các thư tịch cổ cho thấy, Vương Mẫu xuất hiện với nhiều hình tướng khác nhau, vậy đâu mới là hình tướng chân thực của Vương Mẫu.
Những lần xuất hiện của Vương Mẫu Nương Nương
Chúng ta ai nấy đều biết đến Vương Mẫu Nương Nương tổ chức Hội Bàn đào ở Dao Trì, và chuyện đào Tiên dùng mời chư Thần bị Tôn Ngộ Không ăn trộm và phá vườn đào. Vương Mẫu Nương Nương ở Dao Trì khai bàn đào thịnh hội, mời các Thần Tiên, không ngờ bị Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không quấy rối bàn đào thịnh hội. Bàn đào do Vương Mẫu trồng rất thần kỳ, cây đào nhỏ ba ngàn năm chín một lần, người ăn thì thân thể nhẹ nhàng, thành Tiên đắc Đạo. Cây đào bình thường thì sáu ngàn năm chín một lần, người ăn thì bạch nhật phi thăng, trường sinh bất lão. Cây đào tốt nhất chín ngàn năm mới chín một lần, người ăn thọ cùng trời đất, thọ cùng nhật nguyệt. Vương Mẫu là nữ Thần tiên được tôn kính nhất Thiên Cung, ở trên trời, Vương Mẫu cai quản yến tiệc mời các Thần Tiên, ở nhân gian, Vương Mẫu cai quản hôn nhân và sinh con.
Chúng ta đều biết câu chuyện Hằng Nga bay lên cung trăng. Vợ chồng Hậu Nghệ Hằng Nga đều thành tâm hướng Đạo, và là người có căn cơ, nên được Tây Vương Mẫu ban cho Tiên đan để họ trở về Trời. Sau đó bỗng xuất hiện 10 mặt trời, khiến thế gian gặp tai họa. Hằng Nga bẻ đôi viên đan, nàng uống một nửa, và đưa một nửa cho Hậu Nghệ.
Có lẽ do Hậu Nghệ tâm đang đặt vào việc làm thế nào bắn 9 mặt trời, nên khi tiếp nhận nửa viên đan, chàng đã vô ý đánh rơi, chạm đất, nửa viên đan tan vỡ biến mất. Chàng ra đi bắn rơi 9 mặt trời, khi trở về, vào đúng dịp trăng tròn, thuốc đã khởi tác dụng, Hằng Nga đã một mình bay lên cung trăng. Hậu Nghệ biết là Thiên ý, chỉ bày hương án, trái cây, hoa tươi, và các loại bánh tế cung trăng. Từ đó, tục tế trăng, Tết Trung Thu bắt đầu dần dần lan ra dân gian.
Tháng 7 mưa Ngâu, ngày 7 tháng 7 âm lịch là ngày ông Ngâu bà Ngâu gặp nhau. Ngâu là âm đọc chệch của chữ Ngưu, là câu chuyện tình của Ngưu Lang (chàng trai chăn trâu) và Chức Nữ (cô gái dệt vải). Chức Nữ là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, đã đem lòng yêu chàng trai chăn trâu (Ngưu Lang) ở dưới trần gian, hai bên bèn kết duyên chồng vợ sống với nhau rất hạnh phúc. Sau đó, Ngọc Hoàng biết chuyện, sai Vương Mẫu nương nương (còn gọi là Tây Vương Mẫu) xuống trần gian bắt Chức Nữ về chịu tội. Ngưu Lang vô cùng đau khổ, nhờ con trâu giúp sức, đuổi theo lên trời, gần đuổi kịp thì bị Tây Vương Mẫu dùng cây trâm trên đầu vạch một đường thành sông Ngân Hà ngăn cách. Ngưu Lang, Chức Nữ bị Ngân hà cách trở, chỉ biết đứng nhìn nhau qua sông mà khóc. Sau này Tây Vương Mẫu thương tình, cho phép họ mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng 7 được đàn quạ dùng đầu của mình bắc cầu cho đôi tình nhân được gặp nhau. Câu nói dân gian quen thuộc của người dân Việt xưa là “Quạ trọc đầu bắc cầu Ô Thước” giúp Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau.
Còn trong câu chuyện của Đạo gia “Bát Tiên quá hải”, kể về 8 vị Tiên sau khi chúc thọ Vương Mẫu Nương Nương, được Vương Mẫu Nương Nương mở tiệc khoản đãi và ban cho đào Tiên, trên đường trở về thấy cảnh biển Đông Hải tươi đẹp hùng vĩ, nên cùng nhau dạo chơi trên biển.
Vương Mẫu Nương Nương xuất hiện khá nhiều trong các câu chuyện xưa, vây Vương Mẫu Nương Nương là ai? Vương Mẫu Nương Nương chính là Tây Vương Mẫu, cũng có tôn xưng là Kim Mẫu, Dao Trì Kim Mẫu, Tây Trì Cực Lạc Kim Từ Thánh Mẫu và các tôn xưng khác.
Vương Mẫu Nương Nương là vị Nữ Thần của Đạo gia, là vị Thần cổ xưa nhất trong văn hóa truyền thống Á Đông, cư trú ở Dao Trì (Hồ Ngọc) trên núi Côn Luân. Trong “Sơn hải kinh” có ghi chép rằng: “Phía Nam của Tây Hải có bờ biển Lưu Sa, phía sau Xích Thủy, phía trước Hắc Thủy, có ngọn núi lớn, tên gọi núi Côn Luân. Có vị Thần mặt người thân hổ, có vằn có đuôi, đều là màu trắng, cư trú trên đó. Dưới núi có vực Nhược Thủy bao quanh, bên ngoài có núi Viêm Hỏa, ném vật vào liền cháy. Có người đội thắng (vật trang sức trên đầu), răng hổ, đuôi báo, ở trong hang, tên gọi Tây Vương Mẫu”.
Hình tướng chân thực của Vương Mẫu Nương Nương
4300 năm trước xảy ra Đại hồng thủy trên phạm vi toàn thế giới, rất nhiều nền văn minh cổ như Trung Quốc, Hy Lạp, Ấn Độ, Maya, Lưỡng Hà đều lưu lại những truyền thuyết về Đại hồng thủy. Trong Kinh Thánh cũng có ghi chép câu chuyện con thuyền Noah. Khi đó, ở Trung Quốc là thời kỳ vua Nghiêu, khi hồng thủy xảy ra, thiên hà khuynh đảo, mưa lớn không ngừng, tứ hải chảy ngược, hồng thủy mênh mông tàn phá Hoàng Hà, nhà cửa và ruộng vườn. Vua Nghiêu một mặt sai người trị thủy, một mặt sai sứ giả là quan Đại tư nông Tắc, đến núi Côn Luân thỉnh cầu Vương Mẫu Nương Nương cứu giúp.
Quan Đại tư nông Tắc đến Dao Trì bái kiến Vương Mẫu Nương Nương, chỉ thấy Vương Mẫu Nương Nương để tóc bù xù, răng hổ chìa ra, kéo lê chiếc đuôi báo, khí thế uy nghi. Tây Vương Mẫu nói với Tắc rằng, hồng thủy lần này là Thiên ý, là định số, chư Thần hành sự đều phải tuân theo Thiên mệnh, nếu không thì sự việc cũng không thành công. Tây Vương Mẫu còn nói, hiện nay tình hình thiên tai dưới hạ giới vẫn chưa phải là lớn, còn có thiên tai lớn hơn nữa ở phía sau. Muốn trị thủy, cần chờ người trị thủy giáng sinh, 20 năm sau, thời cơ trị thủy mới đến, khi đó Vương Mẫu Nương Nương sẽ ra tay trợ giúp trị thủy.
Hôm sau, Vương Mẫu Nương Nương mở tiệc mời quan Đại tư nông Tắc, lúc này, hình tướng của Vương Mẫu Nương Nương rất xinh đẹp và từ bi, hoàn toàn khác mới hôm qua. Vương Mẫu Nương Nương nói với quan Đại tư nông rằng, diện mạo hôm nay mới là hình tướng thật của bà, vì những lời nói hôm qua là việc công, do đó cần mặc chương phục tiếp kiến. Vương Mẫu Nương Nương nói, bà là Hình quan của Thiên thượng, cư trú ở phương Tây, thiên tính khí mùa thu, chức trách cai quản việc thiên tai, dịch bệnh, ngũ hình và tàn sát của thế gian. Phương Tây thuộc Bạch Hổ, do đó chương phục là hình Bạch Hổ. Hôm nay yến tiệc, là việc riêng, do đó không ngại tiếp kiến bằng hình tướng thật.
Sau này khi Đại Vũ trị thủy, con gái của Vương Mẫu Nương Nương là Vân Hoa phu nhân vời Thần nhân Lục Đinh đến, hóa thành 9 con bò vàng, xẻ núi đồi, khai mở hơn 700 dặm Tam Hiệp Trường Giang. Sau khi trị thủy thành công, Đai Vũ chuẩn bị đến núi Côn Luân bái tạ Vương Mẫu Nương Nương, Vương Mẫu Nương Nương đã sai sứ giả đến nghênh tiếp Đại Vũ. Tại Dao Trì trên núi Côn Luân, Vương Mẫu Nương Nương phụng mệnh Thiên Đế mở tiệc thết đãi Đại Vũ và chư Thần. Vì đại đa số chư Thần triển hiện Thần tích hỗ trợ trong quá trình Đại Vũ trị thủy, do đó quần Tiên tụ hội, cùng chúc mừng trị thủy thành công.
Sách “Mục Thiên Tử Truyện” thời Xuân Thu ghi chép rằng: Khi Chu Mục Vương đi tuần du khắp thiên hạ trên cỗ xe 8 tuấn mã kéo do Tạo Phụ đánh xe, đến núi Côn Luân phía ở Tây, vua lấy ra ngọc bạch khuê, huyền bích và các ngọc khí khác để bái kiến Vương Mẫu Nương Nương. Ngày hôm sau, Vương Mẫu Nương Nương mở yến tiệc ở Dao Trì mời Mục Vương, cả hai đều làm một số câu thơ chúc phúc lẫn nhau.
Sách “Hán Vũ Đế nội truyện” của Cát Hồng, Đạo nhân kiêm học giả đời Tống viết rằng: Hán Vũ Đế tin tưởng Đạo giáo, nghe nói mùng 7 tháng 7 (là ngày Thất tịch), Tây Vương Mẫu sẽ xuống điện nên vội vàng bày biện nghênh tiếp. Vào ngày đó, đúng canh hai, Tây Vương Mẫu ngồi xe mây màu tía xuống điện, gặp gỡ Hán Vũ Đế. Khi Tây Vương Mẫu gặp gỡ Hán Vũ Đế, bà đãi ông một buổi tiệc linh đình, tặng cho ông 7 viên đào tiên. Đào tiên của Tây Vương Mẫu được gọi Bàn đào, được gieo trồng ở vườn đào trên núi Côn Luân, có công hiệu trường sinh bất lão. Truyền thuyết chỉ cần ăn một trái đào tiên là có thể đủ kéo dài ba ngàn năm tuổi thọ. Hán Vũ Đế không thể tận dụng và học hỏi được các phép thần thông của bà và không thể đạt được đến sự bất tử như mong muốn.
Trong Thần hệ Đạo giáo chính thống, Vương Mẫu Nương Nương là âm khí tiên thiên ngưng tụ mà thành, là Chúa tể của tất cả nữ Tiên, cai quản Côn Luân Tiên Đảo. Mà tất cả nam Tiên đứng đầu là Đông Vương Công do khí dương tiên thiên ngưng tụ mà thành, cai quản Bồng Lai Tiên Đảo.
Vương Mẫu Nương Nương còn xuất hiện với hình tướng Bạch Hổ, là vị Thần của phương Tây, một trong Tứ phương Thần: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Vậy nên, khi đọc các trước tác ở các thời kỳ khác nhau miêu tả Vương Mẫu Nương Nương, thì đó là hình tướng mà Vương Mẫu xuất hiện trước mặt thế nhân tại thời điểm đó, còn hình tướng chân thực có lẽ là hình tướng mà quan Đại tư nông Tắc của vua Nghiêu đã gặp và miêu tả.
Trung Hòa
(T/h)